Không còn những bỡ ngỡ khi lần đầu tiên đứng trước hội đồng bảo vệ với kỳ Graphic Design, hay những lần can đảm cùng nhau đứng lên thuyết trình về đồ án kỳ 2,3 trước hội đồng phản biện. Đồ án kỳ 4 – 3D Animation chính là một dấu mốc quan trọng đánh dấu sự trưởng thành trước khi các bạn học viên Arena Multimedia (Arenaites) chính thức tốt nghiệp và bị “tiễn” ra khỏi trường. Một học kỳ thật đặc biệt với thật nhiều kỉ niệm và được các Arenaites đánh giá là kỳ học “khắc nghiệt” nhất tại Arena Multimedia. Hãy cùng D1706M cơ sở Trúc Khê – lớp học “siêu nhân” với cả 3 đồ án đều đạt trên 80 điểm tìm hiểu về hành trình chinh phục kỳ học đáng nhớ này qua lời kể của chính chủ nhân của những đồ án xuất sắc này nhé!
Chapter 1: Làm đồ án – Chỉ được chứ không mất!
Nếu ví một kỳ học ở Arena là một chuyến hành trình dài thì đồ án chính là đích đến của chuyến đi. Ở đó chúng mình có những trải nghiệm, những kỷ niệm và cả niềm tự hào khi chinh phục được hành trình đó. Người ta nói “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, trong chuyến hành trình dài nhiều ngày tháng đó, các Arenaites đã cùng nhau học tập, vui chơi và cùng ghi dấu quãng thời gian tươi đẹp của mình. Với những kỳ khác có thể là kiến thức, kỹ năng làm bài tập nhóm,…còn với kỳ 3D Animation này Arenaites đã thu hoạch được những gì sau cả kỳ học?
Cậu bạn Văn Hậu – thành viên nhóm The Shadow cho biết: “Nếu nghĩ rằng làm đồ án thật sự quá tốn thời gian, công sức, chất xám và cả tiền bạc thì bạn thực sự chưa hiểu được ý nghĩa mà nó mang lại đâu. Cái chúng mình học được nhiều nhất chính là kiến thức và kỹ năng. Với kiến thức làm phim như quay, dựng đã học được ở kỳ 3 chúng mình còn cần vận dụng cả những kỹ thuật đồ họa, dựng nhân vật, chuyển động,…Tuy nhiên, chúng mình đều là những người đam mê và ham học hỏi và may mắn là chương trình đào tạo của Arena Multimedia cung cấp cho chúng mình đầy đủ kiến thức, kỹ năng để có thể thực hiện được những chủ đề muốn xây dựng dù cho đó là những chủ đề khó nhằn. Không chỉ học từ giảng viên, chúng mình còn học hỏi lẫn nhau giữa các thành viên trong nhóm, những người bạn cùng trường cùng nhau phấn đấu để trở nên tốt hơn. Và giữa guồng công việc tất bật của nhóm chúng mình chẳng hề cảm thấy lạc lõng vì luôn có sự trợ giúp, hỗ trợ kịp thời của bạn bè và thầy cô.”
Nhìn lại cả hành trình vừa qua cô bạn Minh Khuê – thành viên nhóm Once Upon A Dream vui vẻ chia sẻ: “Thời gian chúng mình cùng nhau ăn ngủ trên trường để hoàn thiện bài đã giúp các thành viên trong nhóm gần gũi và thân thiết với nhau hơn. Chúng mình không chỉ chia sẻ cho nhau các kỹ năng làm bài, những kiến thức chuyên môn mà khi quá mệt mỏi với việc chờ đợi render bài chúng mình còn tâm sự với nhau cả những vui buồn trong cuộc sống nữa. Kỳ này thực sự rất khó và với số lượng thành viên trong nhóm cũng như thời gian ngắn như vậy nhóm mình đã rất nhiều cố gắng. Đặc biệt phải gửi cảm ơn tới thầy Trần Anh Khoa vì đã luôn luôn lắng nghe ý tưởng của các nhóm và đưa ra cách giải quyết cho từng vấn đề chứ không áp đặt theo một khung cố định nào cả. Điều đó giúp cho chúng mình được thoải mái thể hiện sự sáng tạo và những kỹ năng đã được học vào trong từng thước phim. À và tất nhiên là cả nhà trường nữa chứ, có lẽ chẳng có ở đâu cho phép sinh viên sử dụng tài nguyên thoải mái như Arena cả.”
Chapter 2: Khó khăn, thử thách chính là “đặc sản” của những mùa đồ án
Kỳ học nào mà chẳng có khó khăn, vậy những thử thách trong kỳ học 3D Animation này là gì? Chẳng còn chật vật với những bất đồng khi làm việc nhóm lần đầu việc hay việc loay hoay tìm đề tài, phân chia công việc,…bỗng trở thành chuyện nhỏ vì với 3D Animation thì thử thách sẽ tăng lên một level hoàn toàn mới. Vì với Đình Hoàng – trưởng nhóm The Edge thì khó khăn lớn nhất mà nhóm cần phải vượt qua chính là việc “làm sao để kết nối được các thành viên giúp các bạn có thể hợp tác, làm việc với nhau một cách hiệu quả để quá trình làm bài được vận hành trơn tru nhất vì trên thực tế mỗi người mang một cá tính riêng và có những nền tảng kiến thức chuyên môn khác nhau.”
Có thể nói thiếu đi sự thấu hiểu và sẻ chia giữa các thành viên trong nhóm chính là trở ngại lớn trong bất kể công việc nhóm nào. Nó khiến cho các thành viên e dè trong việc bày tỏ quan điểm, ý kiến cá nhân và tạo thành áp lực cho một vài thành viên chủ chốt. Thêm vào đó các Arenaites đều đi làm từ rất sớm nên việc phân bổ thời gian giữa đi học, đi làm và chạy đồ án nhiều khi bị chồng chéo lên nhau gây ảnh hưởng tới tiến độ chung.
Thế nhưng khó khăn sẽ chẳng nhằm nhò gì nếu như không kể tới…“Render” – phần mà Arenaites vẫn nói vui rằng phải “dùng cả thanh xuân để chờ đợi”. Đằng sau những câu chuyện, những thước phim truyền cảm hứng chính xác là những ngày tháng ăn ngủ cùng deadline hay tiêu biểu đó là việc…render bài. Theo như Minh Khuê chia sẻ thì nhóm của cô bạn đã từng “ngồi trên trường từ 8h sáng tới 11h đêm chỉ để render cho xong – công việc gây mệt mỏi nhất trong thời kỳ chạy đồ án. Nhiều khi còn phải cắm máy qua đêm nhưng về nhà vẫn cứ nơm nớp lo nhỡ chẳng may đêm nay quá tải bị sập điện thì sao? Hay là những lần render vội vàng cho lớp sau tới còn có máy để học. Các số frame render từng máy theo từng scene phải ghi đầy đủ nếu không lúc “thu hoạch” sẽ thiếu sót. Mình đã trải qua 2 tuần chỉ từ nhà đến trường, sáng đến thu rồi về, chiều lại lên ngồi làm chung với team đến đêm. Cứ như vậy không gặp ai ngoài team, thầy và…chú bảo vệ.”
“Một chiếc đồ án tốt nghiệp với hơn 10000 frames, 82 shots và kéo dài trong thời gian 4 tháng đã khiến chúng mình bỏ ra rất nhiều công sức. Và để đầu tư cho bộ phim cuối kỳ này hầu hết các thành viên trong nhóm tạm hoãn lại các công việc cá nhân ở công ty để tập trung hết tâm huyết và chất xám vào sản phẩm cuối cùng. Chúng mình có riêng một thành viên đảm nhận việc render bài và ròng rã suốt 2 tháng trời bạn ấy mang theo 1 phần cơm trưa và 1 bình nước thật to để “cắm rễ” trên trường từ sáng cho tới tối muộn mới về nhà. Nghĩ lại thực sự…ám ảnh.” Đình Hoàng thở phào nhẹ nhõm khi nghĩ lại.
Khó khăn chỉ là những bước đầu tiên để thử thách ý chí và vượt qua nó sẽ khiến chúng ta trở lên mạnh mẽ, tự tin và học hỏi được nhiều hơn. Chẳng có thành công nào mà không phải trả giá bằng những thất bại, cũng không có trái ngọt nào không trải qua những ngày tháng chông gai, vì vậy hãy cứ vững tâm tin tưởng vào con đường đã chọn, vượt qua chúng thì những nỗ lực của bạn sẽ được đền đáp xứng đáng.
Chapter 3: “Một bộ phim tốt cần có 3 yếu tố: Kịch bản, kịch bản và kịch bản.”
Làm phim đã khó nhưng làm phim hoạt hình 3D mới chính là một thử thách lớn. Các Arenaites không những phải tự mình phát triển ý tưởng, kịch bản, nội dung cho bộ phim mà còn chính là người dựng lên toàn bộ nhân vật, chuyển động, bối cảnh, màu sắc, hình ảnh và âm thanh. Thử thách không chỉ nhân lên rất nhiều lần khi khối lượng công việc khá lớn và tất cả phải đảm bảo được thực hiện một cách chỉn chu và ăn khớp với nhau. Và tất nhiên muốn có một bộ phim hoạt hình hay và ấn tượng thì yếu tố tiên quyết chính là một kịch bản tốt. Điều đáng hoan nghênh ở cả 3 bộ phim đó là đã biết lựa chọn câu chuyện phù hợp với nhiều đối tượng người xem với lợi thế về kỹ thuật, hình ảnh đi kèm với nội dung nhân văn và cốt truyện ý nghĩa. Tuy nhiên sự thiếu sót về kịch bản chính là một điều đáng tiếc ở cả 3 nhóm. Với Once Upon A Dream các bạn không những phải chạy đua với thời gian để bổ sung kiến thức, trau dồi về kỹ thuật, khắc phục các vấn đề phát sinh trong quá trình làm đồ án, mà còn phải chọn lựa, cắt, dựng âm thanh, hình ảnh để truyền tải thông điệp một cách trọn vẹn nhất. Tuy nhiên do còn thiếu kinh nghiệm thực tế, và còn yếu mảng biên kịch, cắt, dựng nên dẫn tới còn cảnh thừa, thiếu. Hay với The Shadow sự thiếu sót trong các cảnh quay và góc máy chính là điều đáng tiếc nhất. Đặc biệt là nhóm The Edge do phân bổ thời gian chưa hợp lý nên đoạn kết thúc chưa trọn vẹn, phải dùng ảnh 2D để hoàn thiện nốt bộ phim. Thầy Vũ Anh Đức – Chủ tịch Hội đồng bảo vệ, Giám đốc Đào tạo của Arena Multimedia, đã chia sẻ sau khi kết thúc buổi bảo vệ: “Một bộ phim tốt cần 3 yếu tố: kịch bản, kịch bản và kịch bản. Không phải kỹ thuật, đồ họa hay âm thanh mà chính yếu tố kịch bản mới làm nên sự thành công của một bộ phim. Làm phim 3D rất khác với phim thường, chính vì vậy sự thể hiện của các bạn ngày hôm nay rất đáng khen ngợi, các bạn truyền tải được những thông điệp nhân văn, vận dụng tốt những kỹ thuật đã được học. Hy vọng là qua sản phẩm đầu tay này và những nhận xét của hội đồng sẽ giúp các bạn cải thiện trong những sản phẩm tiếp theo và gặt hái được thành công trên con đường phía trước.”
Chapter 4: Tin tưởng tạo nên sự thành công
Bạn có thắc mắc những yếu tố tạo nên sự thành công của những thước phim thú vị và truyền cảm hứng đó là gì không? Những lời khuyên của chính chủ nhân những đồ án xuất sắc sau đây chắc chắn sẽ giúp ích cho những ai đang và sẽ bước chân vào ngành công nghiệp thiết kế nói chung và học kỳ 3D Animation nói riêng đó.
“Các bạn hãy dành thời gian để chăm chút cho đồ án kì cuối này nhé vì thật sự nó rất khó và ngốn rất nhiều thời gian của mình nếu muốn có một sản phẩm chất lượng” – Minh Khuê hào hứng chia sẻ “Vì phần kịch bản, khung hình đã được học từ kỳ 3 rồi nên hãy sớm lập team để bàn bạc về ý tưởng, concept…như vậy sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian khi bước vào đồ án. Mình tin khi các bạn đã học đến kỳ cuối cùng rồi thì sẽ không bỏ cuộc và sẽ làm hết sức mình.”
“Với team The Shadow chúng mình có lẽ điều cần nhất là trách nhiệm và sự đam mê trong mỗi công việc. Trách nhiệm giúp chúng mình chủ động làm và hoàn thiện phần việc của mình đúng deadline, còn đam mê chính là nguồn động lực đôn thúc chúng mình không ngừng cố gắng vượt qua những khó khăn, thử thách để hoàn thiện đồ án cũng như hoàn thiện bản thân mình.” Văn Hậu cho biết thêm.
Còn với nhóm trưởng Đình Hoàng – người đề cao sự tin tưởng trong công việc thì yếu tố con người chính là yếu tố quan trọng nhất vì “nếu không tự tin vào khả năng của các thành viên trong nhóm có lẽ mình đã làm một đồ án tầm tầm đủ qua môn rồi, vì một mình mình cố gắng thì mình không làm được. Sự tin tưởng có ý nghĩa rất lớn, nó như một nguồn động lực vô hình khiến chúng mình nỗ lực trên cả khả năng của bản thân để đem tới một đồ án tốt nhất có thể. Kỳ học 3D Animation là kỳ khó nhằn nhất, có lẽ bởi vì nó yêu cầu kiến thức, kỹ năng của cả 3 kỳ trước cộng lại, và cũng vì vậy nên đây là kỳ học yêu thích nhất của mình. Nếu bạn có niềm đam mê và ý chí không bỏ cuộc thì càng khó khăn bạn sẽ càng học được nhiều thứ hơn. Và cuối cùng mình cũng muốn nhắn nhủ tới các bạn có ý định theo đuổi ngành mỹ thuật đa phương tiện này rằng đây là một ngành khá khắc nghiệt, tuy nhiên theo mình thì đam mê luôn đi đôi với sự cống hiến, các bạn hãy cứ tự tin mà bước tới đi, nhưng khi đã bước vào rồi thì hãy nỗ lực hết sức mình, nâng cao năng lực bản thân và chia sẻ kiến thức đến mọi người. Đầu tiên là cho chính niềm đam mê của bản thân bạn, sau là cho sự phát triển của nền đồ họa nước nhà, mình tin là không lâu nữa đâu, Việt Nam sẽ có thể sánh ngang với thế giới trong lĩnh vực này.”
Chapter 5: Khởi đầu mới luôn bắt đầu từ sự kết thúc
Kết thúc đồ án kỳ 4 cũng là thời điểm mà Arenaites chính thức chia tay ngôi nhà thứ 2 mang tên Arena Multimedia. Những cô nhóc, cậu nhóc ngày nào giờ đã đủ trưởng thành để tự tin bước vào ngành công nghiệp thiết kế với những kiến thức đồ họa được trang bị trong thời gian học tập tại trường. Sẽ chẳng còn những tháng ngày rong ruổi khắp nơi đi tìm bối cảnh phim, hay những buổi trà chanh cổng trường thảo luận ý tưởng cho đồ án hết môn, rồi những ngày ngồi cắm rễ trên trường để chạy deadline bài tập. Tất cả sẽ chỉ còn là những kỷ niệm tươi đẹp, một hành trình ghi dấu thanh xuân với rất nhiều nỗ lực. Thầy Trần Anh Khoa – giảng viên hướng dẫn chia sẻ: “Hi vọng các bạn sẽ giữ mãi được sự nhiệt huyết, niềm đam mê và sự cầu tiến trong mỗi công việc mình làm và không ngừng học hỏi để rèn luyện bản thân trở thành phiên bản tốt hơn từng ngày.” Hãy để những kiến thức đã học được trở thành vũ khí giúp các bạn chinh phục những mục tiêu trong tương lai. Arena Multimedia rất vui mừng được đồng hành cùng các bạn trong những bước chân đầu tiên tiến vào nền công nghiệp thiết kế và hy vọng rằng các bạn luôn vững vàng trên con đường phía trước. Chúc các bạn thành công!
Khánh Hòa