Vào ngày 17/09 vừa qua, Arena Multimedia tổ chức buổi “Talkshow hướng nghiệp: Chọn đại hay chọn đúng?” nhằm giúp các bạn trẻ gỡ rối tâm lý, truyền cảm hứng theo đuổi đam mê và phát triển thành những phiên bản xuất sắc hơn trong tương lai.
Đến với buổi Talkshow hướng nghiệp, các bạn trẻ sẽ được tháo gỡ nút thắt tâm lý cùng những chuyên gia hàng đầu như: Tiến sĩ Tô Nhi A, Đạo diễn Quản Phương Thanh, Creative Director Võ Hoàng Hiếu, thầy Nguyễn Hữu Khoa – Giám đốc Đào tạo Arena khu vực TP.HCM. Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội để các bạn tìm hiểu cặn kẽ hơn về các ngành nghề trong lĩnh vực Sáng tạo qua góc nhìn của các anh chị tiền bối dày dặn kinh nghiệm.
“Bắt mạch” 3 lý do khiến Gen Z rơi vào thế khó khi chọn ngành
Ngày nay, không ít bạn trẻ dù đậu đến 2, 3 trường Đại học nhưng vẫn cảm thấy mông lung và không hài lòng vì chẳng biết mình thật sự thích gì hay nên học trường nào, ngành nào. Một vài trường hợp khác, các bạn phải chịu áp lực từ gia đình, sau đó “nhắm mắt đưa chân” theo sự định hướng của bố mẹ. Đáng buồn hơn là khi đã vào nhập học, các bạn lại càng nhận ra mình vốn dĩ không thuộc về ngành nghề ấy. Từ đó, dẫn đến kết quả đáng buồn hơn là bản thân bị mắc kẹt bởi tâm lý “học không được, bỏ cũng chẳng xong”.
Vậy, đâu là những nguyên nhân đẩy các bạn trẻ vào tình thế “hỗn loạn” như vậy? Ở buổi Talkshow hướng nghiệp, dưới góc nhìn của chuyên gia, Tiến sĩ Tâm lý Tô Nhi A đã đưa ra 3 lý do chính khiến các bạn trẻ hoang mang trong thời khắc lựa chọn ngành nghề như sau:
1. Sự nhiễu loạn thông tin
Trong thời đại số hóa, dưới sự trợ giúp đắc lực của công nghệ, không thể phủ nhận rằng chúng ta đang sở hữu lợi thế rất lớn về mặt thông tin. Chỉ với vài từ khóa đơn giản và một cú click chuột, hàng ngàn kết quả sẽ hiện ra trước mắt với đa dạng cách thức trình bày như: hình ảnh, text, video, podcast,… Đặc biệt, dưới sự chi phối của AI cùng các thuật toán thông minh, các bạn có khi chẳng cần phải tìm kiếm, AI sẽ chủ động gợi ý cho bạn những nội dung có chủ đề bạn quan tâm.
Mỗi ngày khi sử dụng mạng xã hội, các bạn dễ dàng bắt gặp được 5-10 clip liên quan đến nội dung hướng nghiệp. Clip đầu tiên là các dấu hiệu nhận biết bạn phù hợp với ngành Marketing, clip thứ 2 là ngành Tài chính – Ngân hàng, clip thứ 3 là ngành Y học,… Cứ liên tục như vậy, các bạn dễ rơi vào trạng thái lầm tưởng rằng ngành nào mình cũng có thể làm được. Tiến sĩ Tâm lý Tô Nhi A đưa ra nhận định như sau: “Dù bạn có đa năng thế nào thì cũng chỉ có 24h một ngày để làm việc thôi. Các bạn không thể cùng lúc làm 8 nghề được”. Vậy nên, sự nhiễu loạn thông tin là vô cùng nguy hiểm vì chúng đẩy các bạn vào tình trạng hoang mang, vô định hướng.
2. Áp lực từ phía phụ huynh
Tiến sĩ Tô Nhi A nêu rõ vấn đề rằng: “Thực tế, không phải phụ huynh nào cũng có thể đồng hành tốt cùng con trong câu chuyện hướng nghiệp. Bởi lẽ, đôi khi trong cái nhìn ‘hạn hẹp’ của phụ huynh, họ cũng không biết có những ngành nghề nào trên đời này”. Đồng thời, khi phụ huynh bị tác động bởi sự khoe mẽ của “con người ta” cũng sẽ nảy sinh nên trạng thái so sánh với con mình. Song, điều này đã vô tình “ngắt kết nối” hoặc không cùng quan điểm khi phụ huynh cùng ngồi lại với con trẻ để bàn luận việc chọn nghề cho tương lai.
Bên cạnh đó, cô Tô Nhi A còn “bóc tách” thêm một tâm lý thường thấy ở nhiều bạn trẻ là: “Ở lứa tuổi này, các bạn thường rất thích xây cơ đồ”. Chính sự thiếu trải nghiệm, non nớt trong suy nghĩ càng dễ dàng “châm ngòi” cho cuộc chiến giữa con cái và phụ huynh diễn ra hơn.
3. Sự tác động bởi “hào quang thần tượng”
Khi “bất an” trong chính suy nghĩ của mình, chúng ta thường tìm kiếm và tham khảo thông tin từ nhiều nơi. Cuối cùng là bám víu vào “hào quang thần tượng” khi chứng kiến một cá nhân nào đó đạt được thành công chói lọi trong nghề và nảy sinh cảm giác hứng thú, mong muốn mình cũng làm được như như vậy. Điều này dẫn đến một vài trường hợp rằng: “Các bạn lựa chọn nghề dựa trên niềm tin dành cho người mà mình ngưỡng mộ và các bạn không tách bạch được rằng mình mê nghề hay mê ‘người trong nghề’ đó”.
Làm thế nào để biết được bản thân có năng khiếu nào và phù hợp với lĩnh vực nào?
Tiến sĩ Tô Nhi A cho rằng để ra được quyết định, trước hết chúng ta nên chậm lại và xem xét tất cả những năng lực mà bản thân đang sở hữu. Một trong số những thông tin thực chứng giúp các bạn phát hiện ra khả năng của bản thân chính là điểm số. Bởi lẽ, điểm số là kết quả của cả quá trình phấn đấu trong học tập. Chính các trường Đại học cũng dựa vào điểm học bạ của nhiều kỳ để quyết định bạn có trúng tuyển hay không. Vì vậy, đừng bỏ qua và hãy nhìn lại xem mình có khả năng ở môn học gì, mình thuộc về khối ngành tự nhiên hay xã hội, bạn nhé!
Creative Director Võ Hoàng Hiếu bổ sung thêm một mẹo nhỏ giúp bạn dễ dàng hơn trong việc “thăm dò” chính mình đó là: “Hãy chậm lại quan sát từng cái ‘hint’ trong bạn và đừng quên lý giải vì sao mình thích làm việc A chứ không thích làm việc B”. Cụ thể hơn, Tiến sĩ Tô Nhi A ví dụ về cách quan sát năng lực thực hành như sau: “Ngay từ cấp 3 khi tham gia những hoạt động ngoại khóa, có những bạn sẽ thích làm MC chứ không muốn nằm trong nhóm nhảy, có những bạn rất thích nhảy nhưng lại được tin tưởng giao nhiệm vụ hậu cần, có bạn thì chỉ được nấu ăn chứ không được đứng bán hàng, có bạn thì chỉ cần đi chào hàng một vòng là tự dưng gian hàng của lớp ‘sạch món’,… Những điều trên là các minh chứng rất rõ ràng để đo lường mức độ ‘rung cảm’ của bạn với một lĩnh vực nào đó.”
Khi đã tìm ra hai yếu tố năng lực được chứng thực bởi điểm số và năng lực thực hành của bản thân, bạn có thể nhờ đến sự trợ giúp từ Internet để đưa ra quyết định sau cùng bằng cách tìm kiếm và nghiên cứu về những lĩnh vực phù hợp với khả năng của bạn.
Nhằm giảm thiểu áp lực tâm lý và trạng thái hoang mang của các bạn trẻ, Đạo diễn Quản Phương Thanh cũng đã chia sẻ về câu chuyện chọn ngành của mình. Chị tâm sự: “Thật ra trong quá trình học tập, chị phải trải qua chính xác là 5 trường mới tìm ra được ngành nghề phù hợp với bản thân. Trái ngược với các bạn, ở thế hệ của chị không có đầy đủ thông tin để tham khảo như bây giờ. Chị cứ học rồi bỏ, trải nghiệm dần dần mới khám phá được mình thật sự thích cái gì.”
Bên cạnh đó, chị còn nhắn nhủ với các bạn rằng: “Trong lứa tuổi này chúng ta cần có sự ‘hỗn loạn’ để được thử nhiều thứ. Nếu như các bạn đang có tâm lý hoang mang này thì đó là quá trình hết sức bình thường. Các bạn hãy mạnh dạn trải nghiệm, đó là điều tuyệt vời của tuổi trẻ!”
“Khả năng sáng tạo hoàn toàn có thể trau dồi và học hỏi được”
Hiện nay, trong “vũ trụ ngành” vô cùng rộng lớn, Sáng tạo là một trong những lĩnh vực nhận được sự quan tâm đặc biệt của các bạn trẻ. Trước tiên, định nghĩa về ngành Sáng tạo, thầy Nguyễn Hữu Khoa – Giám đốc Đào tạo Arena khu vực HCM chia sẻ rằng: “Sáng tạo rất gần gũi với chúng ta, không nhất thiết phải là mỹ thuật hay thiết kế, không nhất thiết phải là tạo ra những cái mới mẻ mà chúng đến từ những gì vốn có trong tự nhiên. Khi mọi người làm những thứ cũ theo một cách mới, nó cũng đã là sáng tạo.”
Bổ sung vào ý kiến của thầy Nguyễn Hữu Khoa, Creative Director Võ Hoàng Hiếu chia sẻ thêm quan điểm cá nhân rằng: “Sáng tạo không phải là một điều gì đó cao xa hay huyền diệu. Khả năng sáng tạo là hoàn toàn có thể trau dồi và học hỏi được. Bạn có thể là một người là sáng tạo giỏi nếu bạn có sẵn tiềm năng. Tuy nhiên, nếu bạn không phải là một người có thiên hướng nghệ thuật, bạn vẫn có thể theo đuổi sáng tạo theo cách ‘technical’ hơn để bổ trợ cho những bạn làm sáng tạo khác.”
Gần đây, dưới sự phát triển bùng nổ của AI, nhiều bạn trẻ lo lắng ngành Sáng tạo sẽ bị AI thay thế. Luồng ý kiến này cũng đã được đưa vào “mổ xẻ” tại buổi Talkshow ngày hôm ấy. Creative Director Võ Hoàng Hiếu phát biểu rằng: “Những thứ các bạn ‘ra đề’ cho AI là kiến thức và tư duy của các bạn mà đã là kiến thức và tư duy thì AI không thể nào thay thế được. Các bạn không thể nào ra đề cho AI theo kiểu ‘hãy vẽ cho tôi một bức tranh tuyệt đẹp’ là ra kết quả được. Đẹp như thế nào, đường nét, màu sắc, ánh sáng ra sao là những thứ các bạn phải am hiểu và AI chỉ là công cụ giúp các bạn rút ngắn thời gian làm việc thôi.”
Vì vậy, nếu bạn đã tương đối chắc chắn với khả năng và niềm đam mê của mình thì hãy mạnh dạn theo đuổi. Đừng để những yếu tố bên ngoài tác động và “bỏ ngỏ” ước mơ của mình, bạn nhé!
Bí kíp thuyết phục phụ huynh đồng hành cùng bạn trên hành trình theo đuổi ước mơ
Không thể phủ nhận rằng gia đình là chỗ dựa vững chắc và là nguồn động viên tinh thần to lớn của các bạn trẻ trên con đường chinh phục đam mê. Tuy nhiên, không phải bất kỳ bạn trẻ nào cũng may mắn nhận được sự thấu hiểu và ủng hộ từ quý phụ huynh. Tại buổi Talkshow, Tiến sĩ Tâm lý Tô Nhi A đã gợi mở các bước giúp bạn thuyết phục quý phụ huynh để mình theo đuổi đam mê.
1. Tìm hiểu tất tần tật thông tin về nghề nghiệp của bạn
Bước đầu tiên cũng là bước quan trọng nhất quyết định sự thành công của “cuộc đấu tranh” này chính là nắm chắc bức tranh tổng quan về nghề nghiệp mà bạn đã lựa chọn. Hãy đảm bảo rằng bạn hiểu rõ từng “chân lông kẽ tóc” của con đường bạn muốn theo đuổi. Ngoài ra, việc thấu hiểu toàn cảnh lĩnh vực ấy sẽ giúp bạn có được những dẫn chứng và lý lẽ thuyết phục được bố mẹ của mình.
2. Lựa chọn thời điểm thích hợp
“Thiên thời, địa lợi, nhân hòa” là lúc hoàn hảo nhất để bạn ngồi xuống trò chuyện với các phụ huynh của mình. Đừng để câu chuyện lựa chọn ngành nghề của bạn được phơi bày trong một bầu không khí gia đình căng thẳng và phụ huynh vẫn chưa sẵn sàng để lắng nghe, bạn nhé!
3. Gợi mở và lắng nghe những lo lắng của phụ huynh
Theo Tiến sĩ Tô Nhi A: “Kỹ thuật bắt đầu câu chuyện là nghe trước khi nói. Vì vậy, trước khi nói về câu chuyện của mình, hãy để phụ huynh nói ra hết những nỗi lo lắng của họ”. Ngoài ra, thái độ lắng nghe và tiếp nhận một cách chân thành cũng là cách để bạn cho họ thấy bản thân đang nghiêm túc với niềm đam mê, con đường mình đã chọn.
4. Thuyết phục phụ huynh thấu hiểu bằng những dẫn chứng thiết thực
Sau khi thấu hiểu được nỗi lòng của bậc phụ huynh và kết hợp với các thông tin đã tìm hiểu trước đó, giờ chính là lúc bạn “tổng tấn công” bằng những lý lẽ, những dẫn chứng đầy sức thuyết phục. Hãy để phụ huynh thấy rằng bạn đã trưởng thành, bạn biết mình ở đâu, mình đang làm gì và sẽ đi đến một tương lai như thế nào.
Ngoài ra, Creative Director Võ Hoàng Hiếu chia sẻ thêm: “Để có thể thuyết phục ba mẹ ủng hộ đam mê của mình, bí quyết của tôi là các bạn hãy chứng tỏ cho họ thấy bản thân các bạn giỏi cái này. Nếu các bạn chỉ nói suông với ba mẹ rằng mình thích vẽ, thích thiết kế thôi thì khó thuyết phục lắm. Vậy nên, hãy trau dồi kỹ năng và đam mê chắc chắn trước khi thuyết phục ba mẹ nhé. Tôi tin là không có ba mẹ nào thấy con mình giỏi cái này mà lại bắt nó học cái dở hơn cả.”
Cuối cùng, Tiến sĩ Tâm lý Tô Nhi A đã có đôi lời nhắn nhủ đến các bạn trẻ rằng: “Phụ huynh đồng ý để bạn theo đuổi đam mê vì thấy bạn đủ chín chắn. Nếu muốn sống cuộc đời của mình, các bạn phải có can đảm và bản lĩnh. Các bạn không dám đấu tranh thì các bạn không có quyền đòi bố mẹ ủng hộ đam mê của mình. Vậy nên, trong “cuộc chiến” với bố mẹ để lựa chọn ngành học, các bạn mới chính là người quyết định chứ không phải phụ huynh.”
Tạm kết
Trải qua hơn 2 tiếng với những góc nhìn và chia sẻ đầy thú vị cùng các chuyên gia, hy vọng các bạn trẻ đã phần nào đó được tháo gỡ vướng mắc và có thêm cơ sở để định hướng cho sự nghiệp tương lai. Arena Multimedia chúc các bạn sẽ luôn làm được những điều mình yêu và yêu những điều mình làm. Hãy dùng thanh xuân này “cháy” hết mình với niềm đam mê và không ngừng vươn lên chinh phục những đỉnh cao mới, bạn nhé!
Diễm Quỳnh
***
Để được tư vấn về chương trình đào tạo và các hình thức ưu đãi khuyến học tại Arena Multimedia, vui lòng liên hệ Ban tuyển sinh tại Arena gần bạn nhất:
TP.HCM
Email: [email protected]
* ARENA Nguyễn Đình Chiểu
212-214 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3
Tel: 1800 1525
* ARENA Hồ Văn Huê
43R/12 Hồ Văn Huê, P.9, Q.Phú Nhuận
Tel: 1800 6325
* ARENA Tân Bình
Số 6 Tân Kỳ Tân Quý (gần Etown), Q.Tân Bình
Tel: 1800 2074
* ARENA Lê Tuấn Mậu
136 Lê Tuấn Mậu (CV Phú Lâm), P.13, Q.6
Tel: 1800 2046
HÀ NỘI
Email: [email protected]
* ARENA Trúc Khê
80 Trúc Khê, Q. Đống Đa
Tel: 1800 1542
* ARENA Phạm Văn Bạch
D29 Phạm Văn Bạch, Q. Cầu Giấy
Tel: 1800 1542
* ARENA Trần Phú
110 Trần Phú, Q. Hà Đông
Tel: 1800 1542