Cuối tuần qua (30/10), đoàn làm phim “Sài Gòn Trong Cơn Mưa” gồm Đạo diễn – Biên kịch Lê Minh Hoàng, Đạo diễn hình ảnh Nguyễn Khắc Nhật, Nhạc sĩ Phạm Hải Âu, Sản xuất hậu kỳ Bùi Công Anh và Nhà sản xuất Cao Thúy Nhi đã có buổi chia sẻ cùng các học viên Arena Multimedia về chủ đề “Làm thế nào để bắt đầu một dự án phim”. Tại đây, những người trong cuộc đã không chỉ mang tới góc nhìn thực tế và bài bản về cách làm phim, mà còn truyền cảm hứng để các bạn trẻ thêm động lực bắt đầu giấc mơ điện ảnh của mình.
Thế nào là Phim độc lập?
Ra đời lần đầu tiên tại Hollywood (Mỹ) vào thập niên 80, Phim độc lập (Independent Film) là khái niệm dùng để chỉ những tác phẩm điện ảnh được thực hiện bởi một nhóm người trẻ. Họ phải tự bỏ tiền túi hoặc đi xin tài trợ để hoàn thành dự án của mình. Theo đó, đây là dòng phim mà đạo diễn được tự do thể hiện ý tưởng, tìm tòi, sáng tạo mà không bị chi phối và kiểm soát bởi các hãng phim lớn.
Vài năm trở lại đây, những người yêu điện ảnh Việt cũng bắt đầu để mắt nhiều hơn tới cụm từ “Phim độc lập” bởi nội dung mới mẻ, gần gũi. Nhưng liệu mọi người đã thực sự thấu hiểu câu chuyện đằng sau một bộ phim ra rạp? Hãy cùng Arena lắng nghe chia sẻ từ chính những người trong cuộc.
Để làm phim, phải bắt đầu từ đâu?
Để bắt đầu một dự án phim với kinh phí tự túc, bạn phải chuẩn bị thật kỹ cả về tâm lý lẫn vật chất. Nên hiểu rõ bản thân muốn và có khả năng làm tốt điều gì. Bởi đối với những nhà làm phim trẻ, thời gian để hoàn thiện một dự án có thể kéo dài vô tận. Và trong quá trình đó, rất có thể bạn sẽ trải qua giai đoạn mệt mỏi, chán nản, mông lung vì phải “tự thân vận động” trong rất nhiều công việc khác nhau. “Khi ấy, bạn hãy nhớ về xuất phát điểm mà mình bắt đầu dự án. Điều này rất quan trọng, bởi nó sẽ giúp bạn có thêm niềm tin và cân bằng mọi thứ để tiếp tục công việc” Đạo diễn – Biên kịch Lê Minh Hoàng chia sẻ.
Chi phí là yếu tố đặc biệt quan trọng, bạn phải chuẩn bị và có kế hoạch tài chính rõ ràng để đối mặt với mọi phát sinh. Công việc làm phim ngốn rất nhiều thời gian, buộc bạn phải gác lại công việc riêng và dành toàn bộ sự tập trung cho dự án. Chính vì thế, lời khuyên cho những ai muốn bắt đầu là hãy chuẩn bị nguồn lực tài chính đủ để “sống sót” trong ít nhất 6 tháng không có thu nhập.
Tìm kiếm những người đồng đội cùng chí hướng
Sau khi đã sẵn sàng, hãy bắt đầu tìm cho mình những người đồng đội tốt. Thành phần nòng cốt của một bộ phim thường bắt đầu với 3 nhóm nhân sự chính (core team): Sản xuất – Đạo diễn – Kịch bản. Đây được ví như khung xương, mang đến hình hài và sự vận hành trơn tru cả một dự án. Những người này sẽ làm việc, tương tác và đồng hành cùng nhau cho đến khi đứa con tinh thần của mình chính thức được ra rạp. Và trong quá trình ấy, tất cả phải hiểu và tôn trọng vị trí cũng như vai trò của nhau. “Khi cần đưa ra một quyết định quan trọng, mỗi cá nhân thuộc core team sẽ đóng góp ý kiến một cách bình đẳng từ nhiều góc độ. Chính điều này sẽ làm nên sự khách quan cho toàn dự án” Nhà sản xuất Cao Ý Nhi chia sẻ.
Bên cạnh yếu tố chuyên môn, đây còn là những người sẽ nâng đỡ nhau về mặt tinh thần khi trải qua giai đoạn khó khăn như bị từ chối, không nhận được đầu tư…Làm phim là công việc teamwork, không thể thực hiện đơn lẻ một mình. Do đó, nếu ai thực sự đam mê làm phim, ngay từ bây giờ hãy tìm cho mình những người đồng đội, những người hiểu, cùng chí hướng và có thể đi đường dài với nhau.
Đội ngũ core-team của Ekip “Sài Gòn trong cơn mưa” đã có một buổi giao lưu chia sẻ đầy thú vị về nghề làm phim với các học viên tại trường Đào tạo Mỹ thuật Đa phương tiện Arena Multimedia và Học viện Kỹ xảo Điện ảnh Hoạt hình Maac.
Từ ý tưởng đến kịch bản
Một bộ phim hay luôn bắt đầu từ ý tưởng và kịch bản tốt. Đây là giai đoạn đặt nền móng cho toàn dự án. Theo chia sẻ từ Đạo diễn Nguyễn Minh Hoàng, hãy bắt đầu những chất liệu gần gũi nhất với bản thân. Khi ấy bạn mới thực sự hiểu và đồng cảm với câu chuyện mình sắp kể.
Sau khi có ý tưởng, công việc tiếp theo là đi tìm kiếm chất liệu. Một kịch bản hay là kịch bản mà người xem thấy được chính mình trong đó. Chính vì vậy, thay vì ngồi nhà tưởng tượng, bạn nên xâm nhập thực tế, tìm hiểu đời sống, văn hóa và những trăn trở liên quan đến chủ đề phim. Tất cả sẽ giúp bạn mang lại góc nhìn chân thật nhất cho câu chuyện, xây dựng được những tuyến nhân vật “đời” hơn, gần gũi hơn.
Công việc tiếp theo là lên outline (sườn kịch bản) và trình bày với cả team để mọi người cùng nhau “chốt” để bắt đầu triển khai chi tiết kịch bản. Tùy vào khả năng mỗi người, mà giai đoạn này sẽ kéo dài từ vài tháng đến hàng năm trời.
Sau khi có được bản thảo đầu tiên, mọi người trong ekip sẽ cùng nhau họp và phản biện kịch bản. Lúc này, những hạn chế mang tính chủ quan sẽ dần được lộ ra bằng các đóng góp khách quan. Sau đó, một buổi đọc kịch bản với khoảng từ 20-30 khách mời gồm những đối tượng thích hợp với bộ phim sẽ được tổ chức. Tại đây, sẽ xảy ra rất nhiều ý kiến trái chiều và đòi hỏi ekip phải có sự tỉnh táo để chắt lọc mọi thứ. Kịch bản sau đó tiếp tục được được chỉnh sửa, phản biện và chỉnh sửa…vòng lặp này sẽ kéo dài cho đến khi toàn bộ core team nhất trí với thành phẩm sau cùng.
Làm thế nào để nhà đầu tư chịu mở hầu bao?
Việc huy động kinh phí sản xuất luôn là bài toán nan giải nhất với những nhà làm phim độc lập. Nếu không đủ điều kiện tài chính tự thân, đi xin đầu tư là việc hiển nhiên phải làm và làm thật tốt. Vậy làm thế nào để “xin tiền” thành công?
Đầu tiên, bạn nên chuẩn bị một proposal (bản đề xuất) thật “kêu” gồm: Một clip demo ngắn, hoặc hình ảnh giới thiệu về phim để nhà đầu tư có thể nhìn thấy tiềm năng của dự án, cũng như tố chất của đạo diễn. Một proposal tốt phải có khả năng tóm tắt được toàn bộ thông điệp, bối cảnh, mood and tone, điểm mạnh điểm yếu và kế hoạch kinh phí…để nhà đầu tư cảm thấy bị thuyết phục bởi sự chuyên nghiệp của cả ekip.
Tiếp đến là giai đoạn pitching (thuyết trình). Khi đứng trước nhà đầu tư, phải luôn tự tin và làm hết sức mình. Đặc biệt, phải chuẩn bị tinh thần cho những lần bị từ chối. Đây không phải là vấn đề quá lớn, bởi nó còn tùy thuộc vào góc độ và tầm nhìn của nhà đầu tư. Hãy xem những lời từ chối là bài học, để có thêm kinh nghiệm cho lần pitching tiếp theo. “Sau mỗi buổi pitching, cả ekip luôn ngồi lại với nhau để cùng tìm cách và cải thiện những thiếu sót. Đặc biệt, không được bỏ qua bất kỳ cơ hội nào, phải luôn sẵn sàng cho những lần pitching ngẫu hứng” Lê Minh Hoàng chia sẻ.
Nên nhớ, điều tiên quyết để thuyết phục nhà đầu tư vẫn là một kịch bản hay, hấp dẫn. Lạc quan mà nói, thị trường phim ảnh Việt Nam không thiếu nhà đầu tư. Vẫn còn rất nhiều người sẵn sàng ủng hộ các đạo diễn trẻ.“Bất cứ đạo diễn nào cũng phải có một tác phẩm bắt đầu. Khi nhà đầu tư đọc được tâm huyết và khát vọng gửi gắm trọn vẹn trong đề tài, kịch bản, họ sẽ mở hầu bao thôi” Đạo diễn hình ảnh Nguyễn Khắc Nhật chia sẻ.
Poster chính thức của “Sài Gòn trong cơn mưa”
Từ kịch bản tới trường quay
Pre-Production (tiền kỳ) cũng là một giai đoạn tối quan trọng. Nếu mọi thứ được chuẩn bị kỹ lưỡng ngay từ lúc này, thì những bước tiếp theo mới có thể diễn ra trôi chảy.
Pre-Production là giai đoạn tốn nhiều chất xám, cơ thể dễ stress và suy nhược. Lúc này, sức mạnh teamwork rất quan trọng, mọi người luôn phải hỗ trợ và trở thành chỗ dựa tinh thần của nhau.
Đầu tiên là bổ sung nhân sự. Khi quay phim, trung bình sẽ cần từ 60 – 80 con người cùng on set. Do đó ngoài core team, sẽ có thêm nhiều thành viên khác được kết nạp tại giai đoạn Pre-Production. Cụ thể, team leader của các bộ phận như: Hình ảnh, Âm nhạc, Art, Ánh sáng…sẽ xuất hiện và làm việc trực tiếp cùng đạo diễn. Giai đoạn này, đạo diễn sẽ là người sẽ kết nối và sâu sát công việc của tất cả các bộ phận. Theo đó, một ngày làm việc của đạo diễn ở Pre-Production có thể sẽ kéo dài từ 12-14 tiếng, trong nhiều tháng liên tục.
Tiếp đến, mỗi team leader sẽ phải nghiên cứu kịch bản và cùng đạo diễn thống nhất hướng khai thác nội dung tối ưu nhất. Cụ thể về phần hình ảnh, DOP (Director of Photography) sẽ phải tìm hiểu bối cảnh phim (không gian, thời gian) và tính cách nhân vật để có thể truyền tải mọi thứ chân thực nhất. Sau đó, DOP sẽ cùng đạo diễn, Production design (thiết kế mỹ thuật) đi khảo sát địa điểm thực tế, tính toán chi tiết từng góc quay, hướng sáng… Sau khi thống nhất được danh sách bối cảnh, ekip sẽ tiến hành xin phép, đồng thời kiểm tra lần nữa để lên kế hoạch sử dụng thiết bị, nhằm tối ưu hóa và tiết kiệm chi phí.
Cụ thể với Sài Gòn trong cơn mưa, ekip đã phải đi đến tổng cộng 40 bối cảnh (chưa kể những bối cảnh dự phòng), liên tục trong suốt 1 tuần liền. Sau khi đã chọn được những bối cảnh chính, team sản xuất cũng đã hoàn tất thủ tục xin phép về khung giờ quay, DOP và Đạo diễn sẽ tiếp tục tiến hành kiểm tra lại những bối cảnh đã chốt. Giai đoạn này, DOP sẽ thực hiện camera test, lên kế hoạch chi tiết về việc sử dụng thiết bị gì, phục dựng bối cảnh ra sao, nhân vật mặc gì, makeup theo tông nào…Sau tất cả, DOP sẽ cho ra được shortlist cuối cùng và làm việc với team sản xuất về thiết bị, bên cho thuê thiết bị.
Cùng lúc đó, Đạo diễn sẽ kết hợp cùng team sản xuất tiến hành tổ chức casting. Casting về cơ bản được chia làm hai loại: Bí mật (chủ động mời những diễn viên phù hợp với kịch bản) và Công khai. Lúc này, tất cả ứng viên sẽ cùng tập hợp để có thể tương tác và làm việc với nhau. Qua đó, đạo diễn sẽ đánh giá được khả năng của diễn viên. Quá trình này thông thường sẽ kéo dài trong khoảng từ 2 đến 3 tháng. Đối với những bộ phim đặc thù như “Sài Gòn trong cơn mưa”, ekip sẽ phải mất thêm thời gian để đào tạo diễn viên về kỹ năng thanh nhạc và chơi nhạc cụ để mang lại hiệu ứng tốt nhất.
Sản xuất hậu kỳ
Tại Việt Nam, thông thường sẽ không có vị trí sản xuất hậu kỳ trong ekip. Phim sau khi quay xong đa phần sẽ được giao lại cho một công ty chuyên về dựng thực hiện. Tuy nhiên với “Sài Gòn trong cơn mưa” nói riêng và phim độc lập nói chung, team hậu kỳ sẽ làm việc trực tiếp với đạo diễn. Ưu điểm của điều này là mọi người hiểu được quan điểm, tiếng nói, tầm nhìn chung của dự án. Qua đó truyền tải mọi thứ đúng đắn nhất.
Giai đoạn hậu kỳ sẽ được chuẩn bị song song với khâu tiền kỳ và xuyên suốt giai đoạn thực hiện phim. Tổ hậu kỳ sẽ thường xuyên kết nối và làm việc trực tiếp với đạo diễn hình ảnh để hiểu được câu chuyện của toàn bộ phim, nắm được tiến độ chung, biết được dữ liệu đầu ra. Từ đó lên kế hoạch xử lý và sắp xếp nhân sự thực hiện.
Song song với việc quay, thì dựng phim cũng sẽ được thực hiện cuốn chiếu theo từng phân đoạn. Sau 1 – 2 tháng phim đóng máy, team hậu kỳ sẽ hoàn thành bản Final Cut và mất thêm khoảng 1 tháng để thực hiện chỉnh màu, lồng ghép kỹ xảo. Điều này giúp tiết kiệm thời gian, đặc biệt phù hợp với tính chất của những dự án có kinh phí hạn chế.
“Trước khi dự án chạy, Đạo diễn cho mình tham khảo vài bộ phim để hình dung hình mẫu mà đạo diễn hướng tới. Tuy nhiên, khi quay xong phim thực tế và xong bản dựng Final Cut, có rất nhiều yếu tố như bối cảnh, trang phục, diễn xuất, âm nhạc, cách dựng… làm ảnh hưởng đến nhịp điệu của bộ phim, khiến không thể làm màu giống ý định ban đầu. Mình và Hoàng đã phải làm việc trực tiếp với nhau trong phòng Post-Production để đưa ra phương án hợp lý nhất.” – Colorist Bùi Công Anh
Công chiếu – đưa phim đến khán giả
Cuối cùng là bước đưa phim đến khán giả. Buổi chiếu focus group (nhóm tập trung) với những đối tượng có giá trị tham khảo là điều cực kỳ cần thiết. Dựa vào bảng khảo sát, ekip sẽ có được góc nhìn tổng thể từ nhiều luồng ý kiến khách quan. Qua buổi chiếu thử nghiệm này, bạn sẽ phần nào hiểu được phân khúc khán giả nhắm tới và đánh giá phim đã thu hút được đúng đối tượng chưa.
Tiếp đến là khoanh vùng và xác định muốn đưa phim đến nhà phát hành nào (CGV, Lotte, Galaxy, BHD, Cinestar). Sau đó, lên kế hoạch pitching với các đơn vị kể trên để xin một buổi chiếu thử, nhằm thuyết phục nhà phát hành. Công việc quan trọng tiếp theo là mang phim đi kiểm duyệt. Đảm bảo phim khi ra rạp đáp ứng đúng luật điện ảnh Việt Nam.
Ở giai đoạn này, bước truyền thông cho phim cũng sẽ đồng thời được diễn ra. “Một bộ phim muốn đến gần hơn với khán giả, phải có khâu truyền thông tốt ngay từ đầu” Nhà sản xuất Cao Ý Nhi chia sẻ.
Lời khuyên cho bạn là, từ khi vừa khởi động dự án, ekip đã phải mời người làm truyền thông. Nhân vật này sẽ làm việc trực tiếp cùng core team để lên kế hoạch truyền thông phù hợp nhất (sản xuất poster, MV, nhạc phim, BTS).
Tạm kết
Làm phim là một hành trình tiềm ẩn nhiều thách thức và cả rủi ro. Nhưng qua đó, bạn sẽ có cơ hội được dấn thân, thử nghiệm để biến những giấc mơ điện ảnh mang đậm sáng tạo cá nhân thành hiện thực. Hãy bắt đầu dù khó khăn, bởi nếu không bắt đầu sẽ không có bất kỳ cơ hội nào hết.
Phim “Sài Gòn trong cơn mưa” được chiếu ở các cụm rạp trên toàn quốc từ ngày 06.11.2020
_Arena Multimedia_