Bạn biết không, trong mỗi cuộc đời chúng ta điều tồn tại những điểm dừng khác nhau, những điểm dừng ấy – chúng ta gọi là những “nhịp rơi”, và tùy vào bạn đã ngắt đúng nhịp hay dừng đúng lúc để rồi bộc phá nó ra, chúng ta sẽ có những đường cong tuyệt đẹp, những bước đột phá vượt bậc, những “bước ngoặt cuộc đời”.
Bạn có bao giờ tự hỏi: “Tôi là ai?” “Tôi ở đâu?” “Mục tiêu của tôi là gì?”“Tôi tồn tại vì điều gì?” “Tôi có gì, mất gì trong cuộc đời này?” “Những gì tôi được và mất có đáng không?”… Hàng ngàn hàng vạn câu hỏi cứ như thế xoay quanh trong đầu tôi, và tôi tự hỏi “mình đang làm gì?”
Được sinh ra trong một gia đình ấm cúng, tôi – một cô bé hay mơ mộng. Cùng với gia đình của mình – những người Dì của tôi, Cậu của tôi, cùng Mẹ và Bà tôi, chúng tôi là một đại gia đình thật sự. Những niềm vui nỗi buồn, từng khoảnh khoắc của chúng tôi được sẻ chia với nhau dưới không gian gia đình ấy.
Rồi lớn hơn một chút, tôi biết những gì mình trải qua từ nhỏ không phải là một giấc mơ, nó như một “lăng kính” để tôi xuyên qua nó nhìn về xã hội này vậy. Tôi thích điều ấy, và rồi tôi bắt đầu có ý muốn đưa những điều đó vào trong những bức tranh, như một cách ghi nhớ kí ức cho riêng mình vậy. Hòa vào bức tranh cuộc sống của tôi, tôi bắt đầu vẽ.
Ban đầu chỉ đơn giản là vẽ – để lưu lại những khoảng khắc tôi thích. Nhưng rồi đến một ngày, tôi nghĩ điều đó thật sự không đúng, mọi thứ dường như vượt xa dự định ban đầu của tôi, tôi muốn dùng ngòi bút này đưa tất cả mọi nơi, mọi sự vật trong cuộc sống này hòa vào với nhau làm một. Nhưng gia đình tôi lại không thích điều đó, họ cho rằng nếu tôi không cố gắng học thì sẽ chẳng bao giờ có được tương lai, nghe lời Dì, tôi gạt sang bên giấc mơ thuở nhỏ còn dang dở, rồi tiếp tục chuyến hành trình không có điểm dừng trên con đường học vấn xa xôi.
Mười bốn tuổi, tôi bắt đầu “đào ngũ”, dùng cụm từ đó có hơi tối nghĩa nhưng đối với tôi, việc làm trái những gì gia đình tôi đã dạy cho tôi – đó chính là hành động “đào ngũ”. Tôi nhớ năm đó quê tôi có tổ chức lễ hội Thỉnh Sắc Thiên Hậu Nương Nương lớn lắm, và đó cũng là lần đầu tiên “đào ngũ” của tôi. Tôi xin phép đi hội cùng mấy đứa em mình nhưng gia đình lại ngăn cản. Tôi thấy ức lắm, em tôi nhỏ hơn tôi những hai tuổi thì được ba mẹ nó cho phép đi, còn tôi – đứa già hơn lại không được. Như nước tràn ly, tôi trở nên ương ngạnh và quyết làm theo những gì mình thích. Tôi không muốn bản thân mình lúc nào cũng phải thuận ý người khác quá nhiều, phụ thuộc người khác quá nhiều, làm theo ý người khác. Tôi cảm thấy mình như không phải là mình nữa, tôi đã lớn và tôi cần phải “nói” cho mọi người biết điều đó – tự chịu trách nhiệm những gì bản thân làm ra…
Sau lần đó, tôi cảm thấy bản thân đã trưởng thành hơn. Tôi bắt đầu lén nhận lời nhờ cậy vẽ hộ của tụi bạn trong lớp. Vì sợ gia đình phát hiện tôi chỉ dám vẽ ở trường, trong suốt 15 phút ngắn ngủi – tôi gạt bỏ hết mọi phiền muộn xung quanh, chỉ tập trung vào những đường cong cong thẳng thẳng do chính cây bút mà mình họa ra. Dần dà tay nghề tôi nâng cao hơn, chỉ cầm cầm cây bút chì trong tay, tôi như quên hết sự đời.Tôi cứ như thế cho hết cấp 3.
Mười tám tuổi, ngưỡng cửa đại học xa vời vợi.
Chuyện gì đến rồi cũng sẽ đến…..
Mười tám tuổi, tôi phải đối mặt với “tương lai” của mình. Tôi lúc đó chỉ muốn học vẽ thôi… nhưng mà tôi lại sợ gia đình sẽ lại cản tôi như trước nữa, Dì tôi nói “muốn gì thì mày cũng phải có cái bằng rồi muốn làm gì thì làm!!!”. Cũng chính vì thế nên tôi dứt khoát chọn học nghành “Ngoại ngữ Tiếng Trung”. Đây là điều duy nhất để tôi có tấm bằng Cao Đẳng như bao người khác có thu nhập để thực hiện ước mơ của mình….
Mặc dù tôi đã chọn học ngành ngoại ngữ nhưng tôi vẫn ko từ bỏ ước mơ, tôi luôn luôn rèn luyện và học hỏi những cách vẽ mới từ những người có niềm đam mê giống như tôi…
Sải bước con đường mà bản thân bước trên đó bao lần, tôi lại bắt gặp những ánh mắt băn khoăn của những cô học trò, những mái đầu xinh xinh chứa đầy những trò chơi, những bài học đêm dài. Tôi chợt nhân ra bản thân mình thật lạ, không còn cái ánh nhìn dè dặt lẫn băn khoăn của tuổi thơ ngập ánh nắng nữa.
Mùa này, những áng cỏ ven đường lồng lộng gió, cơn gió mùa hạ đang ùa về, thổi về miền kí ức một thời.
Giờ tôi đã có thể vẽ nhiều kỹ thuật khác nhau: chibi, biến họa, chân dung… tôi đã không còn là một cô bé hay khóc nhè miếu máo đòi Dì nữa, tôi đã trưởng thành hơn, tôi biết mình cần gì, muốn gì, và… tôi biết bản thân mình phải làm gì để thực hiện ước mơ của mình.
Điều cuối cùng, tôi muốn nhắn hỏi bạn một câu:
“Bơi ngược dòng, bạn có dám!!”
————————————————–
Câu chuyện của bạn Trầm Ngọc Yến tham gia cuộc thi Chắp cánh Đam mê (www.arena-multimedia.vn/chapcanhdamme)
Ngày sinh: 21/11/1995
Nơi học tâp: Trường ĐH Nguyễn Tất Thành