Kiến thức tổng quan về nghề Thiết kế Game, tiềm năng to lớn của ngành này cũng như lộ trình phát triển vững chắc, tất cả những thông tin giá trị ấy đã được chia sẻ tại Talkshow truyền cảm hứng Thiết kế Game 3D: Làm sao để bắt đầu? Buổi trò chuyện nằm trong khuôn khổ Ngày hội: Chạm ngõ ngành Game Design diễn ra vào ngày 18.9 vừa qua.
Từ thuở “sơ khai” với những game cầm tay, game máy tính đơn giản cho đến thời đại của game tương tác, nhập vai sở hữu đồ họa đỉnh cao, dễ dàng thấy rằng ngành công nghiệp Game đã phát triển bùng nổ đến mức nào chỉ trong gần hai thập kỷ qua. Game, từ một thuật ngữ gắn liền với tính giải trí nay đã trở thành địa hạt màu mỡ cho các bạn trẻ đam mê công nghệ và đồ hoạ thỏa đam mê sáng tạo. Nắm được xu thế này, Arena Multimedia tổ chức Ngày hội: Chạm ngõ ngành Game Design kết hợp Talkshow Thiết kế game 3D: Làm sao để bắt đầu? và Demo Class: Diễn hoạt nhân vật 3D. Sự kiện này nhằm mục đích mang đến những cơ hội trải nghiệm thực tế quy trình thiết kế nhân vật game, đồng thời, truyền cảm hứng cho các bạn trẻ yêu thích và quan tâm đến ngành Game.
Khám phá óc sáng tạo không giới hạn cùng “Demo Class: Diễn hoạt nhân vật 3D Game Design” đầy thú vị
Đến với Ngày hội: Chạm ngõ ngành Game Design, Demo Class: Diễn hoạt nhân vật 3D Game Design cùng thầy Vũ Mạnh Hùng – Giảng viên kỳ 3D Animation tại Arena Multimedia đã thu hút rất đông các bạn tham dự. Tham gia lớp học, các bạn trẻ yêu Game đã có cơ hội thực hành chuyển động nhân vật hoạt hình 3D bằng phần mềm Maya.
Không chỉ giúp các bạn trẻ làm quen với những lý thuyết cơ bản của ngành Thiết kế Game, hoạt động này còn hỗ trợ các bạn có được trải nghiệm chân thực nhất công việc diễn hoạt nhân vật 3D Game Design đầy thú vị dành cho người mới bắt đầu. Với sự dẫn dắt của thầy Nguyễn Mạnh Hùng, tất cả học viên tham dự đều chăm chú lắng nghe những chia sẻ, chốc chốc lại cười lớn vì tạo ra chuyển động của nhân vật rất hài hước.
“Talkshow Thiết kế game 3D: Làm sao để bắt đầu?” cùng 3 chuyên gia trong ngành, cùng chạm ngõ ngành Game Design bằng đam mê và sự kiên trì
Trong ngày hội Chạm ngõ ngành diễn ra song song với Demo class: Diễn hoạt nhân vật 3D Game Design là Talkshow Thiết kế game 3D: Làm sao để bắt đầu? Những chia sẻ chi tiết của các khách mời gồm cô Hồng Ngọc Minh Trâm – Giảng viên kỳ Game Design tại Arena Multimedia, chị Đỗ Lê Như Quỳnh – Senior Recruiter và anh Nguyễn Minh Nhật – Art Director đến từ Sparx* – A Virtuos Studio đã giúp các bạn trẻ có cái nhìn rõ ràng hơn về nội dung cũng như tiềm năng to lớn của ngành Thiết kế Game, đồng thời nắm được lộ trình cơ bản để trở thành một nhà thiết kế Game thực thụ.
Hiểu về Thiết kế Game và quá trình tạo ra một tựa game
Thiết kế Game hiểu đơn giản là quá trình phát triển một trò chơi từ ý tưởng cơ bản đến sản phẩm hoàn chỉnh. Trong thời đại kỹ thuật số hiện nay, đây là một lĩnh vực rộng lớn, kết hợp khoa học máy tính, sáng tạo nội dung và thiết kế đồ họa. Từ thể loại, mô tả, lối chơi, đến nhân vật, cốt truyện, … các Game Artist thường sẽ chịu trách nhiệm lên ý tưởng và quyết định kỹ thuật tạo dựng mô hình, chất liệu để đảm bảo cho ra một trò chơi chất lượng.
Theo anh Nguyễn Minh Nhật – Art Director tại Sparx*, quá trình thiết kế một game bắt đầu với công đoạn tiền sản xuất, bao gồm những việc chính như chuẩn bị kịch bản và lên concept nhân vật. Tiến vào giai đoạn sản xuất, dựa trên concept ta có thể tạo mẫu (model) nhờ các phần mềm đồ hoạ 3D như 3ds Max hay Blender, sau đó vẽ nét trơn trong PTS, gắn khung xương rồi làm chuyển động, và đưa vào game engine. Ánh sáng, môi trường, kỹ xảo, vật phẩm, các yếu tố phụ trợ cũng sẽ được phân bổ sản xuất sao cho hợp lý. Và chạy song song cùng dự án là bộ phận kiểm tra lỗi để đảm bảo game ra mắt có ít lỗi nhất có thể.
Tiềm năng phát triển của nhân sự ngành Game
Đề cập đến tiềm năng phát triển của nhân sự trong ngành Game nói chung, các khách mời tại buổi talkshow đều nhấn mạnh rằng không có giới hạn cho các vị trí trong ngành này. Có không ít vị trí thoạt nghe không mấy liên quan đến game nhưng lại thường rất cần trong quá trình sản xuất game, đơn cử như nhân sự, dịch thuật, truyền thông. Không nhất thiết phải làm trong trong mảng lập trình hay thiết kế mới có thể gia nhập vào địa hạt hết sức màu mỡ này.
Về Thiết kế Game nói riêng, để tạo ra một sản phẩm game hoàn chỉnh, đặc biệt là game 3D, thường đòi hỏi một đội ngũ nhân lực xử lý nhiều khâu khác nhau. Theo hai đại diện từ Sparx*, tương ứng với các khâu trong quy trình sản xuất là rất nhiều vị trí từ giám sát dự án, lập trình, vẽ concept, thiết kế nhân vật, thiết kế kỹ xảo, thiết kế môi trường và vật phẩm, sản xuất âm thanh… mà từng cá nhân có thể ứng tuyển vào tuỳ theo khuynh hướng và kỹ năng của bản thân. Tại Việt Nam, các studio chủ yếu nhận gia công cho nhiều tựa game nổi tiếng trên thế giới nên đa phần sẽ yêu cầu các vị trí thiên về đồ hoạ và kỹ xảo.
Chị Như Quỳnh – Senior Recruiter tại Sparx* cho rằng tương lai của ngành Thiết kế Game là điều rất khó đoán định. Điều duy nhất chúng ta hiểu rõ hiện tại là chỉ trong hơn một thập kỷ, thị trường game đã phát triển vượt bậc tỉ lệ thuận với sự phát triển của kỹ thuật công nghệ cao, từ những game online đơn giản tiến đến game tương tác, nhập vai, và công nghệ sẽ còn đẩy chất lượng game lên một tầm cao mới. Vì thế câu chuyện ở đây là nắm bắt được xu hướng thị trường và thế mạnh của bản thân để luôn tìm được cách thích nghi với điều mới. Nếu có thể làm được điều này, các bạn trẻ đang làm việc trong ngành game hoàn toàn có thể phát triển rất mạnh mẽ.
Lộ trình thăng tiến trong ngành Thiết kế Game
Với tư cách chuyên viên tuyển dụng tại một trong những studio hàng đầu Việt Nam, chị Như Quỳnh đã chia sẻ lộ trình thăng tiến cơ bản của một nhân viên tại Sparx* như một ví dụ dễ hiểu cho con đường của các nhân sự ngành này. Người mới vào thường sẽ bắt đầu với vị trí Trainee/Intern trong 3-5 tháng, tuỳ vào bộ phận và yêu cầu của dự án. Theo sau giai đoạn này sẽ đến thử việc rồi trở thành nhân viên chính thức ở cấp Junior. Trong cùng một cấp Junior cũng đã có sự khác biệt về kỹ năng giữa các nhân viên, vì thế mỗi người sẽ được giao cho các nhiệm vụ phù hợp với năng lực hiện tại. Tuỳ vào từng cá nhân mà thời gian đạt đến mức độ chuyên nghiệp cao hơn trong ngành cũng khác nhau.
Vì bước phát triển, tốc độ phát triển và khả năng đáp ứng của mỗi người khác nhau nên hẳn nhiên con đường mỗi người đi cũng sẽ khác nhau. Sau khi đã nâng cao tay nghề với kinh nghiệm dày dạn, bạn tiến vào cấp Senior và tuỳ người sẽ nuôi dự định trở thành quản lý nhóm hoặc không. Có những người sẽ cảm thấy đã đến lúc bản thân đủ trải nghiệm để đón đầu công nghệ, nghiên cứu ra cái mới và mang điều mới mẻ ấy đến cho mọi người. Và bước phát triển cao nhất chính là trở thành giám đốc, người nắm vững cả kỹ năng chuyên môn và quản lý, kiến thức thị trường để đảm bảo studio vận hành thuận lợi và cạnh tranh được với các công ty khác.
Tố chất cần có để theo đuổi ngành Thiết kế Game
Là một ngành đang trên đà phát triển nhanh và đa mảng, Thiết kế Game đòi hỏi nhiều tố chất để trụ lại với nghề. Chị Như Quỳnh khẳng định rằng theo chị, đam mê là yếu tố tiên quyết: “Rõ ràng ngành này không chỉ có hoa hồng, mà khó khăn vô cùng nhiều, có rất nhiều thứ các bạn phải học. Thế nên nếu không có đam mê chỉ e không thể trụ lại với nghề.” Sự kiên trì để nạp kiến thức từng chút mỗi ngày và tính chủ động cập nhật liên tục kiến thức cùng xu hướng thị trường cũng là những tố chất quan trọng. Ngoài ra, chị đặc biệt khuyến khích nhân sự ngành Game nhất định phải phát triển ngoại ngữ, bởi Game là một thị trường rất quốc tế, và các studio Việt cũng thực hiện rất nhiều dự án từ đối tác nước ngoài, kém ngoại ngữ sẽ là một nhược điểm lớn trên con đường phát triển lâu dài.
Còn cô Hồng Trâm cho rằng để thành công trong ngành này, không chỉ cần xác định được đam mê mà còn phải biết tự khai thác được tiềm năng của bản thân. Với nữ giảng viên của Arena Multimedia, “việc mà các bạn có thể làm mê mải mà không cảm thấy mệt, chính là điều phù hợp với bạn. Chính vì thế, nhân lúc còn có thể hãy trải nghiệm thật nhiều, học thật nhiều, tận dụng hết tất cả những kiến thức và sự kiện của trường để khám phá tiềm năng của bản thân.”
Nhìn chung, “hiểu mình, hiểu ngành” và đam mê là tiêu chí tiên quyết để gắn bó lâu dài với nghề Thiết kế Game. Như chị Như Quỳnh chia sẻ, câu đầu tiên chị thường hỏi nhất khi phỏng vấn nhân sự mới luôn là “Tại sao?”. Tại sao bạn lại ứng tuyển vào vị trí này, bạn đã tìm hiểu về công ty, về vị trí ứng tuyển, đã hiểu rõ bản thân mình có gì để phù hợp với vị trí đó hay chưa. Chỉ khi trả lời được những câu hỏi này, bạn mới ít nhiều hiểu rằng mình có đang chọn đúng hay không.
Tạm kết
Ngày hội chạm ngõ ngành Game Design kết thúc với những nụ cười rạng rỡ. Arena Multimedia hy vọng rằng, thông qua Talkshow Thiết kế Game 3D: Làm sao để bắt đầu? và lớp học Demo Class: Diễn hoạt nhân vật 3D Game Design, các bạn trẻ đã có thêm được nhiều kiến thức bổ ích và đã có những phút giây trải nghiệm ngành thiết kế Game đầy ý nghĩa. Các bạn trẻ ngày nay sẽ có rất nhiều cách để theo đuổi đam mê của mình. Tuy nhiên, dù là cách nào, chúng tôi cũng đều hy vọng bạn sẽ tìm thấy bến đỗ vững vàng để định hình chính xác con đường tương lai. Xin chào và hẹn gặp lại tất cả các bạn ở những sự kiện tiếp theo tại Arena Multimedia.
******
Để được tư vấn về chương trình đào tạo và các hình thức ưu đãi khuyến học tại Arena Multimedia, vui lòng liên hệ Ban tuyển sinh tại Arena gần bạn nhất:
TP.HCM
Email: [email protected]
* ARENA Nguyễn Đình Chiểu
212-214 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3
Tel: 1800 1525
* ARENA Nguyễn Kiệm
778/10 Nguyễn Kiệm, Q. Phú Nhuận
Tel: 1800 6325
* ARENA Tân Bình
Số 6 Tân Kỳ Tân Quý (gần Etown), Q.Tân Bình
Tel: 1800 2074
HÀ NỘI
Email: [email protected]
* ARENA Trúc Khê
80 Trúc Khê, Q. Đống Đa
Tel: 1800 1542
* ARENA Phạm Văn Bạch
D29 Phạm Văn Bạch, Q. Cầu Giấy
Tel: 1800 1542
* ARENA Trần Phú
110 Trần Phú, Q. Hà Đông
Tel: 1800 1542