Tháng 08 vừa qua, Arena Multimedia đã tổ chức chuỗi Master Class với chủ đề “3D Game – Tư duy phân tích Textures” nhằm mang đến cho các bạn học viên những kiến thức bổ ích, cũng như góp phần nâng cao kỹ năng và sự sáng tạo trong thiết kế Game.
Những năm gần đây, lĩnh vực trò chơi giải trí đang phát triển một cách mạnh mẽ và được xem là một trong những ngành công nghiệp trọng điểm. Theo báo cáo từ Google, Việt Nam hiện đang nằm trong top 5 quốc gia đi đầu trong lĩnh vực phát hành game với 4,2 tỷ lượt tải game trên ứng dụng (Theo Sài Gòn Giải Phóng). Hiểu được sức hút của ngành và để chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao, sẵn sàng đón đầu xu hướng nghề nghiệp, Arena Multimedia tổ chức chuỗi Master Class với chủ đề “3D Game – Tư duy phân tích Texture” nhằm mang đến cho các bạn học viên những kiến thức và kỹ năng bổ ích trước khi dấn thân vào ngành công nghiệp tỷ đô này.
Hãy cùng Arena điểm qua những nội dung chính và nhìn ngắm lại các khoảnh khắc đáng nhớ trong các buổi học này qua bài viết dưới đây nhé!
Những lưu ý khi xây dựng mô hình 3D
Việc xây dựng mô hình (model) 3D không đơn giản chỉ là tạo nên những hình khối sao cho vừa mắt hay tô màu sao cho đẹp mà mô hình ấy khi đặt để trong bối cảnh sử dụng có hợp lý hay không, có đáp ứng được yêu cầu đặt ra hay không. Vì vậy, theo thầy Tuấn Vỹ, trước khi bắt tay vào xây dựng mô hình (model) 3D, chúng ta cần tự đặt ra cho mình những câu hỏi như: mục đích, công dụng, yêu cầu của sản phẩm mô hình 3D là gì,… Nắm được những điều này, bạn sẽ hiểu hơn về mong muốn của khách hàng cũng như giảm thiểu thời gian sửa chữa, hoàn thiện sản phẩm ở những vòng phản hồi (feedback) sau đó.
Nhằm giúp các bạn hiểu rõ hơn về những lưu ý và quy định khi thiết kế sản phẩm 3D, thầy Tuấn Vỹ đã giải thích chi tiết dựa trên những ví dụ thực tế. Một trong số đó là đối với một sản phẩm được đưa vào Portfolio, người thực hiện cần chú ý trình bày model (mô hình) có tính logic, tệp được sắp xếp gọn gàng, đi WireFrame (lưới) ngăn nắp cùng với việc render (kết xuất đồ hoạ) không bị lỗi và đặc biệt là phần texture (bề mặt) cần được thiết kế hợp lý.
Xuất phát từ kinh nghiệm nhiều năm làm việc và giảng dạy thực tế, thầy Vỹ nhận thấy một trong những nguyên nhân dẫn đến việc các bạn học viên gặp khó khăn trong quá trình làm bề mặt (texture) cho mô hình chính là cảm thụ chưa tốt các yếu tố ảnh hưởng đến bề mặt. “Thầy thấy phần texture là một trong những phần mà học viên mắc lỗi khá nhiều. Ví dụ như các bạn thiết kế một chiếc xe hơi bị bụi bặm, rỉ sét ở một số phần nhưng không lý giải được nguyên nhân vì sao như vậy. Học viên chỉ thêm vào vì thấy hợp mắt nhưng đối với người có chuyên môn, họ sẽ nhận thấy lỗi ở những điểm chưa phù hợp”, thầy Tuấn Vỹ chia sẻ.
Nói về thiết kế 3D trong game và phim, quá trình thực hiện có phần giống nhau, tuy nhiên giữa 2 lĩnh vực này vẫn tồn tại sự khác biệt nhất định. Điểm giống nhau có thể kể đến như việc tạo dựng mô hình với Hires (độ phân giải cao) và UV (cắt mặt phẳng 3D). Điểm khác biệt là trong thiết kế game 3D, chúng ta phải tạo dựng thêm Gameres (giảm lưới trong thiết kế) nhằm giúp cho quá trình vận hành trò chơi mượt mà hơn và không giật lag trong quá trình trải nghiệm.
Để tránh lãng phí thời gian và có thể đáp ứng tốt yêu cầu của khách hàng, thầy Tuấn Vỹ khuyên các bạn học viên hãy trao đổi kỹ các thông tin công việc khi bắt đầu nhận đề bài. Người thực hiện nên tìm hiểu các thông tin như sản phẩm được ứng dụng trong lĩnh vực nào, mô hình được đặt xa hay gần,… Như vậy bạn sẽ có đủ thông tin để bắt đầu công việc, lược bỏ các chi tiết không cần thiết và chủ động về mặt thời gian thực hiện.
Thêm vào đó, thầy Tuấn Vỹ cũng chia sẻ rằng đôi khi khách hàng chỉ cung cấp cho chúng ta những thông tin cơ bản về sản phẩm và điều này gây khó khăn khi chúng ta bắt đầu thiết kế. Vì thế, người học cần có kỹ năng tìm kiếm thông tin, hình ảnh tham khảo để nhìn thấy được toàn bộ góc cạnh từ trong ra ngoài của một sản phẩm 3D.
Quy trình Modeling 3D và tối ưu hoá UV
Khi tham gia thực hiện Modeling cho Game 3D, học viên cần thực hiện đầy đủ 4 giai đoạn: Blockout, Lowres, Highres và Gameres để tránh mắc lỗi trong quá trình thiết kế. Giai đoạn một, Blockout (hay blockmesh/graybox) là một cấp độ phác thảo 3D thô được dựng bằng các hình khối 3D đơn giản. Ở phần này Artist chỉ cần mô hình hoá một cách nhanh gọn, không cần đầy đủ chi tiết nhưng vẫn phải đảm bảo đúng tỷ lệ, hình thù, chiều ngang và chiều sâu của sản phẩm. Tiếp đến giai đoạn hai là phần Lowres (thiết kế 3D chi tiết), người thực hiện sẽ bắt đầu lên đầy đủ hết các chi tiết để giống hình mẫu nhất. Trước quá trình thiết kế chúng ta đã có phần trao đổi với khách hàng về các chi tiết trên sản phẩm nên ở bước Lower, ta có thể lược bỏ các chi tiết lưới không cần thiết.
Bắt đầu công đoạn thứ 3 là Highres, ở phần này Artist bắt đầu dàn các đường cạnh, nét chi tiết mang đến mô hình 3D đẹp mắt. Và phần cuối cùng quan trọng nhất trong quá trình làm game đó chính là giai đoạn Gameres. Thầy Tuấn Vỹ hướng dẫn: “Các bạn phải đảm bảo ít lưới nhất có thể và tất cả các lưới trong công đoạn Gameres đều có công dụng riêng. Đối với những bộ lưới không có tác dụng phải được lược bỏ và cần tạo đủ độ cong cho các đường viền tròn của sản phẩm”.
Sau khi thực hiện xong phần modeling cho thiết kế 3D, thì các Artist sẽ chuyển sang giai đoạn tô màu cho sản phẩm. Để người thực hiện có thể lên màu cho thiết kế một cách đầy đủ và đều nhất thì cần giai đoạn UV mapping. Đây là quá trình chuyển lưới 3D từ mô hình 3D sang không gian 2D để tạo hoạ tiết cho các mặt phẳng. Đối với công đoạn này, thầy Tuấn Vỹ hướng dẫn học viên hãy cắt UV hết các cạnh góc vuông và trải thẳng các mặt phẳng. Người học có thể sử dụng UV checker map để check lỗi và phải luôn xác định chữ thật ngay ngắn, đi đúng một hướng ngang hoặc dọc.
Giải thích cho câu hỏi một sản phẩm 3D nên có bao nhiêu ô UV là đủ, thầy Tuấn Vỹ giải đáp hãy xếp trước 1 ô UV, sau đó nhân ra 2 ô, 3 ô và sắp xếp bố lại bố cục cho hoàn chỉnh. Vì càng tăng số lượng UV thì chất lượng càng rõ nhưng thông thường số UV sẽ được khách hàng sẽ đưa ra cho Artist thực hiện. Thầy Tuấn Vỹ chia sẻ thêm: “Đối với những bạn làm mô hình 3D để đưa vào Portfolio có thể làm nhiều ô UV hơn để cho khách hàng thấy sản phẩm sắc nét”.
Kỹ năng phân tích bề mặt đạo cụ của game
Mỗi game sẽ được xây dựng ở những thời đại có bối cảnh, câu chuyện hoàn toàn khác nhau. Vậy nên trước khi bắt đầu tạo texture (bề mặt) cho mô hình 3D thì người thiết kế cần phải tìm hiểu kỹ về sản phẩm từ tên, lịch sử phát triển, chất liệu sản phẩm, người sử dụng… Bởi lẽ, những thông tin này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc thiết kế nên bề mặt đạo cụ một cách chân thật và sống động từ những chi tiết nhỏ nhặt nhất như lớp bụi, vết trầy hoặc rỉ sét.
Để có nhiều chất liệu tạo dựng thiết kế 3D, thầy Tuấn Vỹ khuyên học viên nên nghiên cứu sản phẩm thông qua Wikipedia – trang tài liệu tham khảo lớn và phổ biến nhất Internet. Với nguồn thông tin dồi dào mà trang điện tử này mang lại, các bạn cần chọn lọc, phân tích những thông tin cần thiết nhằm tránh mất thời gian trong việc lược bỏ nội dung.
Thấy Vỹ giải thích thêm, mỗi vật dụng tùy vào người dùng thì bề mặt sẽ có những biến đổi khác nhau. “Thầy ví dụ nếu đối tượng sử dụng súng là người dân thì cây súng sẽ được bảo quản kỹ lưỡng, chỉ được sử dụng khi cần thiết. Vậy nên đối với những chiếc súng không được sử dụng lâu ngày sẽ bị rỉ sét ở các khớp kéo, bám bụi nhiều nhưng lại còn mới và ít bị trầy, xước”, thầy Vỹ chia sẻ.
Theo thầy Tuấn Vỹ, mỗi sản phẩm có khớp đều cần được châm dầu, nhớt nhằm giúp các sản phẩm trơn tru hơn. Chẳng hạn như một khẩu súng được sử dụng thường xuyên trong quân đội, người lính sẽ tra chất bôi trơn liên tục để vũ khí không bị cứng khi chiến đấu. Từ đó, hiện tượng rỉ dầu, cặn nhớt sẽ bám trên các khớp nối trên bề mặt đạo cụ. Vậy nên, người thiết kế cần lưu ý kỹ về người dùng, mục đích sử dụng và các chi tiết sản phẩm 3D để tạo nên một thiết kế giống với thực tế.
Ngoài hướng dẫn các học viên nghiên cứu về sản phẩm, thầy Tuấn Vỹ còn hướng dẫn chi tiết về kết cấu sản phẩm như màu sơn, độ bám màu, vết nứt của sản phẩm. Với những thông tin thầy Tuấn Vỹ chia sẻ, học viên có thể hiểu rõ về bề mặt đạo cụ và từ đó tạo nên được những texture chân thật và phù hợp nhất.
Tạm kết
Sau khi hoàn thành 3 buổi học Master Class, các bạn học viên đã nhận được nhiều nội dung bổ ích về lý thuyết, cũng như được tự tay thực hành tạo dựng mô hình 3D một cách sống động và chân thực. Arena mong rằng thông qua lớp học lần này, các bạn trẻ yêu Sáng tạo tại Arena đã có thêm hành trang trong quá trình chinh phục đam mê thiết kế Game 3D. Hẹn gặp lại các Arenaites tại các hoạt động thú vị khác của Arena Multimedia.
Hồng Đào
***
Để được tư vấn về chương trình đào tạo và các hình thức ưu đãi khuyến học tại Arena Multimedia, vui lòng liên hệ Ban tuyển sinh tại Arena gần bạn nhất:
TP.HCM
Email: [email protected]
* ARENA Nguyễn Đình Chiểu
212-214 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3
Tel: 1800 1525
* ARENA Hồ Văn Huê
43R/12 Hồ Văn Huê, Q.Phú Nhuận
Tel: 1800 6325
* ARENA Tân Bình
Số 6 Tân Kỳ Tân Quý (gần Etown), Q.Tân Bình
Tel: 1800 2074
* ARENA Lê Tuấn Mậu
136 Lê Tuấn Mậu (CV Phú Lâm), Q.6
Tel: 1800 2046
HÀ NỘI
Email: [email protected]
* ARENA Trúc Khê
80 Trúc Khê, Q. Đống Đa
Tel: 1800 1542
* ARENA Phạm Văn Bạch
D29 Phạm Văn Bạch, Q. Cầu Giấy
Tel: 1800 1542
* ARENA Trần Phú
110 Trần Phú, Q. Hà Đông
Tel: 1800 1542
* ARENA Long Biên
564 Nguyễn Văn Cừ, Q. Long Biên
Tel: 1800 1542