Mời bạn cùng điểm lại các tác phẩm đặc sắc trong cuộc thi “Chuyện Tết” 2019 do Arena Multimedia phát động trong dịp xuân Kỷ Hợi vừa qua nhé.
Tết – những ngày cô độc
Để lại dấu ấn khó quên trong lòng khán giả là tác phẩm “Tết Buồn” của Lê Chánh. Câu chuyện kể về những ngày cô độc nhất, khi mẹ vĩnh viễn không còn ở bên, cùng anh đón chờ khoảnh khắc giao thừa. Thông qua bài thi, Lê Chánh còn đưa đến một thông điệp ý nghĩa: Thời gian rồi sẽ xoa dịu những vết thương khó lành, để rồi khi quay đầu lại, ta vẫn có thể nở một nụ cười để tự tin bước tiếp trên con đường mình đã chọn. Chủ nhân giải nhất cũng chia sẻ thêm: “Video là sự kết hợp tất cả các kỹ năng vốn có của bản thân, tuy nhiên chưa có kỹ năng nào trui rèn qua trường lớp. Thành quả lao động này sinh ra từ mong muốn có cơ hội được nhận học bổng từ Arena Multimedia, bởi sau 10 năm chọn lựa và chờ đợi, cuối cùng đã thấy được một ngôi trường thực sự thích hợp với bản thân”.
Tác phẩm được gấp rút hoàn thiện trong vòng 12h để kịp gửi đi trước hạn chót nhận bài dự thi xem tác phẩm tại đây
Tết – nhọc nhằn những kiếp mưu sinh
“Anh nằm nghiêng đầu trong chiếc xe lăn nép bên hàng người dài chờ đèn đỏ cuối ngày. Thò tay qua áo mưa đặt tờ tiền vào trong hộp bìa carton, anh lắc đầu ngoe nguẩy chìa giỏ hàng đựng vài thứ đồ lặt vặt,…huơ tay lên tấm biển treo phía sau xe “Bán – Hàng, không xin tiền”. Chu Lương Tú đã bộc bạch về tấm ảnh “Chuyện Tết” như thế, khi cậu vô tình gặp gỡ người đàn ông tật nguyền khép nép giữa ngã tư hầm Kim Liên. Anh không “ăn mày” tình thương, chỉ mong kiếm tiền bằng chính sức mình, đôi khi nhìn khách lựa vài món đồ nhỏ rồi vui vẻ rời đi cũng đủ khiến lòng thêm phấn chấn. Lương Tú nhanh tay cầm lấy chiếc gậy chụp ảnh khi chỉ còn vài giây cuối dừng đèn đỏ – thứ “ xịn nhưng rẻ nhất” cậu từng mua, còn tấm này – cũng chính là ảnh đẹp nhất cậu từng chụp trong những cơ duyên gặp gỡ vội vàng.
Đèn xanh, mọi người lại vặn ga xe về nhà cho kịp bữa cơm tối với gia đình. Anh mất hút cuối đường hầm Kim Liên
Đưa đến cuộc thi bức ảnh về người đàn ông vô gia cư, tác phẩm của Lê Anh Tú đã chạm tới trái tim của rất nhiều người. Dưới ánh đèn đường vàng vọt, ông ngồi co ro trước hiên một cửa hàng tiện lợi, gương mặt hốc hác không thể giấu hết nỗi niềm suy tư: “Tết ấy mà, nhìn người tấp nập đi sắm sửa chuẩn bị là lòng lại buồn. Cũng đã lâu lắm bác không cảm nhận được cái không khí quây quần bên gia đình nên buồn lắm, nhiều lúc chỉ muốn quay về 25 – 30 năm trước, với cả nhà bên nồi bánh chưng to sụ. Phải chi giờ mà được ở cùng các con, các cháu thì chẳng mong muốn gì hơn nữa rồi”. Mười năm xa quê, mười năm chưa từng dám nghĩ tới hai chữ “đoàn viên” vì không tiền bạc, không nhà cửa, cuộc sống của ông hiện tại chỉ là “sáng nhặt ve chai, tối về đây nằm ngủ”, chật vật kiếm ăn cho qua ngày.
Có những người mà ước mơ của họ đơn giản chỉ là được quây quần bên gia đình mình mỗi dịp Tết đến, xuân về.
Tết – vạn dặm đường xa không quên về nhà
“Chuyện Tết” đôi lúc chỉ đơn giản là quang cảnh tấp nập ngày 30 ở chợ, khi mọi người tranh thủ sắm sửa nốt vài món đồ còn thiếu, nhanh chóng trở về chăm chút cho mâm cơm cúng tất niên trong bức ảnh của Nguyễn Đoàn Phương Anh. Hoặc là kỷ niệm tuổi thơ, ngồi trước sân ngóng bà đi chợ về, mang theo quà bánh ngọt thơm làm phần thưởng, được Đặng Tiến Anh gửi gắm vào tác phẩm như một lời tâm sự, rằng dù có xa quê, bận trăm ngàn công việc, khi ngày tết cận kề, chúng con lại bồi hồi nhớ lại ngày xưa, càng nghĩ lại càng thương ông bà, cả đời vì con vì cháu. “Chuyện Tết” đậm màu hơn trong những chiếc xe thố chở hoa cúc, khoe sắc vàng ươm giữa nắng Sài Gòn, “Chuyện Tết” thơm lừng mùi bánh chưng bánh tét, mâm cỗ đủ đầy chờ người về đoàn viên. Mỗi tác phẩm đều chứa đựng một góc nhìn riêng mới mẻ, chinh phục hội đồng chuyên môn Arena Multimedia cũng như cảm tình từ phía khán giả bình chọn.
Tết là lúc bao kỉ niệm tuổi thơ ùa về,… nhớ ông bà, nhớ cái tết xưa! (Tác giả: Đặng Tiến Anh)
Tết miền Nam có hoa cúc khoe sắc vàng ươm giữa nắng. (Tác giả: Lê Đình Phước)
Chở sắc Xuân vào phố (Tác giả: Hoàng Trung Thiên)
Thương lắm Tết Sài Gòn (Tác giả: Nguyễn Đoàn Phương Anh)
Chỉ một thời gian ngắn sau khi phát động, cuộc thi “Chuyện Tết” – sân chơi thú vị nhằm khơi dậy những ý tưởng độc đáo đã nhận được rất nhiều sự quan tâm từ các bạn trẻ. Với góc nhìn và cách thể hiện mới lạ, ngày Tết cổ truyền hiện ra sinh động hơn bao giờ hết, khẳng định tư duy sáng tạo cùng sự chỉn chu, nghiêm túc trong mỗi tác phẩm dự thi. Ban tổ chức xin gửi lời chúc mừng đến các bạn đã xuất sắc giành giải thưởng:
– Giải Nhất: Lê Chánh – TP. Hồ Chí Minh: 3.000.000 VNĐ
– Giải Nhì: Lê Đình Phước – TP. Hồ Chí Minh: 2.000.000 VNĐ
– Giải Ba: Vũ Chiến Thắng – Hà Nội: 1.000.000 VNĐ
– Giải khán giả bình chọn: Nguyễn Thị Hiền – Hà Nội: 1.000.000 VNĐ
Học bổng 30{2fbbcdce6fba7ceca857f06e76ee977e945822970f76c6e598e150c203d39bd9} khóa Thiết kế đồ họa:
– Lê Chánh – TP. Hồ Chí Minh
– Nguyễn Đình Tiệp – TP. Hồ Chí Minh
– Lê Đình Phước – TP. Hồ Chí Minh
– Lê Mạnh Cường – Hà Nội
Giang Hoàng