Hiểu rõ bản thân là điều mà không phải ai cũng làm được. Chỉ khi bằng lòng và chấp nhận những giá trị của riêng mình, bạn mới có thể bộc lộ sự tự tin trong công việc và cuộc sống.
Ngày 17.03 vừa qua, các học viên Arena Multimedia tại TP.HCM đã có buổi giao lưu thân mật cùng Chuyên viên đào tạo kỹ năng và Tham vấn tâm lý – Tiến sĩ Phạm Thị Thúy về chủ đề “Ngại”. Bằng những kỹ năng chuyên môn của mình, cô đã mang đến cho cộng đồng Arenaites nhiều chia sẻ bổ ích và thú vị về kỹ năng sống tích cực, từ đó giúp các bạn hiểu rõ hơn về giá trị của mình.
Workshop “NGẠI” thu hút nhiều học viên tham gia.
Ngại là gì và điều gì khiến mọi người hay Ngại?
Ngại là gì? Ngại chính là bắt nguồn của nỗi sợ hãi, từ sự thiếu tự tin của bản thân ở một hay nhiều khía cạnh trong cuộc sống. Khi đó bạn không dám nghĩ, không dám làm, không dám thể hiện, không dám chịu trách nhiệm và không dám làm thử những điều mới mẻ.
Khi đã trở thành một người hay Ngại bạn sẽ luôn cảm thấy: Tự ti, mặc cảm, luôn che dấu cảm xúc, luôn trong trạng thái bồn chồn, lo lắng, sống khép kín bản thân vì khó hòa nhập với cộng đồng. Điều đó sẽ dẫn đến không ít các khó khăn trong công việc, cuộc sống cũng như đánh mất nhiều cơ hội phát triển.
Tiến sĩ Phạm Thị Thúy giao lưu, tương tác với học viên bằng nhiều câu hỏi xoay quanh chủ đề “NGẠI”
Những biểu hiện của sự Ngại có thể bắt gặp xung quanh mình hằng ngày, kể cả ở chính bản thân bạn:
– Không dám nói lên suy nghĩ, quan điểm của bản thân vì sợ sai, sợ bị phán xét.
– Sợ bước ra khỏi vùng an toàn để làm một điều gì đó mới mẻ hơn.
– Không hài lòng về vẻ bề ngoài của bản thân: Cao, gầy, mập, ốm, mụn mặt, da ngăm đen,…
– Mặc cảm do hoàn cảnh gia đình khó khăn.
– Không dám thổ lộ tình cảm với người mình yêu vì sợ bị từ chối.
– Mặc cảm về vị trí của bản thân trong xã hội.
– Mặc cảm do thiếu kiến thức.
– Sợ đứng trước người giỏi hơn mình.
– Sợ đứng trước đám đông.
– Ám ảnh bởi những thất bại trong quá khứ và đối diện với sự thất bại ở hiện tại.
– Thiếu kinh nghiệm giao tiếp.
– Thiếu kỹ năng diễn đạt.
– Sợ lời khen vì cảm thấy bản thân không xứng đáng.
Tự tin là gì và làm thế nào để biết người đó có đủ sự tự tin hay chưa?
Tự tin là gì? Chính là việc bạn chấp nhận bản thân, yêu mến bản thân, trân trọng bản thân, tin vào năng lực bản thân và khả năng bẩm sinh của mình.
Một người tự tin sẽ: Làm được nhiều điều mình muốn, luôn lạc quan, luôn mang lại niềm vui cho mọi người, không ngừng sáng tạo và luôn sẵn sàng mở rộng các mối quan hệ mới. Người tự tin luôn khiêm tốn khi biết mình là ai, họ chấp nhận bản thân và tôn trọng mọi người xung quanh. Đây là một trong những thành tố quan trọng trong hành trình tìm kiếm sự thành công và hạnh phúc của một con người.
Các học viên tương tác tích cực với khách mời tại sự kiện
Đặc điểm để nhận biết một người tự tin:
– Là khi bạn mặc một bộ quần áo không đắt tiền nhưng vẫn cảm thấy vui vẻ.
– Là khi bạn thật lòng khen ngợi người khác một cách chân thành.
– Là khi bạn ngồi nói chuyện trước bất kỳ một ai, bạn cũng dám nhìn thẳng vào mắt của họ.
– Là khi bạn thẳng thắn nhìn nhận lỗi lầm và xin lỗi bất kỳ ai đó khi mình làm việc gì không đúng.
– Là khi bạn được một ai đó khen ngợi, bạn vui vẻ đáp lời nói cảm ơn mà không phải đắn đo mình có thật sự xứng đáng.
– Là khi đến một nơi xa lạ, bạn luôn vui vẻ chủ động bắt chuyện làm quen.
Thông điệp ban tổ chức mang đến cho Arenaites
Giá trị con người chúng ta nằm ở bên trong tâm hồn, đó là suy nghĩ, nhân cách, giá trị sống và thái độ sống. Trên hành trình xây dựng thương hiệu cá nhân của mỗi người, khoảnh khắc vỡ òa cảm xúc nhất chính là lúc bạn nhận ra mình là ai. Bởi vì khi đó, bạn hiểu được và bằng lòng với những giá trị của bản thân mình.
Mỗi người đều sở hữu cho mình phẩm chất, năng lực và cá tính riêng. Khi bạn tôn trọng, yêu thương và chấp nhận con người thật bên trong, bạn mới có thể tự tin và luôn là chính mình.
Hãy mạnh dạn đi con đường của riêng bạn, tin vào năng lực của bản thân và nỗ lực không ngừng để đạt được mục tiêu, khi đó, bạn sẽ dễ dàng gặt hái được nhiều thành tích vượt bậc.
Tại sự kiện, nhiều cuốn sách hay về giá trị cuộc sống được khách mời trao tặng cho học viên Arena
Tất cả những kiến thức mà Tiến sĩ Phạm Thị Thúy chia sẻ tại buổi workshop vừa qua cũng chính là những giá trị mà nhà trường mong muốn mang đến cho học viên, để giúp các bạn có cơ hội ngồi lại một cách nghiêm túc, xác định bản thân mình là ai, nỗi sợ của bạn là gì, giá trị của bạn nằm ở đâu, từ đó tìm cách cải thiện và nâng cấp mỗi ngày để trở thành một phiên bản tốt hơn của chính mình trong tương lai.
(Tống An)