Chính thức nhập cuộc từ ngày 25/10, đến nay CHẤT Hà Nội đã đi được hơn nửa chặng đường và chỉ còn chục ngày nữa (30/11) là hết hạn nhận bài dự thi. Hãy cùng điểm lại những tác phẩm tiêu biểu đã quy tụ tại CHẤT Hà Nội để tiếp thêm động lực nếu bạn còn đang phân vân chưa tham gia cuộc thi nhé.
Nói đến CHẤT Hà Nội điều đầu tiên bạn nghĩ đến trong đầu là gì? Cổ kính, mộc mạc, thanh tao, nhẹ nhàng hay hiện đại, phát triển mau lẹ… Và cái CHẤT được nhắc đến chắc hẳn sẽ chỉ là những cụm tính từ trau chuốt, mượt mà nhất… Tuy nhiên, với Hà Nội, chất đẹp là đương nhiên nhưng “chất” xấu thì cũng không phải không tồn tại. Tại cuộc thi Multimedia CHẤT Hà Nội do Arena Multimedia và Đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức, tất cả những góc cạnh của Hà Nội xung quanh cụm từ CHẤT đều được khai thác và thể hiện một cách sáng tạo, ấn tượng. Tính đến thời điểm hiện tại, CHẤT Hà Nội đã thu hút được 205 tác phẩm gửi về dự thi, trong đó có 130 tác phẩm vượt qua vòng sơ khảo và được đăng tải trên website. Trong đó có rất nhiều tác phẩm ấn tượng, thể hiện mắt quan sát tinh tế và khả năng thể hiện khéo léo.
Hà Nội muôn vẻ trong con mắt nhiếp ảnh gia
“Sớm nay nghe tin gió lạnh về, ngẩn ngơ tiếc thu đi. Sống trong lòng Hà Nội, có người con nào lại không thương, không mến một trời thu thiết tha. Thu hòa minh với sắc nắng dịu ngọt tỏa đầy trên bông cúc vàng hương và vương vất trong gió heo may”.
“Hơn 100 năm đã trôi qua, nhưng những giá trị của quá khứ như vẫn lắng động trên từng nhịp cầu. Đất nước đổi thay, thủ đô thay đổi nhưng giá trị biểu tượng của cầu Long Biên vẫn mãi trường tồn. Vẻ đẹp và các giá trị lịch sử quá khứ cũng như hiện tại là di sản văn hóa trong sự phát triển tương lai của Hà Nội”.
Đó là những mô tả đầy nét trữ tình, lãng mạn từ hai tác phẩm Nắng cuối mùa và Cầu Long Biên – chứng nhân lịch sử của bạn thí sinh Lý Bảo Trung – một trong số nhiều thí sinh có hơn hai tác phẩm gửi về cho cuộc thi CHẤT Hà Nội.
Đôi khi CHẤT Hà Nội hiện lên tươi mới, đầy màu sắc trong những công trình hiện đại.
Tác phẩm Thủ đô hôm nay của bạn Nguyễn Bá Tùng
Cũng có khi lắng đọng trong câu chuyện về mớ rau cuối cùng “Khoảnh khắc may mắn khi tôi ngang qua khu chợ giữa đường phố Hà Nội. Một cụ già bán rau vẫn ngồi bên vệ đường, chờ bán được nốt mớ rau cuối cùng để cầm những đồng tiền ít ỏi mặc dù trời đã tối và chợ cũng đã tan từ lâu. Cụ vẫn ngồi đó hi vọng một chiếc xe của ai đó dừng lại. Và những ánh sáng kia có hay chăng hi vọng?”.
Hà Nội được thiết kế đầy màu sắc “cá tính”
“Thời gian là tiền bạc với mỗi công dân Hà Nội, cho nên phải chăng họ đã quên đi những điều nhỏ nhặt nhất…?” đó là ý nghĩa của sâu xa của một tác phẩm thiết kế đồ họa đầy ấn tượng mang tên “Gào xé” của thí sinh Nguyễn Văn Thiên. Hà Nội không chỉ có cụm từ đẹp mà Hà Nội “phố cũng như sông, đường bộ cũng như đường thủy. Nhân dân tham gia giao thông được ngâm chân mình trong bể nước ngập thành phố…” và cũng chính vì vậy nên Hà Nội “đành chấp chận” mang “danh” áo xấu của thời đại để rồi người dân đùa nhau gọi kinh kì bằng một cái tên đầy hài hước “Hà Lội”. Tác phẩm của bạn Cao Trung Tiến đã mô tả nét xấu của Hà Nội qua sản phẩm thiết kế đầy dí dỏm.
Tác giả Phan Thanh Tùng thì lại thể hiện niềm day dứt khắc khoải trước những cảnh chướng mắt ở Hà Nội, mong mỏi về một Hà Nội đổi thay, xanh – sạch – đẹp.
Nếu Hà Nội Khác Đi Một Chút – Là đống dây điện bớt đi kha khá
Và rồi Hà Nội được vẽ như thế nào?
Bạn đã từng chơi diều? Và đã bao giờ để nó bị mắc vào dây điện như thế này? Thả diều một “món chơi” đầy “ám ảnh” thú vị trong quãng đời tuổi thơ của nhiều người dân Hà Nội thưở trước. Nhưng tiếc thay, hiện tại, nó đã bị quên lãng, bị chôn vùi không thương tiếc bởi hệ thống cáp điện trang hoàng trong từng ngõ ngách.
“Những năm tháng chiến tranh không thể nào cướp đi tuổi thơ của bố… Hà Nội một thời vất vả… nhưng chẳng ai muốn bị vật ngã … nên phải sống để vượt qua. Để con sinh ra khôn lớn trong yên bình. Cho một mai con kể câu chuyện Hà Nội của riêng mình”. Lời mô tả cũng là lời tâm sự của bạn Vũ Thanh Du – cha đẻ của tác phẩm vẽ động lòng người. Một sản phẩm mô tả sự tấp nập quen thuộc của chợ Đồng Xuân – hình ảnh mê hoặc đến khó tả của Hà Nội. Chợ Đồng Xuân không chỉ là nơi buôn bán mà còn là nơi chứng kiến quá trính hóa mình của Hà Nội một thời xa lắm. Và tác giả Đinh Công Thế đã “đổ màu” làm bật nên một Đồng Xuân chật chội nhưng đông vui.
Hà Nội là một thước phim dài và không bao giờ chịu đứng yên
Có khi nào bạn tò mò về cuộc sống của Cụ Rùa bao năm qua ở Hồ Gươm. Một sản phẩm phim được thí sinh Nguyễn Đắc Hoàng gửi về cho CHẤT Hà Nội đã mô tả thật khái quát những gì đang diễn ra phía sâu thẳm đáy Hồ Gươm. Cuộc sống bình yên của Cụ Rùa bỗng nhiên bị chen ngang bởi rác của con người. Một lời cảnh báo đỏ vì một tương lại trong xanh của thủ đô.
Hà Nội hồ, Hà Nội cảnh, Hà Nội phố và Hà Nội người…, tất cả đều trở thành chủ đề được khai thác theo nhiều hướng sáng tạo thậm chí hơi phá cách, khác hẳn với Hà Nội mộc mạc.
Phim được lấy hình tượng Cụ Yến bán nước trên vỉa hè Hà Nội trôi qua hằng ngày một cách thầm lặng. Một ngày nọ, cụ nhặt được một chiếc xe đồ chơi, cũng chính là lúc cụ tìm thấy một niềm vui nho nhỏ lúc cuối đời.
Còn rất rất nhiều những tác phẩm chưa được nhắc đến tại đây nhưng tất cả đều xứng đáng là những sản phẩm đầy giá trị nghệ thuật và tràn đầy tâm huyết của tác giả. Thời hạn 30 sắp điểm, chỉ còn hơn một tuần để các bạn tìm về CHẤT Hà Nội, hãy tìm đúng mảnh đất lành để đặt đứa con tinh thần quý giá của bạn vào đó. Chẳng có lí do gì mà bạn không một lần trải nghiệm, hãy chia sẻ cảm xúc của bạn với CHẤT Hà Nội nhé.