Là một nhịp cầu kết nối giữa những nhà tuyển dụng tương lai, những nhà quản lý, chuyên môn của ngành công nghiệp sáng tạo với các thế hệ tiếp nối, đang khát khao được thể hiện mình trong lĩnh vực Mỹ thuật Đa phương tiện, chuỗi phỏng vấn chuyên đề “Multimedia Talk” do Arena Multimedia thực hiện sẽ giúp cho các bạn trẻ hiểu rõ hơn về nghề, là nguồn cảm hứng, những sự khích lệ với các Multimedia Designer tương lai.
Khi nhắc đến các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo, Gameloft được biết đến là một trong những nhà phát triển và phát hành game cho điện thoại hàng đầu thế giới. Họ có 28 studio đặt trên khắp các quốc gia, trong đó Việt Nam có 4 studio, 2 ở HCM, 1 ở Hà Nội và 1 ở Đà Nẵng. Tổng số nhân viên trên toàn cầu khoảng 5.000 người, trong đó số nhân viên ở Việt Nam chiếm tới hơn 1.400 người. Phần lớn các nhân viên tại đây đều rất trẻ, tuổi đời dưới 30 và họ được làm việc trong một môi trường rất thoải mái, tự do sáng tạo.
Và khởi đầu chuyên đề tháng 9/2016 lần này, phóng viên Arena có dịp trò chuyện cùng anh Phùng Việt Hưng – Gameloft Studio Manager xoay quanh các vấn đề về ngành công nghiệp games, một lĩnh vực đầy quyến rũ và cũng không ít cạnh tranh.
Anh Phùng Việt Hưng – Gameloft Studio Manager
Chào anh, cơ duyên nào đã đưa anh đến ngành công nghiệp làm games?
Mình học về marketing và quản trị kinh doanh, bắt đầu đi làm ở một công ty quảng cáo. Trong một lần làm TVC (Television Commercial) liên quan tới 3D Animation do một công ty chuyên về đồ họa 2D/ 3D cho game thực hiện, sau này đó cũng là nơi tôi đảm nhiệm vai trò làm quản lý dự án thực hiện các sản phẩm đồ họa 3D cho các hãng game ở nước ngoài. Từ đó mình có cơ hội tiếp xúc nhiều với video game và có những trải nghiệm công việc rất thú vị trong lĩnh vực video game. Mình luôn cảm ơn về sự khởi đầu này!
Trải qua 10 năm trong nghề lĩnh vực làm game và quản lý, làm thế nào anh có thể duy trì niềm đam mê nghề nghiệp trong nhiều năm như vậy?
Thực ra mình cũng thích nhiều ngành, nhưng gắn kết với game và Gameloft thì có 1 số lý do:
– Các bạn có thấy vui khi chơi game mình thích không? Game, từ góc độ người tham gia sản xuất là 1 sản phẩm rất thú vị, vì nó là sự kết hợp của công nghệ, mỹ thuật, tâm lý, marketing… Nó mang lại những thời khắc giải trí lành mạnh và thích thú cho người chơi;
– Phát triển game là ngành công nghệ cao, không khói, thú vị, sáng tạo và có giá trị rất cao nên kích thích các bạn trẻ, nhưng chỉ những bạn luôn tìm tòi cái mới và học giỏi mới có thể tham gia. Chính phủ một số nước phát triển, đề cao giá trị của ngành sáng tạo (Canada, Anh, Mỹ, Pháp, Phần Lan, Nhật, Hàn Quốc…) luôn tìm cách để thúc đẩy ngành phát triển game cho nước họ.
– Và mình có thể trẻ lâu vì mọi người ở Gameloft Việt Nam đều đầy nhiệt huyết, đam mê, trẻ cả tuổi trẻ lẫn con tim.
Về tiềm năng của ngành công nghiệp sản xuất games trong 5-10 năm tới, theo anh nó sẽ đi theo hướng nào và về đâu?
Trước mắt thì điện thoại di động đang trở thành tâm điểm của ngành phát triển game vì điện thoại hiện nay có năng lực như một máy tính có kết nối internet và tất nhiên cũng là một thiết bị chơi game tuyệt vời ở cạnh bạn nhiều hơn cả người yêu. Supercell, một công ty mobile game ở Phần Lan thành lập 2010, đạt tới doanh thu 2,3 tỷ đô-la năm 2015 với chỉ 3 trong số game của họ (Nguồn: http://venturebeat.com/2016/03/09/with-just-3-games-supercell-made-924m-in-profits-on-2-3b-in-revenue-in-2015). Gần gũi hơn thì ở Việt Nam có hiện tượng Nguyễn Hà Đông với Flappy Bird mà ai chắc cũng nghe tới.
Thật khó dự báo cho khoảng thời gian dài tới 5-10 năm, đặc biệt với một lĩnh vực đổi mới nhanh như vậy, công nghệ này ra sẽ tiễn đưa công nghệ kia vào quá khứ rất nhanh (như 10 năm trước, mobile game trên brew và java là chủ yếu, việc phân phối buộc phải thông qua và chia sẻ doanh thu với mạng viễn thông, nhưng bây giờ còn rất ít). Vì khó dự báo, nên theo chủ quan của mình, có thể hữu ích hơn khi các bạn trẻ tập trung vào những yếu tố nền tảng ít thay đổi trong 5-10 năm tới nhưng lại rất quan trọng đó là:
– Phát triển tư duy sáng tạo, suy nghĩ toàn cầu thay vì chỉ một địa phương;
– Đi ra tìm hiểu thế giới bên ngoài được càng nhiều càng tốt;
– Bắt tay vào làm với đam mê và tự học không ngừng;
Có trong tay những yếu tố trên, bạn sẽ rất hào hứng và chủ động để khai thác những cơ hội mới do những thay đổi mang lại, hoặc trực tiếp tạo ra thay đổi, thay vì ngồi lo lắng không biết ngành đi về đâu 10 năm nữa.
Là một đối tác tuyển dụng lâu năm, anh có lời khuyên cho các bạn sinh viên Arena Multimedia muốn bước vào nghề thiết kế và làm games?
Nếu thực sự đam mê công việc thiết kế game thì ngoài chuyện chơi game, các bạn trẻ nên có những nền móng tốt như:
– Khả năng quan sát, nắm bắt tâm lý, động lực, khẩu vị và cách thức chi tiết người chơi tương tác với game. Điều này rất quan trọng cho mỗi quyết định về thiết kế game;
– Tư duy độc lập và mở để luôn tìm tòi được những giải pháp tốt hơn ngày hôm qua;
– Xem phim, đọc sách, truyện, đi chơi… Hãy tìm đến những chỗ mình chưa đi, thứ mình chưa biết;
– Kiến thức về marketing và kinh tế vi mô sẽ giúp ích, đặc biệt cho monetization và economy design.
Chúc các bạn chọn được đam mê cho mình và thành công!
(Quỳnh Như)