Vượt ra ngoài khuôn khổ của mớ kiến thức lý thuyết khô khan, sẽ thế nào nếu khái niệm Truyền thông thị giác được khai thác ở góc độ của một chuyên gia đã có nhiều năm “chinh chiến” trong ngành công nghiệp sáng tạo?
Mang theo những thắc mắc về sức mạnh sử dụng hình ảnh trong các chiến dịch quảng bá thương hiệu, các Designer và Marketer liệu có tìm thấy câu trả lời chính xác nhất?
…Và sẽ ra sao nếu hai câu lạc bộ truyền thông đến từ hai trường đại học lớn cùng “so găng” khả năng thu hút ánh nhìn của khách hàng?
Đó là những điểm nhấn thú vị tại Workshop “Truyền thông Thị giác” được dẫn dắt bởi diễn giả Trần Quốc Lợi – Giảng viên phụ trách Học kỳ 1 – Graphic Design của Arena Multimedia.
Sản phẩm thiết kế của bạn liệu có thu hút khách hàng như bạn vẫn nghĩ?
Với chủ đề thiết kế standee ngày Phụ nữ Việt Nam 20.10 cho một cửa hàng Pizza, những sinh viên đến từ Đại học Kinh tế Quốc Dân và Học viện Công nghệ Bưu Chính Viễn thông đã có một cuộc tranh tài thú vị. Thông qua việc đánh giá chất lượng sản phẩm của hai nhóm, diễn giả Trần Quốc Lợi đã giải đáp về vấn đề làm cách nào để xây dựng phương pháp truyền thông thị giác hiệu quả.
Nếu nhóm các bạn trẻ đến từ CLB Truyền Thông & Kỹ Năng Mềm S4C – Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông mang đến những liên tưởng hình ảnh phá cách khi kết hợp pizza với virus corona, đồng thời “dùng những font chữ không có chân để mang lại cảm giác hiện đại trên background màu đỏ để kích thích thị giác lẫn vị giác cho khách hàng.”, thì CLB Truyền Thông đến từ trường Đại học Kinh tế Quốc Dân lại truyền tải thông điệp ngắn gọn, dễ hiểu: “Enjoy your day with Hut” – “Hãy tận hưởng ngày của bạn cùng chúng tôi” bằng một thiết kế được cân đo kỹ càng về tỷ lệ hiển thị của Typo, Image.
Hai sản phẩm thiết kế của các bạn trẻ đến từ Đại học Kinh tế Quốc Dân và Học viện Công nghệ Bưu Chính Viễn thông nhận được nhiều ý kiến đóng góp
Dưới con mắt của một người đã có nhiều năm đồng hành với đa dạng các thương hiệu, thầy Trần Quốc Lợi đã có nhiều góp ý xác đáng: “Các bạn có ý tưởng nhưng chưa lột tả được hết ý tưởng ấy mà chỉ đơn giản là liệt kê ngôn ngữ để truyền thông. Nội dung quảng cáo ba vị pizza mới nhân ngày Phụ nữ Việt Nam, chúng ta nên lựa chọn sử dụng phong cách nữ tính, tình cảm một chút, nghiên cứu tập trung insight nhóm khách hàng mình đang hướng tới thay vì ôm đồm thể hiện quá nhiều, sau đó mới đưa ra concept về hình ảnh sao cho phù hợp với nội dung.”
Bằng những chia sẻ của mình, diễn giả Trần Quốc Lợi đã cho các bạn trẻ biết thêm những khía cạnh thú vị về tầm quan trọng của việc xây dựng concept thiết kế cho một ấn phẩm truyền thông.
Từ đây, anh bắt đầu đưa khán giả tiến sâu hơn vào câu chuyện của “Truyền thông Thị giác” và những điều mà mỗi một Marketer, Designer đều phải nắm bắt để thổi hồn cho hình ảnh thương hiệu.
Bạn cần biết những điều gì nếu muốn truyền tải thông điệp thương hiệu bằng hình ảnh?
Để đánh giá hiệu quả của việc truyền tải thông điệp hình ảnh dựa vào mục đích hay nội dung muốn thể hiện thôi là chưa đủ, trải nghiệm hình ảnh với vai trò như một khách hàng cũng chính là một phương diện đánh giá quan trọng để xem sản phẩm đó phù hợp hay chưa, có cần thay đổi gì không? “Đối với một ấn phẩm thiết kế, nó cần phù hợp với ánh nhìn của người xem. Hơn thế, thông điệp về mặt hình ảnh cũng chưa được thể hiện rõ ràng.” – Thấy Trần Quốc Lợi nói.
Theo bạn, để đánh giá hiệu của việc truyền tải thông điệp hình ảnh dựa vào mục đích hay nội dung muốn thể hiện là đã đủ hay chưa?
Sự ghi nhớ trong não bộ của chúng ta luôn luôn có sự liên hệ mật thiết với hình ảnh. Tuy đó không phải là yếu tố duy nhất nhưng lại là một phần quan trọng và không thể thiếu trong trí nhớ. Mỗi hình ảnh sẽ mang trong mình một câu chuyện và câu chuyện đó không đọc bằng lời mà bằng thị giác. Có những trường hợp cả ngàn từ cũng không thể giải thích nhưng chỉ cần lướt qua một hình ảnh cũng đủ để chúng ta hiểu tường tận vấn đề, giống như điều mà anh Trần Quốc Lợi đã chia sẻ:
“Người làm thiết kế thường có sai lầm là chỉ nhìn vào thẩm mỹ, thấy đẹp hay xấu, chỉ thấy thông điệp của hình ảnh có được hiển thị tốt hay không và thường quên đi mục đích thực hiện. Khi học về truyền thông, chúng ta có một mô hình thể hiện quy trình làm việc như sau:
Bước 1 – Lấy thông tin, khám phá.
Bước 2 – Định hình.
Bước 3 – Phát triển.
Bước 4 – Phân phối. Nói về bước đầu tiên, đa số các bạn là thiết kế thường kém ở khâu này, nên khó có thể để xây dựng 1 quy trình hiệu quả nhất. Khi nghiên cứu nội dung, chúng ta phải chọn lọc xem cần lấy những yếu tố gì để đưa vào hình ảnh thiết kế.”
Mỗi hình ảnh là sẽ mang trong mình một câu chuyện và câu chuyện đó không đọc bằng lời mà bằng thị giác
Nhân đây, vị diễn giả cũng cho biết thêm: “Trong thiết kế có các yếu tố chính như: bố cục, sự sắp xếp. Muốn thu hút ánh nhìn của người xem, người thiết kế cần phải thể hiện rõ hình ảnh, tiếp đó là slogan, hay lối đi bố cục. Muốn thu hút thì tỉ lệ nó lớn, sau đó cân bằng xem có ổn hay không? Nếu sắp xếp rối, người xem sẽ bị nhiễu thông tin, cần đặt cân bằng, sắp xếp theo yếu tố hướng. Còn cân bằng lại phụ thuộc vào yếu tố tỉ lệ và sắc độ. Đó là nguyên tắc để truyền thông thị giác, chúng ta cần phải hướng đến con người ta xem gì và cảm nhận như thế nào. Đó là thước đo về thiết kế.”
“Làm thế nào để có tư duy sáng tạo trong thiết kế?”
“Làm thế nào để có tư duy sáng tạo trong thiết kế?” – Câu hỏi của một bạn trẻ như nói hộ tiếng lòng của rất nhiều khán giả tham gia Workshop “Truyền thông Thị Giác”
Thầy Trần Quốc Lợi đã nhanh chóng giải đáp: “Chương trình giảng dạy của tôi ở Arena có một môn học gọi là Tư duy sáng tạo. Ở đó, tôi vẫn hay hỏi học viên của mình về định nghĩa “Sáng tạo”. Theo các bạn sáng tạo có công thức hay không? Sự điên rồ không có công thức nhưng sáng tạo cần có mục đích, muốn sáng tạo chúng ta cần phải đi kèm với hành động, phải luôn suy nghĩ, đặt câu hỏi tại sao, làm thế nào và thực hiện ngay. Nếu không có mục đích thì sẽ không thể có sự sáng tạo.”
Và tư duy sáng tạo trong Thiết kế cũng cần được rèn luyện, cụ thể đó là:
– Sẵn sàng học hỏi: từ những chuyên gia đi trước hay các buổi hội thảo chia sẻ kinh nghiệm…
– Định hướng rõ ràng: việc sở hữu kiến thức nền tốt, nắm được nguyên lý của quy trình thiết kế đồ họa sẽ giúp bạn hình thành lối tư duy riêng – và quá trình tạo ra ấn phẩm thiết kế sẽ thuận lợi hơn.
– Sự hứng thú: việc yêu thích – hứng thú với lĩnh vực mà mình theo đuổi sẽ là động lực thúc đẩy sự cố gắng của chính bạn.
Các bạn trẻ thảo luận sôi nổi về việc làm thế nào để có tư duy sáng tạo trong thiết kế
Nhận thấy được những vấn đề mà các bạn trẻ đang gặp phải trên hành trình theo đuổi lĩnh vực Graphic Design, chương trình đào tạo của Arena Multimedia được thiết kế để giúp học viên tiếp cận những kiến thức chuyên sâu như: Hiểu các khái niệm cơ bản về Thiết kế đồ hoạ và Truyền thông; Xây dựng một bộ nhận diện thương hiệu hoàn chỉnh (logo, slogan, bộ ấn phẩm văn phòng, quảng cáo, bao bì sản phẩm,…). Cũng trong năm 2020, Arena Multimedia đã có những cập nhật mới cho chương trình Đào tạo Chuyên gia Mỹ thuật Đa phương tiện, với nhiều thay đổi và điều chỉnh để phù hợp xu hướng chuyển dịch của thế giới.
“Mỗi hình ảnh mang trong mình một câu chuyện và câu chuyện đó không đọc bằng lời mà bằng thị giác” – Thầy Trần Quốc Lợi.
Kết lại buổi Workshop, diễn giả Trần Quốc Lợi nhắn nhủ với các bạn khán giả trẻ: “Trong ngành Thiết kế Đồ họa, chúng ta cần phải tìm phương hướng có thể là về Game, Website hay làm phim. Bạn cần phải tự vẽ ra định hướng của mình, bạn cần phải tự tìm hiểu, luôn luôn phải tự hỏi mình cần gì để đạt tới điều mình muốn, cần phân ra những định hướng nhỏ xoay quanh những định hướng trung tâm.”
Ngọc Bích – Giang Hoàng