Sáng ngày 6/3/2016, tại trường Arena Multimedia HCM đã diễn ra buổi tọa đàm ấm áp và thú vị về chủ đề “Khi con gái làm thiết kế”, với sự góp mặt của chị Thu Hiền và Giang Phạm. Chương trình như lời tri ân phái đẹp nhân ngày 8/3 và cũng là dịp để mọi người có cái nhìn trực diện về phái nữ khi họ làm nghề sáng tạo.
Chương trình thu hút phần lớn bạn nữ đến tham dự
Với vị thế của những người phụ nữ say mê với công việc sáng tạo và cùng có chung tinh thần thiện nguyện, tuy khác tương phản về màu sắc cá nhân nhưng hai vị khách mời đã tạo nên nhiều cung bậc cảm xúc đầy thú vị cho buổi tọa đàm.
Hai con đường cùng chung đích đến
Nhớ lại quá trình trở thành CEO của thương hiệu G’Brand và đi theo công việc sáng tạo, Ms. Giang tự nhận mình không phải là người làm thiết kế. Tuy là người có tâm hồn nghệ sỹ và thích vẽ vời từ nhỏ, nhưng cô nữ sinh Phạm Thị Thu Giang (tên thật của chị Giang Phạm) đã nghe theo định hướng nghề nghiệp của bố mẹ.
Đứng ở vị trí người làm thương hiệu, hơn ai hết chị Giang là người hiểu rõ những con người làm công việc thiết kế
Tốt nghiệp đại học Ngoại thương và có thời gian du học ở nước ngoài, trong quá trình làm việc những ý tưởng của Giang Phạm được đồng nghiệp và đối tác đánh giá rất cao. Từ những khởi đầu đó và những điều kiện thuận lợi khác, Giang đã cho ra đời công ty G’Brand chuyên về chiến lược phát triển thương hiệu. Có nhiều điều kiện tương tác với các bạn trẻ tại công ty mình, hơn ai hết Giang là người hiểu rõ những con người làm công việc thiết kế.
Cô Thu Hiền, là giảng viên Arena Multimedia, một nữ designer thực thụ với tác phẩm độc đáo – xe lăn dành cho người không tay
Chính mình được đi theo đúng chuyên ngành thiết kế, câu chuyện của cô Thu Hiền lại rất khác. Cũng từng theo định hướng của bố mẹ để có hai năm theo học ngành ngân hàng, nhưng biết mình thuộc về nơi nào. Thu Hiền đã bắt đầu lại trên con đường thiết kế chuyên nghiệp bằng việc trở thành sinh viên đại học Kiến trúc. Để ngày hôm nay chúng ta được biết đến một Thu Hiền gắn liền với thiết kế xe lăn cho người không tay, và những sản phẩm y tế cộng đồng rất thiết thực và thẩm mỹ.
Bằng hai con đường khác nhau của bản thân, nhưng cùng chung mục tiêu mang cái đẹp và tư duy sáng tạo xây dựng xã hội, hai vị khách mời đã khiến các bạn trẻ thay đổi nhận định về nghề thiết kế. Không cần biết bằng con đường nào, chỉ cần có đam mê bạn sẽ tới đích.
Nữ giới, thuận lợi và khó khăn với nghề
Ngay từ đầu chương trình đã có nhiều ý kiến khác nhau của các bạn khán giả tham gia chương trình về những ưu thế cũng như bất lợi của hai giới khi đi theo con đường thiết kế. Với mọi vấn đề đều có hai mặt ưu khuyết đan xen. Nhưng theo chị Giang Phạm, các bạn gái có nhiều thế mạnh hơn.
Một nhà thiết kế giỏi không chỉ đơn giản là hoàn thành sản phẩm mà đòi hỏi kỹ năng đàm phán và thuyết phục để khách hàng chấp nhận sản phẩm. Nhưng vì khách hàng là người trả tiền nên thường căng thẳng, dò xét đòi hỏi nhiều ở sản phẩm. Ngay những lúc “dầu sôi lửa bỏng ấy” chỉ có các bạn nữ với lời nói dịu dàng, mềm mõng mới có thể xoa dịu được khách hàng.
Hay chính những lúc như vậy, cần có sự kiên trì, nhẫn nại của bạn nữ để làm cho khách hàng dù khó tính nhất cũng hài lòng. Vì bạn nữ có thể hạ cái tôi cá nhân xuống thấp hơn khách hàng để đạt được mục tiêu biến ý tưởng thành hiện thực.
Bên cạnh đó, giữa thị hiếu của người tiêu dùng, yêu cầu của khách hàng và xu hướng thiết kế rất cần sự dung hòa để có được một sản phẩm mang tính cân bằng nhất. Với yếu tố này, nữ giới chiếm ưu thế hơn nam giới.
“Hãy cứ tự hào và vênh váo vì tôi là phụ nữ, tôi có nhiều ưu thế hơn để làm thiết kế”. Đây là lời khẳng định của chị Giang Phạm dành tặng các bạn nữ.
Hồi tưởng lại lúc thực hiện đồ án khi còn là sinh viên Kiến trúc, cô Thu Hiền cũng nêu lên và khẳng định lại những ưu điểm của phụ nữ. Đàn ông thì giỏi về kỹ thuật hay những công việc nặng nhọc nhưng lại thiếu đi tính tỉ mỉ rất cần trong thiết kế. Cho dù gặp nhiều khó khăn và thử thách, phụ nữ “lì đòn” hơn vì họ có được đức tính nhẫn nại. Đặc biệt hơn, theo ý kiến của cô Hiền thì khi phụ nữ thiết kế những sản phẩm khó sẽ nhận được rất nhiều hỗ trợ, vì phụ nữ là phái yếu.
“Các bạn nữ hãy cứ tự tin mà dấn bước, mình không thua kém đàn ông đâu” – Thu Hiền
Những lời khuyên tâm huyết
Qua nhiều năm tháng làm việc, hai diễn giả đã mang đến cho các bạn trẻ nói chung và các bạn làm thiết kế nói riêng những lời khuyên rất hữu ích để các bạn khẳng định thương hiệu cá nhân.
Với Giang Phạm, chị có sáu chữ “tự” mà chị dùng làm tiêu chí để tuyển dụng: tự trọng, tự tin, tự giác, tự hào, tự sướng và tự thể hiện. Lý giải về chữ “tự sướng”, chị khuyên các bạn trẻ cho dù làm công việc gì cũng nên tìm cho mình một nguồn cảm hứng, phải say mê và thích thú thì mới có thể làm tốt công việc mà mình theo đuổi. Điều đó cũng cho thấy chính đam mê là yếu tố giúp các bạn trẻ phát huy hết tài năng tự thân mà các bạn có.
Cố gắng trải nghiệm thật nhiều là lời khuyên mà cô Thu Hiền dành cho các bạn trẻ. Hãy trải nghiệm bằng nhiều thứ mà bạn có thể, là một lĩnh vực mới, hay một quyển sách mới, hay là những chương trình thiện nguyện. “Chỉ có trải nghiệm các bạn mới biết mình phù hợp với cái gì nhất”. Và theo cô Thu Hiền, các bạn trẻ nên tập trung vào niềm say mê được cống hiến, được làm việc. Đừng quá chú tâm đến vật chất hay bị sự phù phiếm cám dỗ. Chỉ có như vậy các bạn mới thật sự thành công. Đó cũng là yếu tố quan trọng để cô Thu Hiền hoàn thành được chiếc xe lăn đầu tiên mặc cho bao gian khó. Nhớ lại hình ảnh em bé chạy thử xe lăn lần đầu tiên, cô đã không ngăn được dòng lệ xúc động. Chỉ ít phút nghẹn ngào cũng đủ cho thấy giá trị của chữ tâm trong đạo đức nghề nghiệp của người thiết kế.
Hai con tim hết lòng vì cộng đồng
Điểm chung của hai cá tính khác biệt này chính là sự say sưa với công việc thiện nguyện
Với công việc họ miệt mài sáng tạo, với gia đình họ tận tụy chăm lo, với cộng đồng họ không ngừng hành động. Dành ra ba mươi phần trăm quỹ thời gian cho công việc thiện nguyện “Nhà chống lũ”, chị Giang Phạm đã cùng chung tay xây nên gần ba trăm căn nhà chống lũ cho đồng bào nghèo khắp cả nước. Bằng tinh thần sáng tạo không biên giới, chị đã “phù phép” mang đến niềm vui vẻ, tươi sáng cho một chương trình từ thiện.
“Chim cánh cụt biết bay” là cách cô Thu Hiền gọi chiếc xe lăn mà cô dành tặng người không tay. Thời gian sắp tới chúng ta sẽ được thấy nhiều và nhiều hơn nữa những chú cánh cụt biết bay. Đó là những con người không có đôi tay lành lặn, nhưng rồi họ sẽ bay cao và xa nhờ vào tâm huyết của cô Thu Hiền. Bên cạnh đó, những sản phẩm tràn đầy sự lạc quan và tươi vui dành cho y tế cộng đồng của cô cũng góp phần củng cố tâm lý người bệnh.
Hai con người với vẻ ngoài khác biệt nhau, nhưng họ đã cùng nhau mang đến một chương trình tọa đàm với thật nhiều ý nghĩa. Bao nhiêu đó những điều họ đã làm được chỉ mới là khởi đầu. Những thế hệ trẻ được họ thổi bùng ngọn lửa đam mê sẽ cùng họ làm nên nhiều điều phi thường hơn nữa.
(Duy Linh)
Xem thêm hình ảnh tại đây.