Với đa dạng góc nhìn, từ phim điện ảnh, truyền hình, TVC đến Youtube, các chuyên gia làm phim đã có những chia sẻ đầy cảm hứng và rất đời tại Trò chuyện Design số 2 vừa qua với chủ đề khá tranh cãi: Nghề làm phim, đến bao giờ thì giàu?
Đạo diễn Võ Thanh Hòa: Khoảng cách từ “nghề làm phim” đến câu hỏi “khi nào thì giàu?”
Với góc nhìn thẳng từ người làm nghề, công việc làm phim luôn cực nhọc và trải qua muôn trùng thử thách mới giàu được. Theo anh, làm nghề đầu tiên phải bắt đầu bằng sự yêu thích, sau đó phải làm được những sản phẩm chất lượng, thì mới có những bước tiến trong nghề nghiệp, mới có những cát-xê cao.
Anh Hòa chia sẻ: “Nếu muốn theo nghề làm phim thì bắt đầu chắc phải là sự yêu thích”
Minh chứng cho điều đó, thành công với bộ phim remake Ông ngoại tuổi 30 mang lại doanh thu đến 35 tỉ, anh đã trải qua khá nhiều khó khăn khi quyết định đưa bộ phim lên màn ảnh Việt. Trong đó, thách thức lớn nhất là phải vượt qua sự thành công mà phim trước đã từng làm. Tuy nhiên với niềm đam mê mãnh liệt, anh cùng các nhà làm phim Việt vẫn luôn cố gắng nhất có thể để mang đến những bộ phim chất lượng với mong mỏi không để người Việt quay lưng với phim Việt.
Đạo diễn Võ Thanh Hòa tại buổi ra mắt phim “Ông Ngoại Tuổi 30”
Nói về con đường sự nghiệp, trước đây trung bình mỗi năm anh kiếm được tầm từ ba mươi đến sáu mươi triệu. Có những ngày phải làm việc liên tục bốn mươi mấy tiếng đồng hồ, nếu thực sự làm chỉ để vì tiền, đôi khi bản thân không theo nổi.
Nhưng bù lại những lúc theo nghề, từ những vị trí nhỏ nhất như sắp lịch, quản lý, trợ lý đạo diễn, phó đạo diễn, anh tranh thủ thời gian để bồi đắp thêm những kiến thức còn thiếu để có thể đi xa hơn trong nghề. Trong thời điểm hiện tại, một năm anh có thể kiếm nhiều hơn số đó gấp nhiều lần bằng việc liên tục cho ra mắt các dự án phim điện ảnh, đạo diễn TVC, clip viral, đảm nhận vai trò đạo diễn hình ảnh cho Lễ hội âm nhạc hàng đầu châu Á – Cocofest 2018 với mức đầu tư khủng, cũng như phim chiếu rạp Hoán Đổi dự kiến ra mắt vào cuối tháng 8 sắp tới.
Trailer phim Hoán Đổi của đạo diễn Võ Thanh Hòa
Đạo diễn Trần Đức Viễn: Thời gian chính là thử thách lớn nhất của nhà làm phim Youtube
Thành công đến với đạo diễn trẻ Trần Đức Viễn là cả một quá trình. Trước đây, anh từng làm rất nhiều công việc từ phục vụ cho đến làm công nhân để có tiền đóng học phí và nuôi dưỡng đam mê của mình.
Năm 2017, FAPtv nhận giải thưởng Top YouTube Channel tại Malaysia Influence Asia.
Anh chia sẻ: “Khi được làm những cái mình yêu thích đó là điều tuyệt vời nhất của người làm phim. Vì đối với sáng tạo, không có đẹp hay xấu, hay hay dở, chỉ là bạn có biết phát huy tất cả các nguồn thông tin để tự mình làm mới và bắt kịp xu hướng hay không”.
Sau khi tốt nghiệp ở Arena Multimedia, đến năm 2014, anh cùng những người bạn quyết định thành lập nhóm hài mang tên FAPtv. Những tháng đầu gần như anh em không có lương, không đưa tiền về cho gia đình mà còn phải mượn thêm để có tiền đổ xăng, đi làm kịch bản, đi quay. Đã có những lúc khó khăn, anh em trong nhóm nhiều khi muốn buông xuôi và đi tìm công việc khác để nuôi sống bản thân. Trong lúc tuyệt vọng nhất thì cơ hội cũng đã đến, nhóm nhận được một hợp đồng quảng cáo đầu tiên. Nó đã làm tiền đề gây dựng nên FAPtv lớn mạnh như hôm nay.
Đạo diễn Trần Đức Viễn và Ekip làm phim của mình
Nói về lý do chọn kênh Youtube làm tiền đề phát triển, anh cho rằng, ưu điểm lớn nhất trong việc anh lựa chọn phát triển trên nền tảng này là việc có thể hoàn toàn chủ động kênh phân phối, kiểm soát và phát triển nội dung. Đồng thời đây cũng là một thách thức lớn với anh khi người dùng đã quá chủ động trong việc lựa chọn, nên việc cần làm là phải đẩy mạnh chất lượng nội dung khiến người xem trở thành khách hàng trung thành.
Bên cạnh đó, thời gian cũng là thử thách lớn nhất với nhà làm phim online. Vì một tuần FAPtv sản xuất 3 tập phim, trung bình thời gian quay chiếm khoảng 2 ngày chưa kể giai đoạn tiền kỳ và hậu kỳ. Chính vì thế, cả ekip lúc nào cũng phải chạy đua với thời gian và luôn khát khao tuyển dụng thêm các vị trí từ kịch bản, quay phim, dựng phim… để phát triển và tạo sự đa dạng cho kênh.
Biên kịch – Đạo diễn Bùi Kim Quy: Nếu nói làm phim là một con đường thì bạn sẽ có hàng ngàn ngã rẽ trên con đường đó
Nghĩ theo một hướng khác dưới góc nhìn của đạo diễn Kim Quy, đối với nghề làm phim, giàu có không tính bằng vật chất mà giàu có được tính bằng những giá trị tinh thần mang tới cho người xem, cho cộng đồng. Một bộ phim làm ra khiến người xem vui, giải tỏa căng thẳng hay giúp thay đổi nhận thức của một đối tượng nào đó để họ sống tốt đẹp hơn thì liệu nhiều tiền có làm được không?
Chị thẳng thắn chia sẻ trong chương trình: “Nếu nói về tiền của thì tôi không có, nhưng nếu nói về nghề thì tôi tự tin mình là một người giàu có. Tôi luôn thấy hạnh phúc mà nhiều người dù là tỉ phú cũng chưa chắc có được”.
Đạo diễn Bùi Kim Quy hạnh phúc khi thấy bộ phim của mình được chiếu ở rất nhiều các liên hoan phim lớn nhỏ trên thế giới và được mọi người đón nhận.
Nhìn lại con đường đã đi qua, chị kể về những bộ phim không tìm được nhà tài trợ, phải nhờ sự giúp đỡ từ gia đình của mình, tích góp từng đồng một. Tới khi bộ phim hoàn thành, hết sạch tiền phải ăn rau muống luộc. Nhưng đổi lại, chị hạnh phúc khi thấy bộ phim của mình được chiếu ở rất nhiều các liên hoan phim lớn nhỏ trên thế giới và được mọi người đón nhận.Vẫn câu nói cũ, chỉ cần đam mê và sự ủng hộ của những người thân yêu thì khó khăn đến mấy cũng có thể vượt qua được.
Theo chị, nghề làm phim là một con đường thì bạn sẽ có hàng ngàn ngã rẽ trên con đường đó: sản xuất, quay phim, viết kịch bản, đạo diễn, dựng phim,… quan trọng là các bạn có thích ứng và sẵn sàng đón nhận những hào quang cũng như thử thách phía trước hay không?!
Đạo diễn Đặng Xuân Trường: Trong nghề làm phim, nếu có đam mê bạn sẽ vượt qua tất cả
Trong nghề làm phim, điều khó khăn nhất chính là không đam mê còn nếu có đam mê bạn sẽ vượt qua tất cả. Có nhiều bạn chỉ nhìn thấy những ánh hào quang của nghề này mà đi theo, nhưng khi dấn thân vào rất nhanh thấy sự chùn bước, buông xuôi từ các bạn.
“Có 3 lý do lớn nhất về sự thất bại của các bạn trẻ trong nghề này” – Đạo diễn Xuân Trường
Suốt thời gian làm nghề, đạo diễn Xuân Trường nhìn thấy 3 lý do lớn nhất về sự thất bại của các bạn trẻ trong nghề này mà ông đã đúc kết trong nhiều năm:
Thứ nhất, tình trạng chung của một số bạn trẻ hiện nay là “cả thèm chóng chán”, gặp vấn đề khó thì buông xuôi chấp nhận, thụ động, không chịu được khổ cực. Thứ hai, các bạn luôn nghĩ mình biết hết tất cả mọi việc, không có tinh thần học hỏi và lắng nghe người khác. Điều cuối cùng, sống trong môi trường tập thể mà chỉ biết đến lợi ích của bản thân thì rất khó mà thành công.
Theo anh cũng như các nhà làm phim kể trên, sẽ không có nghề nào trải đầy hoa hồng trên đường bạn đi, nếu bạn không thật sự đam mê thì sẽ không vượt qua được tất cả. Vì đôi khi khó khăn không đến từ chính chúng ta thì sẽ đến từ ngoại cảnh, bạn không thể tránh được nên phải tập cách đối mặt và thích nghi để đi đến thành công.
*Các bạn có thể xem lại toàn bộ buổi talkshow ở TP. HCM tại đây!
(Tống An – Thu Hường)