Vào ngày 06.12 vừa qua tại Arena Hồ Văn Huê, Arena Multimedia tổ chức sự kiện Film Talk với chủ đề “From ideas to screens”, nhằm giúp các bạn học viên tiến một bước xa hơn trên hành trình theo đuổi bộ môn nghệ thuật thứ 7, khởi đầu từ những ý tưởng sáng tạo.
Sự kiện có sự tham dự của cô Molly Phương Nguyễn – Giảng viên kỳ Digital Filmmaking và anh Mỹ Bùi – Producer tại TOMO Films, đồng thời cũng là một trong những cựu học viên xuất sắc của Arena, qua sự dẫn dắt của thầy Nguyễn Hữu Khoa – Giám đốc đào tạo Arena Nguyễn Đình Chiểu. Tại đây, các bạn đã được tìm hiểu về cách triển khai ý tưởng sáng tạo vào các tác phẩm phim ảnh nói chung, cũng như các công đoạn sản xuất phim hay kinh nghiệm làm phim thực chiến… Hãy cùng Arena Multimedia điểm lại những kiến thức bổ ích được các diễn giả chia sẻ trong buổi Film Talk qua bài viết dưới đây, bạn nhé!
“Một ý tưởng tốt sẽ mang đến giá trị cho phim”
Mở đầu sự kiện, các khách mời đã chia sẻ về nỗi trăn trở của không ít bạn học viên Arena Multimedia rằng: “Thế nào là một ý tưởng tốt?”. Bằng sự sáng tạo mạnh mẽ của mình, các bạn học viên có rất nhiều ý tưởng độc đáo, mới lạ cho bộ phim của mình, song rất băn khoăn không biết liệu điều đó có khả thi không, có thể thực hiện được hay không. Với kinh nghiệm hướng dẫn nhiều nhóm làm đồ án kỳ Digital Filmmaking và có nhiều nhóm đạt điểm số xuất sắc, cô Molly Phương Nguyễn đã thẳng thắn chia sẻ quan điểm của mình về việc đánh giá một ý tưởng làm phim, đó là trả lời được câu hỏi: “Bạn mong muốn phim của mình mang lại giá trị gì?”.
“Trong ngành làm phim nói chung, có 3 mục đích lớn mà bạn có thể hướng đến đó là: làm phim cho mục đích nghệ thuật, làm phim với mục đích nhân văn và làm phim thương mại. Vậy ý tưởng của bạn có giá trị hay không sẽ phụ thuộc vào mục đích làm phim, làm phim cho ai xem và làm phim vì điều gì. Nếu bạn làm phim nghệ thuật, ý tưởng sẽ có giá trị nếu như nó hướng đến mục tiêu thẩm mỹ; làm phim nhân văn thì ý tưởng phải thể hiện được các câu chuyện giàu ý nghĩa, truyền tải thông điệp; còn làm phim thương mại thì ý tưởng đó phải giúp bộ phim thu được lợi nhuận, bán được vé”, cô Molly phân tích.
Do đó cô Molly nhấn mạnh rằng các bạn không nên ngần ngại việc ý tưởng làm phim của mình có tốt không, khả thi hay không mà cần tập trung vào mục tiêu làm phim của mình, với đối tượng khán giả muốn hướng đến. Từ đó các bạn sẽ có cho mình hướng phát triển ý tưởng tốt và đúng đắn nhất.
Chia sẻ về giá trị của ý tưởng trong lĩnh vực sản xuất TVC hay quảng cáo, anh Mỹ Bùi cho rằng vấn đề quan trọng nhất là tính khả thi. Một ý tưởng tốt là một ý tưởng khả thi, có thể thực hiện được với nguồn lực và ngân sách hiện có. “Tuy nhiên nói như vậy không có nghĩa rằng ý tưởng nào hay quá nhưng không khả thi thì mình sẽ không thử. Trong ngành làm TVC hay MV có một lợi thế là sẽ nhận được ngân sách từ khách hàng, mình có thể dùng số tiền đó để đầu tư và thực hiện những ý tưởng táo bạo. Quan trọng là bạn sáng tạo như thế nào và khả năng của bạn có thể làm đến đâu”, anh Mỹ Bùi cho biết. Là một nhà sản xuất và làm phim quảng cáo dày dặn kinh nghiệm, anh Mỹ Bùi chia sẻ thêm rằng quan trọng nhất vẫn là ý tưởng có giá trị khả thi thì mới bắt tay vào thực hiện.
Nắm bắt cơ hội từ đối tác để hiện thực hóa mọi ý tưởng
Sau khi giải quyết được nỗi niềm về việc lên ý tưởng làm phim, các bạn học viên tham dự sự kiện lại đặt một câu hỏi “hóc búa” hơn đến các diễn giả rằng: “Vậy nếu có ý tưởng tốt nhưng không ai đầu tư thì phải làm thế nào?”. Trả lời thắc mắc này, cô Molly Phương Nguyễn chia sẻ đơn giản rằng: “Đó là bởi các bạn chưa tìm được người phù hợp để đầu tư cho dự án của mình. Một ý tưởng tốt thì không thể nào không có người đầu tư”.
Giải thích rõ hơn về câu chuyện này, cô Molly lấy dẫn chứng về phim ngắn “Khoảng cách” của nhóm học viên Arena Nguyễn Đình Chiểu, do cô trực tiếp hướng dẫn. Bối cảnh chính của phim là ở bệnh viện và cả nhóm phải đi tìm địa điểm quay rất vất vả, rất nhiều lần bị các bệnh viện từ chối hoặc cho thuê bối cảnh với chi phí quá cao. Cô kể lại: “Các bạn ấy không hề nản mà tiếp tục đi “gõ cửa” nhiều nơi. Cuối cùng nhóm được Bệnh viện quận Bình Tân đồng ý cho mượn bối cảnh, thậm chí còn hỗ trợ máy móc, trang thiết bị y tế hiện đại làm đạo cụ trong phim và hoàn toàn miễn phí. Bài học kinh nghiệm ở đây đó là: hãy kiên trì với mục tiêu của mình và không ngại bị từ chối”.
Đối với anh Mỹ Bùi, việc đi xin tài trợ cho một dự án của mình từ đối tác là mối quan hệ win – win (đôi bên cùng có lợi) và quan trọng là bạn cần phải nắm bắt được cơ hội mà đối tác đưa ra. Từng đảm nhận công việc rót vốn đầu tư với vai trò là nhà sản xuất, cũng như đi xin đầu tư với vai trò đạo diễn, anh Mỹ rất thấu hiểu tâm lý của đôi bên và đưa ra nhiều lời khuyên hữu ích cho các bạn học viên tham dự tại sự kiện. Anh chia sẻ: “Một vài tips nhỏ xin tài trợ mà các bạn có thể áp dụng đó là: hãy chuẩn bị portfolio thật tốt và tinh thần kiên trì. Portfolio hay proposal sẽ giúp bạn chứng minh được khả năng, kinh nghiệm và ý tưởng làm phim với nhà đầu tư, trong khi đó tinh thần kiên trì sẽ giúp bạn vượt qua được những khó khăn khi bị từ chối”.
Những kinh nghiệm quý giá từ cô Molly Phương Nguyễn và anh Mỹ Bùi đã tiếp thêm sự tự tin cho các bạn tham dự, để mạnh dạn chuẩn bị những ý tưởng thú vị hơn khi làm phim. Bạn Huỳnh Hưng Phát – học viên Arena Hồ Văn Huê bày tỏ: “Mình đang theo học học kỳ 3 về làm phim nên những chia sẻ của 2 diễn giả rất có ích cho bài cuối kỳ của mình, cũng như một số dự án làm phim sau này mà mình muốn thực hiện. Mình ấn tượng nhất là phần chia sẻ kinh nghiệm xin tài trợ cho dự án phim của anh Mỹ Bùi”.
Hành trình sản xuất phim: Từ ý tưởng đến màn ảnh
Ý tưởng là công việc bước đầu trước khi bắt tay vào làm phim, là một phần quan trọng song không phải là yếu tố quyết định tạo ra một bộ phim xuất sắc. Sau khi có được ý tưởng thú vị, nhà làm phim vẫn còn rất nhiều việc phải làm từ sản xuất, hậu kỳ cho đến phát hành. Vậy làm thế nào để hiện thực hóa ý tưởng làm phim và được khán giả tiếp nhận? Bên cạnh đó trong bối cảnh ngành làm phim tại Việt Nam đang có sự phát triển mạnh mẽ với nhiều bộ phim thương mại ra đời, nhiều bạn trẻ chuẩn bị bước chân vào ngành phim đặt câu hỏi tại sự kiện: làm thế nào để cân bằng yếu tố nghệ thuật và thương mại trong một bộ phim?
Trả lời những băn khoăn này, cô Molly Phương Nguyễn cho rằng rất khó để cân bằng nghệ thuật và thương mại trong làm phim, song điều này đang dần thay đổi từ bên trong tâm lý của khán giả. “Nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của khán giả giờ đây đã cao hơn trước, đi cùng với đó là nhà làm phim cũng dần thay đổi tư duy làm nghề, với sự ra đời của các bộ phim mang góc nhìn mới, tư duy mới và nghệ thuật mới. Chính vì thế hai yếu tố thương mại – nghệ thuật đang dần cân bằng, song vẫn phải cần thời gian”, cô Molly giải thích.
Yếu tố cân bằng này đã thúc đẩy các bạn trẻ có đam mê làm phim mạnh dạn hơn nữa trong làm nghề, mạnh dạn đưa ra những ý tưởng táo bạo và tìm cách hiện thực hóa chúng. Khuyến khích tinh thần này, song cô Molly cũng lưu ý thêm với các bạn rằng trước khi làm phim, vẫn nên xác định rõ mục đích và TA (Target Audience – khách hàng mục tiêu) của mình. Mục tiêu khác nhau sẽ cần phải có những ý tưởng khác nhau. Bên cạnh đó khi làm phim, các bạn cũng cần phải học và hiểu biết về marketing để biết cách truyền thông, quảng bá cho phim đến với khán giả. Kịch bản cũng là điều cần lưu ý, làm sao phải cân bằng với ý tưởng, tránh xa rời và phi thực tế với ý tưởng ban đầu.
Cũng nói thêm về câu chuyện biến ý tưởng thành hiện thực, anh Mỹ Bùi đã chia sẻ một kinh nghiệm đáng nhớ mà anh đã trải qua trong việc thực thi ý tưởng thành sản phẩm. Anh Mỹ cho biết trước đây trong team của anh có lấy ý tưởng trên mạng để làm thành một bộ phim và gửi đi dự thi. Tác phẩm có giải song chủ nhân của ý tưởng gốc đã nhanh chóng “bóc phốt” và yêu cầu gỡ bộ phim này, nhưng điều đó là không thể bởi phim được BTC cuộc thi lựa chọn và đã có giải rồi. “Đó là bài học kinh nghiệm mà mình không thể nào quên, về việc kiểm tra các nguồn ý tưởng được tìm thấy trên internet”, anh Mỹ chia sẻ.
Tạm kết
Trước khi khép lại sự kiện, cô Molly Phương Nguyễn chia sẻ không có điều gì quá lớn lao đến nhắn gửi đến các bạn tham dự, chỉ có một lời khuyên rằng các bạn hãy cứ làm đi và đừng lo lắng. Cô tâm sự: “Có thất bại đầu tiên thì mới có thể đi lên từ thất bại. Các bạn phải bắt tay vào làm đã, sai thì chúng ta học hỏi từ cái sai để tiếp tục làm và hoàn thiện mình hơn. Kinh nghiệm làm phim không có gì lớn hơn việc liên tục trau dồi bản thân và đi lên từ những sai sót”.
Lời nhắn nhủ của cô Molly cũng chính là điều Arena Multimedia mong muốn gửi đến các bạn tham dự qua sự kiện Film Talk. Từ những ý tưởng sáng tạo ban đầu nhưng nếu các bạn không cố gắng đến cùng, ngại thất bại và vất vả thì không thể nào ý tưởng ấy có thể biến thành hiện thực trên màn ảnh. Ngành làm phim nói chung đang ngày một phát triển và luôn mở ra cơ hội cho các bạn có đủ đam mê, vì thế qua sự kiện lần này, Arena hi vọng các bạn đã có thêm những kiến thức và kinh nghiệm bổ ích cho hành trang làm nghề sau này. Đừng quên theo dõi Arena Multimedia để đón chờ các sự kiện bổ ích tiếp theo của chúng mình nhé!
Cảnh An
***
Để được tư vấn về chương trình đào tạo và các hình thức ưu đãi khuyến học tại Arena Multimedia, vui lòng liên hệ Ban tuyển sinh tại Arena gần bạn nhất:
TP.HCM
Email: [email protected]
* ARENA Nguyễn Đình Chiểu
212-214 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3
Tel: 1800 1525
* ARENA Hồ Văn Huê
43R/12 Hồ Văn Huê, Q.Phú Nhuận
Tel: 1800 6325
* ARENA Tân Bình
Số 6 Tân Kỳ Tân Quý (gần Etown), Q.Tân Bình
Tel: 1800 2074
* ARENA Quận 6
136 Lê Tuấn Mậu (CV Phú Lâm), Q.6
Tel: 1800 2046
HÀ NỘI
Email: [email protected]
* ARENA Đống Đa
41 Vũ Ngọc Phan, Q. Đống Đa
Tel: 1800 1542
* ARENA Cầu Giấy
D29 Phạm Văn Bạch, Q. Cầu Giấy
Tel: 1800 1542
* ARENA Hà Đông
110 Trần Phú, Q. Hà Đông
Tel: 1800 1542
* ARENA Long Biên
564 Nguyễn Văn Cừ, Q. Long Biên
Tel: 1800 1542