Say lòng với nhiếp ảnh và những thước phim từ nhỏ, rồi bỏ qua ngăn cấm của gia đình mà tự mò mẫm đi theo tiếng gọi, Dũng lớn dần cùng ước mơ. “Nhưng đâu có ước mơ nào không gặp phải vấp ngã…” Cõ lẽ, người ta hạnh phúc với ước mơ hay không khác biệt ở chỗ, có đứng lên sau vấp ngã hay không!
“Đam mê ư! Không hẳn, với tôi nó chưa thành hình cho lắm nhưng tôi thích được làm việc với máy tính, thích đồ họa và dựng phim. Cuộc sống của tôi luôn xoay quanh những thước phim dựng tạm do tôi và các bạn tôi làm.
Tôi không thích gò bó trong những giờ làm việc công sở hay ổn định cuộc sống với kiếm tiền. Tôi thích chụp hình và đi du lịch đây đó để tạo nguồn cảm hứng sống cho bản thân, lấy đề tài cho những ý tưởng thiết kế ảnh bìa và những bộ hình lung linh cho bạn bè mình. Tôi đã từng phải làm việc quần quật mấy tháng hè để có tiền theo học một khóa chụp hình và chỉnh sửa ảnh, rồi còn phải đầu tư thêm máy ảnh mới, cũng khiến tôi phải mệt mỏi với bố mẹ. Cuộc sống gia đình tôi thuộc vào loại bình thường như bao gia đình ở vùng đất đỏ Đồng Nai, bán mặt với nghề làm rẫy nên cái ngành học mà tôi yêu thích quá xa vời với đòi hỏi về kinh tế, càng không thể áp dụng vào việc làm nương làm rẫy cho sai trái nhiều quả theo như suy nghĩ của ba tôi.
Nhưng vì cái đam mê chưa thành hình đó, tôi bỏ qua bao lời can ngăn của bố mẹ, không thi đại học mà chuyển sang trường Cao đẳng nghề Đồng Nai và tự lập một mình đến với TP. Biên Hòa. Ở đó, tôi tự bươn chải với nghề nhân viên phục vụ nhà hàng, kiếm tiền nuôi sống bản thân, chi phí hàng tháng và có cơ hội được học thêm những kiến thức về phim ảnh.
Nhưng đâu có ước mơ nào mà không gặp phải vấp ngã, cuộc sống thành phố chen chúc và tấp nập cuốn tôi vào vòng xoáy đen của xã hội khiến tôi trở nên khác đi, bỏ quên cả đam mê của mình mà lo kiếm tiền.
Rồi cho đến một ngày tôi tự hỏi mình sống vì điều gì? Mình đến với thành phố này chỉ để kiếm tiền thôi sao? Không, ước mơ còn đó, tôi còn hai bàn tay để làm lại. Tôi lân la đến các hội chụp hình của thành phố để học hỏi kinh nghiệm, tự xử lý hình ảnh và chụp ảnh bằng chiếc máy ảnh kỹ thuật số rẻ tiền. Với tôi máy ảnh đắt hay cầu kỳ không quan trọng, quan trọng là tôi được chụp và làm việc với nó, được lưu giữ những khoảnh khắc của cuộc sống, đơn giản vậy thôi.
Cứ thế, tôi tìm hiểu nhiều hơn về ảnh và phim, hai ngành mỹ thuật hiện đại, và thích thú với nó. Mỗi lần được bạn bè để ý và khen những bức ảnh, tôi đều cảm nhận mình sống có ích hơn… Tôi được học hỏi ở những anh chị lớn những bài học cơ bản về nhiếp ảnh, chụp ảnh sao nó có hồn mà không mất đi tính khuôn khổ. Chụp riết rồi quen, chỉ cần giơ máy lên là tôi có thể lưu giữ những khoảnh khắc, và tuyệt vời hơn là mỗi khi cha mẹ, bạn bè tôi xem, họ đều cảm nhận được. Không dừng ở sở thích, nhiếp ảnh còn là công việc nuôi sống tôi. Những cơ hội cộng tác và làm việc cho báo mạng vừa giúp tôi học hỏi thêm vừa có kinh phí trang trải cho những ngày đi lấy tin viết bài.
Nhưng điều khiến tôi hạnh phúc nhất, là tôi tạo được niền tin với bố mẹ. Bố mẹ tôi không còn nhìn cái nghề chụp hình hay ngành nghệ thuật này như một thú chơi vô bổ nữa mà ủng hộ tôi theo đuổi niềm đam mê. Tôi nghĩ, đó là bởi bố mẹ tôi hiểu rằng tôi biết đâu là con đường mình cần đi. Bố tôi còn sẵn sàng chi tiền cho tôi được theo học những khóa học nâng cao kĩ năng chỉnh sửa ảnh và dựng phim để biến ước mơ đi theo con đường chuyên nghiệp của tôi thành hiện thực. Với tôi đó là thành công lớn nhất của bản thân ở cái tuổi 20 này. Sự trưởng thành không chỉ được thể hiện bởi tố chất bên ngoài, mà nó nằm ở cách chúng tôi xử lý những thử thách, khó khăn ở tương lai và ngay hiện tại. Với tôi đam mê là được sống đúng cách và được học hỏi trên sở thích của mình.”
————————————–
Câu chuyện của bạn Tống Minh Trí tham dự cuộc thi Chắp cánh Đam mê (www.arena-multimedia.vn/chapcanhdamme/)
Sinh ngày 27/05/1995
Nơi học tập/công tác: Trường Cao đẳng nghề Đồng Nai
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Bài dự thi chắp cánh đam mê: Đam mê qua từng tấm ảnh Bài dự thi Chắp cánh đam mê: "Đam mê"