Hội thảo chuyên đề “Digital Media Innovation & IP on Digital Content” (Sáng tạo kỹ thuật số và Sở hữu trí tuệ) sẽ có sự tham gia chia sẻ của hai diễn giả là các chuyên gia hàng đầu trong mỗi lĩnh vực của mình: – Nhà báo Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập báo VietnamPlus – Luật sư Sở hữu trí tuệ Tám Trần, Công ty IPCOM Hãy cùng Arena Multimedia khám phá Profile của hai diễn giả xem họ là ai nhé!
Nhà báo Lê Quốc Minh – ông “Tổng Cộng” yêu nghề
Là người xây dựng những viên gạch đầu tiên cũng là Tổng biên tập đương thời của báo điện tử VietnamPlus.vn, Nhà báo Lê Quốc Minh được giới trong nghề gọi với cái tên trìu mến “ông Tổng Cộng”.
Chân dung “Ông Tổng Cộng” yêu nghề
Tốt nghiệp khoa Anh trường Sư phạm ngoại ngữ, nhà báo Lê Quốc Minh bén duyên với nghiệp báo chí từ năm 1990 ở vị trí biên tập viên Ban Biên tập Tin Thế giới của Thông tấn xã Việt Nam. Từ năm 1996 – 2000, anh là chuyên gia cho Đài Phát thanh Nhật Bản NHK World tại Tokyo. Kể từ năm 2002, ông làm việc tại Ban Biên tập Tin Đối ngoại và là một trong những người đầu tiên xây dựng website thông tin đối ngoại cho TTXVN.
Nhà báo Lê Quốc Minh bén duyên với nghiệp báo chí từ năm 1990
Năm 2008, anh được bổ nhiệm chức vụ Tổng Biên tập VietnamPlus, báo điện tử chính thức của TTXVN với 5 ngôn ngữ Việt, Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Trung Quốc. Vị Tổng biên tập trẻ tuổi đã chèo lái con tàu VietnamPlus gặt hái được những thành công đáng tự hào. Tuy “sinh sau đẻ muộn” so với nhiều báo điện tử khác nhưng VietnamPlus lại có sự phát triển vượt bậc. Trong báo cáo về Xu hướng phát triển của các Toà soạn, do tổ chức báo chí thế giới WAN-IFRA ấn hành năm 2015, VietnamPlus được nêu danh trong số “5 toà soạn nhỏ nhưng lại có những sáng tạo lớn” dù mới chỉ xuất hiện trong làng báo chí 6 năm. Điều đó minh chứng cho cái tài, cái tâm và cái tầm của người thuyền trưởng.
Nhà báo Lê Quốc Minh cũng là người góp phần đưa nhiều công nghệ truyền thông mới vào hoạt động báo chí của VietnamPlus, mà nổi bật là ứng dụng đọc tin tức trên điện thoại di động VietnamPlus Mobile – hoạt động hiệu quả trên 500 loại điện thoại khác nhau, hay bản tin bằng nhạc Rap (RapNewsPlus), cũng như hàng loạt dự án kết hợp giữa nội dung, công nghệ và thương mại cho nền tảng công nghệ số, đặc biệt là mobile.
Nhà báo Lê Quốc Minh trao đổi với lãnh đạo nhà nước về cập nhật công nghệ trong lĩnh vực báo chí
Ngoài ra, anh Lê Quốc Minh là người sáng lập diễn đàn nghiệp vụ báo chí www.vietnamjournalism.com vào năm 2004 và duy trì việc trao học bổng thường niên cho sinh viên báo chí liên tục cho tới nay. Anh là giảng viên thường xuyên cho các chương trình đào tạo báo chí của Hội Nhà báo Việt Nam và Cục Báo chí thuộc Bộ Thông tin-Truyền thông, là chuyên gia khu vực của Hiệp hội Báo chí Thế giới (WAN-IFRA). Anh Lê Quốc Minh cũng nhiều lần là diễn giả tại các hội nghị, hội thảo báo chí thế giới.
Gần 30 năm hoạt động báo chí, với nhiệt huyết nghề báo, niềm đam mê công nghệ và sự nhạy bén, nhà báo Lê Quốc Minh đã có những bước đi tiên phong trong xu thế hội nhập với báo chí thế giới. Anh là người xây dựng đề án, phát triển và thực hiện chiến lược làm báo di động (mobile news) nhiều năm nay tại Việt Nam và cũng là đại diện duy nhất của Việt Nam tại Diễn đàn Tổng biên tập Báo chí Thế giới, Đại hội Báo chí Thế giới và Hội nghị Quảng cáo Thế giới – một trong những hoạt động báo chí quy mô nhất, quan trọng nhất của báo chí toàn cầu hàng năm.
Luật sư Sở hữu trí tuệ Tám Trần
Luật sư Tám Trần là một người có tiếng trong lĩnh vực tư vấn pháp lý, xác lập và thực thi quyền quản lý tài sản trí tuệ, và tư vấn chiến lược xây dựng tài sản trí tuệ. Chị đã có 10 năm kinh nghiệm trong việc tư vấn pháp luật liên quan đến các hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, tư vấn về quản trị doanh nghiệp, hợp đồng và đại diện sở hữu trí tuệ.
Chân dung nữ Luật sư Tám Trần
Hiện nay, chị là thành viên điều hành Công ty IPCom Vietnam – một tổ chức tư vấn các giải pháp nâng cao năng lực của các cá nhân và tổ chức trong lĩnh vực đổi mới, sáng tạo, tư vấn xác lập, khai thác thương mại và bảo vệ các quyền sở hữu trí tuệ, phát triển thương hiệu của cá nhân và doanh nghiệp.
Luật sư Tám Trần (thứ 4 từ trái sang) cùng các cộng sự của CLB Doanh nhân sáng tạo
Trong lĩnh vực tư vấn pháp lý và quản trị tài sản trí tuệ, chị từng tham gia thẩm định và đánh giá khả năng bảo hộ của các chỉ dẫn địa lý của Liên minh châu Âu (EU) trong khuôn khổ vòng đàm phán thương mại tự do EVFTA giữa Việt Nam và EU, tư vấn và bảo trợ chuyên môn cho gameshow IPChallenge do Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp với Trường Đại học Ngoại thương tổ chức. Ngoài ra, chị còn tham gia tư vấn xác lập và quản trị tài sản trí tuệ địa phương gắn liền với quá trình xây dựng thương hiệu tại các làng nghề truyền thống, hỗ trợ phát triển các sản phẩm đặc sản gắn liền với tài sản trí tuệ tại các tỉnh Hải Dương, Phú Yên, Ninh Bình, Bắc Giang, Hòa Bình.
Luật sư Tám Trần tham gia tư vấn và bảo trợ chuyên môn cho Gameshow IPChallenge
Luật sư Tám Trần đã có nhiều bài nghiên cứu được đăng trên các tạp chí chuyên ngành và tham gia báo cáo tại các hội thảo, tọa đàm về việc phát triển thương hiệu dựa vào tài sản trí tuệ, đặc biệt là tài sản trí tuệ trong lĩnh vực du lịch, trong việc phát triển sản phẩm đặc sản vùng miền.
Khi đến với Hội thảo, hai diễn giả không có mong muốn gì hơn ngoài việc cung cấp những thông tin toàn diện và chính xác nhất về tác động của sáng tạo kỹ thuật số hiện nay và tầm quan trọng của Sở hữu trí tuệ trong ngành công nghiệp sáng tạo, được đúc kết từ chính kinh nghiệm của mình. Bất cứ ai tham dự hội thảo cũng sẽ lĩnh hội được những thông tin hữu ích, để thay đổi suy nghĩ, nhận thức và hành động của bản thân trong quá trình “làm nghề”. Xem thông tin chi tiết về Hội thảo chuyên đề tại đây (Mai Vũ)