Kỹ sư âm thanh – người nắm phần hồn trong mỗi sự kiện. Họ phải thiết kế, lắp đặt hệ thống âm thanh sao cho thật chuẩn xác, cộng hưởng các hiệu ứng về tần suất, nhịp điệu âm thanh như thế nào để đẩy cảm xúc người nghe trầm bổng theo điệu nhạc là điều không dễ dàng. Yannick Alnet, Kỹ sư âm thanh người Pháp với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này sẽ chia sẻ thêm về lĩnh vực âm thanh trong Multimedia này.
Đôi nét về nhân vật
Yannick Alnet – chàng kỹ sư người Pháp chuyên ngành kỹ thuật âm thanh, từng đảm nhiệm nhiều vai trò quan trọng về kỹ thuật hiệu ứng âm thanh trong các chương trình giải trí khác nhau tại nhiều quốc gia trên thế giới. Cơ duyên đã đưa Yannick đến Việt Nam và xây dựng cuộc sống mới tại nơi đây cùng vợ và con gái. Hiện tại, anh vừa là kỹ sư âm thanh chuyên nghiệp, vừa là giảng viên đầy nhiệt huyết tại Arena Multimedia (giảng dạy bộ môn Thiết kế và Kỹ thuật âm thanh).
Anh tốt nghiệp 2 chuyên ngành Khoa học và Triết học tại Đại học Bordeaux, Pháp. Sau đó, anh tiếp tục hoàn thành chứng chỉ cấp độ 3 lĩnh vực quản lý sân khấu với chuyên ngành âm thanh. Từ đó, anh bắt đầu sự nghiệp của một kỹ sư – thiết kế âm thanh ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Trước khi sang Việt Nam, anh từng là giám đốc sân khấu, chuyên quản lý và phát triển nhóm sản xuất kỹ thuật tại Bordeaux (Pháp). Anh cũng là Giám đốc âm thanh tại rạp Quốc gia Bordeaux. Ngoài ra, anh còn làm việc tại Ý với vai trò kỹ thuật viên âm thanh.
Tại Việt Nam, anh từng đảm nhận vị trí kỹ sư âm thanh trong các chương trình và các sự kiện lớn được truyền hình trực tiếp như Patricia Kaas Live Show, Christophe Live Show, Huế Festival… Ở vai trò thiết kế âm thanh, Yannick tham gia vào sự kiện quảng bá của các nhãn hàng như: Tiger, Heneiken, Unilever, Samsung, Suzuki, Yamaha, Honda…
Song song đó, anh còn là giảng viên dạy kỳ III tại Arena Multimedia. Cùng lắng nghe những chia sẻ của anh qua cuộc trò chuyện sau.
Thưa anh, khởi nguồn từ đâu niềm đam mê âm nhạc và ước mơ trở thành kĩ sư âm thanh bắt đầu bén lửa?
Âm nhạc chính là niềm đam mê của tôi. Ở Pháp, vào mỗi cuối tuần, tôi cùng bạn bè thường lui đến các chương trình liveshow xem ban nhạc yêu thích biểu diễn và chìm đắm vào bữa tiệc âm nhạc. Chính những ngày tháng rong chơi ấy đã khuôn đúc trong tôi niềm đam mê cháy bỏng muốn tự tay thiết kế và sáng tạo ra những hiệu ứng âm thanh tuyệt vời.
Trong Patricia Kaas Live Show, người kỹ sư phải thiết kế âm thanh phù hợp và đẩy bậr phong cách âm nhạc pha trộn pop, cabaret, jazz (ảnh minh họa)
Trước những cơ hội nghề nghiệp lớn tại các quốc gia tiên tiến, vì sao anh lại chọn Việt Nam là nơi dừng chân của mình?
Tôi nghĩ Việt Nam đã chọn tôi và tôi cảm thấy thật may mắn vì điều đó. Tại đây tôi đã gặp vợ và lập gia đình. Sau kết hôn, tuy chúng tôi đã từng sống tại Pháp một thời gian nhưng vì những lý do khách quan, chúng tôi trở về Việt Nam và tiếp tục xây dựng cuộc sống cùng cô con gái bé bỏng.
Hiện nay, tôi vừa là kỹ sư, thiết kế âm thanh cho các chương trình trong và ngoài nước, vừa là người truyền lửa cho các bạn trẻ có cùng đam mê, sở thích tại Arena Multimedia. Tại Việt Nam, nhu cầu phát triển ngành kỹ thuật âm thanh nói chung và mỹ thuật đa phương tiện nói riêng đang dần phát triển và thu hút khá nhiều bạn trẻ. Bằng chứng cho thấy, hằng năm có hàng trăm chương trình ca nhạc, truyền hình lớn nhỏ được tổ chức khắp cả nước. Tôi nhận thấy đây sẽ là mảnh đất màu mỡ, đầy tiềm năng để tôi phát triển sự nghiệp sau này.
Hiện nay, ngành kỹ thuật âm thanh tại Việt Nam tuy khá mới mẻ nhưng thu hút các bạn trẻ bởi tiềm năng phát triển ngành đang dần tăng cao. Anh có thể giải thích rõ hơn về công việc của mình cũng như những kĩ năng cần có để tham gia lĩnh vực này?
Nhu cầu nghe nhìn hiện nay đang được chú trọng. Ngoài mặt hình ảnh thì sản phẩm truyền thông cần phải chú trọng đến những hiệu ứng âm thanh. Có thể nói, âm thanh là yếu tố quan trọng góp phần thành công cho các show diễn, chương trình truyền thông giải trí. Người nắm phần hồn ấy chính là các kỹ sư âm thanh. Họ phải thiết kế, lắp đặt hệ thống âm thanh sao cho thật chuẩn xác, cộng hưởng các hiệu ứng về tần suất, nhịp điệu âm thanh như thế nào để đẩy cảm xúc người nghe trầm bổng theo điệu nhạc là điều không dễ dàng.
Để làm được điều đó, một kỹ sư âm thanh cần có sự nhanh nhạy, tính chính xác, trí tưởng tượng mới lạ, ham học hỏi, tìm hiểu các phương tiện kỹ thuật tiên tiến. Ngoài ra, điều quan trọng nhất là phải có nền tảng kiến thức vững chắc để phát triển những kỹ năng trên.
Huế Festival luôn được giới chuyên môn đánh giá cao bởi kỹ thuật âm thanh ngoài trời chất lượng, mượt mà
Nhiều người lầm tưởng, chỉ cần dàn âm thanh tốt, nhạc chất lượng là đã tạo thành công cho sự kiện. Vậy vai trò của Kỹ sư âm thanh là như thế nào thưa anh?
Thị trường âm nhạc TP HCM đứng đầu cả nước ở quy mô cũng như chất lượng các show diễn. Tuy nhiên, những show diễn của các ca sỹ nước ngoài như: Patricia Kaas, Back Street Boy, Bi Rain, SNSD, Big Bang,… họ vẫn phải mang cả hệ thống âm thanh của họ từ nước ngoài sang để biểu diễn và kỹ sư âm thanh, ánh sáng hầu hết cũng được mời sang từ Singapore. Kỹ thuật âm thanh, ánh sáng là công việc sáng tạo khá quan trọng của công nghiệp sản xuất âm nhạc, điện ảnh, giải trí.
Sau thời gian giảng dạy tại Arena Multimedia, anh nhận xét như thế nào về chương trình học tại đây? Với lượng kiến thức được đào tạo, các bạn có khả năng đảm nhiệm vị trí kỹ sư âm thanh trên thực tế không?
Arena Multimedia là một trong ít trường đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực Mỹ thuật Đa phương tiện. Đa phần giờ học tại đây, các bạn sẽ vừa học vừa làm, vừa áp dụng những kiến thức của mình vào công việc hiện tại. Tôi nghĩ đây sẽ là nền tảng vững chắc về kiến thức lẫn kinh nhiệm tích luỹ để các bạn bước vào công việc sau này một cách dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, để áp dụng tất cả những gì đã học vào công việc thực tế, các bạn cần phải chủ động và sáng tạo hơn nữa. Với kinh nghiệm gần 12 năm trong nghề, tôi nhận thấy cách tốt nhất để phát triển khả năng làm việc, kỹ thuật của mình chính là sự chủ động học hỏi và tích cực sáng tạo ra những điều mới lạ.
Cảm ơn những chia sẻ của anh!
Quỳnh Như