Bài viết này không có một Graphic Designer, Filmmaker hay 3D Artist, chỉ có một người “viển vông” và “đồng nát”, không thích mơ mà chỉ thích biến những giấc mơ thành hiện thực
“Alo, Hoa Trung ơi, thời gian sắp tới em vẫn ở Hà Nội chứ?
“Ngày kia em sẽ vào Sài Gòn làm dự án một tháng chị à.”
“Vậy có kịp gặp nhau chút không em….”
Cuộc điện thoại vào lúc 16h chiều của chị Vân (Phòng Đào tạo) giúp tôi có cơ hội gặp gỡ anh Hoàng Hoa Trung vào ngay sáng ngày hôm sau. Không giống như mọi khi, gương mặt cựu học viên Arena lần này tôi được giao phỏng vấn chẳng phải nhà Thiết kế, Làm phim hay dựng Kỹ xảo. Anh vừa mới lọt vào danh sách 30 Under 30 do Forbes Việt Nam bình chọn, trên cương vị của một nhà Hoạt động tình nguyện có nhiều đóng góp tích cực cho xã hội. Suốt ba tiếng đồng hồ, tôi bị cuốn vào các dự án anh đang theo đuổi, về hành trình sáng tạo và viết ra những câu chuyện cổ tích đời thường cho trẻ em vùng cao.
Hoàng Hoa Trung – Cựu học viên trường Đào tạo Mỹ thuật Đa phương tiện Arena Multimedia – Gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu 2019 về lĩnh vực Hoạt động Xã hội – Sáng lập và điều hành dự án Ánh sáng Núi rừng và Nuôi em – Dự án xây trường và nuôi cơm cho trẻ em vùng cao – Forbes 30 Under 30 hạng mục Hoạt động Xã hội & Doanh nghiệp Xã hội |
Đặt những hòn sỏi nhiều màu sắc lên bàn, anh Trung hồ hởi khoe với chúng tôi: “Dự án mới của mình đấy, mang tên là “Em Hoa”, các họa sĩ cùng chung tay vẽ chân dung những em học sinh trên bản rồi bán đấu giá, tiền kiếm được sẽ dùng để xây trường.”
Nếu có cách nào để các em nhỏ dân tộc thiểu số thoát khỏi cảnh mù chữ, chẳng phải vì đói mà bỏ học thì nó sẽ không bắt đầu từ những lời động viên tinh thần mang tính hình thức, mà từ chính những người như Hoàng Hoa Trung.
Hành trình “làm thiện nguyện cả đời” của anh giống như câu chuyện về những điều phi thường nhỏ bé, bắt đầu từ chàng trai 18 tuổi từ chối học Đại học, mang theo nỗi chênh vênh và sự hoài nghi về bản thân rằng mình thực sự tồn tại để làm gì. Thời điểm đó, việc tham gia các hoạt động tình nguyện như chiếc “phao cứu sinh” mang anh ra khỏi vòng băn khoăn cứ mãi luẩn quẩn.
“Với mình, mỗi người có một đam mê, sở thích cháy bỏng để theo đuổi, để được sống chứ không chỉ tồn tại, và sở thích nào có lợi cho người khác thì mình ưu tiên nó hơn. Có người bảo, làm hơn 11 năm rồi, lo cho bản thân đi, đừng tình nguyện nữa, mình đáp: Tại sao phải dừng? Khi mọi thứ vẫn tốt? Mình đã chuẩn bị một cuộc sống hậu lấy vợ và có thể tham gia tình nguyện cả đời. Tại sao lại là tình nguyện, bởi vì mình chỉ là cầu nối chứ lấy đâu ra tiền mà từ thiện.”
Nhắc đến Hoa Trung là nhắc đến Nuôi em – Một dự án nuôi cơm dành cho lũ trẻ vùng cao không thể tiếp tục tới trường vị bận “đi kiếm ăn”. Anh kể: “Buổi sáng đi học 20 trẻ thì buổi chiều chỉ còn 4, mình quyết định theo gót các em sau giờ tan lớp ban sáng mới biết là trẻ nhà xa, nghèo tới mức không có cơm nên phải vào rừng đào măng về luộc ăn lót dạ vì bố mẹ còn bận lên nương. Nhiều bé nhà xa 4 – 5 cây số, tới lớp cũng mất 2 – 3 tiếng cuốc bộ đường rừng quanh co.” Một ý tưởng chợt lóe lên và không lâu sau, “Nuôi em” ra đời: “Tích tiểu thành đại, chúng mình tạo ra dự án Nuôi em 1-1, nghĩa là cứ một người sẽ nuôi một em. Người nhận nuôi được cung cấp thông tin và theo dõi quá trình phát triển của em nhỏ trong một năm cam kết. Mỗi tháng người nhận nuôi đóng 150.000đ cho em, mỗi năm là 1.400.000đ.” – Anh Trung chia sẻ
Nhẩm tính một loáng, trên gương mặt chàng trai vừa tròn 30 tuổi ánh lên niềm vui khó tả: “Cuối năm 2019, đã có 12000 em nhỏ được nuôi rồi, năm nay mình hy vọng con số đó sẽ tăng lên thành 20000 với 12 đến 15 điểm trường được xây mới nữa.”
Anh Trung tự nhận mình là “kẻ viển vông”, nhưng liệu có kẻ viển vông nào thêm được thịt vào phần cơm của hàng nghìn đứa trẻ miền núi suốt mấy năm qua. Tôi nghĩ, nên gọi anh là kẻ viển vông mang trái tim ấm nóng, bởi mỗi lần nhắc đến những đứa trẻ khó khăn, giọng anh lại run run và đôi mắt chỉ chực trào nước: “Đợt tụi mình bán quần áo cũ giá 2000 nghìn đồng/chiếc, có thằng bé lượm ve chai chọn được nhiều đồ lắm, nhưng nó cứ đứng tần ngần vì chỉ có vỏn vẹn 2000 trong tay. Lúc mình bảo con cứ cầm về đi, chú cho con hết. Nhìn bóng chạy lon ton, tự dưng thấy vui lạ”.
Tôi biết một chút về anh trước cuộc gặp gỡ này qua lời kể của chị Vân. Hơn mười năm trước, anh là một Arenaite chính hiệu – chàng trai mà theo nhận xét của số đông mọi người lúc đó là “thừa năng lượng và vô cùng cá tính.” Ngần ấy thời gian, dường như chẳng có gì thay đổi ở một Hoàng Hoa Trung tuổi 30: tóc dài cột gọn, chân đi boot cổ cao, mặc quần vải đũi ống rộng, cái chất nghệ sĩ cứ thấp thoáng đâu đây – một nghệ sĩ miền núi thích nuôi em và xây trường:
“Mình là người hay làm những việc “trái khoáy”. Nhiều người nói con trai phải cắt tóc, phải mặc đồ nghiêm chỉnh; phải lobby tiền cho xã để làm dự án này, dự án kia, mình không làm. Mình chỉ làm những điều mình cho là đúng.”
Đang mê mải kể về những dự định sắp tới, bỗng anh dừng lại bảo: “Arena chắc là mảnh đất của những kẻ “điên” em ạ.” Thấy tôi giật mình trước câu nói chưa biết là đùa hay thật, anh vội giải thích: “Ý mình là môi trường ở đây không ép buộc mình phải trở thành ai mà có thể tự do để phát triển thế mạnh bản thân, để phát biểu ý kiến và những kiến thức mình học được, mình vẫn ứng dụng cho tới tận bây giờ.”
Mọi người thấy Hoàng Hoa Trung xuất hiện nhiều với “Nuôi em”, nhưng ít ai biết rằng anh còn đứng sau vô số dự án gây quỹ thành công khác. Đó là “Dũng sĩ bạt”, “Ve chai niềm tin”, là hàng loạt dự án bán bảo hiểm xe máy không mất vốn, bán nông sản cho bà con, bán đất phù sa sông Hồng miễn phí nguồn cung cấp. Tôi thắc mắc, chàng trai này lấy đâu ra ngần ấy ý tưởng hay ho đến thế, hay chính sự sáng tạo trong cách làm tình nguyện đã khiến anh trở nên khác biệt.
“Thật ra, câu chuyện sáng tạo là câu chuyện đi nhặt nhạnh chất liệu và ghép nối chúng sao cho hợp lý nhất, khi mình có kỹ năng tốt cộng với phương pháp khoa học, mình có thể làm được rất nhiều việc mà bản thân không thể tưởng tượng được.” – Hoàng Hoa Trung cười bảo.
Anh chỉ tôi mấy tấm postcard giới thiệu các bé cần nuôi cơm: “Mình thiết kế đấy, mất có 30 phút để lên ý tưởng và thực hiện trong đêm”. Nhiều người nói anh học và làm những thứ chẳng mấy liên quan tới nhau, nhưng ngẫm ra mới thấy hợp nhau đến lạ. “Thiết kế liên quan rất nhiều đến ý tưởng, bởi nó giúp khai thác ý tưởng bên trong khi dùng phương tiện để thể hiện nó ra bên ngoài. Mình thấy các bạn trẻ ngày nay cứ hay nghĩ sáng tạo khó khăn quá, nhưng thực ra ai cũng có thể sáng tạo, chỉ cần công thức mà thôi.”
Vận dụng những kỹ năng được học trước đây ở Arena Multimedia một cách sáng tạo, anh tạo ra những ấn phẩm cho dự án của riêng mình. Với anh, chẳng có thứ gì gọi là học cho có, học xong bỏ đó. Dân sáng tạo đâu chỉ gói gọn trong những ngành nghề nhất định, những danh xưng mỹ miều và hào nhoáng như truyền thông vẫn đăng tải. Hoàng Hoa Trung cho tôi biết về một phương diện mới của khái niệm sáng tạo, rằng trong bất kỳ lĩnh vực nào, khối óc cũng cần liên tưởng và biết cách mộng mơ để “Chuyển ước mơ thành: MỤC TIÊU và tìm cách, thử liên tục làm cho bằng được nó.”
“Năm nay anh có dự định gì chưa?” – Tôi hỏi
Anh Trung cười hì hì: “Vẫn nuôi cơm các em và miệt mài đi gom tiền lẻ xây trường qua dự án Sức mạnh 2000, chỉ với 2 nghìn đồng mọi người đóng góp mỗi ngày sẽ có hàng trăm trường tạm, hàng trăm cây cầu, hàng chục nghìn nhà nhân ái được xây dựng. Việc trở thành Forbes 30 Under 30 giúp mình kết nối với nhiều người hơn, cùng với họ, mình sẽ giúp thêm được cho nhiều em nhỏ nữa.”
Những câu chuyện không đầu không cuối kéo dài đến hơn 12 giờ trưa, anh ấp ủ dự định gặp gỡ các bạn trẻ và muốn Arena Multimedia làm cầu nối, tại đó, anh sẽ kể với các bạn về cách khơi gợi tiềm năng sáng tạo trong mỗi con người và làm thế nào để phá bỏ nỗi tự ti, mặc cảm của bản thân. Anh bảo những kết quả anh đạt được, báo chí nói nhiều rồi, nếu được chọn một câu chuyện để kể cho các bạn trẻ giống mình 10 năm trước, anh muốn nói nhiều hơn về hành trình tìm kiếm và thực hiện đam mê.
Trước khi rời đi, chúng tôi đã kịp lên các gạch đầu dòng cho những dự án kết hợp sắp tới. Ngày hôm nay, khi hoàn thành bài viết này, tôi nhận được tin vui rằng đã có thêm 150 em bé được nhận nuôi và những ngôi nhà tình thương đang bắt đầu khởi công xây dựng. Anh vẫn miệt mài xách balo đi dọc miền rẻo cao nhưng hứa rằng sẽ không quên cái hẹn về một dự án thiện nguyện dài hơi cùng Arena Multimedia vào tháng 6 này.
Bài viết: Giang Hoàng
Thiết kế: Nguyên Lê