Anh trai yêu quái, Tấm cám: Chuyện chưa kể, Võ sinh đại chiến, 100 ngày bên em,… Đây đều là các tác phẩm từng lôi cuốn không ít khán gián đam mê phim ảnh Việt Nam. Đằng sau khung cảnh đầy mãn nhãn trên màn ảnh là sự nỗ lực âm thầm của cả ekip. Trong đó, Film Editor – người mang sứ mệnh kết nối cảm xúc giữa bộ phim và khán giả luôn giữ vai trò quan trọng đặc biệt. Vậy vai trò của Film Editor là gì? Họ là ai trong thành công của một bộ phim? Những câu hỏi này đã được anh Duy Joseph và Đạo diễn Vũ Ngọc Phượng giải đáp trong Talkshow “FILM EDITOR – Người kể chuyện thầm lặng phía sau những thước phim” do Học viện MAAC và Arena Multimedia đồng tổ chức vào ngày 09/10/2021.
FILM EDITOR – “BÁC SĨ THẨM MỸ” CỦA BỘ PHIM
Đằng sau những thước phim sống động trên màn ảnh, những khung cảnh, phân đoạn mang đầy cảm xúc cho người xem, chúng ta thường đặt ra câu hỏi, phải chăng tất cả chỉ được tạo nên bởi bàn tay của người đạo diễn. Trên thực tế, sự toàn vẹn của một tác phẩm nghệ thuật được phô diễn trước mắt công chúng là công sức lao động của hàng trăm con người. Trong đó, Film Editor – người kể chuyện, kết nối cảm xúc khán giả với bộ phim là vị trí thú vị mà bất kỳ tác phẩm điện ảnh nào cũng cần phải có.
Với niềm say mê kể chuyện qua các thước phim, anh Duy Joseph – chàng trai tài năng sở hữu hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực điện ảnh ở cả trong và ngoài nước cho rằng: “Vai trò của Film Editor trong đoàn phim tương tự như một bác sĩ thẩm mỹ. Họ là người tạo ra cái đẹp, sử dụng tài năng và kỹ thuật của bản thân để che lấp những cái xấu, những điều chưa hoàn chỉnh, gắn kết từng phân đoạn trong phim tạo nên sản phẩm hoàn thiện và đẹp đẽ nhất.”
Dẫu cho phải thường xuyên đóng kín trong căn phòng, đối diện với máy tính và phần mềm kỹ thuật khô khan để xử lý hình ảnh liên tục nhiều giờ. Tuy nhiên, không vì thế mà Film Editor trở thành công việc nhàm chán, kém sự hấp dẫn. Điểm thú vị của nghề nằm ở sự vui sướng khi tác phẩm hoàn thiện, bởi lẽ Film Editor chính là người đầu tiên có cơ hội chiêm ngưỡng thành quả do chính mình làm ra.
QUY TRÌNH EDITING (WORKFLOW EDITING) TRONG CÁC DỰ ÁN PHIM ẢNH, TVC, MUSIC VIDEO
Online Editing và Offline Editing là gì?
Trước khi tìm hiểu sâu hơn về Workflow Editing, các bạn phải xác định rất rõ ràng khuynh hướng nghề nghiệp và thế mạnh năng lực của bản thân thuộc về Online Editing hay Offline Editing. Đây được cho là điều vô cùng quan trọng khi bắt đầu dấn thân vào sự nghiệp này.
Về cơ bản, Offline Editing là công việc dựng phim, chỉnh sửa hình ảnh cho đến khi tạo nên một tác phẩm hoàn chỉnh, giai đoạn này không có sự tham gia của kỹ xảo điện ảnh (VFX). Online Editing là phần công việc còn lại sau quá trình Offline Editing, lúc này VFX, 3D sẽ xuất hiện và tham gia vào quy trình Editing.
Khi tiến hành quay một bộ phim sẽ luôn luôn có Raw Footages (Cảnh quay thô), đây chính là các dữ liệu gốc. Nhiệm vụ của Offline Editing là Transcode (Chuyển mã) dữ liệu gốc thành Proxy (Máy chủ Proxy). Dù bất kỳ tác phẩm điện ảnh nào trên thế giới, tất cả công việc dựng phim đều được thực hiện trên Proxy. Sau khi tiến hành dựng từng phân đoạn phim, trải qua nhiều quy trình khác nhau sẽ bước đến giai đoạn Picture Locked (Khóa hình ảnh).
Tất cả sẽ được xác nhận lại từ những tệp dữ liệu Proxy, chuyển thành file Raw Footages. Tiếp theo đó, những dữ liệu sẽ được sắp xếp theo từng timeline (Mốc thời gian) cụ thể. Cuối cùng, chúng ta sẽ có được sản phẩm hoàn thiện là những file footage. Lúc này, phần liên quan đến kỹ xảo điện ảnh, công đoạn xử lý hiệu ứng, âm thanh sẽ do bộ phận Online Editing đảm nhận.
Quy trình tổng quan của Film Editing trong các dự án thực tế
Trước khi bước vào công việc cụ thể, Film Editor phải trải qua quy trình đọc kịch bản và xem xét kỹ lưỡng dự án mà mình sắp đảm nhận. Đây là giai đoạn vô cùng quan trọng, bởi lẽ mỗi Editor sở hữu một thế mạnh và phong cách riêng biệt, họ cần suy nghĩ cẩn trọng để biết rằng đâu là dự án phù hợp nhất với năng lực bản thân.
Sau khi đưa ra quyết định đồng ý tiếp nhận dự án, Film Editor phải trao đổi kỹ lưỡng cùng đạo diễn nhằm nắm bắt tổng quan tình hình bộ phim, ý đồ xây dựng nhân vật và cảm xúc truyền tải câu chuyện mà đạo diễn hướng đến. Lúc này, đạo diễn có vai trò như người hướng dẫn, chỉ lối và đưa ra các yêu cầu mà họ mong muốn Film Editor thực hiện.
Tiếp theo đó là quá trình tự học, tự phát triển bản thân của Film Editor. Sau khi thấu hiểu được bức tranh toàn cảnh của bộ phim, Editor phải tìm đến và nghiên cứu những tác phẩm sở hữu màu sắc, phong cách tương tự với dự án họ sắp đảm nhận. Chính điều này sẽ giúp cho quá trình làm việc sau đó trở nên thuận lợi hơn.
Khi trải qua ba giai đoạn đầu tiên, Editor sẽ bắt tay vào quá trình lên kế hoạch, thời gian dựng phim cùng Post Producer, Producer và Đạo diễn. Lúc này, Editor phải tự lên kế hoạch cho chính bản thân, đưa ra thông tin họ sẽ làm những gì và làm trong khoảng thời gian bao lâu cho ekip thực hiện bộ phim.
Các giai đoạn tiếp theo trong quy trình tổng quan mà một Film Editor sẽ đảm nhiệm ở các dự án thực tế, đó là:
- Present (trình bày) các bản dựng theo quy trình: Rought Cut, 1st Editor Cut, 2nd Editor Cut.
- Làm việc cùng đạo diễn để có Director Cut: Ở giai đoạn này, công việc của Editor đã không còn quá áp lực, bởi lẽ sẽ có vị đạo diễn đồng hành cùng bạn, cùng tạo ra tác phẩm tuyệt vời.
- Present bản dựng được và nhận góp ý.
- Làm việc với đạo diễn cho đến khi có Final Cut: Tùy vào mức độ khó của từng dự án nhà sản xuất hay nhà phát hành sẽ yêu cầu chúng ta chỉnh sửa theo yêu cầu của họ.
- Sửa bản phim sau khi được duyệt để trở thành Picture Locked: Tiếp tục hiệu chỉnh cho đến khi vượt qua quy trình kiểm duyệt.
- Chuẩn bị các quy trình Export để chuyển data sang bộ phận Online: Chuyển phim thành các định dạng khác nhau, giúp cho bộ phận Online Editing dễ dàng thực hiện vai trò của mình ở những phần tiếp theo.
- Theo dõi quá trình Online Editing để kiểm tra các mối nối dựng và khung hình: Ở giai đoạn này Editor phải liên tục theo dõi kỹ lưỡng nhằm đảm bảo không có bất kỳ sai sót nào xảy ra trong quá trình chuyển file từ Offline Editing sang Online Editing.
- Theo dõi bản Film Master để kiểm tra các lỗi cuối cùng trước khi xuất DCP.
Quy trình dựng phim cụ thể của Film Editor
Bước đầu tiên của quy trình dựng phim là công việc Transcode footage từng ngày quay thành proxy ngày theo ngày. Tiếp theo, Editor cần tiến hành Sync Footage ngày theo ngày. Đây là quy trình Sync Camera và âm thanh cùng một timeline, không được dựng trực tiếp trên file đã quay. Các bạn trợ lý dựng thường mất khoảng nửa ngày để thực hiện và xử lý công đoạn này.
Dựng Rought Cut theo ngày (31 ngày): Các bộ phim sẽ không quay theo phân đoạn mà quay theo bối cảnh và diễn viên. Editor sẽ tiến hành dựng Rought Cut ngày theo ngày. Sau đó, sắp xếp lại trên đúng timeline và thứ tự của từng phân đoạn mà mình đã đặt ra. Khi việc quay phim được hoàn tất, Editor sẽ có đầy đủ cảnh quay phục vụ cho việc kết nối thành một thước phim hoàn chỉnh.
Các giai đoạn phía sau đó sẽ bao gồm:
- Hoàn thiện Rought Cut (3 ngày): Sau khi bộ phim đóng máy, Editor sẽ bắt đầu thực hiện Rought Cut. Lúc này, các mối nối vẫn chưa có sự liên kết với nhau, chúng ta phải liên tục hiệu chỉnh và xem lại.
- Hoàn thiện Editor Cut (14 ngày): Thông thường các nhà sản xuất sẽ thúc giục càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, đây là giai đoạn rất quan trọng nên các bạn phải thật sự chú ý.
- Present Editor Cut vào Present Day: Đây là ngày quan trọng nhất của Editor trong suốt một dự án. Lúc này, Ekip lần đầu tiên sẽ được xem sản phẩm hoàn chỉnh của người Editor. Do đó, chúng ta phải tạo ấn tượng thật tốt, không thể đưa một bản dựng lỗi, chắp vá vì sẽ ảnh hưởng đến công việc và uy tín của bạn.
- Làm việc cùng đạo diễn để hoàn thành 1st Director Cut (21 ngày): Sau khi vượt qua ngày Present Day, Editor sẽ được làm việc cùng đạo diễn, cùng đưa ra thảo luận nhằm tạo ra một dự án tốt nhất.
- Present Director Cut.
- Làm việc cùng đạo diễn để hoàn thành 2nd Director Cut (14 ngày).
- Present 2nd Director Cut. Chuyển thành Final Cut (1 ngày).
- Sửa Final Cut sau khi được duyệt và Locked Picture (3 ngày).
- Hoàn chỉnh Picture Locked thành 1 layer. Xuất XML, EDL, OMF và gửi cho bộ phận Online Editing.
ĐẠO DIỄN VÀ FILM EDITOR – LỰA CHỌN NGƯỜI CỘNG SỰ LÀ SỰ LỰA CHỌN QUAN TRỌNG NHẤT
Đồng hành cùng anh Duy Joseph có sự tham gia của Đạo diễn Vũ Ngọc Phượng – chàng đạo diễn tài năng với những tác phẩm đình đám như: 12 chòm sao: Vẽ đường cho yêu chạy, 100 ngày bên em, Anh trai yêu quái,… Đến với buổi talkshow, anh đã có những chia sẻ hữu ích về tầm quan trọng của người Film Editor cũng như quá trình làm việc giữa đạo diễn và Editor.
Đối với tầm quan trọng của Film Editor, đạo diễn Vũ Ngọc Phượng tâm sự: “Editor là nhân sự rất quan trọng với đạo diễn, phải thấu hiểu hiểu ý đồ đạo diễn. Chỉ có như vậy mới có thể làm việc lâu dài với nhau, Editor và đạo diễn phải có cùng một cách nhìn, một cách kể, cùng quan điểm nghề nghiệp. Quan trọng nhất là phải chú trọng mang đến cảm xúc cho khán giả.”
Bên cạnh đó, khi bàn về mối quan hệ hợp tác giữa đạo diễn và Film Editor, anh Vũ Ngọc Phượng không ngần ngại chia sẻ quan điểm:
“Lựa chọn dự án không quan trọng bằng lựa chọn người đồng hành. Bộ phim là sự kết nối giữa con người với con người, cả ekip sẽ làm việc cùng nhau, do đó bắt buộc phải tìm được tiếng nói chung trong quá trình làm việc. Lựa chọn người làm việc với mình còn quan trọng hơn lựa chọn dự án. Anh đã từng nhiều lần từ chối các kịch bản hay vì cảm thấy ekip và nhà sản xuất đó có tầm nhìn khác với mình.
Khi làm việc với Editor, anh phải trao đổi rất nhiều điều, từ bộ phim là gì, điều mình muốn chạm đến khán giả, mình cần thể hiện cảm xúc ra sao,… Điều quan trọng không phải là bộ phim xuất sắc như thế nào mà tầm nhìn sẽ đóng vai trò quyết định. Trong quá trình làm việc, đạo diễn phải đưa ra nhiều thông tin, dữ liệu cho các Editor tham khảo. Khi đạo diễn đưa ra nhiều thông tin thì các Editor sẽ có nhiều cơ sở để lựa chọn. Ngược lại, Editor được quyền hỏi và đề xuất ý kiến. Bước trao đổi này chủ yếu để hiểu về con người, không hẳn là để hiểu về kịch bản.”
Tuy nhiên, đối với các bạn trẻ vừa bước chân vào ngành, đạo diễn Vũ Ngọc Phượng chân thành khuyên nhủ: “Với những bạn trẻ, quyền được lựa chọn rất là “xa xỉ”. Trong thời điểm này, các bạn hãy cố gắng dành mọi cơ hội có thể, ngay cả khi làm việc với những ekip không phù hợp với mình. Bởi lẽ, điều này cũng giúp ích cho các bạn trưởng thành rất nhiều. Tuy nhiên, nếu muốn đi được xa, tạo ra sản phẩm chất lượng nhất thì phải chọn lựa những con người thật sự phù hợp.”
Q&A – ĐẾN GẦN HƠN VỚI THẾ GIỚI CỦA FILM EDITOR
Editor thường dựng set trên phim trường để công việc được tốt hơn phải không ạ?
Duy Joseph – Film Editor
Tùy vào từng bộ phim, có những phim bắt buộc Editor phải lên set để hiểu được cách thức cần dựng như thế nào. Ví dụ, một bộ phim đến sát giờ quay nhưng lại thay đổi kịch bản, Editor cần phải lên xem thì mới có thể dựng được cảnh phim. Hoặc những trường hợp Editor đọc kịch bản nhưng không hiểu ý đồ của người đạo diễn. Lúc này, bạn phải trực tiếp lên set để nắm bắt tình hình, vì sẽ có người giải thích cho bạn nên dựng phân đoạn đó như thế nào. Với những bộ phim buộc dựng gấp, phải quay và dựng liên tục thì bạn nên ở nhà để tập trung vào công việc. Ngoại trừ những bộ phim bắt buộc on-set, đây là lúc đạo diễn mong muốn trực tiếp xem file dựng tại chỗ, quy trình sẽ trở nên khó và phức tạp hơn.
Tố chất cần có để trở thành một Editor giỏi là gì?
Duy Joseph – Film Editor
Editor là người kể chuyện, chúng ta không có công thức nào cả. Lĩnh vực sáng tạo nếu có công thức thì tất cả bộ phim sẽ không còn sự đột phá. Tại các trường đào tạo, họ chỉ dạy chúng về các yếu tố kỹ thuật nhằm hạn chế những lỗi đáng tiếc xảy ra trong quá trình làm việc, không ai dạy làm sao để trở thành Editor giỏi. Khi chúng ta nhận một dự án thì chúng ta phải yêu dự án đó, từ đây toàn bộ mọi thứ tư duy sẽ đi theo dự án đó, chúng ta sẽ biết cách làm cách nào giúp cho bộ phim trở nên hay hơn, cần xem phim nào sở hữu phong cách tương tự dự án ta sắp làm,…
Bên cạnh đó, chúng ta phải làm việc với đạo diễn thật kỹ lưỡng, vì họ sẽ cho chúng ta tư duy về bộ phim, tùy vào từng phim thì sẽ có những cách thức tư duy khác nhau. Tuy nhiên, chúng ta không nên thả cảm xúc vào bộ phim quá nhiều, phải rạch phân biệt rõ ràng giữa cảm xúc cá nhân và các tác phẩm của mình.
Khi cảnh quay mang về hậu kỳ với khung hình không được trong, chi tiết không rõ nét? Có cách nào để cải thiện điều này không ạ?
Đạo diễn Vũ Ngọc Phượng
Đối với anh, anh cho rằng các nhà làm phim nói chung, bao gồm đạo diễn, quay phim, nhà sản xuất,.. không nên nghĩ Editor là ảo thuật gia có thể hóa phép mọi thứ, Editor sẽ làm tốt vai trò của họ khi những cảnh quay được thực hiện thật tốt. Nếu người quay phim không tính toán kỹ lưỡng về màu phim, ống kính và ánh sáng; nhà sản xuất không đầu tư về chi phí thì chắc chắn không thể tạo nên sản phẩm chất lượng. Editor không phải là người nhiệm màu. Trong trường hợp Editor nhận được những Footages không như mong muốn. Về kỹ thuật, các bạn có thể nỗ lực hết sức. Tuy nhiên, đôi lúc chúng ta cũng cần học cách nói “không” với những sản phẩm không còn khả năng cứu chữa.
Làm sao để trở thành một người kể chuyện thu hút và cảm xúc?
Duy Joseph – Film Editor
Trước hết, các bạn cần sở hữu nền tảng kiến thức cơ bản. Các bạn phải hiểu cách thức dựng một bộ phim không bị ngắt quãng, phải thuần thục các góc quay. Sau đó, khi làm việc nhiều thì sẽ nhận được những lời góp ý giúp mình giỏi hơn. Mỗi bộ phim sẽ có một người thầy, một điều hay, đạo diễn là người thầy có thể chỉ dạy cho mình mọi thứ. Bản thân anh cũng lựa chọn việc lập công ty dựng phim như một bước khởi đầu, điều này giúp anh học được từ nhiều người thầy, nhiều nhà sản xuất. Hãy chịu khó đi làm ở mọi nơi, hãy cho bản thân cơ hội tiếp cận với những người giỏi, bởi lẽ họ luôn mong muốn chia sẻ và tạo ra giá trị cho cộng đồng mà họ làm việc.
Cách trau dồi bản thân trong ngành phim?
Duy Joseph – Film Editor
Cách đây 10 năm, ngành công nghiệp làm phim chỉ vừa bắt đầu phát triển. Sự khởi đầu của anh cũng tương tự mọi người, luôn xuất phát từ những công việc đơn giản nhất. Đôi lúc, các bạn trẻ thường băn khoăn không biết phải bắt đầu thế nào, tìm việc ra sao, công ty nào sẽ nhận mình? Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là phải liên tục làm việc nhằm tích lũy kinh nghiệm, nâng cao tay nghề và kiến thức. Bởi lẽ, kinh nghiệm như thể sợi dây dài vô tận, làm việc càng nhiều sẽ giúp bản thân học hỏi thêm nhiều thứ mới mẻ.
Bên cạnh đó, hãy xem phim thật nhiều, giao lưu, trò chuyện với các bạn cùng đam mê, sở thích, từ đó tạo nên cộng đồng cùng chia sẻ kiến thức và kỹ năng trong ngành. Ngoài ra, việc tham gia các cuộc thi cũng là cách thức được nhiều người áp dụng để thúc đẩy bản thân phát triển. Đơn giản hơn, các bạn có thể tự luyện tập bằng cách chỉnh sửa những đoạn phim được tải từ Internet. Trên thực tế, tồn tại vô vàn cách thức trau dồi bản thân, quan trọng nhất vẫn là sự rèn luyện mỗi ngày.
Làm thế nào để lấy lại tinh thần những lúc cảm thấy chán nản và mất cảm hứng?
Đạo diễn Vũ Ngọc Phượng
Đối với các Editor giỏi, người sản xuất và đạo diễn vô cùng yêu quý và trân trọng họ, vì họ là những người nâng niu sản phẩm trong những giai đoạn cuối cùng. Khi các bạn cảm thấy mệt và mong muốn nghỉ ngơi, đây hoàn toàn là điều phù hợp, quan trọng nhất vẫn là việc tôn trọng deadline, đặc biệt là đối với các dự án về quảng cáo.
Bên cạnh đó, Editor cũng cần chú ý chăm sóc sức khỏe bản thân, không nên cố gắng đảm nhận những công việc mà mình không thể theo đuổi được deadline. Ngoài ra, nếu cảm thấy khó khăn hoặc phát sinh bất kỳ vấn đề gì thì nên bày tỏ cùng đạo diễn và ekip, bởi đây chính là những người đồng đội của các bạn, sẵn sàng thông cảm cho những bất ổn của bạn.
Những lỗi sai mà Film Editor thường gặp phải?
Duy Joseph – Film Editor
Chọn sai dự án là sai lầm lớn nhất và nên tránh nhất. Trên thực tế, có những dự án chúng ta cho rằng bản thân có thể làm tốt, nhưng khi đảm nhận công việc thì nhận ra đấy không phải thế mạnh của mình. Điển hình, đối với anh, anh không phải là người sở hữu thế mạnh về Art House. Tiếp theo, các bạn trẻ cần lưu ý việc xác định phong cách dựng phim cá nhân. Các bạn cần hiểu rõ mình thích điều gì, vì nếu mơ hồ về điều này các bạn sẽ không hình thành được màu sắc cá nhân trong mảng dựng của chính mình. Ở lĩnh vực này, hãy cố gắng tạo ra cho bản thân phong cách và màu sắc riêng biệt.
Cuối cùng, một trong những sai lầm mà các bạn thường gặp phải, đó là thiếu sự hiểu biết, nghiên cứu sâu sắc về công việc và kiến thức mà bản thân đảm nhận. Đây là điều các bạn cần phải lưu ý, ngoài ra với những lỗi sai khác thì khi làm việc đủ nhiều các bạn sẽ dần nhận ra và học hỏi được nhiều hơn.
Duy Diệu
******
Để được tư vấn về chương trình đào tạo và các hình thức ưu đãi khuyến học tại Arena Multimedia, vui lòng liên hệ Ban tuyển sinh tại Arena gần bạn nhất:
TP.HCM
Email: [email protected]
.
* ARENA Nguyễn Đình Chiểu
212-214 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3
Tel: 1800 1525
* ARENA Nguyễn Kiệm
778/10 Nguyễn Kiệm, Q. Phú Nhuận
Tel: 1800 6325
* ARENA Tân Kỳ Tân Quý
06 Tân Kỳ Tân Quý, Q. Tân Bình
Tel: 1800 2074
HÀ NỘI
Email: [email protected]
Tel: 1800 1542
* ARENA Trúc Khê
80 Trúc Khê, Q. Đống Đa
.
* ARENA Phạm Văn Bạch
D29 Phạm Văn Bạch, Q. Cầu Giấy
.
* ARENA Trần Phú
110 Trần Phú, Q. Hà Đông