Vào ngày 21/04 vừa qua, buổi workshop “Thiết kế poster phim” do Arena Multimedia tổ chức đã chính thức diễn ra tại cứ điểm Arena Nguyễn Đình Chiểu. Sự kiện thu hút hơn 100 bạn trẻ hào hứng tham dự và cùng nhau khám phá tất tần tật về kỹ năng thiết kế poster phim – “chìa khóa” thu hút sự chú ý của khán giả ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Đồng hành cùng các bạn trẻ trong buổi workshop chính là Creative Director Lê Đức Hiệp, người được mệnh danh là “ông trùm poster phim Việt” với hàng loạt tác phẩm ghi dấu ấn trong lòng khán giả như: Bố Già, Song Lang, Cô Ba Sài Gòn, Ròm, Cô Gái Từ Quá Khứ,… Với kinh nghiệm dày dặn cùng những hoạt động tích cực trong lĩnh vực Sáng tạo, anh đã mang đến nhiều chia sẻ cũng như các góc nhìn thú vị về kỹ năng thiết kế poster phim. Chưa dừng lại ở đó, quá trình từ phác thảo ý tưởng đến triển khai thực hiện tác phẩm cũng đã được anh Hiệp bật mí tất tần tật tại buổi workshop này.
Hãy cùng Arena Multimedia điểm qua các nội dung đáng chú ý và xem lại những khoảnh khắc đáng nhớ của buổi workshop này qua bài viết dưới đây nhé!
1. Tìm hiểu tổng quan về poster phim
Poster phim là ấn phẩm truyền thông thường thấy trong đời sống chúng ta. Trước khi tìm hiểu sâu hơn vào từng bước triển khai thiết kế, anh Lê Đức Hiệp đã chia sẻ với các bạn trẻ về ý nghĩa và vai trò của poster như sau: “Poster phim không chỉ là công cụ marketing mà đối với những nhà sáng tạo đây còn là một tác phẩm nghệ thuật”. Theo đó, dưới sự phát triển bùng nổ của công nghệ, ngoài là phiên bản 2D dán tường truyền thống, poster phim đã được phát triển và tồn tại dưới nhiều hình thức, định dạng khác nhau như: Hình ảnh trên các nền tảng mạng xã hội, những thước phim (Reels, clip Tik Tok,…) hay những thể loại banner động có thể tương tác với khán giả ngay tại các cụm rạp. Qua đó, anh Hiệp đã gửi lời nhắn nhủ đến các bạn trẻ rằng: “Các designers muốn phát triển bền bỉ và lâu dài trong ngành, hãy liên tục cập nhật những xu hướng phát triển của thời đại.”
Trong một dự án phim Điện ảnh, chúng ta sẽ thường bắt gặp 3 loại poster, đó là: Teaser Poster – Main Poster (Payoff/Theatrical) – Character Arts Poster. Cụ thể, các teaser poster sẽ được công bố ở thời điểm 3 đến 6 tháng trước khi bộ phim chính thức chiếu tại rạp. “Mục đích của teaser poster là tạo ra dư luận, bàn tán cũng như sự quan tâm và kích thích khán giả tò mò về bộ phim sắp ra mắt” – anh Hiệp chia sẻ. Main Poster và Character Poster sẽ được chính thức ra mắt và treo tại rạp vào giai đoạn dự án sắp được công chiếu. Bên cạnh đó, anh Hiệp cho biết nếu như teaser poster không tạo được sự ấn tượng, khiến khán giả dễ lướt qua thì các poster sau sẽ rất khó thu hút được sự chú ý. Vậy nên, ở mỗi giai đoạn sản xuất poster phim đều rất quan trọng và Graphic Designer cần tập trung, nỗ lực để hoàn thành sản phẩm một cách chỉn chu.
Các thể loại poster phim
Nguồn ảnh: Creative Director Lê Đức Hiệp
Poster phim thường xuyên xuất hiện xung quanh chúng ta. Vậy trên một poster tiêu chuẩn sẽ có những gì? Thông thường, khi thiết kế poster, chúng ta cần đảm bảo xuất hiện đủ các yếu tố chính gồm: key art (hình ảnh chính), tên diễn viên chính, tên phim, ngày khởi chiếu, billing (credit của đoàn phim), tagline, định vị,…
Các yếu tố chính trên một poster phim
Nguồn ảnh: Creative Director Lê Đức Hiệp
2. Từ ý tưởng đến triển khai thực hiện poster phim
Tiếp nối chương trình, anh Lê Đức Hiệp đã cùng các bạn trẻ khám phá quá trình thiết kế nên một poster phim. Cụ thể, để hoàn thành một tác phẩm chỉn chu, chúng ta sẽ trải qua quá trình gồm 5 bước như sau: Briefing – Moodboard/ Sketching – Resourcing – Refine/ Finalize Concept – Design & Revise.
Quá trình thiết kế một poster
Nguồn ảnh: Creative Director Lê Đức Hiệp
Ở bước 1 (Briefing), chúng ta sẽ tìm hiểu tất cả mọi thứ về bộ phim như: kịch bản, thông điệp, dàn cast,… Bên cạnh việc tự tìm hiểu, anh Hiệp cho rằng: “Các bạn nên gặp gỡ đơn vị sản xuất để tìm hiểu sự kỳ vọng của họ với bộ phim này. Hơn nữa, bạn cũng cần phải ‘thăm dò’ xem gu của họ đối với poster này ra sao, họ muốn poster có những gì hay muốn ‘giấu’ những yếu tố nào đi,…”
Đến với bước 2 là hình thành moodboard hoặc phác thảo bản vẽ. Đây chính là giai đoạn cần nghiên cứu, tìm kiếm những yếu tố có thể giúp bạn khơi gợi nguồn cảm hứng để thiết kế poster. Để các bạn trẻ có cái nhìn cụ thể hơn và hình dung được moodboard cho poster phim cần có những yếu tố như thế nào, anh Lê Đức Hiệp đã đưa ra hai ví dụ là những dự án mà trước đây anh Hiệp thực hiện gồm: dự án Tháng Năm Rực Rỡ & dự án Cô Ba Sài Gòn. Qua đó, các bạn có thể thấy rằng để tạo nên một poster phim, chúng ta cần phải hình dung được tạo hình nhân vật của bộ phim cũng như các yếu tố khác như màu sắc, phong cách,… cũng cần được định hướng ngay trong giai đoạn lên ý tưởng.
Moodboard của phim Cô Ba Sài Gòn và Tháng Năm Rực Rỡ
Nguồn ảnh: Creative Director Lê Đức Hiệp
Ở bước 3 (Resourcing), sau khi đã có ý tưởng sơ bộ, các bạn sẽ tiến hành nghiên cứu và thu thập chất liệu (materials) của bộ phim như: tạo hình của các nhân vật trong phim, thiết kế bối cảnh,… để xem liệu moodboard/ bản phác thảo của các bạn có phù hợp với bộ phim này hay không.
Đến với bước 4 (Refine/ Finalize Concept), các bạn sẽ tiến hành chốt phương án thiết kế poster với đơn vị sản xuất và bộ phận Marketing. Hơn nữa, các chất liệu như hình ảnh nhân vật, bối cảnh để thiết kế poster cũng cần lên kế hoạch và triển khai chụp ảnh (shooting) trong giai đoạn này.
Ở bước cuối cùng (Design & Revise), sau khi đã có được tất cả chất liệu và phương hướng thực hiện, các bạn sẽ bắt tay vào công đoạn thiết kế. Ở bước này, những thay đổi đột xuất có thể xảy ra và Designer cần chỉnh sửa thiết kế để phù hợp với yêu cầu từ đơn vị sản xuất, bộ phận Marketing của dự án phim.
3. Photomanip: Kỹ năng quan trọng trong thiết kế poster phim
Theo anh Hiệp, để trở thành một Designer chuyên nghiệp và đảm nhận được nhiều dự án lớn, một trong những kỹ năng quan trọng cần phải học hỏi và trau dồi là Photomanip Skills, một loại kỹ năng kết hợp giữa Nhiếp ảnh và Thiết kế đồ họa. Photomanip Skills không chỉ yêu cầu kỹ thuật sử dụng Photoshop thành thạo và khéo léo, mà còn đòi hỏi sự nhạy bén cao với ánh sáng, khả năng tư duy hình học và khối 3D. Đối với kỹ năng này, Designer cần thành thục các công cụ như: cắt ghép, blending, brushing, color grading trong Photoshop. Bằng những công cụ kết hợp với sức sáng tạo, trí tưởng tượng phong phú, Designer có thể kết hợp (mix-match) các chi tiết với nhau để tạo ra một tác phẩm mới hoàn chỉnh.
Poster phim Lật Mặt: 48h và Tháng Năm Rực Rỡ
Nguồn ảnh: Creative Director Lê Đức Hiệp
Tạm kết
Khép lại buổi workshop với nhiều chia sẻ bổ ích, Arena Multimedia tin chắc rằng các bạn trẻ đã phần nào hiểu hơn về các kỹ năng cần có cũng như các yếu tố quan trọng và quá trình thực hiện poster, từ khâu lên ý tưởng đến giai đoạn triển khai hoàn thành tác phẩm. Chúc các bạn sẽ sớm làm ra được những chiếc poster phim thật độc đáo, ấn tượng và khác biệt cho mình, bạn nhé!
Diễm Quỳnh
***
Để được tư vấn về chương trình đào tạo và các hình thức ưu đãi khuyến học tại Arena Multimedia, vui lòng liên hệ Ban tuyển sinh tại Arena gần bạn nhất:
TP.HCM
Email: [email protected]
* ARENA Nguyễn Đình Chiểu
212-214 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3
Tel: 1800 1525
* ARENA Hồ Văn Huê
43R/12 Hồ Văn Huê, P.9, Q.Phú Nhuận
Tel: 1800 6325
* ARENA Tân Bình
Số 6 Tân Kỳ Tân Quý (gần Etown), Q.Tân Bình
Tel: 1800 2074
* ARENA Lê Tuấn Mậu
136 Lê Tuấn Mậu (CV Phú Lâm), P.13, Q.6
Tel: 1800 2046
HÀ NỘI
Email: [email protected]
* ARENA Trúc Khê
80 Trúc Khê, Q. Đống Đa
Tel: 1800 1542
* ARENA Phạm Văn Bạch
D29 Phạm Văn Bạch, Q. Cầu Giấy
Tel: 1800 1542
* ARENA Trần Phú
110 Trần Phú, Q. Hà Đông
Tel: 1800 1542