Trong khuôn khổ cuộc thi Show It NOW 2023, Series Talkshow Environmental Sustainability đã cùng các bạn sinh viên đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: “Làm thế nào để vừa phát triển kinh tế, xây dựng văn hóa mà vẫn tái tạo tài nguyên môi trường?” Cùng khám phá cách kết nối các mắt xích trong quá trình phát triển môi trường bền vững ngay sau đây!
Khái niệm về “Phát triển môi trường bền vững” vẫn còn khá mơ hồ đối với các bạn sinh viên hiện nay. Chúng ta có thể bắt gặp cụm từ này nhiều nhưng chưa chắc các bạn có thể hiểu rõ. Theo Anh Phạm Vũ Tùng – CMO Davines Việt Nam: “Phát triển môi trường bền vững hiểu đơn giản là dùng nguồn lực của hôm nay để phát triển mà không ảnh hưởng tới thế hệ sau. Trong phát triển bền vững có 3 trụ cột chính là Môi trường – Kinh tế – Cộng đồng Văn hoá”. Chúng ta cần phải cân bằng điều này và tránh làm mất đi 1 trong 3 trụ cột trên. Nếu thiếu, con người sẽ không thể phát triển một cách toàn diện và đầy đủ, không chỉ vậy, nó còn gây ra những hiểm họa khôn lường cho toàn nhân loại.
“Hạt nhân” phát triển kinh tế
Xuyên suốt Series Talkshow: Environmental Sustainability, khách mời đã cùng các bạn sinh viên nhìn nhận lại thực trạng của môi trường đáng báo động hiện nay. Anh Vũ Anh Đức – Trưởng ban giám khảo cuộc thi Show It NOW 2023 nhấn mạnh tại các tỉnh thành lớn đều có hiện tượng môi trường xuống cấp. Điển hình như số lượng “khủng” rác thải nhựa do sóng đánh vào tại một số bờ biển. Hay như nạn hút trộm cát tại Đồng bằng sông Cửu Long dẫn đến sạt lở, sụt lún… Nhận biết được tầm quan trọng mà môi trường sống đang “kêu cứu”, các bạn sinh viên tại Đại học Kinh tế Quốc dân đã mong muốn hai khách mời chia sẻ về các tác động của môi trường ảnh hưởng tới kinh tế. Từ đó chúng ta cần có nhiều hành động thực tế và quyết liệt hơn để có thể thay đổi thực trạng đáng báo động của hành tinh này.
Anh Phạm Vũ Tùng gửi lời khuyên tới các bạn sinh viên kinh tế nói riêng và các bạn trẻ nói chung rằng hãy nhận thức sớm về phát triển bền vững để có khả năng xóa bỏ những hành động tiêu cực mà con người tác động lên môi trường. Chỉ cần một hành động nhỏ như lựa chọn doanh nghiệp quan tâm đến môi trường đầu tiên thay vì quan tâm đến lợi ích kinh doanh chính là bước đầu trong nhận thức đúng đắn của sinh viên. Lựa chọn này có thể mang lại cho bạn không chỉ về suy nghĩ tích cực cho môi trường mà còn có cơ hội trở thành những nhà lãnh đạo tốt trong tương lai, luôn hướng mắt tới môi trường xanh. Các bạn trẻ hoàn toàn có năng lực trở thành nhà kinh doanh, nhà đầu tư về môi trường sản xuất những sản phẩm organic, thuần chay để tái tạo lại thói quen tiêu dùng… Từ hành động “góp gió thành bão”, thế hệ trẻ sẽ là những người tiên phong đi đầu về quá trình phát triển kinh tế song hành bảo vệ thiên nhiên, môi trường trong tương lai gần. Anh Phạm Vũ Tùng chia sẻ : “Giữa hy sinh bảo vệ môi trường hay là phát triển kinh tế trước rồi mới quay lại với môi trường là một cuộc chiến dai dẳng. Hy vọng sinh viên, đặc biệt là sinh viên khối ngành kinh tế thúc đẩy cuộc chiến này nghiêng sang phía môi trường nhiều hơn.”
Gắn kết bền chặt “mắt xích” văn hóa trong phát triển môi trường bền vững
Văn hóa là thói quen, lối sống của một cộng đồng. Khi định hướng tốt, văn hóa giúp nâng cao nhận thức về lối sống lành mạnh có lợi cho môi trường. Tuy nhiên, nếu điều hướng thói quen theo chiều hướng tiêu cực, ắt môi trường sẽ chuyển biến xấu. Chúng ta thấy rõ được độ khăng khít, bền chặt giữa mối quan hệ văn hóa và môi trường. Vậy do đâu mà yếu tố văn hóa đang tác động tiêu cực tới môi trường sống của chúng ta hiện nay? Anh Phạm Vũ Tùng chia sẻ: “Ngoài văn hóa tổng hợp, tác động lên môi trường nặng nề nhất chính là văn hóa tiêu dùng.” Lấy ví dụ thực tiễn, một số cây ăn quả ở Việt Nam hiện nay dù có chất lượng tốt nhưng nếu thời gian thu hoạch kéo dài, làm ảnh hưởng tới quá trình gia tăng sản lượng để xuất nhập khẩu sẽ bắt buộc đào thải. Đó chính xác là văn hóa tiêu dùng hiện nay của con người và cũng là “báo động đỏ” cho thiên nhiên, tình trạng tuyệt chủng các giống cây sẽ xảy ra nhanh chóng hơn bao giờ hết.
Sự xuất hiện của phong trào “sống xanh”, “sống tối giản” tạo nên một làn sóng mới mẻ khi nhắc tới bảo vệ môi trường. Lối sống này hình thành dựa trên những hoạt động hằng ngày của bản thân như dùng gì, ăn gì và làm gì để xây dựng nền móng cho môi trường xanh tương lai. Tuy nhiên để phát triển “cộng đồng sống xanh” được mở rộng hơn vẫn còn là một thách thức lớn. Lý do chính là khi bắt đầu, chúng ta được khuyên rằng hãy sử dụng những vật phẩm tái chế hoặc thân thiện với môi trường, hay như tích cực trồng cây xanh góp phần nhỏ trong tái tạo không khí. Nghe có vẻ là dễ nhưng lại rất khó vì giá thành sản phẩm thân thiện với thiên nhiên vẫn còn nhận được những “bĩu môi” vì quá đắt đỏ hoặc ý thức trồng cây xanh vẫn chưa được thực hiện tối đa. Để xây dựng một xã hội văn minh chúng ta cần rất nhiều thời gian. Nhưng nếu có ý thức, sẵn sàng thực hiện thì chắc chắn sẽ được lan tỏa rộng rãi. Nếu bạn thắc mắc rằng làm thế nào để “khuếch tán” lối sống lành mạnh tới cộng đồng lớn như vậy? Để giải đáp thắc mắc đó, Thạc sĩ Vũ Anh Đức đưa gợi ý dành cho các bạn sinh viên: “Đối với các bạn sinh viên Đại học Văn hóa Hà Nội, các bạn chắc chắn là những bạn trẻ có ý tưởng độc đáo, có những nhận thức đắn đo về môi trường, hãy dũng cảm tham gia, đừng sợ thiết kế vì Show It NOW có đa dạng cách thức thể hiện.” Khi mạnh dạn nói lên tiếng nói của bản thân, các bạn sẽ trở thành những “đại sứ môi trường”, góp sức thay đổi nhận thức của cộng đồng. Bởi vì bảo vệ môi trường không thể thiếu đi văn hóa.
Tái tạo tài nguyên thiên nhiên bắt đầu từ hành động nhỏ
Đi qua phát triển kinh tế, xây dựng văn hóa, chúng ta dừng chân ở điểm cuối cùng chính là tái tạo tài nguyên thiên nhiên. Vậy tại sao cần tái tạo tài nguyên thiên nhiên? Theo anh Nguyễn Tiến Huy – Trưởng nhóm Hà Nội Xanh, tái tạo tài nguyên thiên nhiên có rất nhiều cách thức khác nhau để triển khai. Đối với nhóm Hà Nội Xanh, việc đến những con sông, kênh, hồ đang xuống cấp bởi mùi hôi, rác thải và màu nước đen làm mất mỹ quan đô thị, anh Nguyễn Tiến Huy cùng các bạn trong nhóm thu gom rác thải cũng chính là một phần nhỏ trong quá trình tái tạo tài nguyên thiên nhiên. Chúng ta không cần suy nghĩ xa, hành động quá to lớn bởi nếu trở thành một phần nhỏ trong quá trình tái tạo môi trường sống, các bạn hoàn toàn có thể bắt đầu từ ngày hôm nay.
Anh Vũ Anh Đức chia sẻ thêm: “Các bạn sinh viên trường Đại học Điện lực Hà Nội có thể trở thành người đi đầu trong quá trình tái tạo tài nguyên.” Bởi chúng ta có thể nhìn nhận được vấn đề rằng hiện nay, lượng rác thải nguy hại tăng lên chóng mặt. Điển hình như sự việc Nhật Bản nước thải hạt nhân ra môi trường biển, gây ra một làn sóng bất bình từ phía công chúng. Vậy nếu chúng ta không thay đổi từ bây giờ, liệu sau bao lâu nữa môi trường sống của chúng ta sẽ bao trùm bởi một màu xám?
Anh Vũ Anh Đức nhấn mạnh: “Để mọi người hiện nay nhận biết được một vấn đề xã hội thì hình ảnh truyền thông đóng vai trò vô cùng quan trọng. Hình ảnh càng mạnh mẽ, càng có nhận biết cao.” Truyền thông là một phần quan trọng khi tham gia vào quá trình tác động vào hành vi, hành động của con người, doanh nghiệp và xã hội đối với môi trường. Việc tiếp cận ý thức mỗi người hiện nay có thể thông qua những tấm ảnh trên mạng xã hội, poster quảng cáo của các nhãn hàng hay đơn giản là những video ngắn miêu tả hành động nhỏ bảo vệ thiên nhiên. Anh Nguyễn Tiến Huy bổ sung thêm: “Chúng ta có rất nhiều cách truyền thông khác nhau nhưng tất cả sẽ đều tiếp nhận qua các giác quan, đặc biệt là thị giác. Chính vì thế mà hình ảnh, video rất quan trọng để sử dụng trong truyền thông.” Hình ảnh càng mạnh mẽ, đưa ra tình trạng “báo động đỏ” đánh vào tâm lý người xem có thể khiến chúng ta nhìn nhận lại, thức tỉnh và bắt đầu thay đổi.
Chúng ta vận hành cuộc sống bằng phát triển kinh tế và xây dựng văn hóa. Nhưng nếu chỉ phát triển mà không tái tạo, chắc chắn “ngôi nhà chung” không thể chứa đựng chúng ta được lâu dài. Chính vì lý do đó mà tái tạo tài nguyên chính là mắt xích quan trọng trong việc giữ gìn Trái đất. Một xã hội văn minh, hiện đại là điều tất cả đều hướng tới nhưng đừng đánh mất vẻ đẹp của thiên nhiên xanh, Trái đất lành. Nếu chỉ cần phớt lờ yếu tố môi trường, hậu quả chúng ta nhận lại sẽ là một Trái đất đầy đau ốm.
LỜI KẾT
Quá trình phát triển môi trường bền vững là một cuộc chiến dài và đầy khó khăn, trắc trở. Nhưng nếu mỗi cá nhân tham gia thay đổi ngay hôm nay, chúng ta sẽ “tô” lại màu xanh cho Trái đất. Và kinh tế – văn hóa – môi trường là những mắt xích không thể tách rời khi xây dựng môi trường bền vững. Nếu bạn là một nhân tố trong những mắt xích trên, mong muốn nói lên tiếng nói của mình về môi trường, đưa nghệ thuật chạm tới trái tim và nâng cao nhận thức của cộng đồng, hãy để cuộc thi Show It NOW 2023 – “WeEarth” giúp bạn nhé!