Đội ngũ giảng viên tại Arena Multimedia quan niệm rằng nhà giáo không chỉ có trách nhiệm truyền đạt kiến thức, mà còn phải trở thành người truyền cảm hứng cho học viên trong học tập hay cả khi đã ra trường. Hành trình “đầu tư” kiến thức của các thầy cô đã mang lại khoản lợi nhuận vô giá, đó chính là thành công của thế hệ học sinh xuất sắc trong lĩnh vực Multimedia Design.
Trong chặng đường gần 20 năm đào tạo các thế hệ designer chuyên nghiệp tại Việt Nam, Arena Multimedia đã có cơ duyên gắn bó với nhiều “người lái đò” đặc biệt. Mỗi giảng viên mang đến một phong cách giảng dạy khác nhau, giúp học viên tiếp cận kiến thức đa chiều và khơi nguồn cảm hứng sáng tạo. Cô giáo Nguyễn Thị Kim Lan và thầy Trần Lê Anh Tuấn là hai trong số đó.
Trái tim nhiệt huyết yêu nghề của nữ giảng viên kỳ cựu
Cô Kim Lan (Họa sĩ Thiết kế KimB) hiện đang là Giảng viên bộ môn Basic Skill, Design and Visualization Fundamentals, Typography và Logo tại Arena Multimedia. Gọi là “kỳ cựu” bởi cô đã gắn bó với Arena Multimedia từ năm 2008. Với kinh nghiệm trong sự nghiệp Thiết kế tại nhiều tòa soạn lớn, cô đã vận dụng nó để nghiên cứu kỹ lưỡng chương trình giảng dạy, linh hoạt phát triển thêm các hoạt động thực hành phù hợp với tình hình tại Việt Nam lúc bấy giờ.
Thời điểm năm 2008, vừa phải dịch tài liệu soạn lại giáo án, vừa phải đứng lớp khi ngành học Thiết kế còn quá mới mẻ, cô Kim Lan cùng nhiều giảng viên khác không khỏi băn khoăn khi thời gian đào tạo của Arena Multimedia tương đối ngắn so với các trường Đại học khác. Lo lắng học viên chưa tiếp thu kịp kiến thức khi mỗi môn học chỉ có thời gian từ 15-16 buổi, cô đã chủ động tổ chức các buổi ngoại khóa, phụ đạo miễn phí cho học viên tại quán cà phê, thư viện…
Đồng thời, cô Kim Lan cũng tham gia chương trình đào tạo tại Thụy Điển (do FOJO hợp tác với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và Đan Mạch, tìm được cách giảng dạy phù hợp cho lớp học với đa dạng học viên (từ học sinh THPT, sinh viên Đại học đến người đã đi làm…). Phương pháp này chú trọng làm việc nhóm, giảng viên và học viên cùng phát triển theo xu hướng thị trường, áp dụng thực hành để tăng khả năng tự học thay vì học viên chỉ tiếp thu kiến thức trong chương trình một cách bị động…
Nắm vững nguyên lý đó, cô Kim Lan đã nhanh chóng truyền đạt đến các giảng viên trẻ còn lúng túng tìm lối giảng dạy tại Arena Multimedia TP.HCM và Hà Nội, giúp mọi người tự tin hơn, không còn lo lắng về việc giới hạn thời gian. 17 năm đã trôi qua, tuy chương trình giảng dạy và công nghệ thay đổi liên tục nhưng cô vẫn giữ vững phương pháp đó như một kim chỉ nam trong giáo dục. Cô cho rằng: “Học viên Arena Multimedia linh hoạt, năng động hơn, thực hành nhiều hơn, làm việc nhóm tốt hơn do một phần điều kiện khách quan, một phần là nhờ chương trình đào tạo ngắn nhưng đủ, tiếp nối với nhau, không dư thừa”.
Thầy giáo tài năng chuyên “săn” đồ án xuất sắc
Nhớ những ngày đầu trước khi nhận lớp, thầy Lê Trần Tuấn Anh từng phải tập “đánh trận giả” suốt một tháng để gọt dũa giáo án một cách chỉn chu. Đến nay, thầy đã trở thành một trong những giảng viên trẻ được yêu thích nhất tại Arena Multimedia. Dù là một giảng viên trẻ tuổi, nhưng thầy từng đảm nhận các vị trí Lead UXUI Designer, Design Manager tại các công ty công nghệ và sở hữu kinh nghiệm thực chiến nhiều năm tại các lĩnh vực Fintech, CRM, Healthcare, Giáo Dục, Bất Động Sản, Thương Mại Điện Tử,… tại các công ty trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, thầy Tuấn Anh còn được mệnh danh là người chuyên “săn” đồ án xuất sắc. Thầy luôn cố gắng nhận biết điểm mạnh của học viên để phát huy trong đồ án, theo dõi sát sao giúp các bạn đi đúng hướng. Không ít đồ án cuối kỳ đã đạt điểm gần tối đa dưới sự dìu dắt và hướng dẫn của thầy. Một trong số đó là đồ án Tinkey do nhóm học viên Tạ Quỳnh Như, Lê Bảo Gia Hân và Phạm Nguyên thực hiện, đạt 94/100 điểm.
Chứng kiến học viên chỉ có 1-2 tiếng nghỉ ngơi mỗi ngày, thầy liền ngỏ ý mời các bạn về nhà, cho mượn phòng khách làm việc. Trong suốt thời gian đó, thầy cũng thức trắng với học trò, quan sát kỹ tiến độ làm việc của nhóm, dậy sớm chuẩn bị đồ ăn sáng để nhóm học viên hoàn thành đồ án một cách tốt nhất. “Thầy như người cha vậy đó, chăm sóc tụi mình, lo từ bữa ăn tới chỗ ngủ. Vào ngày bảo vệ đồ án, thầy lo cho nhóm và cả lớp tới mức không ăn nổi, chỉ húp một chén canh là xong” – Phạm Nguyên tâm sự.
Khi được hỏi về kỷ niệm ngọt ngào này và danh hiệu The Best Faculty (Giảng viên xuất sắc), thầy Tuấn Anh không giấu được sự xúc động: “Mình không phải là người săn đồ án xuất sắc mà chỉ là người chuẩn bị vũ khí để các bạn đi săn. Việc được mọi người công nhận và có nhiều đồ án xuất sắc rất đáng quý, nhưng quý hơn là thấy các bạn học viên tiến bộ từng ngày”.
Những người lái đò tiếp lửa đam mê
Dù khác biệt về độ tuổi và phong cách giảng dạy, cô giáo Kim Lan và thầy Tuấn Anh đều có điểm chung là đã, đang và sẽ luôn tiếp lửa đam mê cho những thế hệ học viên tại Arena Multimedia. Nếu thầy Tuấn Anh là thế hệ giảng viên được thầy Phan Nhật Trung mời đứng lớp, thì cô Kim Lan chính là cầu nối giới thiệu các học viên xuất sắc đã tốt nghiệp về trường giảng dạy.
Cô Kim Lan cho rằng, mặc dù những công việc khác có thể giúp bản thân có nguồn lực kinh tế hoặc niềm cảm hứng sáng tạo, nhưng chỉ có giảng dạy đem lại niềm hạnh phúc lớn hơn. Đó là xây dựng nền tảng kiến thức, tạo nguồn cảm hứng cho học viên và mang đến lợi ích xã hội lâu dài. “Điều hạnh phúc nhất của cô là quyết định chọn trở thành nhà giáo. Mặc dù có nhiều lời đề nghị mới nhưng cô vẫn chọn “đầu tư” kiến thức vào Arena Multimedia – nơi cô có thể cống hiến nhiều nhất cho học viên của mình” – cô bộc bạch.
Với nhiều học viên, cô Lan không chỉ đồng hành trên cương vị một giảng viên ở trường mà còn là người bạn thân thiết có thể cùng các bạn “gỡ rối tơ lòng”. Bạn Trần Di Hảo – được cô Lan giảng dạy môn Typography và hướng dẫn đồ án kỳ 1 – cảm nhận cô là nữ giảng viên chuyên nghiệp, sở hữu kho tài liệu với đa dạng chủ đề trong Thiết kế. Trong quá trình học tập và làm việc, Hảo luôn ghi nhớ lời dạy của cô “Phải làm cho đúng, sau đó mới đến làm cho đẹp” , nhắc nhở bản thân phải chú ý những quy tắc thiết kế trước, từ đó mới bay bổng sáng tạo, mang đến sản phẩm chỉn chu nhất.
Nhìn lại chặng đường gắn bó với nghề giáo cao cả, cô Kim Lan cho rằng: “Một giảng viên thành công là ngoài việc truyền đạt kiến thức, còn phải truyền đạt cảm hứng, là tấm gương của học sinh trong học tập, làm việc, khi thực hiện đồ án hay cả khi đã ra trường”. Càng lớn tuổi, cô càng hạn chế nhận nhiều lớp. Thế nhưng, cô vẫn theo dõi đầy đủ các bước đi qua các học kỳ của học viên, cả khi các bạn đã ra trường để biết rằng học trò đã thành công như thế nào, có cần mình hỗ trợ hay không.
Còn thầy Tuấn Anh thì cho rằng chính mình là người được Arena Multimedia truyền động lực và tiếp lửa với nghề. Thầy luôn ghi nhớ phong cách giảng dạy và hình ảnh nhiệt huyết của thầy Nhật Trung khi đứng lớp, hay học hỏi từ những nhận xét của thầy cô khác trong những buổi bảo vệ đồ án mà mình tham gia.
Lứa học viên trẻ giàu năng lượng và sự sáng tạo, quyết tâm với đam mê tại Arena Multimedia cũng chính là nguồn cảm hứng bất tận của thầy khi đứng trên giảng đường. “Năng lượng tích cực đến từ học viên giúp thầy có động lực để tìm hiểu, học hỏi thêm từ các đồ án của các bạn. Vì design là ngành có tính chất đào thải cực kỳ khủng khiếp, học viên hay giảng viên cũng phải học mỗi ngày để có thể tốt hơn chính mình ngày hôm qua” – thầy nói.
Thầy quan niệm bản thân không chỉ có trách nhiệm truyền kiến thức chuyên ngành mang tính ứng dụng cao mà còn phải mang đến nhiều bài học kinh nghiệm thực tế. Ban ngày, thầy vẫn đảm bảo tiến độ công việc tại công ty, cố gắng hiểu rõ thị trường lao động đang cần những yếu tố gì. Buổi tối, thầy lại áp dụng kinh nghiệm thực tế đó vào giảng dạy, giúp học viên nên tiếp cận ngành nghề một cách thực tiễn.
Thành tích lớn nhất trong sự nghiệp giảng dạy là thành công của học viên
Cô Kim Lan có thể không nhớ hết những danh hiệu trong suốt 17 năm giảng dạy tại Arena Multimedia nhưng vẫn luôn dành một ngăn đặc biệt cho vô vàn kỷ niệm với học viên trong ký ức. Cô còn nhớ như in chặng được học tập vất vả của học viên Tuấn Ngọc Hương Giang. Giang học rất giỏi, là học sinh trường THPT chuyên Lê Hồng Phong và cũng là niềm kỳ vọng lớn lao của gia đình. Giang phải đấu tranh mạnh mẽ với người thân để có thể học song song chương trình Sư Phạm mà gia đình lựa chọn và học kỳ tại Arena Multimedia.
Cô Lan chính là người luôn động viên Giang trên từng chặng đường học tập, cổ vũ bạn trong những thời điểm khó khăn nhất. Với những môn Giang đã học tốt, cô Lan chủ động xin giảm giờ học với trung tâm. Trái ngọt luôn đến với những người không ngừng nỗ lực, Giang tốt nghiệp xuất sắc ở 2 trường và hiện đang là 3D Head tại Kinestry (Singapore).
Đến nay, dẫu thời gian có làm xói mòn đi nhiều thứ nhưng kỷ niệm cùng học viên ở những ngày tháng đầu tiên vẫn luôn là điều khiến cô Kim Lan nhớ mãi khôn nguôi. Cũng vào chính thời điểm này năm 2023, cô đã kết hợp cùng Arena Multimedia để liên lạc với những cựu học viên tổ chức sự kiện gặp gỡ Arena Homecoming. Nhìn vào bức ảnh dưới đây, chúng tôi không thể không nhớ và tự hào về một khoảng thời gian đầy rực rỡ vừa qua.
Một niềm tự hào khác của cô Kim Lan chính là Đạo diễn Lê Bảo. Anh được cô giảng dạy tại học kỳ Graphic Design và có niềm đam mê làm phim hơn ai hết. Trong quá trình giảng dạy, cô nhiều lần hỗ trợ anh có được điều kiện học tập tốt nhất có thể. Đến nay, Đạo diễn Lê Bảo đã sở hữu nhiều giải thưởng làm phim trong và ngoài nước, được tham gia đào tạo các chương trình làm phim tại Pháp và phim của anh được chiếu trong Liên hoan phim Cannes. Cô cho rằng: “Học viên đã thu lượm kiến thức và ứng dụng nó như thế nào, điều này quan trọng hơn các danh hiệu dành riêng cho cô”.
Hiện nay, tuy đã giảm tải thời gian dạy do điều kiện sức khỏe nhưng vì cái tâm của một người làm nghề giáo, cô đã luôn tận tụy và không bao giờ xao lãng việc hỗ trợ cho từng học viên. Đặc biệt, với những em học viên gặp vấn đề về tâm lý hoặc khó khăn trong việc hòa nhập với tập thể, cô luôn chủ động trao đổi và tìm giải pháp riêng để mỗi bạn đều có thể bước tiếp con đường hiện thực hóa ước mơ.
Còn đối với thầy Tuấn Anh, bên cạnh kiến thức chuyên sâu về UI Design, UX Design, Web App Design, các kỹ năng mềm khác cũng vô cùng quan trọng. Thầy thường tổ chức các lớp dạy kỹ năng làm portfolio, CV, kỹ năng thuyết trình để học viên vững vàng hành trang trước khi bước vào thị trường lao động.
Thầy Tuấn Anh trải lòng: “Nhờ ứng dụng các kinh nghiệm làm việc thực tế, mình nhận ra học viên thiếu sót ở đâu để bổ sung kiến thức, bù đắp cho các bạn sao cho phù hợp với thị trường nhất. Rất vui khi một ngày thức dậy, học viên báo rằng đã tìm được một công việc tốt, mình đã làm được một việc có ích”.
Chính sự đa dạng trong cá tính và phong cách thiết kế của các giảng viên tại Arena Multimedia đã giúp học viên tiếp cận được với nhiều phương diện của Mỹ thuật Đa phương tiện. Học viên không bị giới hạn bản thân trong các khuôn khổ mà có thể tự do khai phóng nhiều hơn.
“Điểm chung giữa các thầy cô của Arena Multimedia và cũng là điểm khác biệt so với các trường khác chính là sự quan tâm tới học viên. Thầy cô hầu như có thể tương tác 24/7, sẵn sàng giải đáp tận tình và kịp thời các thắc mắc cho học viên dù bận rộn với nhiều lớp học và các công việc khác, giúp học viên không bị chơ vơ giữa chặng hành trình” – học viên Trần Di Hảo chia sẻ.
Chúng tôi xin mượn lời cảm ơn của học viên Di Hảo để gửi tấm lòng tri ân chân thành nhất đến tất cả các giảng viên của Arena Multimedia nói riêng và các Nhà Giáo nói chung nhân ngày Nhà Giáo Việt Nam 20/11: “Gặp gỡ, tiếp xúc với thầy cô là cơ hội quý giá, giúp em hiểu rằng cơ hội cho bản thân vẫn rộng mở phía trước. Cảm ơn các thầy cô, mong thầy cô luôn có nhiều sức khỏe để giữ lửa nghề luôn nhiệt huyết, luôn đồng hành với các bạn học viên trong tương lai”.
HỆ THỐNG ĐÀO TẠO MỸ THUẬT ĐA PHƯƠNG TIỆN ARENA MULTIMEDIA
TP.HCM
HÀ NỘI