Trưa ngày 10/5/2015 vừa qua, Arena Multimedia HCM đã tổ chức buổi hội thảo chuyên đề “The power of VFX – Khám phá kỹ xảo phim bom tấn”. Chính vì yêu thích về công nghệ kỹ xảo và những thắc mắc không biết hỏi ai về ngành kỹ xảo, các bạn trẻ đã đến tham gia chương trình khá đông để thỏa niềm đam mê ấy.
Những nhân vật chính trong buổi Hội thảo (từ trái sang phải): Thầy Nguyễn Thành Tâm – Phó giám đốc Arena Multimedia, Đạo diễn Việt Đặng, Chuyên gia âm thanh Lê Quang Đạo và Kỹ sư Phan Nguyên Vĩnh.
Rất đông các bạn trẻ yêu thích công nghệ kỹ xảo điện ảnh đến tham dự Hội thảo
Kỹ xảo điện ảnh (VFX) được xem là phép màu của thế giới hiện thực và người nghệ sĩ VFX chính là phù thủy đa tài. Ngày nay, ngành kỹ xảo có sức hút mãnh liệt đối với các bạn trẻ yêu thích công nghệ và điện ảnh. Chính sự biến hóa diệu kỳ đến ngỡ ngàng, những thước phim lung linh thật ảo, màn hành động thót tim cực kỳ nguy hiểm và cả sự xuất hiện của các nhân vật hư cấu, tất cả đã chiếm trọn tâm trí người xem, khiến họ không thể rời mắt khỏi màn hình dù chỉ 1 giây. Để khán giả dõi theo suốt chiều dài bộ phim là điều mà cả ekip làm phim mong chờ nhất khi đưa đứa con tinh thần của mình đến với khán giả. Và đó cũng chính là sự khát khao cháy bỏng, đau đáu của những người trẻ bước đầu tiến thân vào sự nghiệp làm phim. Ngoài kịch bản hay, diễn viên xuất sắc, ekip chuyên nghiệp thì công nghệ là yếu tố quan trọng không kém góp phần thành công của bộ phim, nhất là công nghệ kỹ xảo VFX đang dần được chú trọng trong kỷ nguyên điện ảnh hiện nay.
Kỹ xảo hình ảnh – Sự tương tác giữa thật và ảo
Visual Effects (F = Eff, X = Ect, viết tắt là Visual FX hoặc VFX) có thể hiểu đơn giản là kỹ xảo, hiệu ứng hình ảnh, thị giác (trong hậu kì điện ảnh/truyền hình/MV/TVC/game cinematic/commercial…).
VFX có 4 chức năng chính: tạo nhân vật ảo (có thể là ảo hoàn toàn hoặc dựa trên diễn viên), tạo môi trường ảo (xây dựng tòa lâu đài, mặt trăng, hành tinh khác…), tạo hiệu ứng và chỉnh sửa hình ảnh gốc (xóa dây điện, sửa màu cho phù hợp với tâm trạng nhân vật, bối cảnh diễn xuất…)
Việc tạo ra các kỹ xảo đặc biệt thực hiện bởi máy tính (CG) không hề đơn giản, mà đây là cả một quá trình căng thẳng, đòi hỏi vô số cuộc nghiên cứu và lao động miệt mài. Trong đó có: các nhà giám sát hiệu quả hình ảnh, các chuyên gia chỉ đạo kỹ thuật, các nhà phát triển phần mềm phục vụ công việc CG, các nhà khoa học, các nhà chỉ đạo nghệ thuật, các nhà sản xuất, nhà tạo hình mẫu, chuyên viên hoạt họa, các cameraman…
Kỹ sư Phan Nguyên Vĩnh – Giám đốc kỹ thuật – YAN TV chia sẻ về công nghệ kỹ xảo điện ảnh và những ứng dụng trong điện ảnh/truyền hình
Trao đổi về quy trình làm kỹ xảo phim, kỹ sư Phan Nguyên Vĩnh chia sẻ: “Quy trình thực hiện kỹ xảo sẽ chia thành 2 giai đoạn là thiết kế tiền kỳ và hậu kỳ. Phần tiền kỳ, đoàn làm phim sẽ chia thành nhiều nhóm lo về thiết kế, xây dựng phim trường, đi tiền trạm chọn cảnh quay thực tế, chuẩn bị các tiểu cảnh kỹ xảo CG khác nhau, tiểu cảnh liên quan đến diễn viên đóng thế, mô hình thật, âm thanh, ánh sáng… Khi việc sản xuất phim hoàn tất, họ sẽ chuyển sang giai đoạn hậu kỳ với các công việc như: số hóa những cảnh phim dùng kỹ xảo kỹ thuật, lồng ghép mô hình thu nhỏ với những cảnh quay thật, xóa đạo cụ và dây hỗ trợ thực hiện các cảnh quay nguy hiểm, dọn dẹp vệ sinh và chỉnh màu, kết nối tất cả cảnh quay dựa theo storyboard ban đầu, thêm nhạc nền và hiệu ứng âm thanh. Phim được hoàn chỉnh lần cuối, nhân bản, gửi kiểm duyệt.”
Người ta thường nói đùa “Nếu không có phông xanh, thì không có khái niệm về kỹ xảo điện ảnh”. Để giúp khán giả hình dung được chức năng phông xanh là gì, kỹ sư Phan Nguyên Vĩnh đã chứng minh khả năng biến hóa của kỹ thuật phông xanh thông qua phim trường ảo được dựng ngay tại Hội thảo.
Kỹ sư Phan Nguyên Vĩnh đem đến những trải nghiệm thực tế khi thực hiện kỹ thuật phông xanh ngay tại sân khấu
Kỹ sư âm thanh – “Nghệ sĩ thầm lặng” thổi hồn cho bộ phim
Để người xem trải qua từng cung bậc cảm xúc một cách trọn vẹn, các nhà làm phim phải có sự phối hợp hiệu quả, nhịp nhàng, mắt thấy tai nghe. Âm thanh có vai trò quan trọng, góp phần không nhỏ cho sự thành công của các bộ phim. Tuy nhiên, khán giả thường không chú ý đến những đóng góp của hiệu ứng âm thanh trong từng chuyển động. Phải chăng, đó chính là thành công của các kỹ sư âm thanh khi họ đã góp nhặt những âm thanh quá chân thật, khiến khán giả như đang sống giữa bộ phim, không nhận thấy sự khác biệt nào giữa phim và đời thật.
Chuyên gia âm thanh Lê Quang Đạo chia sẻ rất chân thành về nội dung “Những kỹ thuật âm thanh trong thế giới hiện đại”
Hệ thống âm thanh đang dần phát triển như vũ bão. Mưu cầu tự nâng trình độ mình lên, hòa hợp với người đạo diễn là một điều rất cần thiết đối với những kỹ sư thiết kế âm thanh. Hiệu ứng âm thanh trong phim ngày càng được chú trọng, chiếm tỉ lệ 2-3 giữa âm thanh và hình ảnh. Chẳng hạn trong bộ phim Gorilla, các nhà làm phim phải thực hiện hậu kỳ 6 tháng đến 1 năm cho phần âm thanh của con vật trong phim, dữ liệu lên đến 1400 track. Điều này chứng tỏ họ rất tôn trọng thực thể, tính thẩm mỹ và rõ ràng trong từng thanh âm.
Khán giả thắc mắc về những yêu cầu cần thiết của người làm về âm thanh
Để trả lời câu hỏi ấy, Thầy chia sẻ thêm: “Kỹ thuật âm thanh trong thế giới hiện đại ngày nay được xem là phương tiện để kể chuyện. Tùy vào mức độ xử lý cấp độ, người nghe có thể đoán được đâu là tiếng nói của con đường vào buổi sáng hay sự rung cảm nội tâm khi được thả vào khoảng không thinh lặng. Người làm công việc thiết kế âm thanh phải biết lắng nghe thật tinh tế những thứ xung quanh để đưa vào tác phẩm của mình, thuyết phục đại đa số người nghe, tạo cái hồn cho bộ phim và đạt đến cảm quan chung.”
Thực trạng nhân lực ngành kỹ xảo – Cung và cầu chưa đáp ứng cho nhau
Ngành kỹ xảo tại Việt Nam hiện nay dần được chú trọng và phát triển. Năm 2015 đánh dấu sự bùng nổ của hàng loạt phim Tết Việt ứng dụng kỹ xảo vào từng thước phim do chính bàn tay kỹ sư VFX Việt Nam thực hiện. Điều đó đã mở ra thời đại mới cho nền điện ảnh nước nhà. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho các nhà làm phim trong tương lai gần.
Đạo diễn Việt Đặng – Giám đốc Hãng phim Sơn An chia sẻ về nhu cầu nguồn nhân lực ngành kỹ xảo điện ảnh tại Việt Nam
Với sự phát triển không ngừng của công nghệ hiện đại, các bạn trẻ có nhiều cơ hội hơn để tiếp cận những phát minh tiên tiến, tìm hiểu những công cụ tối tân thuộc mọi lĩnh vực nói chung và ngành điện ảnh nói riêng. Nhưng chỉ biết cách sử dụng công nghệ không là chưa đủ, các bạn trẻ cần phải am hiểu về nghệ thuật, có ý tưởng sáng tạo, đầu tư sâu trong kịch bản thì tác phẩm mới thành công, chạm vào cảm xúc người xem.
Kỹ xảo điện ảnh là gia vị không thể thiếu trong các bộ phim bom tấn. Làm sao bạn có thể dung hoà gia vị ấy tạo nên một món ăn ngon, vừa lòng người xem là điều không hề dễ dàng. Có bạn đặt câu hỏi như sau: “Giữa việc học trên ghế nhà trường và trải nghiệm trong công việc thực tế, em nên chọn hướng đi nào là tốt nhất đối với ngành kỹ xảo điện ảnh?”.
Đạo diễn Việt Đặng đưa ra ví dụ khá rõ ràng về câu hỏi của bạn: “Cả hai hướng đi đều tốt nếu bạn muốn thực hiện đam mê của mình. Song, bạn sẽ mất thời gian nhiều hơn nếu tự mình mài mò tìm hiểu so với học chính quy tại trường lớp. Vì người kỹ sư VFX không chỉ làm việc với công cụ thiết bị vô tri vô giác, mà họ còn phải sáng tạo dựa trên ý tưởng, kịch bản ban đầu. Để làm được điều đó, bạn cần được đào tạo bài bản về các kiến thức nền như ngôn ngữ hình ảnh, kỹ thuật quay phim, ánh sáng, camera, vật liệu, xử lý âm thanh…”
Các bạn rất thích thú khi lắng nghe những chia sẻ quý báu của các bậc tiền bối đi trước
Và có cả những trầm ngâm về quyết định tương lai cho mình
Hiện nay, nguồn nhân lực ngành không ít nhưng số lượng người giỏi chuyên môn, vững tay nghề không cao. Đó là lý do vì sau các hãng phim luôn thiếu kỹ sư hình ảnh, âm thanh trong khi nhân lực bên ngoài khá dày đặc nhưng không đáp ứng đủ yêu cầu mà họ đưa ra. Cách tốt nhất để liên kết mối quan hệ giữa cung và cầu chính là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành, mở ra kỷ nguyên mới cho nền điện ảnh nước nhà.
Xem thêm hình ảnh của buổi Hội thảo tại đây.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Kỹ xảo điện ảnh – Gia vị không thể thiếu trong các bộ phim bom tấn Multimedia Talk: The power of VFX – Khám phá kỹ xảo phim bom tấn Multimedia Talk: Hội thảo chuyên đề Graphic Design