Nằm trong khuôn khổ chuỗi hoạt động chuyên môn trong tháng 11 của Arena Multimedia, Workshop: Điêu khắc Ánh sáng đã mang nghệ nhân trẻ Bùi Văn Tự và một trường phái nghệ thuật độc đáo đến gần hơn với khán giả. Với ý niệm về sự kế thừa phát huy, chúng tôi tin rằng, khi những giá trị ngàn đời được thổi thêm làn gió mới thì nó sẽ tiếp tục được nhân rộng từ chính thế hệ trẻ có niềm yêu thích đặc biệt với nghệ thuật điêu khắc và tạo hình.
Hành trình từ một kiến trúc sư trở thành nghệ nhân sáng tác ra trường phái nghệ thuật độc đáo: Điêu khắc Ánh sáng
Năm 2014, khán giả cả nước biết đến cái tên Bùi Văn Tự và Điêu khắc Ánh sáng qua cuộc thi “Vietnam’s Got Talent” với phần trìnhdiễn sắp đặt nhận được nút Vàng từ giám khảo Hoài Linh. Thế nhưng, ít ai biết rằng để có 10 phút tỏa sáng trên sân khấu ấy là cả một hành trình kiên trì tìm tòi, nghiên cứu nhằm phát triển trường phái nghệ thuật độc đáo này: “Thời còn là sinh viên, khi đi làm thêm về dựng và trang trí non bộ tiểu cảnh, một lần mình để ý thấy bóng của hòn non bộ in lên tường rất giống hình con gấu. Từ đó, mình chợt nảy ra ý nghĩ tại sao không thử kết hợp nghệ thuật sắp đặt, tạo hình với ánh sáng để tạo nên một làn gió mới mẻ hơn.” – Anh Tự nói.
Trong suốt khoảng thời gian từ năm 2010 cho tới ngày nay, chặng đường nghiên cứu và phát triển loại hình nghệ thuật mới này đã có những lúc gián đoạn. Bởi song song với đó anh cũng làm các công việc khác nhau như: kỹ sư xây dựng, thợ làm gốm hay Giám đốc sáng tạo trong công ty về thủ công mỹ nghệ,… Tuy nhiên với niềm đam mê và sự kiên trì, từ một vài sản phẩm đơn giản thì cho đến ngày hôm nay những tác phẩm đang hiện hữu là “những trái ngọt” mà Bùi Văn Tự gặt hái sau những khó khăn, gian lao.
Sáng tạo tác phẩm Điêu khắc Ánh sáng dễ hay khó?
Ý tưởng chính là yếu tố đầu tiên cần phải có khi sáng tạo tác phẩm Điêu khắc Ánh sáng. “Mình muốn truyền tải thông điệp gì, khách hàng cần gửi gắm nội dung ra sao? Có yêu cầu gì đặc biệt hay không? Đó là những câu hỏi phải đặt ra khi bắt tay vào thực hiện. Bước hai, sau khi có ý tưởng, bạn phải tìm kiếm nguyên vật liệu phù hợp với ý tưởng mà mình muốn diễn đạt trên tác phẩm, rồi sau đó phác thảo hình ảnh sáng tác xem nó có phù hợp với chất liệu đã chọn trước đó hay chưa?” – Nghệ nhân Bùi Văn Tự cho biết.
Thời gian tạo ra tác phẩm Điêu khắc Ánh sáng phụ thuộc vào ý tưởng, chất liệu, kích thước,… Gỗ là vật liệu liền khối, có giá trị kinh tế cao, trong quá trình làm chỉ cần lỡ tay gãy một mảnh thì buộc phải bỏ đi hết. Gốm lại tạo hình khó hơn gỗ, bởi độ biến dạng của gốm sau khi cho vào nung là 20%, vậy nên tạo hình cần tính đến độ biến hình của gốm nung ở nhiệt độ 1250 độ C. Thông thường, nặn hình mất một tháng, phơi khô một tháng rồi mới đem nung, trong suốt quá trình đó phải liên tục để ý và chỉnh sửa các chi tiết tác phẩm sao cho vừa vặn nhất.
Trong không gian sáng tạo của Arena Multimedia, nghệ nhân trẻ Bùi Văn Tự đã có nhiều chia sẻ đặc biệt về trường phái nghệ thuật tận dụng các chất liệu vô tri vô giác để tạo ra các sản phẩm thấm đẫm giá trị tinh thần
Chia sẻ là quá trình sáng tạo tác phẩm của mình, anh Bùi Văn Tự nói: “Trong lúc sáng tác có lúc mình tắt đèn có lúc mình bật đèn để xác định góc độ và sự biến dạng mỗi chất liệu. Ví dụ như gốm sau khi mình tạo hình xong sẽ đến công đoạn mình sấy khô, làm men rồi mới tạo ra thành phẩm. Gỗ sau khi mình điêu khắc xong thì có thể làm sạch bằng cách đánh giấy ráp để tác phẩm chỉnh chu hơn. Quan trọng hơn là viết được nội dung cho tác phẩm để tạo nên giá trị cảm xúc.“
Để tạo nên một tác phẩm Điêu khắc Ánh sáng không hề dễ dàng, nó đòi hỏi người nghệ sĩ phải tâm huyết, kiên trì và có sự tỉ mỉ nhất định, đó chính là chìa khóa làm nên giá trị trong mỗi tác phẩm.
Khi nghệ thuật được thăng hoa trên nền phế liệu
Anh Tự sử dụng rất nhiều chất liệu khác nhau để tạo nên sản phẩm: từ xi măng đơn giản cho đến gốm, gỗ lũa cao cấp hơn… Gần đây nhất, anh còn bắt đầu phát triển Điêu khắc Ánh sáng trên một chất liệu mới: Phế thải nhựa. Bằng những mảnh miếng đã vỡ, mũ bảo hiểm cũ, ốp điện thoại bỏ đi hay thậm chí thanh que, vỏ chai, người nghệ nhân này đã tạo ra tác phẩm mang tên “Người mẹ thiên nhiên” gửi gắm nhiều thông điệp ý nghĩa về môi trường đến cộng đồng.
Hình bóng Người mẹ thiên nhiên được tạo ra từ những phế liệu vứt đi, đây là tác phẩm mà nghệ nhân Bùi Văn Tự đã mất rất nhiều thời gian để hoàn thiện.
Chia sẻ thêm về tác phẩm đầu tiên làm bằng phế liệu, anh nói: “Trong quá trình giãn cách xã hội do ảnh hưởng của Covid19, mình có nhiều thời gian để chiêm nghiệm lại mọi thứ và nhận ra môi trường đang hồi sinh mạnh mẽ khi con người giảm bớt mức độ tác động lên nó. Điều này đã nhen nhóm lên bên trong mình một suy nghĩ: Tại sao không thử thu thập rác thải phế liệu, ráp nối chúng lại để tạo thành tác phẩm truyền tải thông điệp về tình yêu thiên nhiên, môi trường?”
Bắt đầu từ việc thu gom và lựa chọn các vật liệu phù hợp, sau đó làm sạch, tạo đế, lắp ghép chúng dựa trên ý tưởng đã có và liên tục điều chỉnh để ánh sáng khớp với mô hình lắp ráp. Qua đôi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ, những phần rác thải tưởng chừng vô giá trị này đã lột xác trở thành tác phẩm nghệ thuật khiến không ít người chứng kiến ngỡ ngàng: “ Rác thải – nếu mình đặt đúng vị trí thì bản thân chúng cũng có giá trị nhất định. Xử lý vật liệu là bước khó nhất, buộc phải dày công nghiên cứu và thử nghiệm nhiều lần.” – Anh chia sẻ.
Một khán giả nhí đến tham gia sự kiện Điêu khắc Ánh sáng
Điêu khắc Ánh sáng và những ứng dụng trong cuộc sống
Các tác phẩm Điêu khắc Ánh sáng được phân chia thành 3 phân khúc. Thứ nhất là dòng sản phẩm văn hóa, có giá trị truyền tải thông điệp. Thứ hai là dòng sản phẩm nghệ thuật mang yếu tố trang trí để sử dụng trong lĩnh vực trang trí nội, ngoại thất tùy theo bối cảnh. Và cuối cùng là dòng sản nghệ thuật mang yếu tố cá nhân hóa. Bản chất của Điêu khắc Ánh sáng là kể chuyện. Chúng ta có thể sử dụng nó để kể chuyện về cuộc đời của mình. Sử dụng ánh sáng khi chiếu ánh đèn thì sẽ hiện ra chân dung của nhân vật là ứng dụng mà anh Bùi Văn Tự nghiên cứu được cho tới thời điểm hiện tại.
Trong suốt những năm 2019, anh mày mò về việc sử dụng nghệ thuật Điêu khắc Ánh sáng đưa ra ngoài trời, làm ra những tác phẩm mang tính xã hội nhiều hơn. Bản thân anh cũng đã nghiên cứu và đến bước đầu được xem là thành công khi tạo ra các bức phù điêu có thể đặt ở bên ngoài các lâu đài, biệt thự, hay công ty để tùy vào từng khung giờ tạo ra những thông điệp khác nhau.
Nghệ thuật điêu khắc ánh sáng đòi hỏi người làm phải có tư duy hình ảnh và sức tưởng tượng tốt mới có thể biến những chất liệu vô tri trở nên có hình thù sống động.
Thân – Tâm – Tuệ: Giá trị cốt lõi trong mỗi tác phẩm Điêu khắc Ánh sáng
Khi mới bắt đầu dấn thân vào trường phái nghệ thuật này, anh Bùi Văn Tự đã có nhiều trăn trở suy tư về giá trị trong mỗi tác phẩm. Với tâm niệm “nghệ thuật vị cuộc sống”, các tác phẩm nghệ thuật dù ở bất cứ lĩnh vực thì đều trực tiếp hay gián tiếp quay trở lại phục vụ con người, anh đã đặt ra câu hỏi cho bản thân: “Một tác phẩm Điêu khắc Ánh sáng cần phục vụ những thành tố nào trong một con người?”. Câu hỏi này không dễ dàng tìm kiếm đáp án, nhưng từ 3 yếu tố “Thân – Tâm – Tuệ” – những yếu tố cấu tạo người trong Phật học, anh Bùi Văn Tự đã xác định được giá trị trị cốt lõi trong mỗi tác phẩm của mình.
– Thân: Phần diện mạo hiện hữu bên ngoài
– Tâm: Chiều sâu của tâm hồn, cảm xúc của mỗi con người được dồn nén để gửi vào mỗi tác phẩm.
– Tuệ: được hiểu là tư duy, sự sáng tạo.
Một tác phẩm về tâm linh của anh Bùi Văn Tự.
Với tác phẩm “Chúa tể bầu trời”, phần thân thể hiện ở hình tượng chim đại bàng – biểu tượng cho quyền lực và sự tinh anh. Bên cạnh đó, phần tâm được thể hiện rất rõ ở bài thơ đi kèm và tên tác phẩm.
“Thân là chúa tể bầu trời
Oai hùng, uy vũ, lạc thời tinh anh
Tuệ biên hào kiệt xứng danh
Tâm nương theo phật nguyện thành chân tâm.”
Các họa tiết trên tác phẩm vừa phải sinh động, có câu chuyện mà vẫn giữ được nội dung đằng sau khi chiếu sáng.
Còn tuệ thể hiện trong tác phẩm này được hiểu là ngọn đèn biểu trưng cho người lãnh đạo – lãnh đạo chính bản thân mình. Mỗi con người sinh ra đã mang sứ mệnh là lãnh đạo bản thân mình, và người lãnh đạo ấy cần phải hướng đến ánh sáng của tri thức, ánh sáng của sự minh triết để soi người phần thân có tâm của phật. Có thể nói, ba yếu tố Thân – Tâm – Tuệ luôn luôn đi cùng với nhau bổ trợ cho nhau không thể tách rời trong mỗi tác phẩm Điêu khắc Ánh sáng. Nó kết hợp và thống nhất hài hòa để tạo nên giá trị tác phẩm.
Mang nghệ nhân trẻ Bùi Văn Tự và trường phái Điêu khắc Ánh sáng đến với gần hơn với khán giả, Arena Multimedia tin rằng, khi những giá trị ngàn đời được thổi thêm làn gió mới thì nó sẽ tiếp tục phát triển và nhân rộng từ chính thế hệ trẻ có niềm yêu thích đặc biệt với nghệ thuật điêu khắc và tạo hình.
Ngọc Bích – Giang Hoàng