Mở đầu man rợ với chiêm nghiệm “Đôi khi ước mơ đâm chồi từ đau khổ”, tôi kết thúc trong yên bình, mở ra một cánh cửa mới, không chỉ cho tôi, hy vọng cả cho những ai đọc được chút tâm tư này. Tôi đã tìm được “ước mơ” trong “mơ ước”, còn bạn thì sao?
Đôi khi ước mơ đâm chồi từ đau khổ.
Người thành công với những mơ ước tuổi trẻ không nhiều, không phải ngẫu nhiên chuyện của họ lại được nhắc mãi thành câu cửa miệng mỗi cuộc cà phê tán dóc cùng bạn bè, mỗi buổi nói chuyện truyền cảm hứng với người trẻ, mỗi lời răn dạy khuyên lơn đậm nỗi niềm cha mẹ.
Đôi khi để có một câu chuyện như thế, ta phải có sự kiện tạo nguồn cảm hứng, cảm xúc tạo động lực đẩy ta mỗi khi chùn bước.
“Đôi khi ước mơ đâm chồi từ đau khổ” không từ một trải nghiệm, nó là sự chiêm nghiệm từ những con người đơn giản tôi từng gặp, nhưng để rút ra được cũng cần một độ “sống” chín nhất định, do đó câu chuyện của tôi không bắt đầu từ lúc bé, khi tôi còn mơ ước được làm “giáo viên”, “chú rể”… hay khi lớn hơn một chút xíu, yêu thích cảm giác mạnh lại chuyển sang “máu nghề” với “bác sĩ khám nghiệm tử thi”, nó chỉ vừa bắt đầu khi tôi chính thức tự phong mình là người trưởng thành cả về tâm hồn lẫn thể xác (tuổi tác nữa!).
Tôi không chắc như thế nào là “tuổi thơ đau khổ”, vì bản thân chưa từng trải qua, chỉ là cách dùng từ “nặng” để diễn tả cảm xúc “mạnh” khi đến đúng thời điểm, tôi được thỏ thẻ bên tai đầy cám dỗ: “Con nhà người ta đó, lo mà nhìn lại mày kìa!”.
Nói dài nói ngắn nói cong nói thẳng rồi cũng tóm lại, tôi có ước mơ, chỉ khác một số người tôi có nhiều ước mơ nghề nghiệp đến độ nếu thực hiện được hết, tôi sẽ có cơ hội được vinh danh trong sách kỷ lục Guiness (đó cũng được tính là một ước mơ!). Để đến khi đời ép ta lớn lên và nhìn lại, tôi nhận ra mình chả có gì, theo đuổi một đống hỗn độn không dễ như ta tưởng, và trật đường ray là chuyện sớm muộn, nó gần như việc mất đi toàn bộ mục đích sống. Mọi người có thể nghĩ tôi viết về nỗi đau ước mơ bị đánh cắp, nhưng không, tôi viết về “người cầm đuốc”, tôi viết về Nó.
Nó là đứa luôn thu mình lặng lẽ trên chuyến xe vui vẻ lần đầu gặp mặt.
Nó là đứa nói ít nhưng tràn trề trải nghiệm sống.
Nó là đứa đáp chậm vì phải suy nghĩ thấu đáo từng câu chữ.
Bởi vì…
Nó có một tủôi thơ đen nghĩa “dữ dội”.
Nó từng là đứa bé 3 tuổi ôm bụng đói hì hục nấu cơm.
Nó từng là cậu bé 13 tuổi mò mẫm thiết kế từng mẫu nhân vật game, vì đam mê mà vươn lên khác biệt.
Nó từng là thằng sinh viên năm nhất 3 đêm không ngủ cặm cụi tìm hiểu “vì” thốt lên với thằng lạ mặt mới quen trên chuyến xe vui vẻ: “tao muốn/sẽ học/giỏi thiết kế”.
Và nó có một ước mơ mãnh liệt đâm chồi từ hố sâu tôi gọi là “tuổi thơ”.
Nó muốn kiếm tiền để cắt bỏ gông cùm nỗi lo cơm áo, đập vỡ bức tường vật chất ngăn cách đam mê học hỏi với hiện thực phũ phàng.
Nó muốn nổi tiếng với thế giới để bù đắp tuổi thơ “không tên tuổi”.
Nó muốn thiết lập nên đế chế cho riêng mình, một công ty mang sứ mệnh thay đổi thế giới đơn giản qua những thiết kế làm thay đổi cuộc sống những con người trong cái thế giới ấy.
Bạn có biết “pay it forward”? Nếu không, tôi sẽ giải thích đơn giản, nó là “đáp đền tiếp nối”, tôi thay đổi một người, họ thay đổi một người khác, cứ thế tiếp diễn… Ước mơ của Nó có thể làm vòng lặp đó lan rộng, thay đổi từng nhân tố, thay đổi thế giới.
Nó đã có một ước mơ.
“Người cầm đuốc” không đơn giản là nhà thám hiểm, vận động viên, người dẫn dắt đoàn thể, họ ở quanh ta, họ là hình tượng hóa tôi dành cho người khiến ai đó thay đối suy nghĩ, “bật” ra một chiêm nghiệm bằng một câu chuyện đôi khi không cần dùng lời nói để diễn tả.
Họ liên quan gì đến “ước mơ”? Đôi khi một câu chuyện có thể làm khơi nguồn ham muốn, đủ mãnh liệt nó sẽ thành khát khao, được nuôi dưỡng nó là đam mê, và được chắp cánh nó bay lên điểm “mơ ước”. Theo đuổi không ngừng, luyện tập không nghỉ để chạm tay đến điểm đó là một câu chuyện khác, có ước mơ, có điểm mốc, con người sẽ tìm được động lực để vươn tới.
Đây không hẳn là một câu chuyện hoàn chỉnh, mở đầu hoàng tráng, kết thúc chói lọi, chỉ là chắp vá những mảnh ghép sáng nhất trong cuộc đời tôi về hai từ “ước mơ”, một trong những may mắn nhất tôi từng gặp là đã vô tình nghe được một “câu chuyện”.
Và tôi cũng đã có “một” ước mơ.
Tôi không kể ước mơ của mình, vì tôi biết cuộc sống nhanh lắm, con người ít khi dành thời gian nghe về một ước mơ. Tôi kể ước mơ của nó, vì ít nhất sẽ có tôi “canh giữ”, cho đến khi thế giới được thay đổi tốt đẹp hơn.
Mở đầu man rợ với chiêm nghiệm “Đôi khi ước mơ đâm chồi từ đau khổ”, tôi kết thúc trong yên bình, mở ra một cánh cửa mới, không chỉ cho tôi, hy vọng cả cho những ai đọc được chút tâm tư này. Tôi đã tìm được “ước mơ” trong “mơ ước”, còn bạn thì sao?
————————————————–
Câu chuyện của bạn Lê Trọng Nghĩa tham gia cuộc thi Chắp cánh Đam mê (www.arena-multimedia.vn/chapcanhdamme)
Ngày sinh: 1/7/1995
Nơi học tâp: Trường ĐH Tài Chính Marketing TP Hồ Chí Minh