“Thiết kế là một cuộc chơi. Các bạn hãy chơi nó một cách thật chuyên nghiệp nhé” – Ông Richard Moore đã mở đầu buổi chia sẻ của mình bằng một câu nói như thế, một câu nói như cởi bỏ bao nhiêu nỗi băn khoăn của các Designer trẻ.
Với vai trò của mình, người làm thiết kế logo phải đảm bảo cho logo của khách hàng một cách rõ ràng, súc tích, cô đọng nhưng phải mang được hơi hướng, tinh thần của riêng sản phẩm, doanh nghiệp đó. Ngoài chơi với màu, chơi với những khối hình, chơi với hoa văn họa tiết, chơi với chữ thì đòi hỏi người thiết kế phải thật sự khéo léo, tinh tế để kết hợp hài hòa các yếu tố lại với nhau, tạo nên những sản phẩm tuyệt vời.
Bằng cách nào mà Ông Richard Moore lại có thể nắm vững các bí quyết để tạo ra nhiều sản phẩm tuyệt vời như thế, cùng theo chân phóng viên Arena khám phá qua bài viết sau đây nhé!
Công việc của một Nhà Thiết kế Thương hiệu
Logo là một trong những thành phần không thể thiếu của thương hiệu, ngoài màu sắc, phông chữ, hình ảnh, tất cả nguyên liệu này kết hợp lại với nhau tạo nên một bộ nhận diện thương hiệu hoàn chỉnh. Như Ông Richard Moore chia sẻ: “Mỗi thương hiệu đều có một hình mẫu và những nét tính cách đặc trưng đại diện cho tầm nhìn và sứ mệnh của một doanh nghiệp. Logo giúp doanh nghiệp truyền tải những thông điệp đó một cách cô đọng nhất”. Thường khi khách hàng tìm đến nhà thiết kế logo thì trong đầu họ đã định hướng sẵn về cái tên thương hiệu cho riêng mình, nên chúng ta sẽ không có nhiều sự lựa chọn về các mặt chữ. Vì thế việc bạn chơi, bạn hiểu rõ về cách thức cách điệu chữ sẽ mang lại sự độc đáo trong thiết kế logo.
Thường có 3 loại hình logo, đó là: Logo có biểu tượng, logo chữ, và cuối cùng là kết hợp cả 2 lại với nhau. Nhưng trước khi xác định được nên chọn theo loại hình nào thì cần phải có một cuộc khảo sát lấy ý kiến để hiểu được tính chất của thương hiệu, xem có những ý nghĩa ẩn dụ nào để đưa ra những ý tưởng phù hợp cho khách hàng. Từ những công đoạn tiền thiết kế như thế này giúp cho các Designer tạo ra những logo không chỉ đẹp mà nó còn có nhiều ý nghĩa. Nhưng đây có thể xem là bước khó khăn nhất, khi phải chắt lọc rất nhiều thông tin khác nhau từ ngang rồi đến dọc, loại những ý tưởng không có tiềm năng và phát huy những ý tưởng có hướng xây dựng để hoàn thiện hơn.
Logo của Công ty Cổ phần Thanh Toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS). Một dạng logo kết hợp chữ và biểu tượng. Nét chữ rõ ràng và thân thiện với cách viết in thường. Biểu tượng gồm những mảnh ghép tạo sự chuyển động và mũi tên thể hiện sự quyết tâm phát triển mang lại những giải pháp thẻ hiện đại và đột phá cho người dùng.
Thiết kế bởi Richard Moore Associates
NAPAS hiện đang quản trị và vận hành hệ thống chuyển mạch kết nối liên thông mạng lưới 18.600 máy ATM, 261.000 máy POS, trên 100 triệu thẻ của 48 ngân hàng thương mại trong nước và quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam.
Thiết kế bởi Carolyn Davidson
Logo biểu tượng của Nike, mỗi năm công ty bỏ ra hàng triệu triệu đô để xây dựng hình ảnh cho thương hiệu này, để mọi người có thể nhận diện họ khi nhìn thấy logo trên các mặt hàng sản phẩm.
Đến cuối cùng, vai trò của người làm thiết kế nhận diện thương hiệu là phải đảm bảo cho logo của khách hàng được rõ ràng, súc tích, cô đọng nhưng phải thể hiện tinh thần của riêng sản phẩm, doanh nghiệp trong đó một cách khác biệt. Nhưng nên nhớ một điều: Độc đáo mà nó không thể hiện rõ thông điệp của nhãn hàng thì xem như thất bại vì không tạo được giá trị và vị thế cho logo.
Làm thế nào để phát triển ý tưởng thành sản phẩm thực tế
Trước khi bắt đầu vào thiết kế một logo, bạn phải biết được những trăn trở mà doanh nghiệp đang quan tâm, có thể là một bài toán về tiếp thị hoặc tình trạng ứng dụng logo hiện tại của họ như thế nào. Sau đó tìm hiểu và nghiên cứu để cho ra một sản phẩm thiết kế tương thích, giúp họ giải quyết những vấn đề đang vướng mắc, có như thế mới dễ dàng thuyết phục họ hơn. Một số doanh nghiệp ở Việt Nam chú trọng đến yếu tố phong thủy, đó cũng là một cái nên nghiên cứu thêm khi thiết kế logo, để phù hợp với chủ doanh nghiệp và tất nhiên vẫn phải đảm bảo ý tưởng đặc sắc và tính thẩm mỹ cao.
Sau khi có ý tưởng, hãy bắt tay vào việc xây dựng những vệ tinh xung quanh, làm đầy cho nó, chứ đừng vội vàng thiết kế ngay. Bạn thấy nó đẹp quá, nó hợp thời, nó hợp xu hướng nhưng nó có thể không khớp với thương hiệu bạn đang thiết kế nên nhiều bạn thường bị mắc lỗi này. Ông Richard Moore còn cho biết thêm: “Mỗi ý niệm về màu sắc, phông chữ đều phải có cơ sở lập luận riêng biệt, nên đừng vì thấy sản phẩm thiết kế đó hợp ý với mình mà cố thỏa hiệp bản thân chấp thuận nó, hãy thật sự rõ ràng trong việc này, cảm nhận nó một cách chân thật nhất thì mới có thể thuyết phục được doanh nghiệp chấp nhận”.
Để triển khai ý tưởng, vấn đề này có hơi liên quan tới cách hoạt động bộ não của từng bạn, có nhiều khi bạn đang chạy xe ngoài đường thì tự nhiên ý tưởng nó ập đến, chứ đừng dán vào chiếc màn hình máy tính thì cái não của mình sẽ bị chặn lại. Hãy quan sát vạn vật chung quanh, tách mình khỏi môi trường quen thuộc và rảo bước cảm thụ tác phẩm nghệ thuật ở những nơi khác, bạn sẽ bắt được những khoảnh khắc bất chợt nào đó. Như chị Nguyễn Hữu Minh Thy, Creative Director tại Richard Moore Associates có chia sẻ: “Bình thường chị chạy từ 5 đến 7 dự án thiết kế cùng một lúc, nhiều khi trong lúc làm cái này tình cờ chị chợt nảy ra ý tưởng rất hợp với cái kia. Và ngược lại, cứ như một điệu tango trong tiềm thức. Chị huấn luyện cho não của mình cách suy nghĩ đa chiều”.
Cảm xúc và cách thức ẩn dụ thương hiệu trong Thiết kế Logo
Ẩn dụ là tầng lớp ý nghĩa mà mình có thể tìm hiểu thêm khi thiết kế một logo cho nhãn hàng hoặc doanh nghiệp. Ông Richard Moore đã chia sẻ: “Với vai trò của người làm thiết kế, các bạn không nên chỉ chú trọng cái đẹp mà hãy tạo cho nó một câu chuyện ý nghĩa, có như thế thì nó mới thú vị và hấp dẫn được người xem”.
Mỗi thương hiệu đều có những nét tính cách nổi bật, xuyên suốt và nhất quán. Những thương hiệu thành công trên thế giới cũng như vậy, Apple nổi bật với những sản phẩm “thông minh”. Nhận diện thương hiệu cốt lõi giúp truyền tải những tính cách đó, khi người xem nhìn thấy được logo là có thể liên tưởng được ngay thông điệp.
Một ví dụ điển hình có thể thấy, CAO Fine Jewelry là một thương hiệu nữ trang cao cấp nổi tiếng với những bộ trang sức tinh xảo, đẳng cấp quốc tế. Logo theo phong cách tối giản, tên thương hiệu được cách điệu như một cành vàng và chiếc lá ngọc khẽ chạm tinh tế trên chữ A mang lại điểm nhấn hoàn hảo cho tổng thể nhận diện.
Thiết kế bởi Richard Moore Associates
Sự khác biệt và điểm nhấn tạo nên một Nhà Thiết kế Thương hiệu giỏi
Thiết kế ai cũng có thể làm được nhưng để tạo ra những sản phẩm thiết kế chuyên nghiệp nó là một đẳng cấp khác, đó là khoảnh khắc khi bạn nghiên cứu ra được những ý tưởng độc đáo mà người khác không thể nghĩ ra. Đối với người ca sĩ, đứng trên sân khấu họ sẽ thấy được ngay cảm xúc, phản ứng của khán giả dành cho màn biểu diễn nghệ thuật của mình, còn đối với người làm thiết kế thương hiệu sẽ không thấy được những phản ứng đó ngay lập tức, chỉ khi nào sản phẩm được đưa ra thị trường thì mới biết.
Như Ông Richard Moore có nói: “Luật lệ trong thiết kế thì tốt nhưng đối với người thiết kế đôi lúc cũng nên phá vỡ luật lệ để tạo sự khác biệt cho bản thân mình”. Bạn có ý tưởng và có thể nó tương đồng với ý của người khác nhưng cách bạn xử lý đồ họa sẽ khác với cách họ làm từ đó tạo nên sự khác biệt giữa bạn và họ, tạo ra điểm nhấn riêng cho mình.
“Một số Designer ở Việt Nam hơi bị nhát tay, thấy lạ, thấy lệch một xíu thì rất sợ khách hàng không hiểu hoặc không đồng ý. Cho nên các bạn hãy tự do sáng tạo nhiều thiết kế đa dạng khác nhau, ai biết được có thể tạo ra những logo để đời thì sao” – Ông Richard Moore cho biết. Thiết kế Logo rất đa dạng , từ nghệ thuật cổ điển đến đương đại, từ việc kết hợp các font chữ lại với nhau đến phá khỏi công thức của chúng, từ đó đòi hỏi người làm thiết kế phải rất linh hoạt và khéo léo sử dụng các font chữ, hay màu sắc, biểu tượng để tạo ra điểm nhấn đặc biệt cho logo.
Mong rằng, những chia sẻ được đúc kết qua sự nghiệp xây dựng thương hiệu trong lĩnh vực Thiết kế Sáng tạo của Ông Richard Moore sẽ giúp cho các Designer trẻ hiểu hơn về giá trị công việc mình đang làm, từ đó nhìn thấy được những cơ hội, cách thức xây dựng thương hiệu cá nhân cho riêng mình bằng cách nắm bắt, lồng ghép, truyền đạt tốt những ý tưởng của mình vào từng sản phẩm thiết kế, logo điểm nhấn khác biệt.
Sau khi lắng nghe những chia sẻ của Ông Richard Moore từ bài viết, cảm xúc của bạn là gì nào? Bạn có tò mò muốn biết cảm xúc của những thầy/ cô giảng viên cũng như học viên đã tham dự trực tiếp buổi thảo luận này như thế nào không, cùng bấm tại đây để xem nhé!
Bài viết: Tống An
Thiết kế: Nguyên Lê