“Xin chào, vậy là chúng ta sắp sửa được đón con trăng cuối cùng của năm Kỷ Hợi, hy vọng các bạn sẽ có nhiều giờ phút ý nghĩa cạnh những người mình yêu thương” . Vẫn là một phong cách rất riêng của họa sĩ Đỗ Hiệp, anh gửi lời chào đến tất cả các bạn trẻ có mặt tại Workshop: Chơi Tết do Arena Multimedia tổ chức vào ngày 8/1 vừa qua. Tại đây, vị diễn giả vui tính đã đưa mọi người khám phá phong tục Tết xưa, với “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh” và dạo quanh ba làng tranh nổi tiếng là Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng.
Dạo làng tranh cổ, tìm lại phong vị của Tết xưa
Theo bạn, điều gì làm nên sự khác biệt cơ bản của các dòng tranh dân gian: Màu sắc, chất liệu, đường nét, hay cách thực hiện? Mở đầu cuộc chơi Tết, họa sĩ Đỗ Hiệp đã có một bật mí dí dỏm về cách anh phân biệt chúng, khiến cả khán phòng đều phải gật gù đồng ý: “Tranh Hàng Trống vốn được cho là của nhà giàu còn tranh Đông Hồ và Kim Hoàng là của những người nông dân làm ra. Thế nên nếu bạn để ý sẽ thấy tranh Hàng Trống không có lợn, gà trong khi hai dòng còn lại thì toàn gà lợn, hứng dừa, đánh ghen. Nói vui vậy để biết sự khác nhau giữa chúng vốn rất đơn giản, nó tùy thuộc vào sở thích, vị trí địa lý mà làm ra nét riêng độc đáo.”
Họa sĩ Đỗ Hiệp là một trong những gương mặt nổi bật của làng mỹ thuật đương đại Việt Nam, nhận lời tham gia Worshop: “Chơi Tết”, anh mang đến nguồn tư liệu phong phú về các dòng tranh dân gian.
Khán phòng chật kín chỗ ngồi từ sớm, chứng minh sức hút của “Chơi Tết” đối với các bạn trẻ yêu văn hóa dân gian.
Cùng vốn kiến thức phong phú về văn hóa dân gian, họa sĩ Đỗ Hiệp đã tái hiện lại một thời hoàng kim của dòng tranh chơi Tết, khi nhà nhà không kể giàu nghèo đều sắm một bức treo tường với ước vọng rước vinh hoa, phú quý ngày đầu năm mới.
Họa sĩ Đỗ Hiệp tỉ mỉ giới thiệu từng bức tranh và chỉ ra sự khác biệt giữa các dòng tranh dân gian.
Mở màn “tour chơi Tết” chính là làng tranh Đông Hồ, nơi “màu dân tộc” đã “sáng bừng trên giấy điệp” hơn 500 năm qua. Gắn liền với mọi hỷ nộ ái ố của người nông dân, nghệ thuật tranh Đông Hồ cũng vì thế mà giản dị, chân thực, đôi lúc ngây ngô vụng về nhưng chứa đựng vẻ đẹp nguyên thủy khó cưỡng. Nét tranh khắc sâu, màu in phẳng đẹp. Trên thớ điệp, màu vàng hòe tượng trưng cho sự no đủ, màu vàng rộm như cánh đồng lúa chín, màu xanh như lũy tre, màu đỏ gấc như yếm thắm, màu nhiễu tím như thắt lưng, màu đen như váy lĩnh giữa mùa quan họ.
“Đám cưới chuột” (Tranh sưu tầm)
“Đánh ghen” (Tranh sưu tầm)
“Hứng dừa” là những tác phẩm nổi bật của dòng tranh Đông Hồ (Tranh sưu tầm)
Điều thú vị nằm ở chỗ tranh Đông Hồ chỉ có năm màu thế nhưng khi nhìn vào chúng ta luôn có cảm giác đa dạng. Lý giải về điều này, họa sĩ Đỗ Hiệp cho biết: “Khi những lớp màu chồng lên nhau, có chỗ đậm, chỗ nhạt tạo ra độ nhòe và độ pha màu mới. Thêm nữa, nét vẽ bản khắc in sau cùng thường có độ xô lệch nhất định, tạo cảm giác chuyển động hơn.”
Bức “Gà dạ xướng” là tổng hòa của những đường nét vừa mềm mại vừa mạnh mẽ. (Tranh sưu tầm)
Nếu tranh Đông Hồ gắn liền với cuộc sống bình dị nơi làng xóm yên bình, thì với tranh Hàng Trống, người ta lại cảm nhận được nét tinh tế của chốn kinh kỳ: “Đánh mạnh vào thị giác của bạn ngay từ cái nhìn đầu tiên chính là màu sắc đa dạng, thú vị thay, trong từng nét khắc ván tranh, trong từng đường họa tỉ mỉ lại có vẻ gì trầm lắng như tranh thủy mặc thời xưa. Cách vờn màu của người nghệ nhân rất đặc biệt, để đầu bút chấm một bên màu, một bên nước, cho chúng loang từ đậm tới nhạt, quyện vào nhau tạo thành chiều sâu.” – Họa sĩ Đỗ Hiệp chia sẻ.
“Uyển chuyển bút lông màu đậm nhạt
Mảnh mai nét khắc chốn thịnh suy”. (Tranh sưu tầm)
Bức tranh “Ngũ Hổ” (Tranh sưu tầm)
Bức tranh “Cá chép trông trăng” (Tranh sưu tầm)
Tranh Hàng Trống không có bức nào giống nhau, đường nét tỉ mỉ, trau chuốt cầu kỳ. (Bức Tứ Phủ – Tranh sưu tầm)
Làng tranh thứ ba mà “Chơi Tết” ghé thăm chính là Kim Hoàng. Gắn với đời sống tinh thần và tín ngưỡng của người dân ước vọng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, tranh Kim Hoàng là sự chắt lọc nhiều ưu điểm từ hai dòng tranh Đông Hồ và Hàng Trống. Sau bao nhiêu thăng trầm biến cố, món ăn tinh thần của người dân xứ Đoài vùng đồng bằng Bắc Bộ đang được hồi sinh từng ngày. Tranh Kim Hoàng thường được gọi là tranh hồng vì in trên giấy hồng, ngoài ra nó còn có một đặc điểm độc đáo khác nữa đó chính là phần thơ đề trên góc bức tranh, các nghệ nhân không chỉ giỏi chữ Hán mà phải có tầm hiểu biết thì mới thể hiện được sự tài hoa lên tác phẩm. Tranh Kim Hoàng chỉ dùng duy nhất một bản khắc để in nét đen rồi từ đó tự do chấm phá màu sắc theo cảm xúc ngẫu hứng. Bởi vậy mỗi bức đều mang một phong thái riêng, chứa đựng sự phóng khoáng như nhận định của họa sĩ Đỗ Hiệp: “Sự rung về khung hình, sự lệch về hình tạo ra độ phong phú, làm cho hình ảnh không bị đóng khung trong nét viền.”
“Tiến tài tiến lộc” (Tranh sưu tầm)
“Môn thần” (Tranh sưu tầm)
Khi tranh dân gian bước vào cuộc sống đương đại
Văn hóa chỉ tồn tại và phát triển nếu nó tiếp tục là một phần trong cuộc sống của con người. Đó là điều mà Họa sĩ Đỗ Hiệp đã rút ra sau quá trình dài làm nghệ thuật: “Tôi nghĩ tranh dân gian sẽ chết nếu chúng ta quá giữ gìn, thay vào đó, tại sao không để nó đi vào cuộc sống, xuất hiện trên những tác phẩm hiện đại. Các bạn thấy đấy, ngày nay xuất hiện nhiều loại hình âm nhạc biến thể gọi là dân gian đương đại, kẻ khen người chê nhưng chung quy lại nếu các bạn vẫn còn muốn đổi mới thì văn hóa cổ truyền vẫn sẽ sống.”
Họa sĩ Đỗ Hiệp là có nhiều năm nghiên cứu văn hóa dân gian, anh cũng rất tích cực trong việc hồi sinh những dòng tranh sắp bị mai một vào các tác phẩm của mình.
“Nguồn cơn của dân tộc là nguồn cơn bất tận trong sáng tạo.”– Họa sĩ Đỗ Hiệp đã chứng minh điều mình nói thông qua các tác phẩm hiện đại mang đậm dấu ấn ngàn đời cha ông để lại. Đó là những chiếc áo, tấm khăn thấp thoáng hình dáng hoa văn tranh Đồng Hồ, là thiết kế cách điệu của tranh Hàng Trống, là vô vàn ý tưởng lấy cảm hứng từ tranh Kim Hoàn.
“Hồn dân tộc” có ở trong những sản phẩm hiện đại.
Tranh dân gian là nguồn cảm hứng bất tận trong những thiết kế ngày nay
Vị diễn giả dừng lại khá lâu ở một tác phẩm đã giành giải nhất ở hạng mục Graphic Design trong cuộc thi Halography Race Contest 2016. Với yêu cầu dựa vào bức tranh Đông Hồ – “Lợn đàn” để truyền thông điệp hiện đại vào trong, tác phẩm đứng đầu hạng mục Graphic chỉ dùng đúng 3 màu: trắng, đen và hồng. Ở đây, tác giả đã kết hợp giữa đồ họa, khối, mảng rất tốt mang đến cảm giác đan xen giữa truyền thống với hiện đại. “Nếu chúng ta muốn đi xa thì phải biết dựa vào văn hóa, truyền thống để mọi người biết mình là ai, mình từ đâu đến, mình có cái gì đặc biệt. Nhất là người làm sáng tạo như các bạn, tìm về truyền thống và kết hợp với sự mới mẻ nhạy bén thì sẽ phát triển rất tốt trong tương lai.” – Họa sĩ Đỗ Hiệp nói.
Tác phẩm giành giải nhất hạng mục Graphic Design trong cuộc thi Halography Race Contest 2016. (Nguồn: Halography Race Contest 2016)
Tại Workshop “Chơi Tết”, các bạn trẻ cũng có cơ hội trải nghiệm in tranh Đông Hồ.
Mỗi nét in, nét khắc đều đòi hỏi sự tỉ mỉ cao
Câu chuyện ứng dụng của tranh Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng chứng minh rằng, dòng chảy truyền thống vẫn đang được tiếp nối trong đời sống đương thời bằng các hình thức khác nhau, và mọi nỗ lực giữ gìn, phát triển của thế hệ trẻ ngày nay mang đến hy vọng hồi sinh những giá trị truyền thống một cách mạnh mẽ nhất. Workshop “Chơi Tết” khép lại bằng những câu chuyện vui, bằng lời chúc “Đại cát, đại lợi” của họa sĩ Đỗ Hiệp và bằng những bức tranh Đông Hồ “handmade” mà các bạn khán giả tỉ mỉ tạo khuôn, in màu.
Giang Hoàng