Bạn cần nhiều yếu tố để trở thành một Freelancer chuyên nghiệp, trong đó “Thái độ quyết định rất lớn đến năng suất làm việc. Hãy nhớ, bạn không làm vì được nhờ, bạn làm vì trách nhiệm bản thân và những bài học cho tương lai sau này.” Anh Hoàng Ngọc Dũng – Giám đốc điều hành ColorMedia., JSC đã nhấn mạnh điều này rất nhiều lần trong Workshop: Freelancer – Nên hay không nên? Tại sự kiện, vị diễn giả vui tính cũng đã giúp nhiều bạn trẻ tìm ra đáp án cho những câu hỏi còn bỏ ngỏ. Ngay bây giờ, hãy cùng Arena khám phá câu chuyện về nghề Freelancer và hơn thế nữa.
Em vừa mới tốt nghiệp Đại Học tám tháng, trước đây ngành học của em khá khô khan, vì thế em đã quyết định đăng ký học thêm về thiết kế đồ họa. Hiện tại, em đang đảm nhận vị trí Designer cho một công ty nhưng em muốn hỏi, nếu trong thời gian tới em muốn mở một doanh nghiệp riêng của mình thì anh có lời khuyên gì dành cho một người trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm không?
Mr. Hoàng Ngọc Dũng: Việt Nam đang trong giai đoạn quốc gia khởi nghiệp, ai cũng thích khởi nghiệp và đến cả bản thân tôi cũng đang nuôi nhiều giấc mơ về nó. Vậy đâu là thời điểm thích hợp để mở doanh nghiệp, đầu tiên là khi sản phẩm mình định làm đáp ứng được một nhu cầu nào đó của thị trường. Thị trường cần – bạn sẽ có đất sống, hoặc sản phẩm của bạn phục vụ cho một tệp khách hàng riêng. Ví dụ như có một số người chỉ nhận thiết kế sản phẩm riêng cho các nhà hàng. Sản phẩm – nhu cầu thị trường thật chứ không phải sản phẩn – trend bởi chạy theo trend không giúp bạn tồn tại lâu dài.
Sau khi đã có thị trường thì bạn cần thêm cái gì?
+ Đó là thế mạnh cá nhân
+ Đó là khả năng hoạch định chiến lược, quản lí tài chính
+ Đó là chiến lược Truyền thông – Marketing
+ Đó là định hướng và dẫn dắt đồng đội
Nhiều khán giả có mặt tại Workshop từ rất sớm.
Em đã thích lĩnh vực thiết kế đồ họa từ năm lớp 12, đến nay thì em đang freelance cho một Studio về dạy nhảy. Em muốn hỏi khi anh đã có kinh nghiệm làm một freelancer và khi anh mở một doanh nghiệp thì anh suy nghĩ như thế nào về công việc của mình. Đồng thời, sứ mệnh doanh nghiệp của anh là như thế nào?
Mr. Hoàng Ngọc Dũng: Tôi sẽ trả lời suy nghĩ khi làm một Freelancer trước nhé. Làm gì cũng cần phải hết mình, bởi khi bạn hết mình thì bạn sẽ được trải nghiệm khá nhiều thứ trên con đường đang theo đuổi. Bạn là freelancer, bạn được tiếp xúc với khách hàng, nhận yêu cầu sản phẩm và phản hồi, đó là cách bạn tích lũy kinh nghiệm, hoàn thiện bản thân. Tôi mất 10 năm để không ngừng trau dồi kiến thức về các lĩnh vực khác nhau, giai đoạn đầu tôi chỉ tập trung vào sản phẩm, không biết truyền thông là gì, thu chi tài chính ra sao. Vì vậy tôi hy vọng các bạn có thể mở rộng thế giới quan, học từ khách hàng, học từ đồng nghiệp, học ở khắp mọi nơi.
Câu hỏi thứ hai về sứ mệnh doanh nghiệp, thực ra trong quá trình học về thương hiệu ai cũng muốn có sứ mệnh, tuy nhiên chúng ta đừng quá vội vàng ở phần này trong giai đoạn đầu tiên. Nếu mới bắt đầu làm, hãy luôn tâm niệm phải tạo ra kết quả tốt nhất. Sứ mệnh phải xuất phát từ bản thân đầu tiên, bởi khi bạn lo được cho mình thì bạn mới có thể lo được cho người khác. Sứ mệnh và tầm nhìn của một doanh nghiệp, nó chỉ được gọi tên đúng nghĩa ở giai đoạn 5 năm trở đi. Thành thật mà nói, bây giờ ColorMedia mới có một tầm nhìn, còn trước đó tôi chỉ tập trung vào:
– Thứ nhất sản phẩm phải tốt
– Thứ hai làm sao chi tiêu đừng để hao hụt
– Thứ ba tập trung để mọi người biết đến mình nhiều hơn
– Thứ tư là cùng anh em sẵn sàng với mình “chiến đấu” để tìm chân trời nào đó.
Đó là bốn điều tôi luôn theo đuổi và vẫn đang hoàn thiện theo sứ mệnh và tầm nhìn mà ColorMedia đã đề ra.
Một trong những vấn đề mà các bạn khán giả đặc biệt quan tâm chính là đến bao giờ thì nên chuyển hướng từ Fulltime thành Freelancer nếu đã có dự định từ trước.
Đứng trên gốc độ của mình thì theo anh, một công ty truyền thông nhỏ nên tập trung vào Truyền thông – Marketing và xây dựng nền móng tài chính vững chắc hay nên đầu tư vào chất lượng dịch vụ, sản phẩm của mình hơn?
Mr. Hoàng Ngọc Dũng: Trong kinh doanh có hai dạng doanh nghiệp là: Doanh nghiệp trách nhiệm hữu hạn và Doanh nghiệp cổ phần, tôi nghĩ bạn có thế mạnh ở cái gì thì nên làm tốt ở cái đó. Trước đây ra đi làm tôi chuyên chuyên về sản phẩm, nếu tôi gặp được một người làm tốt về tài chính, Marketing thì kết hợp lại sẽ rất tuyệt, thế nhưng không bao giờ có cái gì quá thuận lợi mà lại dễ dàng cả. Phải khi bạn thực sự sở hữu cái gì đó khác biệt hoặc bạn có ý chí quyết tâm cao thì hãy bắt đầu làm, và bắt đầu ở đây là từ thứ mình giỏi nhất, tốt nhất, tự tin nhất.
Bên cạnh những câu hỏi về Freelancer là những câu hỏi liên quan đến “Star – up”.
Ví dụ em là một Freelancer, em có những sản phẩm rất nổi bật, rất độc đáo. Tuy nhiên những sản phẩm đấy sau khi được tung ra thì sẽ xảy ra trường hợp bị người khác ăn cắp ý tưởng. Vậy làm cách nào để người làm Freelance có thể tránh khỏi tình trạng ấy và bảo vệ được đứa con tinh thần của mình?
Mr. Hoàng Ngọc Dũng: Nói về mặt pháp luật, bạn sẽ phải đi đăng ký bản quyền cho sản phẩm sáng tạo của mình. Hoặc bạn phải truyền thông về sản phẩm ấy thật mạnh để nó trở thành số một. Tôi xin khẳng định trên thị trường hiện nay không có một sản phẩm nào là không vay mượn ý tưởng, không một sản phẩm nào là không bị trộm cắp. Khi đã truyền thông, hãy chọn ra những điểm đặc biệt trong sản phẩm mà ít người làm được. Tôi đã từng gặp phải tình huống như vậy, khi thuyết trình ý tưởng, báo giá xong xuôi thì dự án lại cancel vì khách hàng đổi ý, một tháng sau thấy Ideas Concept của mình nằm chễm chệ trên các kênh truyền thông . Tôi hy vọng sau này các bạn đi làm, hãy thẳng thắn trao đổi để không chịu thiệt.
Sự kiện là nơi các bạn trẻ tìm thấy câu trả lời cho những thắc mắc của bản thân.
Em đang học Thiết kế đồ họa kỹ xảo tại trường Đại học Sân khấu điện ảnh, khá may mắn bởi được gia đình cho phép theo đuổi Freelance. Trong ba năm qua, em vẫn đi theo một doanh nghiệp để học các kiến thức đa ngành nghề, trong lúc đó em cũng trau dồi thêm kỹ năng bản thân về cả thiết kế và dựng phim, quay phim. Hiện tại em cảm thấy mình có góc nhìn khá đa dạng. Em thắc mắc rằng, ở thị trường Việt Nam có nhiều cơ hội như thế nhưng vẫn còn thiếu chuyên nghiệp hơn thị trường nước ngoài, vậy em có nên bắt đầu phát triển mình ra hướng nước ngoài hay không, thông qua du học chẳng hạn?
Mr. Hoàng Ngọc Dũng: Tôi muốn đính chính lại một chút, môi trường Việt Nam không phải là không chuyên nghiệp, có thể đâu đó những cái doanh nghiệp bạn đang tiếp cận, những chuyện em đang tiếp cận nó chưa được chuyên nghiệp mà thôi.
Tiếp nữa, tôi muốn chia sẻ một câu chuyện thực tế rằng đã có rất nhiều người đi học nước ngoài về và không làm việc được tại Việt Nam vậy nên đặt tình huống ấy ngược lại vào bạn cũng rất khó để thực hiện. Thay vì như thế, tại sao chúng ta không tự trở thành một cá thể chuyên nghiệp, cùng cố gắng xây dựng một tập thể chuyên nghiệp.
“Ngành nghề nào cũng cần sự nhiệt huyết và cái tâm đối với công việc”
Trong số những chia sẻ vừa rồi, em thấy anh chưa đề cập đến vấn đề ngoại ngữ, vậy ngoại ngữ tốt có giúp một freelancer tăng cơ hội hơn trong một thị trường việc làm cạnh tranh gay gắt như hiện nay hay không?
Mr. Hoàng Ngọc Dũng: Tôi nghĩ trong thời đại ngày nay ngoại ngữ là cái cơ bản mà bất cứ ai cũng cần phải có. Ngoại ngữ rất quan trọng, đơn cử như tôi tìm kiếm tài liệu học thêm cũng phải tìm các nguồn của nước ngoài, bởi nó đầy đủ, mới mẻ, bài bản và có hệ thống. Bạn có ngoại ngữ, vòng kết nối công việc quốc tế của bạn sẽ nhiều hơn, bạn có cơ hội trải nghiệm project tại với các khách hàng nước ngoài, bạn không phải rụt rè khi nhìn vào tờ miêu tả công việc yêu cầu tiếng anh. Tôi khuyên các bạn nếu đang còn thời gian thì hãy trau dồi nó thật tốt.
Mỗi câu hỏi là một cánh cửa mở ra những câu chuyện thú vị về thị trường việc làm ở Việt Nam.
Em đã có ba năm kinh nghiệm làm Designer, hiện tại cũng nhận được khá nhiều việc vậy em có nên chuyển từ Fulltime sang Frelancer hoàn toàn hay nên tạo một Strar-up riêng?
Mr. Hoàng Ngọc Dũng: Thành thật là trước khi nghỉ Fulltime để chuyển sang Freelance, tôi phải mất khoảng 3 tháng suy nghĩ. Liệu có đúng đắn khi đang có công việc với mức lương ổn định không? Liệu có đủ tiền để sống không? Bạn phải tự hỏi xem mình đã thực thực sự sẵn sàng hay chưa? Tiếp theo hãy nhìn vào số lượng đầu việc bạn đang có, tương lai liệu có đảm bảo rằng sẽ vẫn giữ được phong độ và tiếp tục phát triển. Bạn cũng cần có chiến lược để phát triển, quảng bá thương hiệu cá nhân đến với mọi người để mở rộng nhóm khách hàng. Các bạn có thể một mình một chiến tuyến trong vòng hai ba tháng đầu nhưng tôi xin cam đoan sẽ không thể trụ vững trong vòng một năm, các bạn buộc phải có cộng sự , những người phù hợp để tiếp tục con đường này. Nếu trường hợp xấu nhất xảy ra – bạn thất bại, hãy xem đó như bài học xương máu để không mắc lại.
Em chỉ mới là sinh viên năm nhất của trường Đại học Bách Khoa, vì vậy chưa có nhiều kinh nghiệm ứng tuyển. Hy vọng anh có thể cho em lời khuyên trong cách làm CV để thuyết phục nhà tuyển dụng?
Mr. Hoàng Ngọc Dũng: Có hai cách để làm CV:
Cách thứ nhất là bạn có kinh nghiệm gì thì bạn cứ đưa ra
Cách thư hai là bạn hãy thử tìm hiểu nhu cầu của các doanh nghiệp đang cần gì và mình có thể đáp ứng được họ hay không
Đứng trên lập trường là nhà tuyển dụng, tôi thích cách thứ 2 hơn, bởi nó đánh thẳng vào điều tôi cần, tôi muốn và tôi hy vọng sẽ tìm được ở một ứng viên.
Workshop kết thúc trong không khí ấm cúng.
Freelancer đang trở thành một lựa chọn phổ biến của giới trẻ. Thế nhưng làm freelancer không đơn giản chỉ ngồi bất cứ nơi nào mình thích và làm việc tự do mà sẽ phải đối mặt với rất nhiều áp lực đến từ khách hàng, dự án cũng nỗi lo “ế” hàng. Không có con đường nào dễ dàng, “chỉ sợ bạn không làm, không đi, còn nếu bạn chịu đầu tư công sức thì đường tới đích sẽ chẳng còn xa” – Diễn giả Hoàng Ngọc Dũng đã kết lại câu chuyện của mình như thế.
Giang Hoàng