Trong thiết kế tiếp thị, làm sao để sản phẩm thiết kế trở nên gần gũi khách hàng địa phương, mang hơi thở văn hóa nhưng vẫn khác biệt luôn là điều các designer hướng đến. Hay nói rõ hơn, nếu yếu tố đẹp là điều bắt buộc trong thiết kế, thì văn hóa chính là điểm cộng góp phần tạo sự thành công cho sản phẩm.
Diễn giả đặc biệt đến từ Texas (Mỹ), thầy Nguyễn Tri Phương Đông (Communication Designer)
Đông đảo các bạn trẻ đến tham dự buổi trò chuyện chuyên đề này
Tiếp cận nhiều văn hóa khác nhau trong suốt nhiều năm làm nghề, Nhà thiết kế truyền thông Nguyễn Tri Phương Đông đã đúc kết khá nhiều kinh nghiệm thực tế trong những lần làm việc cùng các nhãn hàng trong và ngoài nước.
Trong buổi trò chuyện “Các yếu tố văn hóa trong thiết kế tiếp thị” do Arena Multimedia tổ chức vào chiều 30/8/2017, thầy đã chia sẻ những khái niệm về các yếu tố văn hóa dưới góc nhìn người làm nghề, sự giao thoa giữa các nền văn hóa trong thiết kế tiếp thị và bình luận và phân tích trực tiếp các đồ án về Thiết kế Đồ họa của học viên Arena. Đây là dịp đặc biệt để học viên và các bạn sinh viên chuyên ngành thiết kế từ các trường ĐH/CĐ học hỏi và vỡ lẽ nhiều điều thú vị thông qua chương trình.
Ngoài kiến thức chuyên môn, thầy còn trình bày các case study thực tế
Ngày nay, thiết kế tiếp thị không chỉ gói gọn trong phạm vi biên giới mà còn vươn xa đến các quốc gia khác. Yếu tố văn hóa chính là sự trải nghiệm và thấm nhuần trong thời gian dài đến nỗi nó trở nên là điều bình thường khi bạn sống trong địa phương đó quá lâu. Tuy nhiên, khi bước vào môi trường làm việc quốc tế, bạn sẽ cảm thấy choáng ngộp khi tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau vì chuẩn mực văn hóa trong bạn đang dần vô hiệu hóa bởi vô số sự khác biệt.
Theo thầy Phương Đông định nghĩa: “Văn hóa nhìn từ khoa học tiếp thị là tập hợp các thái độ, niềm tin, hành vi và phong tục. Thiết kế văn hóa là cách tiếp cận, ước lượng, hoặc giải thích một khía cạnh đặc biệt của nền văn hóa nước ngoài. Designer lấy cảm hứng từ những khối xây dựng văn hóa khác nhau và nghiên cứu chúng trước khi diễn giải chúng trong một sản phẩm”.
Thầy chia sẻ các kinh nghiệm thiết kế thông qua phần phân tích trực tiếp đồ án học viên Arena Multimedia
Để vượt qua ranh giới của sự ảnh hưởng văn hóa địa phương, designer cần đi – đọc – lắng nghe và trải nghiệm nhiều để mở rộng tầm mắt và thu nạp nhiều nền văn hóa từ các quốc gia. Bởi lẽ khi nhận bản brief và thông điệp thiết kế, designer sẽ là người mã hóa chúng bằng thị giác, sự cảm nhận trong từng nét vẽ, bố cục.
“Các ranh giới văn hóa có thể được sắp xếp theo các phạm vi quốc gia, dân tộc hoặc địa lý rộng lớn, nhưng chúng cũng có thể được xác định theo sự chia nhỏ về kinh tế xã hội trong một nền văn hóa” – thầy giải thích thêm.
Thay vì dựa vào những khái niệm đan xen nhau tạo nên văn hóa, Designer cần tìm hiểu về văn hóa và các khía cạnh bề ngoài nhiều hơn. Theo thầy, để phát triển một chiến lược tiếp thị thành công, người thực hiện cần phải xem xét đến những ảnh hưởng văn hóa của xã hội nơi sản phẩm mới được giới thiệu:
– Giá trị của một xã hội chỉ ra hành vi chấp nhận được và không thể chấp nhận được.
– Biểu tượng hay còn gọi là ngôn ngữ – biểu tượng của niềm tự hào về văn hóa
– Nghi lễ, vai trò quan trọng trong chiến lược tiếp thị khi họ tập trung vào tương tác hàng ngày của người tiêu dùng
– Các quy trì suy nghĩ ảnh hưởng đến cách nhìn nhận chiến lược tiếp thị
– Giá trị và thái độ khác nhau giữa các quốc gia
– Tính thẩm mỹ phụ thuộc theo từng địa phương
Chừng đó thôi đã thấy sự công phu mà designer cần trang bị trước khi sáng tạo các sản phẩm thiết kế. Nhưng nếu thực sự đam mê với ngành nghề này thì những khó khăn cũng chỉ là thử thách. Trả lời câu hỏi từ một bạn trẻ về việc làm thế nào để giữ lại được đam mê và phong cách của chính mình, thầy khẳng định: “Đam mê là cái cần phải có, cần phải theo đuổi bằng bất cứ giá nào, đến chết cũng theo!”.
Tháng 8 đã ghi dấu sự trở lại của bậc thầy thiết kế Phương Đông với chủ đề “Các yếu tố văn hóa trong thiết kế tiếp thị” tại Arena Multimedia
Ấy mới biết, cái tâm người làm nghề có vững thì sẽ dễ dàng đạt đến thành công. Đơn cử mảng kiến thức về yếu tố văn hóa trong thiết kế tiếp thị, câu chuyện này còn rất nhiều điều thú vị chưa kịp kể hết nếu bạn thực sự quan tâm. Hãy bắt đầu tìm hiểu ngay hôm nay để cải thiện khả năng thẩm mỹ của bạn thân nhé. Đó là một trong những yếu tố tạo nên sự khác biệt của bạn trong lĩnh vực Thiết kế Đồ họa nói riêng và Thiết kế Mỹ thuật Đa phương tiện nói chung giữa các designer khác.
(Quỳnh Như)