Khi tìm hiểu về Quang Hưng, tôi đi từ bất ngờ này qua bất ngờ khác, những điều thú vị của anh chàng này cứ kéo dài mãi không dứt: Hưng từ bỏ suất vào thẳng đại học công lập danh giá; dân chuyên Sinh đạt giải quốc gia mà lại đi theo ngành Công nghệ thông tin; từ một anh chàng mù tịt ngoại ngữ giờ thông thạo cả tiếng Anh, tiếng Nhật; chỉ học Arena Multimedia một năm và hiện tại đang làm thiết kế chuyên nghiệp tại Đức; trở thành công dân toàn cầu phượt khắp châu Âu; nấu ăn, chơi guitar, chụp ảnh, cộng tác viên báo Vnexpress…
Thời gian ở Đức và Việt Nam lệch nhau, Hưng làm việc ở công ty nhiều, nên chúng tôi chỉ có thể trao đổi phỏng vấn qua lại bằng email. Nhưng ngay cả cái cách Hưng trả lời email chỉn chu, mạch lạc và đầy nhiệt huyết cũng khiến tôi thấy đam mê trong mỗi công việc Hưng làm, quyết tâm rèn luyện bản thân, nỗ lực học hỏi của Hưng.
Đó cũng là lý do tại sao Hưng có thể làm nhiều việc cùng một lúc, vượt qua nhiều thử thách, gian nan, thử sức với muôn vàn công việc khác nhau và ngày càng trưởng thành, trở thành công dân quốc tế, hòa mình vào biển lớn.
Nhận lời chia sẻ với Arena Multimedia, Quang Hưng mong rằng những kinh nghiệm mình đã trải qua, những gì bạn chia sẻ có thể giúp các bạn học viên tự tin và có những lựa chọn đúng đắn, biến đam mê thành thành công nghề nghiệp, để đam mê từ thế hệ này lan tỏa qua các thế hệ kế tiếp.
“NHIẾP ẢNH ĐÃ MANG TÔI ĐẾN ARENA MULTIMEDIA”
Chào Hưng, trước đây bạn định hướng chọn ngành học, trường đại học như thế nào? Bạn là người chủ động, hay do gia đình định dướng, tiêu chí bạn chọn ngành nghề như thế nào?
Hồi cấp 3 mình học chuyên Sinh trường Năng khiếu Trần Phú (Hải Phòng). Suốt những năm cấp 3 mình vẫn nghĩ sẽ trở thành một bác sĩ hoặc một nhà nghiên cứu chuyên về Công nghệ Sinh học. Đã từng đạt giải Quốc gia môn Sinh học, rồi được tuyển thẳng vào Đại học, nhưng rồi mình quyết định chọn trường Đại học FPT, ngành học Kĩ sư phần mềm bởi 2 lý do chính: Thứ nhất: mình chán cách học sách vở, lý thuyết lắm rồi. Mình muốn học theo phương pháp mới, môi trường đào tạo kiểu mới. Mình còn trẻ, còn có cơ hội thì phải nắm bắt ngay; Thứ hai: Tại thời điểm tốt nghiệp cấp 3, mình quá kém tiếng Anh. Khả năng tiếng Anh của mình gần như bằng 0, và nếu cứ mãi không có một biến chuyển gì đột phá, mình sẽ mù tiếng Anh đến hết đời. Trước khi ra đời đi làm, mình chỉ còn một cơ hội được học tử tế tiếng Anh lại từ đầu, và đó là ở Đại học FPT.
“Từ những ngày mới vào Đại học, mình đã đặt ra một kế hoạch để cuộc đời phấn đấu theo, đó là: là một người sinh ra tại Việt Nam, mình muốn được học tập tại Nhật, thực tập tại châu Âu, làm việc tại Mỹ, trước khi trở về gây dựng sự nghiệp tại chính quê nhà”.
Sau khi tốt nghiệp đại học, bao nhiêu lâu sau thì bạn học Arena Multimedia? Tại sao bạn lại lựa chọn học ngôi trường này?
Trước khi tốt nghiệp Đại học một năm, mình đã đăng ký học Arena lớp buổi tối. Suốt quãng thời gian đó, mình đã theo học song song hai trường, đồng thời có đi làm thêm tại một công ty phần mềm, vừa có thêm kinh nghiệm trong lĩnh vực lập trình phần mềm, vừa trang trải phần nào học phí tại Arena, ngoài ra mình còn học thêm một lớp buổi tối về “nghiệp vụ ảnh” tại một ảnh viện áo cưới ở Hà Nội nữa
Quang Hưng mơ ước trở thành một giảng viên tại Arena Multimedia
Tại Arena Multimedia, bạn hứng thú, say mê nhất môn học nào? Thầy cô nào là người có ảnh hưởng, chắp cánh đam mê cho bạn?
Với chương trình của Arena, mình tập trung nhất phần Photography và Photoshop, đây là mảng mình thích nhất, chính nó mang mình tới Arena, mình muốn trau dồi càng nhiều càng tốt kiến thức về nhiếp ảnh, từ đó mình phát huy óc thẩm mĩ và phục vụ trực tiếp cho công việc thiết kế.
Song hành với việc học trên trường, mình mở dịch vụ chụp ảnh cưới cùng với một người bạn. Nếm trải đủ mồ hôi nước mắt của nghề, mình càng thấm thía hơn giá trị sức lao động và may mắn của một người được đi học.
Ngoài ra, mình còn tích cực tham gia các triển lãm ảnh của các nhiếp ảnh gia trong nước, đặc biệt của Nhiếp ảnh gia Trần Nhân Quyền, cũng là thầy giáo dạy lớp mình tại Arena. Tình yêu nghề mình có được ngày hôm nay, chịu ảnh hưởng rất lớn từ thầy Trần Nhân Quyền. Trái tim mình dành chọn tình yêu cho nhiếp ảnh nghệ thuật, đặc biệt là ảnh nghệ thuật đen trắng về đời sống con người (Street life). Một bức ảnh nghệ thuật Street life không chỉ đòi hỏi quan sát tinh tế và góc nhìn sáng tạo của người chụp, mà hơn cả, phải cảm nhận sâu sắc được hơi thở cuộc sống và trải nghiệm nhiều mảng đời khác nhau, chứ không thể theo cách “phụ thuộc vào ăn may” hay cố ý dàn dựng để có ảnh đẹp.
Xem thêm những bức ảnh của Quang Hưng tại đây
Quang Hưng bên bạn bè cùng lớp và thầy Trần Nhân Quyền (đứng bên trái Hưng)
Một bức ảnh về Mưa Hà Nội của Hưng được khách hàng mua lại
Trong quá trình học thiết kế tại Arena, đối với bạn đâu là thuận lợi lớn nhất?
Điều mình thấy thuận lợi nhất khi học tại Arena đó là được học trong một tập thể mà tất cả mọi người đều có đam mê với nghề thiết kế. Mình nói điều này thuận lợi bởi vì, trong khi một số trường lớp Đại học mà ở đó sinh viên đi học chỉ để lấy cái bằng, hoặc đi học vì nghĩa vụ, vì gia đình muốn… thì ở Arena tất cả mọi người đi học chỉ bởi yêu nghề thiết kế. Trong lớp mình có hơn một nửa là đã và đang đi làm ngành nghề khác, ban ngày họ có thể là nhân viên kế toán, lập trình viên, thậm chí chụp ảnh, makeup, nhưng tối đến vẫn chịu khó cắp sách học chung lớp với với các em học sinh khác, có thể kém tới 10 tuổi.
Bạn tự nhận mình không có năng khiếu vẽ tay, vậy thì bạn học ở Arena thế nào?
Đúng vậy, chính xác là mình không biết vẽ. Buổi học vẽ đầu tiên ở Arena cũng là lần đầu mình biết đến bảng vẽ và các khái niệm đo tỉ lệ bằng que, đánh bóng chì…
Quả thực, để trở thành một Designer đẳng cấp thì rất cần tới vẽ tay, nó sẽ tăng độ thẩm mĩ của các bản thiết kế lên rất nhiều. Còn mình hoàn toàn không có hoa tay, không có chút năng khiếu vẽ nào, đó là một thực tế mình phải chấp nhận.
Tuy nhiên, vẽ không phải yếu tố duy nhất quyết định đến sự thành công của Designer, theo mình còn có sự tham gia của rất nhiều mảng khác như: óc thẩm mĩ, khả năng quan sát đánh giá, khả năng phối màu và tư duy bố cục, khả năng sử phần mềm đồ họa, sức sáng tạo và lòng đam mê. Nếu vẽ là một yếu tố mang tính năng khiếu bẩm sinh, thì những yếu tố mình vừa kể trên, mình khẳng định hoàn toàn có được do luyện tập chăm chỉ. Bản thân tuy không có khả năng vẽ, nhưng mình rất tự tin vào con mắt thẩm mĩ của mình. Đó là một quá trình dài, tích lũy từ vô vàn sách báo tạp chí. Mình rất thích đọc các tạp chí thời trang và điện ảnh, cũng như sở thích chụp ảnh hỗ trợ trực tiếp cho mình khâu này. Nhờ vậy mình có thể đánh giá chính xác, nhìn nhanh, nhận xét đúng điểm mạnh yếu của một thiết kế, từ đó đưa ra các giải pháp thiết kế vừa đẹp mắt vừa tiện dụng.
Quang Hưng từ những ngày đầu tập vẽ
Tại sao bạn lại thích thú với website, lĩnh vực khá “khoai” đối với học viên Arena?
Xuất phát điểm là dân lập trình Web, khi sang học thiết kế Web mình cảm thấy mở mang đầu óc rất nhiều. Web với mình bây giờ không chỉ còn là các dòng code, các chức năng, mà còn là sự thiết kế thông minh, tiện dụng và vô vàn sáng tạo. Tiếp xúc nhiều hơn với các thiết kế Web nước ngoài, mình thấy như đã bỏ qua một kho tàng sáng tạo trong thiết kế bấy lâu nay. Giờ mình có thể làm một trang Web từ đầu tới cuối, trang Web có đẹp hay không, có hiệu quả hay không đều do mình quyết định, và mình thích điều này. Khi đi làm mình cũng chọn Web là mảng chính để tập trung phát triển.
Là người lớn tuổi hơn các bạn học viên khác trong lớp, trong trường, bạn thấy nhược điểm mà các bạn học viên mắc phải trong quá trình học là gì?
Trong lớp mình có đến gần nửa là các em sinh viên sinh năm từ 94 cho đến 96, đều là sinh viên năm đầu các trường Đại Học khác. Vì vậy, nhược điểm đầu tiên mình nhận thấy các em mắc phải đó là chưa có nhiều kinh nghiệm đi làm để va vấp cuộc sống, cho nên khi đi học vẫn hơi ham chơi. Vì chưa chịu nhiều sức ép về thời gian và tiền bạc, ý thức về tầm quan trọng của sự nghiệp chưa thật rõ, nên việc bùng học hay lười làm bài tập thi thoảng cũng xảy ra.
Nhiều bạn học mà chưa có định hướng, sở thích rõ ràng, bạn có suy nghĩ sao về vấn đề này? Bạn có kinh nghiệm gì để khắc phục?
Thực tế mình đã trải qua giai đoạn học tập chưa có định hướng rõ ràng, mình vẫn muốn hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin nhưng cho đến khi gần tốt nghiệp ĐH FPT vẫn chưa có xác định rõ vị trí muốn làm là gì. Mình quyết định bảo lưu một năm học, cho mình thật nhiều thời gian vừa để suy nghĩ, thử sức mình với nhiều ngành nghề khác nhau, thậm chí là không liên quan tới chuyên ngành. Đôi khi vì những nguyên nhân khách quan, trường học cũng chưa đủ để giúp bạn đưa ra định hướng sự nghiệp, lúc đó chỉ có bản thân là có thể, vì vậy cần có thời gian và trải nghiệm thực tế.
PHẦN 2: QUANG HƯNG VÀ CON ĐƯỜNG BƯỚC RA THẾ GIỚI
(Còn tiếp)
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Đoàn Quang Hưng – Từ học viên Arena Multimedia đến công dân toàn cầu (Phần 2) Đoàn Quang Hưng – Từ học viên Arena Multimedia đến công dân toàn cầu (Phần 1)