Bị “lừa” đến dạy ở Arena, đi dạy để lấy cảm hứng sáng tác, dạy để để học thêm từ học sinh, dạy vì muốn tuyển học viên làm cho mình… Đó chỉ là một trong số rất nhiều lý do dẫn dắt các “anh giáo” đến với Arena Multimedia.
Cảm ơn thầy đã đưa em đến nghệ thuật một cách tươi vui đến thế
Bạn Nguyễn Hồng Giang – D1409H chia sẻ về thầy Hiệp: “Thầy rất biết cách tạo không khí, chỉ đơn giản là những câu đùa hay những lúc thầy cho học viên nêu ý kiến… Mọi người bớt căng thẳng mà kiến thức cũng không chỉ đi từ một hướng từ Thầy tới Trò. Thầy là người thầy dạy vẽ đầu tiên của em, nên em rất cảm ơn thầy vì đã đưa em đến gần với nghệ thuật hơn một cách tươi vui như thế”.
“Anh giáo” Đỗ Hiệp (SN 1984) – giảng viên mỹ thuật cơ bản được học viên gọi vui là “anh giáo xì tin” bởi phong cách ăn mặc thường ngày của thầy Hiệp rất màu mè và cá tính. Tiết lộ lý do mình hay mặc màu mè, thầy Hiệp chia sẻ: “Mỗi màu có một cái hay ho riêng mà, tại sao mình lại cứ trung thành với những màu quen thuộc làm gì. Hãy cứ phá cách đi, thử nghiệm đi, để phát hiện ra những thứ mới mẻ, lấy cảm hứng”.
Đám học trò gọi anh là “anh giáo xì tin” và hay lôi ảnh thầy ra chế thật hài hước, xưởng vẽ của thầy Hiệp cũng thành đại bản doanh để đám trò tinh nghịch đến học ngoại khóa, chơi đùa.
Vốn là họa sĩ được mời đi dạy môn Basic Art, sau 3 năm gắn bó, Đỗ Hiệp cảm thấy yêu nghề dạy vẽ cho tụi trẻ. Với anh, đám học trò dù đôi lúc ương bướng không nghe lời nhưng đã giúp thầy lấy được sức trẻ, nguồn cảm hứng sáng tác. “Arena dường như là làn gió mới, trải nghiệm mới trong cuộc sống sáng tác của mình. Mình học được rất nhiều từ các bạn và cũng trả lại cho các bạn những gì mình có”. Những chuyến picnic vui nhộn, những buổi liên hoan thầy trò, những đêm mỏi mắt thức nghe trò kể chuyện lùm xùm trong lớp nhờ phân xử… là kỷ niệm đẹp khiến anh Đỗ Hiệp quyết định theo đuổi nghề lâu dài.
Dạy học kiêm Chuyên gia Tâm lý Tình cảm
Thầy Lê Quang Khải là giảng viên môn 3D và Kỹ xảo. Vốn có nhiều năm lăn lộn trong ngành thiết kế trước khi trở thành một giảng viên, anh hiểu rõ yếu điểm của các bạn trẻ là dễ bị sao nhãng, thiếu kinh nghiệm, chính vì vậy trong gần 5 năm giảng dạy, anh luôn tìm cách truyền tải bài giảng của mình sao cho thực tế, hiệu quả.
Tự nhận mình là chuyên gia tâm lý của các em học viên, thầy nhận được rất nhiều tình cảm và sự tin tưởng, sẻ chia của học viên.
Bạn Nguyễn Thị Thùy Linh (cựu học viên, nay là designer tại Bệnh viện Hồng Ngọc) luôn coi thầy Khải như người anh trai “Anh Khải là người em học nhiều nhất, chia sẻ nhiều nhất, và cũng cho em nhiều câu trả lời nhất, anh ý còn định làm mối cho em cơ. Khi đi học, thì nói về học hành, đi làm thì nói chuyện công việc, ngoài đời thì nói chuyện ngoài đời. Khi em nghỉ ở Học viện Kỹ thuật Quân sự và chỉ theo học ở Arena Multimedia, em suy nghĩ rất nhiều, anh ý là người luôn nhắc nhở em là em phải chăm chỉ hơn người khác, cố gắng hơn người khác, nhắc nhở em là em đã chọn con đường cho em rồi đấy, không được sao nhãng”.
Thầy cũng đưa ra lời khuyên là luôn phải đặt mục tiêu cao hơn, dù sinh viên chăm hay lười thì phải mong muốn nó mới làm tới nó được. “Đã đi theo lĩnh vực nào thì phải có chỗ đứng trong lĩnh vực đấy”.
Giảng viên 9X tự nhận là “bạn giáo”
Sinh năm 1990, với dáng vóc và khuôn mặt thư sinh, cùng một phong cách thời trang vô cùng “xì tin”, nếu nói đây là thầy giáo chắc hẳn nhiều người sẽ không khỏi ngỡ ngàng. Đã có không ít trường hợp dở khóc dở cười xảy đến với Đỗ Quốc Trung: Học viên không chào thầy vì tưởng… bạn cùng lớp. Bảo vệ nhiều lần không cho vào vì tưởng là… học viên. Nhưng dường như Quốc Trung đã quá quen với điều này và mặt khác anh còn thấy vui về điều đó.
Thầy giáo trẻ trung, thân thiện với học sinh nhưng khi vào dạy thì rất nghiêm khắc.
Cái duyên để chàng đạo diễn trẻ này trở thành “anh giáo” ở Arena chỉ đơn thuần vì “sợ mọi người nghĩ mình không làm gì”, để rồi chọn Arena vì tưởng sẽ được đi làm gần nhà nhưng khi đi làm mới té ngửa vì địa điểm dạy vẫn cách nhà 11km.
Tuy còn rất trẻ nhưng “anh giáo” vô cùng nghiêm túc trong việc dạy dỗ các Arenaites, anh tâm sự: “Không có tham vọng biến các bạn thành những nhà làm phim chuyên nghiệp mà chỉ muốn các bạn được làm những gì mình thích, và giúp các bạn có một tư duy làm việc, hiểu biết về phim để ứng dụng vào cuộc sống”. Đỗ Quốc Trung luôn nhắc nhở các học viên của mình: Sáng tạo là đừng làm điều đường nhiên. Nếu bạn làm phim buồn, bạn nghĩ ngay đến một bản piano nhưng đừng dùng nó, vì như vậy không có gì khác biệt.
Nhắc đến những kỉ niệm khó quên đối với Arena, thầy Trung lại nhớ tới có lần hướng dẫn các bạn làm đồ án tốt nghiệp, nhóm học viên gặp nhiều khó khăn, cháy đèn, phương tiện thiếu thốn và dường như tất đều chán nản và muốn bỏ cuộc, thầy đã nói: “Cũng như trong thể thao, những lúc quyết định, đôi khi con người ta cần phải có sức rướn”. “Mình không ngờ sau đó các bạn ấy về đổi avatar “rướn lên” và đã cố hết sức để hoàn thành dự án phim. Câu nói tưởng chừng như đơn giản ấy là lại động lực to lớn thúc đầy các học viên nỗ lực. Và sau đó mình nhận ra yếu tố tinh thần rất quan trọng, mình luôn cố gắng duy trì điều đó với các học viên”.
Học viên đồng loạt đổi avatar là hình thầy Trung để quyết tâm làm đồ án cuối kỳ
Đi dạy là để “học” từ học viên
Thầy Trần Quốc Lợi đã phải nỗ lực rất nhiều để có được có được chỗ đứng trong ngành Thiết kế. Tự hào vì có “nghề gia truyền” là nghề giáo, thầy đã dạy ở Đại học Mở, rồi sau đó là Arena Multimedia. Thầy rất thích bầu không khí cởi mở, thân thiện, gần gũi rất đặc trưng tại Arena Multimedia. Sinh viên coi thầy như một đàn anh, và thầy thừa nhận cũng học được rất nhiều từ các bạn.
“Thời gian học ở Arena tuy ngắn nhưng cung cấp đầy đủ những kỹ năng, cơ bản cần thiết để bắt đầu công việc, cái cần của các bạn là trải nghiệm. Các bạn chỉ có thể lấy từ người thầy, đàn anh đi trước. Dạy ở Arena mình không còn thấy khoảng cách thầy trò, cởi mở hơn, học được nhiều từ sinh viên hơn. Quan trọng là bầu không khí, mối quan hệ để chia sẻ”.
Khi có các dự án làm việc, anh Lợi thường chọn học viên Arena để cộng tác bởi các bạn có khả năng thiết kế bám sát thực tế, những sản phẩm thuyết phục khách hàng.
Dù làm điều gì vẫn phải giữ được cái gốc đam mê
Đó là điều mà các thầy đều thống nhất và được thầy Vũ Anh Đức – Giám đốc đào tạo tại Arena Multimedia đúc rút lại.
Thầy Vũ Anh Đức, sinh năm 1983, là “người biết nhiều nhất, nhưng cũng là người được biết đến ít nhất”. Hoàn thành Thạc sĩ về Multimedia Design tại Úc về, “anh giáo” Đức mang theo rất nhiều kinh nghiệm giáo dục tiên tiến tại đó về áp dụng tại Arena. “Triển khai chương trình Arena Multimedia tại Việt Nam không hề dễ dàng một chút nào, và thầy Vũ Anh Đức là người đã làm được điều đó” – anh Đinh Trí Dũng (Giám đốc Arena Multimedia) nhận xét về anh Đức.
Ở Arena, anh có vai trò như một người “bếp trưởng” sắp xếp các môn học, điều phối các hoạt động học viên, hiểu năng lực và tính cách đặc trưng của từng lớp để lựa chọn những giảng viên phù hợp nhất. Anh Đức luôn cho rằng, “đến trường phải vui, kỉ niệm chính là hiện tại, là từng phút giây dạy và học mà ra”.
Những “anh giáo” ở Arena Multimedia trẻ và cá tính; nhiệt huyết và thân thiện; nghiêm túc nhưng tràn đầy đam mê, và học thì “phê” đến từng giây. Đâu đó có sự pha trộn giữa nghệ sĩ và người thợ cả, thầy giáo và anh cả, có anh biết sâu và có anh biết tất cả.
Thành công của Arena Multimedia có sự đóng góp to lớn của các “anh giáo”. Họ là những cá nhân tạo nên sự khác biệt trong một môi trường đặc biệt và đầy thách thức, là những người nuôi dưỡng và dẫn dắt thế hệ designer trẻ của Việt Nam.