Tưởng chừng cả thế giới ngắn như chính con đường đi học, nhưng không, Yến Trinh đã giải thoát mình và bước khỏi những thói quen được lập trình sẵn. Gói đam mê trên lưng mỗi lúc một rõ, ngày càng nặng trĩu, và như thế cô nàng ấy đã quyết định đi. Đi để học hỏi, khám phá, để biết mình chỉ là “con cá” nhỏ bơi giữa dòng và trái đất chỉ nhỏ như “quả cam” khi sống trong môi trường quốc tế với nhiều màu da. Nếu điều đó khiến bạn tò mò, hãy đọc đến từ cuối cùng của tác phẩm dự thi này nhé!
Thí sinh: Lê Nguyễn Yến Trinh
Năm sinh: 1996
Nơi học tập: ĐH KHXH&NV TPHCM
Tên tác phẩm: Con Cá và “Quả Cam”
Thể loại: Bài viết
(Indonesia, September 2015, Photo by © Atika Nur Hidayah)
“Con lớn lên muốn làm gì?” là phiên bản hỏi nghề nghiệp phổ biến với bất kì đứa trẻ nào.
Vì đây là bài viết về tôi, cho nên tôi sẽ là người tự thú trước.
Khi tôi 10 tuổi, tôi có câu trả lời đầu tiên cho mình. Tôi muốn làm một họa sĩ. Việc vẽ một cái gì đó khiến tôi cảm thấy nhẹ nhõm và vui vẻ.
Tôi 15 tuổi muốn trở thành một nhà văn. Lần này tôi sẽ diễn đạt phát hiện này một cách sâu sắc hơn. Tôi muốn viết nên những thiên truyện truyền kì, viết nên giấc mơ của bất kì ai về cuộc đời. Bạn đã đọc tác phẩm nào khiến bạn cảm thấy được yêu thương từ những góc khuất sâu nhất trong tâm hồn? Bạn đã đọc quyển sách nào thật sự thay đổi cách nhìn của bạn về thế giới? Tôi khi đó tràn đầy nhiệt huyết muốn viết nên những tác phẩm như vậy.
Tôi 18 tuổi trước cánh cổng Đại học thi vào một trường Khoa học Xã hội, không phải một trường Nghệ thuật – Năng khiếu nào cả. Tôi quả thật là một cô gái bình thường, như bạn vậy (nếu bạn cảm thấy bạn phi thường thì ok thôi, tôi vẫn là một người bình thường). Ở đây, tôi học được những kiến thức về khoa học xã hội và nhân văn, nghiên cứu chúng Tôi không thấy buồn, đấy là lựa chọn tốt nhất của tôi vào giai đoạn nước sôi lửa bỏng đó, hơn nữa, tôi cảm thấy người ta không thể chỉ hiểu biết một thứ thì sẽ thành công được. Ví dụ như nếu bạn là một nhà thiết kế thời trang, ngoài kiến thức về lĩnh vực thời trang, các kiến thức khoa học xã hội, thậm chí là kinh tế – tài chính sẽ biến bạn thành một giám đốc cho chính thương hiệu của mình hoặc bạn có thể làm chủ được giá cả thị trường cho sản phẩm của mình. Kiến thức vốn không có giới hạn, vì vậy đừng tự giới hạn chính mình.
Ở trên là những cột mốc ước mơ trước đây của tôi. Thật ra thì một trong chúng tôi mới nhớ lại gần đây khi tôi nói chuyện với bạn bè. Giấc mơ luôn là chủ đề đầy say đắm giữa những đứa bạn thân. Bạn tôi có đứa mơ đi khắp thế giới, đứa mơ làm ca sĩ, có người đang trong quá trình theo đuổi “crush” cả đời của nó để sống một đời bình bình an an. Điểm chung của tất cả giấc mơ chúng tôi là không có gì chắc chắn cả, vì thế tôi hay đón gặp những nụ cười hạnh phúc xen lẫn với những giọt nước mắt thất vọng “như thế giới sụp đổ” của chúng nó.
Thế giới của tôi sụp đổ bắt đầu vào lúc tôi thi vào một ngành học không phù hợp. Tôi trở thành một con cá bâng khuâng giữa dòng. Những buổi học trên lớp, những định hướng nghề nghiệp của bạn bè và thầy cô về ngành học trở nên xa vời và sai lầm.
Sau năm đó, tôi theo học bổng của ngành đi nước ngoài một năm. Một năm đó tôi có nhiều thời gian để đối diện với chính mình, tôi cũng gặp được nhiều bạn bè quốc tế và tiếp cận với nhiều nền văn hóa khác nhau. Tôi trở thành con cá nhỏ bơi giữa dòng nước nhiều màu sắc đó. Thế giới bên trong tôi vật vã với việc rời khỏi văn hóa Á Đông quen thuộc để đến với đất nước đầy sắc màu Hồi giáo, với các mối quan hệ với bạn bè quốc tế và cả bạn bè đồng hương, với nỗi hoang mang vô định của tuổi trẻ từ quê nhà mang tới. Thế giới bên ngoài tôi lại rực rỡ đầy màu sắc với những niềm văn hóa lạ trải đầy trước mắt tôi, với những nụ cười thân thiện của người bản xứ và cả những bạn bè khác nước thân thiện, Trái Đất với tôi lúc đó bé như “quả cam”. Tôi không thể nói cho bạn biết một năm đó tôi tìm được những gì. Tôi chỉ có thể nói rằng: “Bạn yên tâm đi, chỉ cần bước ra khỏi căn phòng đó, bạn sẽ gặp được đúng người bạn cần gặp, tìm thấy được việc bạn cần làm.”
Sau năm đó, tôi trở về và cùng bạn bè lập nên thương hiệu thời trang đầu tiên. Thời trang với tôi trước giờ không phải niềm đam mê, nhưng tôi vẫn lao đầu vào lĩnh vực mới này với hai người bạn thân của mình. Tôi tin tôi sẽ tìm được cái gì đó mới, và miễn là lĩnh vực sáng tạo, tôi không ngại thử tí nào. Tôi vẫn là một kẻ thích giữ bí mật nên không nói với bạn thương hiệu thời trang đó của chúng tôi đã hoạt động thế nào và giờ ra sao. Tôi chỉ có thể nói rằng: “Ngay cả khi bạn đoán trước được, thì những khó khăn và sụp đổ ở tuổi này vẫn là điều không thế tránh khỏi.”
Tôi thích nhận mình ở tuổi 20-rồi-gì-đấy (“20-something”). Tôi thích kể những câu chuyện mang tầm vóc phi thường (tự nhận :v) như ở trên, nhưng những câu chuyện bình thường và tầm thường nhất cũng sẽ là tôi, định hình tôi là ai. Tôi muốn ở mãi mãi tuổi 20 tuổi, để mọi thứ vẫn là mới mẻ, vẫn có thể xảy ra và tôi vẫn có thể sai lầm.
Tôi không thích ai đó sẽ định rằng thanh xuân của mình là 5 năm hay 10 năm. Bạn có thích như vậy không? Vậy đừng giới hạn mình nữa, hãy vẽ ra giấc mơ của bạn, vẽ ra thế giới mà bạn luôn mơ ước. Hi vọng sau khi đọc được bài viết này bạn sẽ lại phát hiện ra một ý tưởng kì lạ này đó, vậy hãy hẹn tôi café vào một ngày Sài Gòn chợt nắng chợt mưa đến thấm tấm lòng, bạn kể tôi nghe, tôi kế bạn nghe./.