“Ánh sáng sở hữu ngàn sắc thái biểu cảm: có yêu thương, ghét bỏ, có ấm áp dịu dàng, có bạo liệt chết chóc, và có cả nỗi cô đơn buồn thảm…” – Mở đầu buổi nói chuyện bằng một lời mô tả đặc biệt, đạo diễn Đặng Xuân Trường đã dẫn khán giả vén tấm màn bí mật của người làm ánh sáng trong Workshop: Behind the Light. Giữa không gian mở, hơn một trăm bạn trẻ đã có mặt để lắng nghe vị khách mời trò chuyện về hành trình định hình phong cách trên con đường kiếm tìm linh hồn cho ánh sáng.
Phong cách là của riêng bạn, đừng tìm nó ở bất kỳ ai khác
“Có thể cho tôi biết ở đây bao nhiêu bạn hay xem Yotube không?
Những cánh tay dè dặt dơ lên, rồi nhiều hơn và dần chiếm áp đảo. Khán giả thắc mắc chờ đợi vị đạo diễn cất lời: “Vậy là hơn 80{2fbbcdce6fba7ceca857f06e76ee977e945822970f76c6e598e150c203d39bd9} các bạn có mặt hôm nay thường xuyên vào Youtube. Hãy thử nhìn lại những bức ảnh bạn đã chụp, những thước phim bạn đã quay, xem chúng có hao hao phong cách ai trên đó không?”
Câu hỏi nhỏ mở ra cánh cửa lớn bước vào thế giới của đạo diễn Đặng Xuân Trường trong việc xây dựng chất riêng và bí quyết thổi hồn vào ánh sáng: “Tôi hy vọng các bạn trẻ xem Youtube nhưng không bị nó làm ảnh hưởng quá nhiều, bởi khi chúng ta in hằn điểm nhìn của người khác vào tiềm thức sẽ rất khó để phá bỏ chúng đi, mắt bạn bị cột chặt vào mắt người khác, ý thức bạn cũng bị ràng buộc bởi những sợi dây vô hình mất rồi. Bạn cần biết mình là ai, sắc độ ánh sáng phải từ bên trong bạn đi ra mới tạo màu sắc riêng không thể lẫn.”
Lý giải thêm về sắc độ ánh sáng, anh cho biết: “Ánh sáng tổng thể có sắc độ rất đa dạng vậy nên chỉ cần điều chỉnh mức sáng tối là đủ làm ra sự khác biệt rất lớn. Bên cạnh đó, phẩm tính chất liệu cũng vô cùng quan trọng để tạo nên cảm xúc cho người xem, ví như sơn và ánh sáng là hai thứ siêu kích thích thị giác nhưng cũng là con dao hai lưỡi nếu chúng ta không biết phối hợp.”
Tổng kết lại, đạo diễn Đặng Xuân Trường đưa ra ba yếu tố mà người làm ánh sáng phải lưu tâm:
Thứ nhất, bạn phải biết bạn là ai, phong cách của bạn ở đâu, bạn muốn ánh sáng thay bạn truyền đạt thứ gì đến mọi người.
Thứ hai, bạn cần có kiến thức toàn diện về các lĩnh vực như kiến trúc, hội họa, biết nhìn màu và pha màu.
Thứ ba, các bạn đủ sức tưởng tượng bao nhiêu thì bấy nhiêu xúc cảm về ánh sáng cho đến thị giác hình ảnh càng tuyệt bấy nhiêu.
Trí tưởng tượng – Yếu tố sống còn của người làm thiết kế ánh sáng
“Đừng bao giờ thiếu tưởng tượng, nếu không bạn sẽ chẳng đủ nội lực để phá đi điểm nhìn của người khác.” – Đó là điều mà đạo diễn Đặng Xuân Trường đã bật mí khi nói về yếu tố sống còn trong thiết kế ánh sáng.
Anh cho biết, đa số mọi người đều quá quan trọng đến lý thuyết khô khan, kỹ thuật cứng nhắc và ưu tiên sử dụng những loại đèn chiếu sáng đắt tiền mà bỏ quên trí tưởng tượng phong phú của bản thân: “Nếu mãi chăm chú vào kỹ thuật, suốt đời bạn sẽ chỉ giống như một con robot. Về cơ bản thì kỹ thuật giết chết mọi thứ xúc cảm, vấn đề nằm ở chỗ ta hành xử với nó như thế nào mới là điều quan trọng. Hãy nhớ, ánh sáng đẹp không nằm ở thiết bị chiếu sáng mà do tầm nhìn, do con mắt bạn nhạy bén phát hiện ra nó.”
Với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực thiết kế ánh sáng, đạo diễn Đặng Xuân Trường bộc bạch anh đã trải nghiệm rất nhiều loại đèn khác nhau và thật khó để nói sự khác biệt giữa chúng nằm ở đâu. Xét đến cùng, anh nói: “Ánh sáng đẹp không chỉ dựa vào một cái đèn giá trị cao mà còn phụ thuộc rất nhiều vào trí tưởng tượng của chủ thể.” Thay vì lăn tăn vì vấn đề thiết bị, hãy tập trung và hình dung mọi thứ bằng sự rung động của tâm hồn. Đặc biệt, khi trí tưởng tượng kết hợp với năng lực quan sát tự nhiên tốt sẽ giúp ích rất nhiều cho một người thiết kế ánh sáng.
Mỗi lĩnh vực khác nhau sẽ có cách set – up ánh sáng khác nhau
Mỗi lĩnh vực khác nhau sẽ có cách set – up ánh sáng khác nhau, tùy thuộc vào nội dung và tính chất của nó. Từng chinh chiến trong rất nhiều liveshow ca nhạc, đạo diễn Đặng Xuân Trường cho biết: “Trong mỗi liveshow, bản phối khí của các nhạc sĩ là không giống nhau, điều đó đòi hỏi khi chúng ta tưởng tượng ánh sáng theo không khí một ca khúc cần phải nắm rõ được tiết tấu, nhịp điệu, đồng thời kết hợp cả phần chiếu Visual Art từ màn hình, cân đối giữa vùng sáng và vùng tối để hình ảnh Visual không bị mất đi. Hình ảnh ca sĩ luôn luôn là trọng tâm. Nếu các bạn không thể nắm vững được những trạng thái như vậy thì sẽ cho ra một màu rất “event”. Xét cho cùng, chúng ta làm mọi thứ để tôn giá trị của ca sĩ, của dàn nhạc. Đặc biệt đừng bao giờ quên mất sự tưởng tượng.”
Bên cạnh liveshow ca nhạc, anh cũng đứng sau rất nhiều tiết mục múa đặc sắc, bật mí chìa khóa làm nên linh hồn của phần trình diễn, anh nói: “Cái quan trọng nhất khi làm về múa là phải hiểu biên đạo múa muốn nói gì, sau đó tìm hiểu vở múa ấy di chuyển trên sân khấu như thế nào, không khí sân khấu ra sao. Công việc ấy bạn phải phối hợp nhịp nhàng với cả ekip.”
Vậy còn đối với sân khấu, điện ảnh thì sao? Đạo diễn Đặng Xuân Trường nhanh chóng giải đáp: “Cần giỏi cả về tâm lý nhân vật mới chiếu sáng tốt được. Trong bối cảnh nhất định, thể trạng nhân vật ấy ra sao, buồn hay vui, đạo diễn muốn như thế nào?”
Riêng lĩnh vực hội họa “Khi họa sĩ vẽ, họ dùng màu để tạo ra ánh sáng. Điều bạn cần quan tâm nhất đó là gốc độ chiếu đèn, khoảng cách đặt đèn, mức độ sáng tối để tôn lên vẻ đẹp của bức tranh.” – Đạo diễn Đặng Xuân Trường nói.
Buổi Workshop kết thúc bằng một lời khuyên chân thành của vị đạo diễn được mệnh danh là “phù thủy ánh sáng”: “Đừng bao giờ tự ti nghĩ rằng bản thân không được đào tạo chuyên môn, không có kiến thức kỹ thuật cơ bản. Thành thật mà nói, bạn hoàn toàn có thể lựa chọn con đường để đi và vững tin với nó. Chỉ cần bạn biết, môi trường nào giúp bạn có sự tự do liên tưởng, có cơ hội để phát triển khả năng, có nhiều cảm xúc, bạn chắc chắc sẽ theo đuổi được ước mơ.”
Câu chuyện của người làm ánh sáng kết thúc, để lại nhiều bài học bổ ích dành cho những khán giả có mặt tại buổi Workshop. Đạo diễn Đặng Xuân Trường nán lại hồi lâu, gặp gỡ và chia sẻ thêm thông tin cho các bạn trẻ đam mê lĩnh vực thú vị này. Anh vẫn nhấn mạnh về tuổi trẻ, về năng lực tưởng tượng dồi dào và sự tự tin tạo dựng phong cách cho riêng mình…
Giang Hoàng