Trước và sau Lễ Tốt nghiệp là hàng trăm các bạn trẻ đã và đang ở ngưỡng cửa của Nghề Thiết kế. Và để các tân khoa chuẩn bị một tâm thế đúng, theo nghề một cách hiệu quả, lâu dài cũng như trở nên yêu nghề nhiều hơn, Nhà thiết kế Nguyễn Tri Phương Đông đã chia sẻ 3 lời khuyên thiết thực trong buổi Lễ Tốt Nghiệp Arena Multimedia vừa qua (16/9/2016).
Sau đây là nội dung chia sẻ của Nhà thiết kế Phương Đông mà phóng viên Arena Multimedia đã ghi nhận được:
Nhà thiết kế Nguyễn Tri Phương Đông đã có những chia sẻ rất thiết thực dành cho các tân khoa Arena Multimedia trong buổi Lễ Tốt Nghiệp vừa qua (16/9/2016)
Xin chào các bạn tân khoa Arena Multimedia niên khóa 2013-2016. Ngày hôm nay là cột mốc quan trọng khẳng định sự trưởng thành trong đam mê và sẵn sàng tiến bước cho một chặng đường mới đầy hy vọng nhưng không ít cam go, thử thách của các bạn designer trẻ.
Để các bạn chuẩn bị một tâm thế đúng, theo nghề một cách hiệu quả, lâu dài và trở nên yêu nghề nhiều hơn, cũng như làm cho thế giới này trở nên tốt đẹp hơn qua những sản phẩm Multimedia Design của mình, tôi sẽ gửi gắm 3 điều mà tôi nghĩ rất cần thiết đối với những ai làm trong ngành sáng tạo này.
Ý TƯỞNG SÁNG TẠO
Điều thứ 1 chính là ý tưởng, khởi đầu của mọi sự trên thế gian. Luôn luôn là thế. Từ ngày xưa, hôm nay, đến mai sau. Nó là sự cải tiến, hiệu chỉnh, cách tân, thay đổi. Đó là sáng tạo. Và thế giới chúng ta luôn phát triển được bởi sự khác biệt.
Kỳ cùng của công việc, hợp tác, thành tựu, đều là ý tưởng mới. Nó làm nên giá trị của Design, của Designer, của bạn, khác với tất cả. Các bạn hãy luôn cố gắng không ngừng nghỉ, với tâm niệm bền chặt – hãy quyết liệt với ý tưởng, hãy làm hay như có thể.
Hơn ai hết, các bạn học viên Arena được trang bị khá mạnh mẽ về kỹ thuật. Các bạn cần nhớ rằng, những trang bị ấy giúp chúng ta diễn đạt được điều gì, thông điệp gì cho đời sống, nhu cầu gì cho người tiêu dùng thẩm mỹ, đặc biệt là cho khách hàng. Bởi chúng ta tồn tại được thông qua các hoạt động, dự án, sự đài thọ của khách hàng về thẩm mỹ, kỹ thuật và về các dự án.
Sự hợp tác giữa công nghệ và ý tưởng đã làm nên giá trị cho designer. Khiến cho khuôn mặt, công việc và giá trị của bạn khác những người khác. Hãy luôn cố gắng không ngừng nghỉ với một tâm niệm bền chặt, quyết liệt với ý tưởng và làm hay nhất có thể.
Một designer nổi tiếng đã từng nói rằng: “Thiết kế hay lên thẳng thiên đường, thiết kế dở hiện hữu ở khắp nơi”. Chúng ta hãy cùng nhau lên thiên đường của sự thành công về mặt ý tưởng. Đấy là hạng nghĩa bóng bẩy mà tôi tin rằng, các bạn trẻ có nghề trong tay đều ước mong có những ý niệm như vậy.
KỸ NĂNG QUAN SÁT
Thứ 2, kỹ năng quan sát. Vì thiết kế là nghệ thuật thị giác có tầm ảnh hưởng xã hội sâu và rộng. Từ cái sử dụng “được” đến sâu xa hơn là đạo lý và lối sống. Trình độ của cái đẹp, nôm na là trình độ thẩm mỹ trong đầu của cá nhân hướng đến cộng đồng, người tiêu dùng thẩm mỹ khi sử dụng, cảm thụ thẩm mỹ hay tác phẩm thiết kế của các bạn.
Nó đòi ở một nhà thiết kế phải có sự hiểu biết am tường về nhiều lĩnh vực, nhất là phương pháp làm việc. Việc quan sát nghĩa là nhìn mà thấy. Nhìn và không thấy chưa được gọi là quan sát. Đặc biệt khi xem xét về nghệ thuật và nghệ thuật thiết kế.
Với nhà thiết kế có quan sát thì họ có các yếu tố kèm theo của việc sáng tạo, đó là: tổng hợp, phân tích, rút tỉa, lặp lại, khái quát, ước lệ, cách điệu, nâng tầm… Có quan sát mới vận dụng và triển khai các yếu tố thuộc tính của việc sáng tạo. Quan sát là tìm cách sống nhiều đời sống trong một cơ thể sinh học, là ghi chép, chụp, quay, đọc, tập, làm, thể nghiệm…
Nhạc sĩ Văn Cao đã từng sáng tác Trương Chi, Suối Mơ, Thiên Thai và sau đó một vài năm là Tiến Quân Ca. Vì sao tác phẩm của ông ấy đến bây giờ vẫn có nhiều fan hâm mộ? Là vì trong các sản phẩm sáng tạo của ông vẫn giữ được cái hoài niệm, trải nghiệm của các lứa tuổi. Đấy là do ông ấy có được sự sâu sắc trong lý tưởng, phong phú trong nội tâm và đặc biệt sự bền chặt của thẩm mỹ, độ bền theo thời gian.
Là nhà thiết kế, chúng ta cần lưu tâm và quan sát để nội tâm phong phú, có được độ sâu của tư tưởng và tình cảm, hơn nữa độ bền của thẩm mỹ – Cái mà chúng ta có được theo thời gian vì không bị chán mắt, nhìn lâu được, càng nhìn càng thấy có giá trị về thẩm mỹ.
ĐAM MÊ KHÔNG NGỪNG
Thứ 3, đó là đam mê. Trước khi có cộng đồng mạng như hiện giờ, tôi đã có dịp gặp một người, mà theo ngôn ngữ của các bạn hiện giờ hay gọi là “soái ca”, ông ta nói rằng: “Sống không yêu như chết mà hết thở”.
Sống không yêu nghĩa là sống không có đam mê, không chí hướng, không mục tiêu và có khả năng không có lý tưởng. Yêu là yêu nghề, yêu người, chân túy trong tình ái, tình thân hữu, tình gia quyến và đặc biệt là đam mê nghề nghiệp.
Đam mê là biết mình muốn gì và theo cách mà Bill Gates nói: “Biết mình muốn gì thì mới biết làm như thế nào”. Chỉ có đam mê mới có thành tựu. Cho nên, nếu các bạn đam mê vô điều kiện thì việc dấn thân, chấp nhận thách thức, chúng ta sẽ có những trải nghiệm khác biệt với sự thiếu đam mê, hoặc đam mê có điều kiện.
Tôi đã gặp nhiều bạn đã đi học tiếng Anh nhiều lần trong đời. Vì mỗi lần họ thấy cần thiết là đi học và mỗi lần học lại gần như học từ đầu. Việc học nhiều lần tiếng Anh như vậy trong đời cho thấy rằng sự đam mê có điều kiện ở chỗ thích thú theo phong trào mà không có mục tiêu, cụ thể hóa khát vọng. Vì thế, học một hôm mà có sấm sét, trời mưa nhất định là nghỉ. Đam mê ấy là ví dụ nhỏ về đam mê có điều kiện đã hạn chế chúng ta nhiều thứ.
Khi bước vào cuộc đời, các bạn phải đối diện/đương đầu rất nhiều thứ về cạnh tranh, lật lọng, thị phi, thăng trầm… Thiết kế tốt giúp cho chúng ta làm nên những hàng xóm tốt. Gián tiếp tạo nên một cộng đồng tốt đẹp. Khi chúng ta biết cái xấu và cái đẹp nó không thể/chưa thể làm chết người nhưng nếu cái đẹp gia tăng thì làm giảm giá trị u tối, độc ác, bất định của xã hội chúng ta. Đang có rất nhiều giá trị thay đổi nhanh, nhưng không phải giới trẻ nào có bản lĩnh xử lý một cách đúng đắn, tỏ tường.
Theo đó, gia tăng những giá trị đẹp đẽ và nhân văn khiến cho chúng ta yên lòng với cuộc sống, an toàn với cái đẹp, hướng đạo thẩm mỹ và cảm thấy cuộc đời đáng yêu hơn nữa, đáng sống.
Lời cuối, xin gửi đến các bạn, đó là, sáng tạo giống như tình yêu, nó có thể biến ngày thường thành ngày hội, nó là việc đam mê và vui sống của tất cả chúng ta.
Tôi mượn lời ông bà/các bậc tiền nhân để đưa ra 3 lời khuyên:
– Hãy làm cái gì ra cái nấy
– Hãy đi đến nơi về đến chốn
– Hãy cố gắng làm sao cho ý tưởng/tác phẩm sáng tạo của mình càng hay thì càng hay, hay bao nhiêu hay bấy nhiêu.
Chúc các bạn thành công.