Đối với Nhựt Trường, từ khóa “Đồ họa” luôn nằm trong suy nghĩ của chàng trai trẻ từ khi còn là học sinh. Dù đôi lúc nét nghĩ ấy trở nên mong manh, tưởng chừng biến mất bởi vô số lực cản vô hình. Nhưng lo gì, Trường có đam mê, có nhiệt huyết của tuổi trẻ và bạn ấy đã làm được. Hãy xem bạn ấy đã làm gì với tuổi trẻ của mình nhé!
Thí sinh: Nguyễn Nhựt Trường
Năm sinh: 1999
Tác phẩm: Con đường tôi
Thể loại: Bài viết
Mô tả:
Ngày còn nhỏ, có một khoảng thời gian dài tôi từng vỗ ngực tự hào rằng “Trời chẳng cho mình cái gì ngoài mắt thẩm mỹ”. Thực sự là một đứa bị ù lì, giao tiếp kém và bề ngoài trông yếu ớt như tôi hầu như chẳng có bất kỳ tài cán gì đặc biệt. Tôi thường tự ti vì điều đó. Dẫu vậy, tôi vẫn tin Thượng đế rất công bằng, và tôi tin Người cho tôi đôi mắt thẩm mỹ để bù đắp lại tất cả những khiếm khuyết ấy. Nói nghe có vẻ tự cao tự đại và “ảo tưởng sức mạnh” thái quá về bản thân nhỉ! Nhưng đúng là từ xưa tôi đã như vậy – lúc ngắm bảng hiệu, xem truyền hình luôn tự cho mình biết đánh giá cái nào là đẹp, cái nào chuyên nghiệp. Rồi lớn tí nữa học Word, biết tự gõ tài liệu, tôi luôn tự thấy mình định dạng đẹp và “xịn” hơn tụi bạn cùng lứa. Những ngày đầu tiếp xúc với Internet, tôi đã chỉ chọn những trang web đẹp, chỉ đọc những tờ báo có giao diện đẹp, xem những video chuyên nghiệp. Đặc biệt, tôi thích ngắm nghía những tấm banner, poster quảng cáo và thắc mắc “làm sao người ta có thể làm đẹp vậy?”. Tôi đã yêu thích đồ họa rất sớm như thế đó.
Đến năm tôi lớp 10, vào trường mới, gặp bạn mới, khi mà mọi người bắt đầu xôn xao hỏi nhau về ngành học sau này, thì tôi cũng bắt đầu đi tìm hiểu công việc tương lai. Nhưng rồi tôi biết, một sự thật phũ phàng, rằng muốn học đồ họa trường công lập thì buộc phải thi vẽ, mà khiếu vẽ của tôi chỉ ở hạng “xoàng” (tôi thích vẽ vời lung tung nhưng bảo vẽ thi thì tôi không thể). Sức ép từ gia đình lại không cho phép tôi chọn học ở các trung tâm hay các trường tư thục. Tôi nhận thấy cánh cửa đồ họa dường như không dành cho mình. Vả lại, lúc ấy mọi người xung quanh lại hay chê mắt thẩm mỹ, chê gu nhìn “con gái” của tôi nên tôi lại mất đi sự tự tin về năng khiếu vốn có. Thế là tôi đã từ bỏ ước mơ tưởng chừng vừa chớm nở…
Tôi bắt đầu tìm hiểu đủ ngành nghề khác trên đời. Khổ nổi tôi cực ghét những ngành kỹ thuật – công nghệ khô khan, phức tạp; cũng không thích những ngành văn phòng quẩn quanh, tẻ nhạt; lại kị luôn những ngành đòi hỏi giao tiếp tốt. Cứ kén cá chọn canh, suốt hai năm, tôi không tìm nổi cho mình một ngành nghề thích hợp.
Nhưng trong tôi, niềm yêu thích đồ họa vẫn còn nguyên đó, chỉ là tôi không đủ can trường, quyết đoán để theo đuổi. Tôi cần có ai đó thúc giục, ai đó cho tôi biết chắc là mình có hợp với nó hay không. Mỗi lần được tụi bạn hỏi sẽ học gì sau cấp ba, tôi luôn than thở rằng “Tao thích đồ họa nhưng tao vẽ xấu nên không thi được”. Nhưng trong lòng luôn mong có một ai đó “tạt nước vào mặt” mình, bảo tôi hãy mặc kệ những khiếm khuyết đó mà theo đuổi đam mê. Chỉ cần có một ai đó thúc giục tôi lắng nghe tiếng gọi coi tim thì có lẽ lúc đó tôi đã quyết tâm làm mọi cách để theo ngành đồ họa. Nhưng không có ai làm điều đó. Và vì tôi thiếu can trường nên đã cứ để cho cuộc đời vậy mà trôi.
Tôi học khối A1 (Toán, Lý, Anh), nhưng tôi học mà không biết để làm gì. Trong thâm tâm tôi vẫn muốn được ai đó công nhận mắt thẩm mỹ của mình, để tôi tự tin hơn rằng mình hợp với nghề đồ họa. Trong suốt một thời gian dài tôi đã bắt tay làm cover fanmade mấy bài hát Mỹ Tâm, thần tượng của tôi thời ấy. Vừa theo đuổi đam mê, vừa làm một phép thử dài, rất dài để xem mọi người phản ứng thế nào với những “tác phẩm” tôi làm ra. Ngày đó chưa biết dùng Photoshop, chỉ chỉnh màu rồi chèn tên bài hát, nhưng cũng đủ để tôi thấy thích việc chơi với bố cục, màu sắc, font chữ hơn là cắm mặt vào học. Sau đó tôi tập tành Photoshop, làm đủ thứ trò, mong muốn mọi người thấy nó đẹp. Nhưng suốt thời gian dài, trong friendlist 30 đứa bạn của tôi, chúng nó chẳng ai quan tâm đến những tấm cover ấy. Không một ai khích lệ, không một ai kêu “Trường ơi, mấy tấm hình đẹp đó, học đồ họa đi”, chỉ đúng một lần được thằng bạn khen, duy nhất một lần!
Và tôi ngày càng tự ti hơn, tôi nghĩ mắt thẩm mỹ của tôi có vấn đề thật và tôi không thích hợp với ngành đồ họa.
Tôi đã gần như từ bỏ dần, ngày càng lười vọc vạch mọi thứ. Nhưng rồi tôi nhận được “đơn hàng” đầu tiên trong đời mình: một project thiết kế quầy hàng ẩm thực cho lớp ngày 26/3. Lúc này được hỏi mới té ra là tụi bạn tôi chúng nó thấy mấy tấm cover của tôi đẹp và đã giới thiệu tôi thiết kế cho lớp.
Khả năng thẩm mỹ của tôi, sau biết bao năm không ai thèm để ý, cuối cùng đã được tin tưởng. Và vui sướng hơn là vào đêm nhìn thấy cái tờ rơi tôi làm, dù rất đơn giản và thô nhưng ai cũng khen tôi làm “xịn”. Tôi cảm thấy được khích lệ rất nhiều.
Tôi tiếp tục tự học Photoshop, Illustrator, nhưng lúc ấy tôi vẫn không nghĩ mình sẽ theo đuổi ngành đồ họa. Chọn khối H1 để vào ngành Đồ họa ở bật Đại Học quá nguy hiểm với một đứa cả văn và vẽ đều không giỏi như tôi. Tôi dè dặt và rồi chọn tiếp tục đi trên con đường “an toàn”, “chắc chắn” hơn: tiếp tục học khối A1 và cố tin rồi trời sẽ cho tôi một cái nghề như bao người khác.
Thế nhưng, tôi đã chán quá chán việc học mà không biết học để làm gì, học mà không có cả động lực lẫn áp lực. Rồi một ngày kia vô tình tôi đọc Harry Potter, nhân vật Serius Black đã nói thế này: “Harry, what is life without a little risk?” – bỗng dưng tôi thấy bị kích động mạnh: Đúng! Đời là gì mà không liều một chút! Tôi dừng lại, và suy ngẫm. Cuối cùng vào tháng 5/2016, tôi đã quyết định theo đuổi con đường trở thành nhà thiết kế, chỉ vì một câu nói của một nhân vật hư cấu!
Tôi quyết định học văn, học vẽ, thi khối H1 và nếu rớt, tôi sẽ chọn học các trung tâm Arena, bất kể gia đình có cho phép hay không. Tôi chỉ chọn một con đường duy nhất: Đồ họa!
Tôi tự học, tự tìm tòi, bắt đầu tìm đọc những sách về đồ họa, bắt đầu follow những designer làm việc ở đầu ngành. Tôi bắt đầu nhận ra đồ họa thực sự là tình yêu của cuộc đời mình.
Ở lớp, tôi luôn đứa thiết kế dạo cho tụi bạn, từ cái nhãn vỡ, bài báo cáo, bài powerpoint. Tôi sẵn sàng bỏ học để làm project. Tôi chứng minh bản thân là một đứa có khả năng thiết kế. Đôi lúc tôi còn được giao những job thiết kế to to như lưu bút của lớp, poster sự kiện âm nhạc của đoàn trường.
Portfolio của tôi cũng không có gì là hoành tráng, nhưng đối với một đứa học sinh 12, tự học đồ họa, tôi hoàn toàn có thể tự hào về những gì tôi làm được. Tháng 5/2017 tôi gửi hồ sơ của mình kèm portfolio cho một trường Đại Học, và tôi nhận được học bổng toàn phần ngành Thiết kế Đồ họa.
Khi nhìn lại một hành trình dài của mình. Tôi mới thắm thía những câu người ta hay nói về đam mê, “Theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn”. Từ ngày tôi chọn quyết tâm đi theo ngành đồ họa, tôi luôn biết rõ những gì mình cần làm, nhìn về tương lai tôi không còn thấy những gì mơ hồ, mù mịt.
Nếu ngày xưa tôi vẫn chọn an toàn, thì có lẽ giờ này tôi đã là sinh viên khoa Kinh tế của một trường Đại học nào đó, vẫn nghĩ mình không hợp với ngành đồ họa.
Tuổi trẻ là thế! Đừng nên mãi sống trong một vỏ bọc an toàn.
Cuộc thi CHÚNG TA PHÁ CÁCH: Hãy nói cho cả thế giới biết… BẠN LÀ AI?
Hãy thể hiện bản thân qua bất cứ một sản phẩm nào bằng sáng tạo, sự khéo tay, những kỹ năng trời phú cho riêng bạn. Nó có thể là một bài viết mô tả bản thân, một bức vẽ tự hoạ, một sản phẩm thiết kế, tác phẩm hand-made, bức tượng bằng đất sét, ảnh chụp chân dung bạn, đoạn phim ngắn giới thiệu bản thân… thông qua cuộc thi “CHÚNG TA PHÁ CÁCH” để khẳng định chất riêng và nhận những phần quà vô cùng giá trị.
Mỗi tháng sẽ có 04 Giải Thắng Cuộc cho 4 thể loại khác nhau do BTC lựa chọn & 01 giải Bình Chọn cho tác phẩm có số lượng likes nhiều nhất với những giải thưởng vô cùng hấp dẫn bao gồm:
– Học bổng 15.000.000 VNĐ của Arena Multimedia;
– 1.000.000 VNĐ tiền mặt
– Ba lô Arena đậm chất sáng tạo
► CHI TIẾT CUỘC THI & ĐĂNG KÝ THAM DỰ: www.arena-multimedia.vn/phacach/