Nhưng mãi mãi, tôi không làm một cô giáo, dường như, tôi cứ đi thôi…đi không phương hướng để đảm bảo sự cân bằng nhất định trong chuyển động. Như chiếc xe đạp nếu bánh xe không quay thì xe sẽ bị đổ…
Đã rất nhiều đêm tôi trằn trọc, tự hỏi về “Đam mê” là gì và ý nghĩa của nó? Rất nhiều người thành công, họ nói về “đam mê”; nhưng làm sao để tôi phát hiện ra “đam mê” của chính mình?
Một cô gái từ nhỏ luôn bị bạn bè bắt nạt vì chẳng có điểm gì nổi trội; lớn lên, đi làm, bị đồng nghiệp lợi dụng, coi thường vì làm việc mờ nhạt. Đó là cô gái giấy nhớ – Hân Di trong một bộ phim tôi từng xem. Loại giấy nhớ có thể ghi bất kì thứ gì bạn muốn và có thể bỏ đi không cần suy nghĩ khi bạn không cần. Nhưng cô gái ấy rất thích đồ gốm, cô thường nặn nhiều hình khi còn nhỏ, và sử dụng đồ dùng bằng gốm. Gốm là niềm yêu thích của cô. Vào một ngày đẹp trời, cô gặp một người nổi tiếng trong giới về đồ gốm, người đó giúp cô tìm ra đam mê của cô, tìm ra chính cô…Và kết quả là cô đã không còn là một cô gái giấy nhớ nữa, cô có sự nghiệp của mình trong lĩnh vực gốm.
Còn tôi? Tôi không biết thật sự mình thích điều gì?
Khi tôi học cấp 2, tôi mất hai ngày lên sân thượng để oán thán với ông trời rằng: “Tại sao ông lại đối xử bất công với con thế!” – Khi mẹ làm thủ tục xong xuôi chuyển tôi từ đội Toán sang đội Lý để đảm bảo tôi có thể cân đối các môn thi vào cấp 3. Nhưng rồi thì… tôi thấy học Lý là một điều cũng khá hay ho và cũng cho tôi chút tự hào nhất định.
Tôi mất 2 năm để giận dỗi và cáu kỉnh với mẹ vì tôi buộc lòng phải thi luật và học luật. Thi thoảng trên facebook có vài người bạn đăng về nghề giáo, học sinh và con số… Kèm theo là những số điểm chưa bao giờ có thể lẹt đẹt hơn thế ở trường Luật. Tất cả là tại mẹ, khiến đời tôi như bùn đen, đầm lầy không thể nào vực được. Nhưng rồi thì… tôi thấy mình trưởng thành nhờ luật và tôi có thành tựu riêng của mình từ tự tin để tranh luận, từ tư duy để có vài giấy chứng nhận… Khả năng không nổi trội nhưng cũng không phải loại bỏ đi… Tôi nghĩ tôi yêu luật mất rồi!
Cho đến ngày tôi phát hiện ra, bậc đàn anh đàn chị của mình thích thú với tập văn bản luật, án lệ các nước, khát khao chờ nghị định mới ra đời… vui buồn với nghề luật. Tôi tự hỏi lại mình: Tôi chưa bao giờ như thế, tôi không thích các điều luật, sắp xếp chúng thành mục của riêng mình như tôi từng yêu Toán.
Với Toán, tôi tự học 400 dạng bài tập, Toán nâng cao… cả hàng tháng hè dù mất điện tôi vẫn hàng ngày đọc chúng, vui mừng học theo những thủ thuật toán học mà VTV2 chiếu và làm theo, đến lớp đưa cô xem và cô thì không hiểu tôi đang làm cái gì? Nhưng tôi vẫn làm và thích thú với chúng. Thời cấp 2, tôi có 3 cuốn về Toán học, do tôi tự tổng hợp: về tổng hợp toán số học – tập hợp, về phương trình – hệ phương trình, về bất đẳng thức. Tôi vẫn nâng niu chúng trong hòm của mình, thi thoảng khẽ thở dài, cho những ước mơ từ nhỏ. Bà nội nói: nếu là một cô giáo, tôi sẽ là một cô giáo giỏi.
Nhưng mãi mãi, tôi không làm một cô giáo, dường như, tôi cứ đi thôi…đi không phương hướng để đảm bảo sự cân bằng nhất định trong chuyển động. Như chiếc xe đạp nếu bánh xe không quay thì xe sẽ bị đổ…Nhưng “ĐAM MÊ” là gì? Nó là thứ nếu không có điều kiện, không đánh thức thì không thể tìm ra; không nuôi dưỡng thì không thể tồn tại. Và ta sẽ đi như thế, nhàm chán, và an phận để mưu sinh, cân bằng tối thiểu mà sống! Không có gì nổi bật nhưng an toàn…Tìm ra rồi nhưng lại không đủ dũng khí để giữ lại, cuộc sống còn bao nhiêu người như vậy nhỉ?…Đam mê hay là cơ duyên?
———————
Câu chuyện của bạn Bùi Thanh Trà tham dự cuộc thi Chắp cánh Đam mê (www.arena-multimedia.vn/chapcanhdamme/) Sinh ngày 26/02/1994. Sinh viên Đại học Luật Hà Nội.