Buổi Workshop “Nhiếp ảnh chân dung trọn cảm xúc cùng Tâm Bùi’ do Arena Multimedia tổ chức vào ngày 22/06/2019 đã diễn ra trong không khí sôi nổi, hào hứng và mang đến nhiều bài học bổ ích về lĩnh vực Nhiếp ảnh, đặc biệt là ở thể loại Nhiếp ảnh chân dung.
Sự kiện đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các bạn sinh viên trong thành phố, những bạn trẻ yêu thích Multimedia Design nói chung và theo đuổi con đường trở thành Nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp nói riêng. Đây là cơ hội để các bạn thu nạp thêm thật nhiều kiến thức, kinh nghiệm từ đàn anh đi trước và cũng là dịp để các bạn tiếp thêm ngọn lửa đam mê cho mình.
Muốn có ảnh chân dung đẹp, đừng quên bộ tứ “ánh sáng, bố cục, câu chuyện và thần thái”
Chân dung là ảnh không chỉ mô tả được diện mạo, thần thái, tình cảm của nhân vật mà còn thể hiện được tính chất nghề nghiệp, cuộc sống hay câu chuyện cuộc đời của nhân vật. Vì vậy mà ảnh chân dung không chỉ đóng khung ở cỡ cận gương mặt, nó còn có thể mở rộng khung ảnh ra toàn thân hoặc cỡ ảnh trung để mô tả không gian sống của nhân vật đó.
Một số dạng ảnh chân dung thường gặp
Một bức ảnh chân dung đẹp, là một bức ảnh có thông điệp, được thể hiện bằng ngôn ngữ của màu sắc, ánh sáng, thần thái, cụ thể:
Ánh sáng
Có nhiều loại ánh sáng trong ảnh chân dung, nhưng để tạo ra một bức ảnh đẹp thì nên có ít nhất 2 nguồn sáng (trước và sau) để tạo hiệu ứng 3D, tách nhân vật khỏi background giúp làm nổi bật nhân vật. Vì thế mà mỗi loại ánh sáng sẽ có một công dụng khác nhau, từng trường hợp và bối cảnh nó sẽ cho ra một nét đẹp riêng biệt.
Một số kiểu ánh sáng trong ảnh Chân dung
Một số ví dụ về cách xử lý ánh sáng trong ảnh chân dung có thể kể đến như: Chủ thể đứng gần bức tường hay nằm phía sau không có một nguồn sáng nào, lúc đó ta bắt buộc phải sử dụng nguồn sáng từ phía trước hắt lên, lưu ý là không nên để nó trực diện quá vì cơ thể và gương mặt của mình sẽ bị flash phản chiếu vào, nên để xéo một chút nhìn nó 3D và đẹp hơn; Đứng trong bóng mát nó không có một nguồn sáng mạnh trực tiếp hắt vào tức là bốn phía rất là đều nhau, đây gọi là ánh sáng bóng râm. Đây cũng là loại ánh sáng backlight nhưng mà khi quá mạnh thì nó sẽ làm cho nhân vật tối đi, tạo thành một cái bóng, thường thì hay chụp toàn thân để tạo một cảm giác chủ thể hơi cô đơn một chút, người ta gọi nó là dạng hình bóng; Một loại ánh sáng nữa hay gặp trong chụp ảnh chân dung đó là ánh sáng ven, nó tạo ra những cảm giác giống như cơ thể mình là một khối 3D, loại ánh sáng này sẽ đánh thẳng trước mặt giống như là tấm giấy, phần flash phản chiếu vào nguồn sáng từ phía sau, tạo nên một khối 3D, làm chủ thể nhân vật nổi bật ra khỏi cái background đấy, …
Ánh sáng trong Nhiếp ảnh là cả một ngành học, để có thể thành thạo sử dụng, bạn cần phải kiên trì học hỏi, luyện tập nhiều thì mới tiến bộ và có nhiều sản phẩm xuất sắc.
Bố cục
Bố cục trong bức ảnh chân dung nên có chính phụ, xa gần rõ ràng, không nên có quá nhiều chi tiết làm người xem rối mắt, ưu tiên làm nổi bật chủ thể mình mong muốn. “Anh không có quá focus vô phần kỹ thuật, lấy nét, bí quyết của anh là chọn loại máy có thể lấy nét tự động, tập trung vào cái ưu tiên là bố cục, thần thái để bắt được khoảnh khắc đẹp nhất của nhân vật” – anh Tâm Bùi bật mí.
Câu chuyện nhân vật
Ảnh chân dung ngoài việc mô tả diện mạo con người thì nó phải kể được câu chuyện đằng sau cuộc đời của nhân vật, nên khi diễn tả được những ý nghĩa đó thì bức ảnh sẽ trở nên đẹp và có chiều sâu hơn. Cái hay của người Nhiếp ảnh là tìm được nhân vật có câu chuyện đặc biệt hơn người khác, thuyết phục họ đứng trước ống kính cho mình chụp một cách thoải mái nhất. Để làm được chuyện này, đòi hỏi bạn phải có óc quan sát, chịu khó đi du lịch nhiều, giao tiếp nhiều, phải đọc báo, thường xuyên xem tin tức, tạp chí, … bạn sẽ không khám phá được nhiều cái lạ, cái đẹp mà chưa bao giờ thấy nếu chỉ ở yên một chỗ.
Bức ảnh chân dung của một người bình thường không để lại ấn tượng cho người xem, nhưng bức ảnh chân dung bị khuyết một nửa đầu lại mang cho người xem cảm xúc rất là mạnh, ghi nhớ lâu, muốn tìm hiểu về nó.
Thần thái nhân vật
Tìm được nhân vật phù hợp thôi chưa đủ, mà bạn phải biết cách làm việc với người đó sao cho khi đứng trước ống kính họ sẽ cảm thấy thoải mái nhất, tự tin nhất, vì không phải ai cũng cảm thấy tự nhiên khi đứng diễn xuất trước ống kính. Thường thì thần thái của nhân vật biểu hiện qua ánh mắt, người ta hay nói đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, nó có thể nói lên rất nhiều thứ, nên khi đã làm bạn được với nhân vật, họ sẽ không còn đề phòng và sẽ trở nên thân thiện, tự nhiên hơn, ánh mắt của họ sẽ nói lên cho bạn biết điều đó. Vì cảm xúc sẽ đẩy ra tay, chân, cơ thể, khi bạn đã dẫn dắt nhân vật đến đỉnh cao cảm xúc rồi thì họ sẽ không phải diễn nữa, bởi vì khi diễn người ta dùng bằng cái đầu, phải kiểm soát rất nhiều thứ, nên khi đẩy cho họ đúng cảm xúc, mọi thứ cứ trôi tuột ra và họ sẽ không phải làm gì nữa hết.
“Hãy là một Nhiếp ảnh gia thông thái, thấu hiểu những ngại ngùng, lo lắng của nhân vật, bằng cách gợi chuyện, tạo cảm giác gần gũi để họ mở lòng và thoải mái diễn xuất” – Nhiếp ảnh gia Tâm Bùi
Cần chuẩn bị những gì trước khi bắt đầu buổi chụp ảnh
Khi đã tìm được người mà mình muốn chụp ảnh, hãy xin họ một buổi gặp gỡ nói chuyện. Trước khi đến buổi gặp, cần tìm hiểu trước về họ (nghề nghiệp, sở thích, màu sắc,…) cứ trò chuyện để nhân vật cảm thấy thân quen với mình, khi đó họ sẽ thoải mái chia sẻ. Sau đó mình sẽ truyền tải câu chuyện mình muốn kể bằng những thước ảnh đến họ, chụp như thế nào, thông điệp muốn gửi gắm, trang phục và bối cảnh ra sao, … Từ đó về nhà phác thảo ý tưởng (storyboard), sau đó gửi cho nhân vật xem trước, để họ biết được mình sẽ phải chụp bao nhiêu tấm hình, cần chuẩn bị những gì cho buổi chụp, tốn bao nhiêu thời gian, … mọi thứ hãy chuẩn bị thật kỹ và đầy đủ thì nhân vật mới dễ chấp nhận và cảm thấy an tâm.
Anh Tâm chia sẻ: “Một buổi chụp bình thường khoảng từ 2 đến 3 tiếng, nhưng trong bộ ảnh Gà Mái vì hai mẹ con không phải là người thoải mái trước ống kính, đứa bé thấy người lạ là không hợp tác nên bắt buộc anh phải ở đó trước hai ngày. Buổi chụp hình kéo dài một ngày, tức là anh ở đó, ngủ từ sáng đến chiều tối, đến khi con bé không quan tâm anh là ai thì lúc đó sẽ chụp được ngay hình đẹp”.
Nếu như nhân vật mà bạn chụp là người nổi tiếng thì sẽ khác đôi chút, có những cái dễ và khó hơn. Ưu điểm của việc chụp hình người nổi tiếng vì nhân vật đa phần là đẹp, họ rất biết cách để diễn trước ống kính nên chụp hình rất là nhanh, dễ dàng, khoảng 30 phút là xong. Còn điểm khó của nhân vật do đã chụp quá nhiều lần nên Nhiếp ảnh gia sẽ rất khó có thể tìm một cái gì mới từ nhân vật. Nên khi chụp hình người nổi tiếng, nên tranh thủ lúc họ đang makeup đến chào hỏi, nói chuyện với họ, giới thiệu mình là người chụp ảnh hôm nay, xin họ khoảng 5 phút để nói qua cách chụp, ý tưởng concept, …. tin chắc họ sẽ sẵn sàng hợp tác khi mình mở lời trước. Thật sự người nổi tiếng họ luôn giữ cho mình một cái tôi riêng, họ sẽ không bao giờ bắt chuyện trước, mình sẽ phải là người phá bỏ rào cản đó để cả hai bên cảm thấy thật là thoải mái, yên tâm làm việc với nhau.
Cảm hứng trong nhiếp ảnh
Nguồn cảm hứng trong nhiếp ảnh thường đến từ khắp mọi nơi, từ thành công của người xung quanh, từ các tác phẩm đi trước, từ những chuyến du lịch và đặc biệt là từ 5 giác quan của bản thân. Giống như ở trên đã có chia sẻ, quan trọng là bạn cảm nhận được câu chuyện từ nhân vật, sau đó kết hợp các yếu tố khác như màu sắc, bố cục, thần thái để cho ra đời một sản phẩm đẹp.
Mong rằng những chia sẻ trong buổi workshop sẽ giúp ích cho các bạn trẻ đam mê Nhiếp ảnh, gom nhặt kiến thức và bài học quý giá để áp dụng vào công việc sau này của mình. Nếu như bạn yêu thích bộ môn Nhiếp ảnh và mong muốn phát triển sự nghiệp lâu dài, bạn có thể xem thông tin tại đây nhé!
*Cùng xem lại những khoảnh khắc của sự kiện tại link nhé!
Tống An