Nhằm giúp các bạn học viên làm rõ sự khác biệt và tính ứng dụng giữa Animation trong Game và Hoạt Hình, Arena Multimedia đã tổ chức buổi Workshop chuyên ngành với sự tham dự của gần 100 bạn học viên vào ngày 19.04 vừa qua, tại Arena Tân Bình.
Buổi workshop diễn ra trong không khí sôi nổi, hào hứng, mang đến một không gian học thuật nhưng vẫn đầy tính sáng tạo và năng động. Dưới sự chia sẻ của thầy Nguyễn Phạm Phi Vân – giảng viên kỳ 3D Arena Multimedia, buổi workshop tập trung phân tích yếu tố Animation dưới hai góc nhìn hoàn toàn khác nhau: một bên là sự linh hoạt, tương tác thời gian thực (realtime) của Game và một bên là sự nhịp nhàng, tuyến tính của phim hoạt hình.
Bên cạnh đó, buổi chia sẻ còn có sự góp mặt của anh Mai Anh Thi – đại diện đến từ doanh nghiệp Sandisk. Anh Mai Anh Thi đã mang đến những góc nhìn thực tế về vai trò của công nghệ lưu trữ dữ liệu trong quy trình sản xuất nội dung số, đặc biệt là đối với ngành công nghiệp Game và phim hoạt hình – nơi mà dung lượng dữ liệu và tốc độ xử lý là yếu tố vô cùng quan trọng.
Từ những chia sẻ học thuật cho đến trải nghiệm công nghệ thực tế, buổi workshop đã khơi mở tư duy sáng tạo, định hướng rõ ràng hơn cho các bạn trẻ trên hành trình phát triển sự nghiệp với Animation. Đây chính là bước đệm vững chắc để các bạn có bước tiến xa hơn sau khi rời mái nhà chung Arena Multimedia. Còn trong bài viết này, hãy cùng Arena điểm lại những nội dung đáng chú ý của Workshop chuyên ngành: Điểm khác nhau giữa Animation trong Game và Hoạt Hình, bạn nhé!
Animation – Lịch sử chuyển giao công nghệ từ 2D đến 3D
Trước khi đi vào nội dung chính của buổi Workshop, thầy Phi Vân đã điểm lại lịch sử của Animation, từ 2D truyền thống đến 3D hiện đại. Theo đó Animation 2D có quy trình diễn xuất “frame by frame”, có nghĩa là từng khung hình (frame) trong chuyển động được vẽ tay một cách thủ công từng chút một. Phương pháp này yêu cầu các công đoạn cơ bản như: phân tích chuyển động nhân vật, vẽ các pose chính trong toàn bộ cảnh diễn, chia timing, vẽ các hình ảnh liên tiếp để kết nối hình ảnh với các pose chính (Inbetween, Assistant)…
Dần dần với sự phát triển của công nghệ, Animation có sự dịch chuyển từ 2D sang 3D, trong cả Game và phim hoạt hình. Trong làm phim, sự kiện tạo nên bước ngoặt đó chính là bộ phim “Toy Story” của Pixar ra mắt vào năm 1995. Từ đó cho đến nay, 3D Animation dần chiếm lĩnh game và phim hoạt hình vì tính ứng dụng cao, tối ưu sản xuất, mở rộng trải nghiệm người dùng.
Phân tích kỹ hơn điểm mạnh của 3D, thầy Phi Vân cho biết: “3D giúp tái hiện không gian và chiều sâu tốt, linh hoạt hơn, với những hình ảnh khối, màu sắc và ánh sáng trung thực. Đặc biệt đối với công nghệ này, Animator sẽ không nhất thiết phải có kỹ năng vẽ tay giỏi và nó cũng giúp thu gọn đội ngũ sản xuất Animation, vốn trước kia rất đông khi làm 2D, thành 1 bộ phận duy nhất”.
Tuy nhiên công nghệ này cũng tồn tại một số mặt hạn chế như đòi hỏi sự đầu tư về máy móc đắt đỏ, những Studio non trẻ sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp nhận kỹ năng sử dụng phần mềm, đồng thời nhân sự thừa sẽ bị đào thải. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi từ phương pháp làm việc thủ công sang công nghệ đã gây ra không ít khó khăn cho các Animator 2D.
Thầy Phi Vân chia sẻ: “Dù có kỹ năng vẽ tay rất tốt, nhưng khi bước vào môi trường 3D thì họ bắt đầu lúng túng. Nguyên nhân là vì không gian ba chiều đòi hỏi một tư duy khác – lúc này, kỹ năng vẽ tay không còn là yếu tố quyết định nữa, mà chính sự hiểu biết và thao tác trong không gian 3D mới là then chốt.
Tiếp theo là về mặt sử dụng công cụ phần mềm. Những người vẽ tay giỏi thường có thể nhanh chóng phác họa một nhân vật chuyển động chỉ trong vòng 15 phút. Tuy nhiên, khi làm việc với phần mềm 3D, họ gặp trở ngại trong việc điều khiển hệ thống xương (rigging) của nhân vật. Việc tạo ra một tư thế đơn giản cũng đòi hỏi họ phải thao tác trên nhiều bộ điều khiển khác nhau, mỗi control lại có đến hàng chục chuyển động như xoay, di chuyển… Điều này khiến quá trình trở nên phức tạp và tiêu tốn thời gian”.
Tuy nhiên thực tế thì công nghệ 3D giúp quá trình tạo animation diễn ra nhanh hơn gấp nhiều lần. Thay vì cần một bộ phận cleanup (làm sạch nét vẽ sau khi vẽ phác thảo) để hỗ trợ, Animator giờ đây có thể tự mình tạo ra các thế dáng (posing) và phần mềm sẽ đảm nhận vai trò inbetweening (tạo hình trung gian) – một công việc vốn trước đây cần đến nhiều nhân lực. Các công cụ trong phần mềm giúp xác định rõ ràng chuyển động và hình ảnh diễn ra như thế nào, giúp Animator chủ động hoàn toàn trong quá trình sáng tạo.
Sự khác nhau giữa Animation trong Game và Hoạt Hình
Sau khi điểm qua phần lịch sử của công nghệ Animation 2D và 3D, thầy Phi Vân đến với phần chia sẻ chính của buổi Workshop chuyên ngành, đó chính là làm rõ sự khác nhau giữa Animation trong Game và Hoạt Hình. Tại sao lại có sự khác nhau và phân tích rõ điều này để làm gì?
“Từ kinh nghiệm giảng dạy cũng như quá trình làm việc tại các studio chuyên nghiệp, tôi nhận thấy một điều khá đáng lo ngại, đó là rất nhiều Animator, kể cả những người có kinh nghiệm lâu năm trong ngành 3D, không phân biệt được đâu là animation dành cho phim hoạt hình và đâu là animation dành cho game”, thầy Phi Vân đặt vấn đề.
Theo thầy Phi Vân, có những người đã làm animation hơn 20 năm, sở hữu portfolio cực kỳ ấn tượng, từng tham gia nhiều dự án phim lớn, kỹ năng diễn xuất nhân vật bằng chuyển động rất tốt nhưng khi apply vào các studio game thì lại thất bại. Lý do là bởi họ cứ nghĩ rằng chỉ cần giỏi animation là làm được tất cả mà không hiểu rằng game và hoạt hình là hai thế giới hoàn toàn khác nhau, với những tiêu chuẩn, yêu cầu và tư duy sáng tạo khác nhau.
Thầy giải thích: “Trong môi trường game, 10 người thì đến 9 người bị “khớp” khi phải chuyển đổi từ cách làm hoạt hình truyền thống sang phong cách và tiêu chuẩn của animation trong game. Lý do rất đơn giản: công nghệ khác nhau, cách làm animation khác nhau. Nếu bạn không chịu học, không chịu hiểu sự khác biệt này, thì dù bạn có 3, 4, hay 6 năm kinh nghiệm cũng không giúp gì được”. Sự khác biệt đó cụ thể như sau:
Bên cạnh việc phân tích và làm rõ cụ thể từng sự khác biệt này, thầy Phi Vân cũng đặc biệt nhấn mạnh đến yếu tố tư duy của người làm animation, dù làm cho game hay hoạt hình. Theo thầy, một Animator không chịu suy nghĩ sâu, không đặt câu hỏi, hoặc không chủ động tìm kiếm hướng đi đúng khi làm việc thì rất khó có thể làm tốt animation, dù có nhiều kinh nghiệm đến đâu.
Công nghệ AI – thách thức và chuyển giao
Trong phần cuối của buổi Workshop, thầy Phi Vân chia sẻ thêm một chút suy nghĩ của mình về AI và những lưu ý dành cho các bạn trẻ đã, đang và chuẩn bị ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong công việc. Thầy cho rằng mục tiêu cuối cùng vẫn là chất lượng sản phẩm và khách hàng sẽ là người quyết định điều đó.
Ví dụ bạn có thể dùng AI để tạo ra một nhân vật, một khung cảnh hay một chuyển động nào đó. Nhưng nếu khách hàng phản hồi: “Tôi muốn nhân vật này trông mạnh mẽ hơn” thì bạn không thể đơn giản nói với AI: “Hãy làm nó mạnh hơn” và mong nó hiểu đúng ý. Kết quả AI tạo ra có thể không đạt và thậm chí không hề phù hợp với yêu cầu thực tế.
“Lúc này, bạn không thể trông chờ vào công nghệ mà phải vận dụng chính kiến thức và kỹ năng của mình. Nếu bạn sử dụng AI để hỗ trợ animation, bạn phải hình dung rõ ràng được diễn hoạt trong từng khung hình như nhân vật di chuyển như thế nào, biểu cảm ra sao, khung hình nào tạo cảm xúc, khung hình nào truyền lực… Và khi khách hàng hay Animation Director yêu cầu sửa, bạn phải ngay lập tức nhận ra mình cần điều chỉnh chỗ nào, thay vì phải “nhờ AI làm lại từ đầu”, thầy Phi Vân lý giải.
Do đó thầy kết luận rằng AI đang bắt đầu từng bước tác động vào ngành Animation, giúp Animator tăng tốc độ làm giảm thao tác, giảm chi phí sản xuất và các sự phụ thuộc vào công nghệ cho các Studio. Tuy nhiên AI không thay thế được tư duy, không hiểu được cảm xúc và không biết đâu là “vừa đủ” để chạm tới người xem. Theo thầy có một điều mà AI không thể thay thế được, đó là khả năng cảm nhận và sự chấp nhận đến từ khách hàng.
Dù bạn dùng AI để làm đi làm lại 10 lần, nhưng nếu khách hàng chưa vừa ý thì bạn vẫn phải sửa lại từng đó lần như thường. Không có chuyện AI sẽ hiểu đúng ngay từ lần đầu. Nhưng nếu có khả năng nhận ra được cái sai, nhìn thấy được điều mà khách hàng thực sự muốn, bạn có thể điều chỉnh chính xác và lúc đó tiến độ công việc sẽ nhanh hơn rất nhiều.
“Muốn làm được điều đó, bạn phải có kỹ năng nền tảng của một Animator, nếu không thì đừng hy vọng AI sẽ cứu bạn. Nếu thật sự có đam mê và muốn khai thác công nghệ AI trong animation, hãy học kỹ kiến thức nền tảng và tư duy chuyển động từ 2D”, thầy Phi Vân kết luận.
Nói tóm lại, theo thầy Phi Vân thì 2D là nghệ thuật xứng đáng được tôn trọng, 3D là công nghệ mà chúng ta đang áp dụng hiện nay để giúp công việc diễn ra nhanh hơn, hiệu quả hơn. Còn AI, theo thầy, vẫn chỉ là một phần của tương lai, là công cụ hỗ trợ giúp rút ngắn thời gian, tăng năng suất làm việc. Nhưng AI chỉ thật sự hữu ích khi bạn đã hiểu rõ nghệ thuật (2D) và thành thạo công nghệ (3D). Nếu không có nền tảng đó, AI sẽ không thể hỗ trợ mà còn khiến bạn lệ thuộc, mất phương hướng.
Công nghệ lưu trữ và vai trò trong ngành Multimedia
Cũng tại buổi Workshop, anh Mai Anh Thi – đại diện doanh nghiệp Sandisk đã chia sẻ về vấn đề lưu trữ dữ liệu trong ngành công nghiệp sáng tạo hiện nay. Theo anh Thi, thiết bị và công nghệ là 2 yếu tố vô cùng quan trọng trong quá trình làm sáng tạo, thậm chí ảnh hưởng đến tinh thần và năng suất làm việc của người làm nghề. Tại sao lại như vậy?
Anh Thi giải thích: “Muốn tạo ra sản phẩm chất lượng, bạn phải có “mood”, tức là cảm hứng, động lực. Nhưng để có được mood đó, thì thiết bị, đặc biệt là máy tính của bạn phải đủ mạnh, đủ nhanh.Ví dụ có những ngày bạn đang tràn đầy ý tưởng, muốn làm một bộ phim hoạt hình, muốn phác thảo một concept game ngay lập tức. Nhưng vừa mở máy ra, nó quay vòng vòng, khởi động ì ạch… thì cái “mood” đó coi như bay mất tiêu. Đó là rào cản lớn nhất khi cảm hứng vừa đến”.
Do đó anh nhấn mạnh rằng máy tính, phần mềm chỉ là công cụ giúp chúng ta hiện thực hóa ý tưởng, biến suy nghĩ thành sản phẩm. Nhưng nếu công cụ không đủ tốt, ý tưởng của bạn cũng không thể cất cánh. Trong phần chia sẻ của mình, anh Thi tập trung giới thiệu các công cụ hỗ trợ người làm sáng tạo như ổ cứng SSD, RAM, Card đồ họa, thiết bị lưu trữ dữ liệu tiên tiến từ thương hiệu SanDisk. Điều này giúp các bạn tham dự có thêm kiến thức và kinh nghiệm bổ ích để phục vụ nhu cầu học tập và công việc hiện tại của bản thân.
Tạm kết
Khép lại buổi Workshop, các bạn học viên đã nhận diện rõ ràng sự khác biệt về kỹ thuật, tư duy và môi trường ứng dụng Animation giữa hai lĩnh vực Hoạt hình và Game. Bên cạnh đó, các bạn còn mở rộng góc nhìn về sự chuyển mình mạnh mẽ của ngành Animation từ 2D sang 3D, cũng như tác động của công nghệ AI trong quy trình sáng tạo hiện đại.
Thông qua chia sẻ chuyên sâu của thầy Phi Vân và anh Mai Anh Thi, sự kiện đã mang đến không chỉ kiến thức chuyên môn mà còn truyền cảm hứng mạnh mẽ về việc học vững nền tảng, hiểu đúng công nghệ và phát triển tư duy sáng tạo để thích nghi và dẫn đầu trong thời đại mới. Hẹn gặp lại các bạn trong những buổi Workshop chuyên ngành đầy bổ ích tiếp theo của Arena Multimedia nhé.
Cảnh An
***
Để được tư vấn về chương trình đào tạo và các hình thức ưu đãi khuyến học tại Arena Multimedia, vui lòng liên hệ Ban tuyển sinh tại Arena gần bạn nhất nhé:
TP.HCM
Email: arena@aprotrain.com
* ARENA Nguyễn Đình Chiểu
212-214 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3
Tel: 1800 1525
* ARENA Hồ Văn Huê
43R/12 Hồ Văn Huê, Q.Phú Nhuận
Tel: 1800 6325
* ARENA Tân Bình
Số 6 Tân Kỳ Tân Quý (gần Etown), Q.Tân Bình
Tel: 1800 2074
* ARENA Quận 6
136 Lê Tuấn Mậu (CV Phú Lâm), Q.6
Tel: 1800 2046
HÀ NỘI
Email: arena2@aprotrain.com
* ARENA Đống Đa
41 Vũ Ngọc Phan, Q. Đống Đa
Tel: 1800 1542
* ARENA Cầu Giấy
D29 Phạm Văn Bạch, Q. Cầu Giấy
Tel: 1800 1542
* ARENA Hà Đông
110 Trần Phú, Q. Hà Đông
Tel: 1800 1542
* ARENA Long Biên
564 Nguyễn Văn Cừ, Q. Long Biên
Tel: 1800 1542