Ngày hội trải nghiệm Designer thế hệ Z: Có gì và Cần gì chính là trạm dừng chân cuối cùng trong hành trình tìm kiếm và khai phá đam mê cho giới trẻ về Vẽ – Thiết kế – Nhiếp ảnh – Video.
Trong khuôn khổ ngày hội, ngoài được mãn nhãn với các tác phẩm triển lãm Show It NOW, trải nghiệm lớp học về vẽ minh họa và edit video, du hành xuyên thời gian từ quá khứ, hiện tại đến tương lai, thì các bạn còn được tham gia buổi trò chuyện đặc biệt với chủ đề “Designer thế hệ Z: Có gì & Cần gì” từ đại diện xuất sắc của thế hệ Y anh Tùng Juno và Gen Z thứ thiệt bạn Bùi Quang Vinh. Đây là một trong những chủ đề thu hút các bạn trẻ yêu nghề thiết kế tham gia, bởi lẽ, việc biến đam mê thành nghề và tạo ra nguồn thu nhập tốt từ đó luôn là ước mơ của nhiều bạn.
Khi thế hệ Y và Z gặp nhau, những câu chuyện về nghề Thiết kế được giãi bày
Bắt đầu tìm hiểu và đến với ngành thiết kế cách đây 12 năm, ở thời điểm khi mà khái niệm đồ họa là thứ gì đó mơ hồ. Anh Tùng Juno kể: “Khi đó chỉ có tồn tại hội họa, vẽ tranh, thiết kế thể hiện rõ nét nhất qua các biển quảng cáo, thậm chí hồi đó người ta còn không in ấn như bây giờ mà họ cắt chữ hay vẽ chữ. Trước khi quyết định theo đuổi công việc này, anh có khoảng thời gian làm ở một công ty quảng cáo, chỉ là một nhóm nhỏ thôi nhưng anh rất khâm phục sếp ở đây. Trong vòng 4 tháng thì công việc mà anh làm là quét nhà, chuẩn bị trà buổi sáng cho mọi người uống, đặt cơm hộp và đi mua giấy, vì công ty về thiết kế hồi đó kim luôn cả việc in ấn. Công việc khởi đầu của anh là như vậy, khoảng thời gian rảnh thì sẽ ngồi quan sát anh chị thiết kế, sau đó anh được làm một vài công việc liên quan hơn là ngồi nhập liệu, khi mọi người thiết kế tờ rơi hay các cuốn catalog thì anh sẽ lọc thông tin để mọi người thiết kế nhanh hơn. Đến tháng thứ 4 thì anh bắt đầu tiếp xúc nhiều hơn với công việc khi được ngồi cạnh thiết kế. Đó là những tiếp xúc đầu tiên của anh về Thiết kế Đồ họa, thời đó sản phẩm chủ yếu tập trung về graphic, một thứ có thể cầm nắm được nhưng về sau này nó đã thay đổi rất nhiều”.
Giống như câu chuyện của anh Tùng Juno, con đường theo đuổi đam mê của Vinh cũng lắm chông gai, thử thách, nhưng tin chắc dù ở thế hệ nào đi chăng nữa, nếu đã có mục tiêu và sự quyết tâm thì chắc chắn sẽ thành công. Khi hỏi về cơ duyên đến với nghề và có được kết quả hôm nay Vinh chia sẻ: “Mình biết đến khái niệm Thiết kế Đồ họa từ Cô giáo dạy Mỹ thuật, từ đó định hướng của mình được nung nấu cho đến khi vào cấp 3, chọn chuyên văn để thi vào khối H ngành Thiết kế. Rồi mình đi thi nhưng lại trượt Đại học Mỹ thuật, lúc đó tinh thần của khá suy sụp và cảm thấy con đường tương lai như đóng lại. Trong lúc bế tắc, mình vô tình biết đến Arena cũng có đào tạo về Thiết kế, nên mình bắt đầu tìm hiểu chương trình học của trường và quyết định thi vào để tiếp tục theo đuổi hoài bão của mình. Sau đó mình nhận được tin trúng tuyển từ trường Đại học Văn Lang, lúc đó cũng rối lắm vì phải đưa ra quyết định quan trọng cho tương lai, một là học Arena và không học ĐH, hai là không học Arena và học ĐH. Muốn học Arena nhưng bản thân cũng tò mò trường ĐH có gì thú vị, thế là đã có một quyết định khá liều lĩnh khi xin ba mẹ cho theo học cả hai trường, mình đã hứa sẽ cố gắng sắp xếp mọi thứ để có thể hoàn thành tốt chỉ cần gia đình tạo điều kiện để hoàn thành ước mơ”.
“Học hai trường rất nhiều áp lực, vì phải biết điều tiết thời gian học ở cả hai trườngcho hợp lý. Có những lúc mình học 7:00, phải chạy từ Nhà Bè lên Bình Thạnh để học, rồi 17:00 chiều tan ra, tranh thủ ăn uống nghỉ ngơi để 19:00 học tiếp. Mỗi ngày đều như vậy, cứ cố gắng, nếu không chịu được thì sau này ra đời làm sao đối diện được với nhiều áp lực lớn hơn. Đã ba năm trôi qua, những khó khăn đó đã làm động lực để mình đi tiếp đến hôm nay, có những quả ngọt đầu tiên trong sự nghiệp và ngồi ở đây chia sẻ câu chuyện của mình đến mọi người. Hiện tại thì mình đã tốt nghiệp tại trường Arena Multimedia và đang là sinh viên năm 4 trường Đại học Văn Lang cũng cùng chuyên ngành là Thiết kế Đồ họa. Mình đang là Art Director cho các sản phẩm của Idol Yuki San, một số sản phẩm gần đây mình thực hiện như: MV Yêu Rồi Đấy, MV Có một người ở đâu đó trong thành phố, MV Lễ nhà, Hội ta” – Vinh cho viết thêm.
Ngành Multimedia đang thay đổi mỗi ngày, làm sao để các thế hệ hòa nhập vào môi trường sáng tạo mới
Ngành Mỹ thuật Đa phương tiện đang len lỏi vào mọi mặt trong cuộc sống và bổ trợ cho tất cả các ngành nghề khác nhau, là cầu nối để các thương hiệu đến gần hơn với khách hàng mục tiêu. Chúng có âm thanh, hình ảnh, video, … tất cả những thứ đó hợp lại tạo thành những sản phẩm đẹp mắt, độc đáo, đa dạng, truyền cảm hứng và có thu hút lượt tương tác cao. Bạn có thể tìm thấy sản phẩm của chúng ở mọi ngóc ngách, từ vật dụng nhỏ nhất như cuốn sách, tạp chí đến điện thoại, máy tính, máy tính bảng, đến các loại biển hiệu quảng cáo ngoài cửa sổ, các trang web, phần mềm, các nội dung giải trí bạn đang xem và tương tác, …
Ở thời điểm hiện tại, ngành thiết kế đang đi song song cùng với sự thay đổi của truyền thông, tất cả những gì thời điểm này đang tập trung vào cuối cùng cũng chỉ có một nhu cầu là truyền tải thông điệp từ khía cạnh doanh nghiệp đến khách hàng hoặc thế mạnh ở mảng mà mọi người đang theo đuổi. Điểm khác biệt nhất chính là có rất nhiều định dạng mới từ sự thay đổi này của ngành, tạo ra nhiều sân chơi để Designer các thế hệ dễ dàng tiếp xúc, lựa chọn để nâng cấp và phát triển kỹ năng theo xu hướng mới.
Chính vì thế, để có thể hòa nhập mà không hòa tan, đòi hỏi mỗi người phải chủ động cập nhật và tạo ra xu hướng mới đến cộng đồng nhờ vào sản phẩm của mình. Chỉ có tự làm mới mình thì mới có thể trụ vững và phát triển trong thế giới multimedia đầy cạnh tranh và luôn đổi thay mỗi ngày này.
Làm thế nào để biến đam mê thành nghề và tạo ra được thu nhập từ nó
Điểm khác biệt lớn nhất của các bạn trẻ hiện nay ở chỗ dám nghĩ – dám làm – dám thay đổi. Hãy nhớ, khi bạn bước chân vào một lĩnh vực mới, hãy bình tĩnh, kiên nhẫn, tìm tòi thử sức với nhiều mảng khác nhau, nếu không phù hợp thì không cần phải cố gắng, hãy để sức lực và trí tuệ vào những cái khác hay ho hơn. Và sau một giai đoạn thử sức, các bạn sẽ có góc nhìn cụ thể hơn về hướng đi sắp tới cho tương lai của mình.
Cần xây dựng thương hiệu cá nhân cho riêng mình. Dù bất cứ mảng nào, từ làm MV, Graphic, làm phim, games, thiết kế Web, … nên tạo sản phẩm cho mình bỏ vào Portfolio. Khi làm ra sản phẩm, không nên để bản thân ngồi ngắm một mình mà hãy đăng lên các diễn đàn, trang cá nhân để bạn bè xem, góp ý, từ đó sẽ hình thành xu hướng thương mại cho sản phẩm. Giai đoạn đầu, làm ra 10 đến 20 tấm poster không ai quan tâm, nhưng đến một ngày nào đó sẽ có người tìm đến bạn, dù chi phí thấp nhưng chúng ta sẽ bắt đầu từ những cái nhỏ như thế này để đi lên dần dần. Đặc biệt lưu ý, ngoài kiến thức chuyên môn và kỹ năng, cần tìm hiểu thêm các kiến thức về marketing, truyền thông, môi trường xung quanh, sự chuyển động của ngành, …
Còn theo Vinh, để có thể trở thành một nhà thiết kế chuyên nghiệp ngoài kỹ năng chuyên môn ra cần phải biết thêm nhiều kỹ năng kiến thức khác bổ trợ thêm: Vẽ tay, chụp và chỉnh ảnh, quay và dựng video, … những kỹ năng này sẽ là hành trang rất là quan trọng lớn giúp cho nghề chính của mình phát triển nhiều hơn. Như làm ra một logo trên giấy thật đẹp, nếu biết thêm về làm 3D thì mình có thể áp dụng thêm cho logo đấy thêm sinh động hơn, như thế sẽ gây ấn tượng thêm với khách hàng, từ đó thể hiện năng lực, và tạo ra cơ hội phát triển nghề nghiệp cho mình.
Designer thế hệ Z hiện đang có gì và cần chuẩn bị gì cho mình trong tương lai
Các bạn trẻ thế hệ Z hiện đang có ưu thế so với các thế hệ trước về ngôn ngữ sáng tạo, là những người rất dễ bắt xu hướng mới nhờ sự phát triển của công nghệ và truyền thông, đặc biệt các bạn đã biết biến yếu tố cá nhân thành lợi thế, ưu điểm riêng cho chính mình.
“Thế hệ Z là các bạn sinh năm 1996 trở đi, ở đây anh đại diện cho thế hệ Y, là thế hệ bắt cầu cho đàn em thế hệ Z như Vinh tiếp nối. Trong tương lai để có thể tồn tại, phát triển, anh nghĩ yếu tố của thái độ mà các bạn tiếp nhận những cơ hội là quan trọng nhất. Mọi người thường nghĩ thế hệ Z hơi ngông cuồng, bảo thủ, đánh đồng yếu tố cá nhân vào yếu tố ích kỷ tiêu cực, và đây là một trong những thử thách của thế hệ Z. Nên các bạn hãy chứng minh cá tính mà bạn có nó không phải là sự ích kỷ mà đó là một ngôn ngữ riêng, và cho mọi người thấy yếu tố cá nhân sẽ ảnh hưởng đến xu hướng của tương lai như thế nào” – chia sẻ của anh Tùng Juno.
“Thế hệ Z là thế hệ của tuổi trẻ, chúng ta có quyền được tìm hiểu, được khám phá mọi thứ, vì thế cứ dám thử dám làm những gì mình thích trong một tâm thế thoải mái, dù kết quả ra sao cũng không hối hận về những gì đã làm. Nếu như bạn làm thì có thể sẽ thành công và thất bại nhưng nếu bạn không làm thì chắc chắn sẽ thất bại, và có làm được chuyện đó hay không dựa vào việc chúng ta hành động như thế nào. Bên cạnh đó, thế hệ Z luôn phải cập nhập những thông tin, kỹ năng mới cho mình, thế giới luôn luôn phát triển không bao giờ ngừng nghỉ, nên biết càng nhiều càng tốt cho sự nghiệp của bản thân nhé” – cảm nghĩ về sự có gì và cần gì về thế hệ của mình từ Arenites Bùi Quang Vinh.
Ngoài những chia sẻ từ anh Tùng Juno và Arenaite Bùi Quang Vinh, người tham dự còn được giải đáp thắc mắc một cách cặn kẽ thông qua những câu hỏi tương tác dưới nhiều góc độ khác nhau của anh Đinh Trí Dũng – Giám đốc Arena Multimedia. Với vai trò là một Moderator, anh đã dẫn dắt câu chuyện bằng những câu pha trò đầy dí dỏm, giúp kết nối mọi người cùng nhau chia sẻ nhiều điều về lĩnh vực thiết kế, song song đó anh cũng đưa ra những quan điểm hết sức mới lạ và thú vị của cá nhân về chủ đề này.
Mong rằng sau buổi talkshow, những giá trị mà Ban tổ chức cung cấp sẽ giúp ích các bạn trên con đường làm nghề của mình, đặc biệt là trước sự dịch chuyển mạnh mẽ của thế giới, các bạn sẽ biết mình phải làm thế nào để có thể tồn tại và phát triển bằng chính đam mê, nhiệt huyết tuổi trẻ. Nếu như bạn đang muốn dấn thân vào lĩnh vực về thiết kế, làm phim, games, hoạt hình 3D và đang tìm kiếm một môi trường đào tạo chuyên nghiệp để theo học thì có thể tham khảo thêm thông tin tại đây nhé.
*Cùng xem lại những khoảnh khắc của sự kiện trong album ảnh này nhé!
Bài viết: Tống AnThiết kế: Nguyễn Lê