Hòa vào không khí hân hoan của chuỗi sự kiện chào đón sự ra đời cơ sở Arena Multimedia Tân Kỳ Tân Quý. Vào buổi chiều ngày 28/11/2021, buổi workshop thứ 2 trong khuôn khổ chuỗi workshop “Multimedia: Chọn nghề gì bây giờ?” đã được tổ chức với chủ đề “Nghề Food Stylist & Commercial Photographer”. Đến với buổi chia sẻ, các bạn trẻ có cơ hội gặp gỡ, trò chuyện cùng Food Stylist Meo Thùy Dương và Commercial Photographer Nguyễn Hà Minh. Những câu chuyện được bộ đôi diễn giả mang đến workshop đã giúp người tham dự có thêm góc nhìn tổng quan về thị trường, cũng như nắm bắt các yêu cầu cơ bản về kỹ năng và kiến thức của hai ngành nghề còn khá mới mẻ với người yêu sáng tạo Việt Nam.
Từ Graphic Designer đến cơ duyên với Food Stylist và Commercial Photographer
Đến với buổi workshop, bộ đôi diễn giả Meo Thùy Dương và Nguyễn Hà Minh đã có những chia sẻ chân thật về cơ duyên dấn thân vào lĩnh vực Food Stylist và Commercial Photographer, bởi lẽ đây vẫn là hai ngành nghề khá mới mẻ đối với các bạn trẻ đam mê sáng tạo.
Chị Meo Thùy Dương, cựu học viên ưu tú của Arena Multimedia, đồng thời là một trong những tên tuổi nổi bật trong giới Food Stylist tâm sự: “Trước khi trở thành Food Stylist, công việc của chị là Graphic Designer. Đối với chị, cơ duyên lớn nhất nằm ở việc bản thân mình yêu thích làm đẹp và sắp xếp mọi thứ xung quanh cuộc sống. Chị nghĩ điểm chung giữa đồ họa và Food Stylist là giúp chị có thể thỏa mãn niềm đam mê cái đẹp. Chính vì đam mê đó mà dẫn chị đi đến ngày hôm nay.”
Sau hơn 15 năm cống hiến cho lĩnh vực sáng tạo, Nguyễn Hà Minh đã trở thành cái tên quen thuộc với những ai yêu mến nhiếp ảnh. Tuy nhiên, khi lắng chia sẻ về cơ duyên bước chân vào ngành từ anh không ít bạn trẻ sẽ cảm thấy bất ngờ, bởi lẽ xuất phát điểm của anh cũng từ một Graphic Designer. Commercial Photographer Nguyễn Hà Minh bộc bạch: “Bản thân anh xuất thân từ Graphic Designer. Tuy nhiên, sau khoảng thời gian làm việc anh cảm thấy mình không thích ngồi yên một chỗ để làm thiết kế, anh mong muốn trải nghiệm về nhiếp ảnh, ánh sáng, thực hành những kỹ thuật liên quan đến Photoshop. Mặc dù vậy, anh vẫn cảm thấy điểm xuất phát từ Graphic Designer đã giúp anh rất nhiều khi bước đi trên con đường mới này.”
Như vậy, thông qua chia sẻ của chị Meo Thùy Dương và anh Nguyễn Hà Minh, các bạn trẻ dễ dàng nhận thấy rằng sáng tạo hoàn toàn không tồn tại bất kỳ ranh giới nào, dù xuất phát điểm của bạn từ Graphic Designer, chỉ cần giữ vững lòng yêu thích dành cho cái đẹp, đam mê khám phá và không ngừng học hỏi, Food Stylist và Commercial Photographer có thể là thế giới dành cho bạn.
Cơ hội phát triển của nghề Food Stylist và Commercial Photographer
Food Stylist – Khi món ăn không chỉ là thế giới riêng của người đầu bếp
Food Stylist là gì?
Thông thường, chúng ta vẫn quen thuộc cụm từ Stylist song hành cùng các khái niệm về thời trang, vậy còn Food Stylist là gì?
Theo chia sẻ từ chị Meo Thùy Dương: “Chúng ta có 2 quan điểm sai lầm về ngành Food Stylist. Thứ nhất, đó là mọi người thường nhầm lẫn giữa Food Stylist và Chef (Đầu bếp). Mặc dù đầu bếp là người nấu rất nhiều món ăn ngon nhưng đôi lúc lại trang trí món ăn không đẹp mắt hoặc đơn thuần họ không có thẩm mỹ cao hay khả năng bắt kịp xu hướng tốt. Sai lầm thứ hai, đó là mọi người thường mặc định Food Stylist sẽ được ăn rất nhiều món ngon. Trên thực tế, những món ăn mà các bạn nhìn thấy qua hình ảnh, chị không bao giờ được thưởng thức chúng cả. Đối với chị, Food Stylist đơn giản là người thiết kế, tạo dáng và sắp xếp món ăn sao cho đẹp nhất có thể.”
Cơ hội phát triển của ngành Food Stylist
Lĩnh vực Food Stylist thường gồm hai mảng chính, một là bạn có thể cộng tác cùng các nhà hàng, khách sạn, thực hiện những bức ảnh theo phong cách Magazine, hai là sẽ làm việc cùng các thương hiệu lớn, đây là mảng công việc chuyên nghiệp đối với người làm Food Stylist.
Vào thời điểm chị Meo Thùy Dương quyết định lựa chọn theo đuổi Food Stylist, thị trường Food Photography ở Việt Nam vẫn chưa phát triển, vì thế khi bắt đầu bước chân vào lĩnh vực này hầu hết mọi người đều đối diện với nhiều khó khăn. Chị tâm sự: “Thời điểm đó, chị thường bắt đầu với những dự án nho nhỏ như chụp ảnh cho những quán cà phê, nhà hàng bé bé. Sau một khoảng thời gian, chị dần dần chụp ảnh cho các khách sạn 5 sao và rồi, đến lúc chị được đi khắp các tỉnh thành ở Việt Nam.”
Cho đến thời điểm hiện tại, thị trường dành cho các Food Stylist ngày càng mở rộng bởi sự gia tăng về thị hiếu thẩm mỹ của khách hàng. Tuy nhiên, đây vẫn là một ngành nghề sở hữu tuổi đời khá non trẻ tại Việt Nam, vẫn luôn còn cơ hội cho những ai yêu thích lĩnh vực đầy thú vị này.
Chị Meo Thùy Dương nhấn mạnh thêm: “Thời điểm chị bắt đầu, vừa dễ lại vừa khó. Bởi lẽ, lúc đấy thị trường chưa có, mình phải tự sáng tạo ra thị trường cho riêng bản thân và tự thuyết phục khách hàng trả tiền cho dịch vụ của mình. Hầu hết mọi người lúc đấy vẫn nghĩ công việc này tương tự chụp ảnh cưới, chụp ảnh sự kiện, hoàn toàn chưa thể hình dung chụp ảnh món ăn sẽ như thế nào. Hiện nay, các bạn được học trong môi trường rất tốt, sở hữu nhiều công cụ giúp đỡ, không chỉ với mong muốn trở thành Food Photographer hay Food Stylist mà nhiều các bạn còn có nhiều cơ hội khác để chạm tay đến thành công.”
Commercial Photographer – Lĩnh vực đầy thú vị dành cho người yêu thích nhiếp ảnh
Commercial Photographer là gì?
Commercial Photographer là người đảm nhận việc chụp ảnh cho các doanh nghiệp nhằm quảng bá cho thương hiệu của họ. Sản phẩm thường là các bức ảnh về poster, các quảng cáo ngoài trời hay POSM (Các vật dụng thiết kế tại điểm bán). Những chủ đề thường được khai thác trong Commercial Photography (Nhiếp ảnh thương mại) là các hình ảnh về đồ ăn (Food), ảnh về phong cách sống (Lifestyle) và sản phẩm của doanh nghiệp.
Commercial Photographer và hành trang cơ bản cần có
Đối với hướng phát triển dành cho các bạn trẻ đam mê nhiếp ảnh thương mại và mong muốn trở thành Commercial Photographer, anh Nguyễn Hà Minh cho rằng: “Khi các bạn yêu thích bộ môn này, các bạn sẽ có rất nhiều hướng phát triển và hoàn toàn có thể trở nên giỏi hơn, quan trọng nhất là phải giữ được sự kỷ luật.” Nhìn chung, cơ hội trong lĩnh vực Commercial Photography luôn rộng mở dành cho tất cả mọi người, lối đi trên con đường này phụ thuộc phần lớn vào sự yêu thích dành cho từng chủ đề nhiếp ảnh cụ thể.
Bên cạnh việc xác định hướng phát triển, người làm Commercial Photographer cần hội tụ những yếu tố cơ bản về kiến thức và kỹ năng nhằm đáp ứng yêu cầu làm việc của ngành nghề. Theo lời chia sẻ từ anh Nguyễn Hà Minh: “Ngoài việc yêu thích nhiếp ảnh là điều kiện tiên quyết, Commercial Photographer phải giỏi về kỹ thuật, biết cách sắp đặt mọi thứ xung quanh, đặc biệt là phải sở hữu thế mạnh về mỹ thuật, biết cách sử dụng ánh sáng.”
Trong quá trình làm việc, Commercial Photographer sẽ có cơ hội cộng tác cùng các Creative Director. Để hoàn thiện một bộ ảnh, các bạn thậm chí phải làm việc từ 5 giờ sáng hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau trong studio khoảng 200-300m2. Các buổi chụp ảnh sẽ được phân chia thành nhiều phần chụp, đôi lúc có cả khu vực về Food Stylist.
Trải nghiệm một ngày làm Food Stylist & Commercial Photographer
Sau giây phút lắng nghe những chia sẻ bổ ích cùng nhiều trải lòng chân thành về nghề nghiệp, các bạn trẻ tham dự workshop tiếp tục có cơ hội trực tiếp trải nghiệm trở thành Food Stylist & Commercial Photographer thông qua sự dẫn dắt của chị Meo Thùy Dương và anh Nguyễn Hà Minh.
Bước vào không gian thực hành tương tự một studio chuyên nghiệp tại cơ sở Arena Multimedia Tân Kỳ Tân Quý, Food Stylist Meo Thùy Dương và Photographer Nguyễn Hà Minh từng bước hướng dẫn các bạn trẻ cách thức lên ý tưởng concept nghệ thuật, bố trí và bày biện món ăn cũng như việc lắp đặt và sử dụng ánh sáng trong quá trình chụp ảnh sản phẩm. Thông qua thời gian thực hành, người tham dự đã sở hữu riêng cho bản thân những hiểu biết sâu sắc về bộ đôi ngành nghề đầy thú vị này, đặc biệt là mối tương quan và sự hỗ trợ giữa chúng trong quá trình làm việc.
Q&A cùng bộ đôi diễn giả
Câu hỏi: Ánh đèn trong các buổi chụp ảnh là do Commercial Photographer tự sắp đặt hay sẽ có người hỗ trợ?
Trả lời:
Commercial Photographer Nguyễn Hà Minh
Thông thường, Photographer là người làm chủ buổi chụp và trực tiếp thiết lập về ánh sáng. Trước buổi chụp, họ phải vẽ sơ đồ về ánh sáng và trình bày trong file giúp mọi người trong nhóm, giúp khách hàng thấu hiểu tại sao phải sử dụng ánh sáng như thế. Bản thân người Photographer phải phải hiểu việc họ cần làm thì mới có thể nắm bắt được chi tiết, tránh tình trạng ai bảo sao làm vậy.
Ngoài ra, tất cả vấn đề liên quan đến ánh sáng cần được chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi bước vào buổi chụp chính thức. Thậm chí, Commercial Photographer còn phải dự đoán trước các câu hỏi mà khách hàng có thể đặt ra, những góp ý và chỉnh sửa mà khách hàng dành cho mình. Từ đó, suy nghĩ hướng giải quyết từ trước, tránh sự lúng túng và gián đoạn trong quy trình làm việc. Trên thực tế, khi làm việc càng nhiều, chúng ta tích lũy vô số kinh nghiệm và xử lý những vấn đề tương tự như vậy một cách nhanh chóng.
Đối với phần Photographer chuyên về quay, quay chia ra nhiều bộ phận như: người quản lý về lighting, đánh lighting vào sét, sau rồi caramen sẽ quay, người Photographer phải hiểu về ánh sáng và làm ánh sáng. Đèn có nhiều thông số về màu, mỗi màu sắc sẽ tạo ra cảm xúc riêng biệt, thường khách hàng họ sẽ góp ý theo cảm giác, do đó chúng ta cần phải giải đáp tại sao lựa chọn màu sắc như thế.
Câu hỏi: Yếu tố cần có để làm tốt công việc Food Stylist?
Trả lời:
Food Stylist Meo Thùy Dương
Đầu tiên, đối với yếu tố cần, các bạn phải sở hữu khả năng về thẩm mỹ, kỹ năng xử lý tình huống nguy hiểm. Nếu biết nấu ăn hay pha chế, những kỹ năng này sẽ hỗ trợ bạn rất nhiều. Ngoài ra, các bạn cần phải tỉ mỉ, tập trung vào chi tiết. Đối tượng sản phẩm của người Food Stylist rất nhỏ, nếu không đi sâu vào chi tiết thì sẽ khó thành công trong nghề này.
Thứ hai, đối với yếu tố đủ giúp các bạn có thể trở thành Food Stylist chuyên nghiệp, đó là kỹ năng làm việc nhóm thật sự tốt, nếu làm việc nhóm tốt thì cơ hội phát triển của bạn sẽ rất lớn. Bên cạnh đó, tinh thần cầu tiến, sẵn sàng học hỏi là điều bắt buộc phải có, bởi lẽ lĩnh vực sáng tạo luôn luôn thay đổi, dẫn đến việc các bạn phải không ngừng học hỏi cái mới, phát triển bản thân mỗi ngày.
Câu hỏi: Đối với Food Stylist nói riêng và chụp ảnh sản phẩm nói chung 3D có ảnh hưởng như thế nào?
Trả lời:
Commercial Photographer Nguyễn Hà Minh
3D hiện đang là trào lưu của thế giới, thế giới đi trước Việt Nam rất nhiều. Ở thị trường nước ta hiện nay, Commercial Photographer dần đầu tư cho việc học tập kiến thức liên quan đến 3D. Đối với nhiếp ảnh, 3D sẽ hỗ trợ rất nhiều cho các nhiếp ảnh gia. Về vấn đề 3D có thay thế nhiếp ảnh hay không, đây là câu chuyện của tương lai xa, tuy nhiên trên thực tế thì 3D vẫn tồn tại nhiều ưu điểm và nhược điểm tương tự các công cụ khác.
Food Stylist Meo Thùy Dương
Hiện tại, 3D đang là xu hướng trong thiết kế, bởi lẽ công cụ này giúp giải quyết nhiều vấn đề như: không cần phải tụ tập đông người trong quá trình làm việc, chỉ cần cấu hình đủ khỏe sẽ xuất được file. Tuy nhiên, hầu hết mọi việc đều phải làm trên máy tính, do đó người thiết kế hay dựng sản phẩm 3D vô cùng vất vả, đôi khi chi phí tạo ra sản phẩm 3D cũng rất cao gấp mấy lần chụp hình và tốn nhiều thời gian. Đối với 3D, không thể có quá nhiều người làm trong cùng một lúc như việc chụp hình. Nhìn chung, 3D vừa có lợi thế vừa có hạn chế của riêng nó.
Trên thực tế, mỗi ngành sẽ tồn tại những lợi thế riêng, có những sản phẩm dựng 3D rất tốt, có những sản phẩm hay dự án không phù hợp dựng 3D. Thị trường hiện tại, nếu làm về 3D sẽ hứa hẹn có triển vọng phát triển trong tương lai, nhưng chắc chắn vẫn chưa thể thay thế hoàn toàn Photography.
Câu hỏi: Học mỹ thuật đa phương tiện có mối liên hệ thế nào với Food Stylist?
Trả lời:
Food Stylist Meo Thùy Dương
Thời điểm chị bắt đầu học đồ họa tại Arena Multimedia Hà Nội, thậm chí cho đến khi chị tốt nghiệp thì ở Việt Nam vẫn chưa có môi trường đào tạo chuyên nghiệp về nghề Food Stylist. Tuy nhiên, trong quá trình học thiết kế đồ họa, những kiến thức về quy trình thiết kế, công cụ Illustrator hay Photoshop sẽ hỗ trợ rất nhiều cho việc hình thành những ý tưởng và tạo ra concept chụp ảnh. Khi làm việc với khách hàng, nếu biết nhiều công cụ, nắm vững cách thức sắp xếp màu sắc thì Food Stylist có thể dễ dàng đưa ra các ý tưởng concept hình ảnh khác nhau.
Tạm kết
Nhìn chung, thông qua chia sẻ của bộ đôi khách mời, chúng ta có thể khẳng định thị trường Food Stylist và Commercial Photography tại Việt Nam hiện nay vẫn vô cùng rộng mở chào đón các bạn trẻ yêu thích cái đẹp và sự sáng tạo. Đây là hai ngành nghề “tưởng lạ mà quen”, điểm chung giữa chúng nằm ở việc đòi hỏi người theo đuổi phải sở hữu nền tảng về mỹ thuật, tư duy về thiết kế, sự tỉ mỉ, tinh tế trong quá trình làm việc nhằm tạo ra những sản phẩm hoàn thiện nhất mang đến cảm giác thỏa mãn về thị giác cho người dùng.
Duy Diệu
******
Để được tư vấn về chương trình đào tạo và các hình thức ưu đãi khuyến học tại Arena Multimedia, vui lòng liên hệ Ban tuyển sinh tại Arena gần bạn nhất:
HÀ NỘI
Email: [email protected]
* ARENA Trúc Khê
80 Trúc Khê, Q. Đống Đa
Tel: 1800 1542
* ARENA Phạm Văn Bạch
D29 Phạm Văn Bạch, Q. Cầu Giấy
Tel: 1800 1542
* ARENA Trần Phú
110 Trần Phú, Q. Hà Đông
Tel: 1800 1542
TP.HCM
Email: [email protected]
* ARENA Nguyễn Đình Chiểu
212-214 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3
Tel: 1800 1525
* ARENA Nguyễn Kiệm
778/10 Nguyễn Kiệm, Q. Phú Nhuận
Tel: 1800 6325
* ARENA Tân Bình
Số 6 Tân Kỳ Tân Quý (gần Etown), Q.Tân Bình
Tel: 1800 2074