Tới nay, tôi đã gắn bó 2 năm liền với đam mê thiện nguyện. Chẳng thể đếm hết những chuyến thiện nguyện mà tôi đã đi, những con người mà tôi đã gặp và những công việc mà tôi đã được làm. Mỗi chuyến đi là động lực và sức mạnh cho tôi có thêm nhiều tình cảm và ý chí muốn được đi tiếp để trải nhiệm, để giúp đỡ mọi người có cuộc sống thiếu thốn, khổ cực.
Những ngày đầu nuôi dưỡng đam mê
Kỉ niệm về chuyến đi đầu tiên chưa bao giờ phai dấu dù trong tôi chỉ là những chi tiết nhỏ nhất. Chuyến đi vào ngày cuối cùng của tháng 5/2013, là hoạt động cho chương trình “Tết thiếu nhi tại bệnh viện K cơ sở 2” ở đường Tựu Liệt, Thanh Trì, Hà Nội. Chuyến đi với một lực lượng hùng hậu và đầy nhiệt huyết lên tới 60 người.
Tôi vẫn còn nhớ như in hình ảnh anh đội trưởng Trịnh Tuấn Anh – một con người có sức mạnh kết nối tất cả thành viên để tổ chức được một chương trình thiện nguyện đầy niềm vui, tiếng cười cho các em nhỏ bị bệnh tim và sưởi ấm cả trái tim của những gia đình chất chứa nhiều nỗi buồn. Những khoảnh khắc tuyệt đẹp đó cũng giúp cho mỗi thành viên thêm yêu công việc thiện nguyên và trong đó có cả tôi.
Có lẽ vì vậy mà sau chuyến đi thiện nguyện đầu tiên, tôi đã bắt đầu chuyến đi thứ hai ngay sau đó vài ngày trong chương trình “Mỗi tuần một cuốn vở”. Tôi muốn góp mình vào hi vọng được mang thật nhiều vở trắng cho các em học sinh nghèo trong ngày khai giảng đầu năm học mới. Mỗi chuyến đi đều chứa đựng những niềm tin, sự hi vọng và cả khát khao được làm điều gì đó tốt đẹp cho cộng đồng, cho những con người thiếu thốn hay bất hạnh. Bất cứ ai được sinh ra cũng có quyền được yêu thương và được hạnh phúc. Tôi cứ nghĩ như vậy để rồi mình cứ bước đi theo đam mê thiện nguyện của bản thân mà không thể ngừng nghỉ.
Tà Số – nơi đam mê bị thôi thúc
Chuyến đi lên Tà Số, Chiềng Hắc, Mộc Châu, Sơn La chắc là chuyến đi thứ n của tôi. Lúc đầu, chuyến đi Mộc Châu cũng chỉ là một chuyến đi phượt khám phá cũng mấy người bạn thân chí cốt. Nhưng khi tới nơi thì tôi mới thấy hết được đằng sau những hình ảnh thiên nhiên tuyệt đẹp của vùng đất này là sự khốn khó và khổ cực đến tận cùng của người dân nơi đây. Ở đây, điện có, trường, trạm cũng có nhưng không thể có tới 1 vạch nhỏ sóng điện thoại nào. Trong thời buổi công nghệ thông tin hiện đại, làm thế nào để người dân được nhìn ra thế giới bên ngoài, được nhìn ra khỏi những cánh rừng âm u, được bước ra khỏi những con đường đất quanh co trơn trượt.
Một suy nghĩ ập tới trong tâm trí tôi: hình như Tà Số là một thế giới hoàn toàn khác, khắc nhiệt và đầy khó khăn mà mình chưa bao giờ bước tới. Và ở cái vùng đất này, tới cả thời tiết cũng làm cho cuộc sống thêm khó khăn hơn nhiều. Nước và nước sạch gần như là thứ xa xỉ với người dân. Nguồn nước họ dùng có lẽ những người quen ở thành phố sẽ chẳng dám rửa tay chứ nói gì để ăn, để sinh hoạt. Ấy thế mà bao năm nay, họ cứ sống như vậy. Họ trân trọng từng giọt nước mưa bởi nó là nguồn sống không thể thiếu.
Chuyến đi Tà Số là chuyến đi lâu nhất từ trước tới nay. Bởi ở đây, dù cuộc sống khó khăn, dù có đầy thiếu thôn nhưng tình người và sự thân thiện thì lại quá đầy. Với tất có những gì họ có, người dân cho chúng tôi cùng ở, cho chúng tôi cùng ăn, cùng chia sẻ và quan tâm chúng tôi. Họ nhìn thấy chúng tôi – những đứa sinh viên được học ở Hà Nội, họ cũng mong con họ mai sau lớn lên cũng sẽ được học, sẽ không đói nghèo như bố mẹ chúng. Họ ước sẽ không phải xót xa nhìn các con với bữa ăn đạm bạc, bàn chân trần trong giá lạnh, hay giấc ngủ co ro trên nền đất ẩm.
Chúng tôi lại trở về nhà bằng con đường quanh co và trơn trượt của họ. Từng bước đi lại càng nặng hơn bởi những suy nghĩ, những hình ảnh về con người đầy khổ cực. Chúng tôi phải làm gì đây? Phải làm gì để họ có thể khấm khá hơn một chút?
Đam mê tôi chưa bao giờ mạnh mẽ tới vậy
Sau khi về nhà, những thành viên của đoàn đã cùng quyết định sẽ xây dựng một dự án hỗ trợ người dân Tà Số. Thật may là chúng tôi đề là sinh viên cùng lớp D5-QLNL, khoa Quản lý năng lượng, Trường Đại học Điện lực nên có nhiều thời gian để trao đổi và xây dựng. Ai cũng có rất nhiều ý tưởng nhưng đều có chung một mục đích để nâng cao chất lượng và số lượng nước sạch cho người dân. Từ đó, dự án “Xây dựng hệ thống thu hồi, xử lý và dự trữ nước mưa làm nước sinh hoạt cho người dân miền núi ở bản Tà Số, xã Chiềng Hắc, Mộc Châu, Sơn La”. Với tình yêu và sự nhiệt huyết của mình, chúng tôi đã tham dự và giành được giải nhất trong chương trình “Mùa hè nước 2014”.
Vào tháng 2/2015 này, Dự án Hệ thống thu hồi, xử lý và dự trữ nước mưa gồm hệ thống máng và ống dẫn nước từ mái nhà xuống bể xử lý bắt đầu được thực hiện. Nước qua xử lí, sẽ được chuyển qua bể nước đã lọc. Không chỉ cung cấp nước sạch, dự án còn hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, bởi thời gian đi lấy nước trước đây giờ họ có thể làm việc khác để nâng cao thu nhập. Ngoài ra, dự án còn có khả năng tích hợp với hệ thống bể cũ (đối với một số hộ gia đình đã có bể nước lấy từ máy bơm), qua đó tận dụng được hiệu quả nước mưa, giảm chi phí tiền điện cho bơm nước. Đặc biệt, dự án sẽ góp phần đảm bảo sức khỏe cho trẻ em và người dân, nhờ nguồn nước sạch đã qua xử lý.
Niềm đam mê của chúng tôi chưa bao giờ được mạnh mẽ tới vậy. Nó không chỉ còn là những nụ cười, là tình cảm trong trái tim mà giờ đây nó đã được thành hình thành khối, là một thứ có kết quả lâu dài. Nó còn là sự chia sẻ và cùng thấu thiểu bằng chính hành động thực tế. Niềm đam mê thiện nguyện của tôi chưa bao giờ giúp tôi thấy vui đến như vậy. Nó khiến tôi thành một con người có ích, là một công dân có trách nhiệm và được làm chính mình – một con người có đam mê
Đam mê sẽ không dừng lại
Nhiều người nói rằng đi thiện nguyện sẽ tốn rất nhiều thời gian, ảnh hưởng tới công việc và học tập. Lại là thân con gái, gian khổ và cực nhọc thì chịu sao nổi. Nhưng đam mê sẽ giúp ta vượt qua được mọi thứ bằng cách tự sắp xếp và cân đối của mình. Tôi thường tham gia hoạt động từ thiện vào thời gian nghỉ hè hoặc những ngày cuối tuần, nên việc học tập của tôi vẫn đảm bảo được. Những chuyến đi dài ngày nhưng mang lại ý nghĩa tại sao mình lại không dám đánh đổi những thời gian rảnh rỗi đó chứ.
Vì đam mê thiện nguyện nên mỗi chuyến đi dù khó khăn tới mức nào thì tôi đều coi đó đó là những trải nhiệm thú vị. Bởi lẽ cuộc sống của tôi có được những cái nhìn mới, cái được những chia sẻ và yêu thương từ chính khó khăn ấy.
Trong tương lai, chắc chắn tôi sẽ tiếp tục theo đuổi đam mê của mình. Tôi sẽ cùng những người bạn của mình đi đến được nhiều vùng đất mới mà chúng tôi chưa từng đặt chân tới , làm nhiều việc có ích cho những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Không phải ai trong chúng ta cũng có được đam mê và được làm những điều mình thích. Tôi có được cơ hội làm những gì bản thân tôi thấy thích và tôi tự hào khi bản thân mình có một đam mê thật sự. Đam mê tôi sẽ không bao giờ dừng lại
——————
Câu chuyện của bạn Phạm Thị Phượng tham gia cuộc thi Chắp cánh Đam mê (www.arena-multimedia.vn/chapcanhdamme/)
Ngày sinh: 7/10/1993
Địa chỉ: Minh Khai, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Bài dự thi Chắp cánh Đam mê: Thiện nguyện – Đam mê chưa bao giờ hết nhiệt