Tôi từng bị bắt nạt. Không phải là kiểu bắt nạt bạo lực, mà là về tinh thần.
Những chuyện đó diễn ra suốt những năm cấp I và đến cuối những năm cấp II. Tôi bị trêu chọc với những từ xấu xa, thô tục nhất mà một đứa trẻ có thể nghĩ ra lúc đó. Họ đem tên tôi ra sửa thành những thứ xấu xí nhất, ngay cả tên cha mẹ tôi cũng vậy. Mỗi ngày đi học là một cực hình, khi bước vào cửa lớp là những tiếng cười cợt, lời xua đuổi. Tôi chỉ im lặng.
Năm lớp 6, mọi chuyện ngày càng tệ hơn. Tôi bị cô lập. Tôi luôn đứng ở một góc nhỏ, nép người vào sâu nhất có thể, để ít người thấy được mình nhất có thể. Vì khi họ nhìn thấy tôi, họ sẽ xì xào với nhau và ném cho tôi những nụ cười, mà đến bây giờ tôi vẫn còn ám ảnh. Tôi còn nhớ như in học kì II năm lớp 6, trong phòng tin học máy cuối dãy thứ hai, đứa con gái tên T. đã hét vào mặt mình: “Tao ghét mày lắm đó mày biết không hả ?!! Sao mày không biến về nhà với con mẹ mày đi !!!!” Tôi không nhớ lúc đó mình đã phản ứng như thế nào, chỉ biết rằng sự tổn thương ấy vẫn còn theo mình tới hiện tại.
Bị cô lập và xa lánh, tôi mất dần sự tự tin, co mình lại trong thế giới của mình. Đó là lúc tôi bắt đầu vẽ. Cảm giác tổn thương, buồn rầu, đau đớn, tôi đem hết vào tranh của mình. Tôi thích vẽ từ lúc còn nhỏ, vẽ lên bất kì chỗ nào có thể, đến nỗi từng bị mẹ đánh vì vẽ vào sổ thu chi của mẹ. Khoảng thời gian đó, tôi vẽ nhiều, rất nhiều. Những giờ ra chơi, những đứa trong lớp kéo nhau xuống căn tin, đi vòng quanh trường chơi, tôi chỉ ngồi và vẽ. Một cách lén lút. Vì nếu để bị nhìn thấy, những bức tranh của tôi sẽ lại bị lôi ra làm trò đùa cho họ.
Lúc đó, hầu như tôi chỉ vẽ những cô gái, đứng một mình và không bao giờ mỉm cười. Ba hay trêu tôi rằng “Con lại vẽ “Nữ hoàng Ai Cập” đấy à ?!”. Lúc đó, ba mẹ đầu tắt mặt tối với cơm áo gạo tiền, tôi cũng chẳng dám nói cho họ biết việc ở trường, chỉ biết đem tâm trạng thả vào từng trang giấy. Không đủ giấy vẽ, nhà có cái tũ gỗ thật to, bên hông tủ trơn, tôi dùng phấn vẽ luôn lên đó. Có thể nói, mơ ước của tôi được ươm mầm từ cái tủ gỗ cũ kĩ, trong căn nhà nhỏ hẹp vào những ngày đó.
Lên lớp cao hơn, việc học nặng hơn, bài vở nhiều hơn và tình trạng bắt nạt cũng gần như không còn, dù những cái nhìn soi mói chán ghét vẫn quét lên tôi như trước. Tôi ít vẽ dần, gần như không còn vẽ trong lớp nữa. Tôi chỉ vẽ ở nhà, những lúc rãnh rỗi. Ấy vậy mà ước mơ cứ mãi đi theo và lớn dần lên trong tôi. Ước mơ gắn liền với giấy và bút, được viết về cuộc sống, được vẽ và tạo ra những điều mình yêu. Tôi muốn trở thành một nhà thiết kế.
Tôi học chương trình tiếng Pháp, năm thi chuyển cấp II lên cấp III, tôi rớt FIEF và phải vào Marie Curie học. Với những định kiến xưa cũ về một trường bán công (dù đã trở thành trường công lập hoàn toàn) và những lời đe dọa của thầy cô, vào Marie Curie là địa ngục. Tôi đã thấy ba tôi giận dữ như thế nào, qua những tiếng hét, tiếng thở dài. Tôi đã thấy mẹ tôi buồn bã như thế nào, qua những giọt nước mắt rồi mệt mỏi thiếp đi trên sofa. Những ánh mắt của ba mẹ và họ hàng lúc đó, tràn ngập sự thất vọng và chán ghét. Sự hoảng sợ lại quay lại với tôi. Vẫn chỉ có vẽ giải phóng được tâm trạng của tôi. Thời gian đó tôi vẽ điên cuồng, vẽ nhiều tới mức chẳng nhớ mình vẽ gì. Càng vẽ, mơ ước của tôi càng rõ ràng hơn, khao khát của tôi càng cháy bỏng hơn. Tôi thật sự muốn được làm một nhà thiết kế. Còn thiết kế gì thì không quan trọng, chỉ cần được vẽ, được sáng tạo. Chỉ thế thôi.
Đầu năm lớp 10, gia đình tôi chuyển nhà lên quận 12. Lúc dọn nhà, những bức vẽ bị thất lạc gần hết, tôi tiếc đến mức khóc suốt 3 ngày. Cảm giác như mất đi cảm xúc của mình, mất đi một phần của chính mình. Cuối lớp 10, tôi quyết định đem mong ước của mình nói cho ba mẹ và xin cho tôi đi học vẽ. Câu trả lời không ngoài dự đoán của tôi. Họ không chấp nhận. Trong suy nghĩ của những người thuộc thế hệ, đói thì ăn bo bo, khoai mì, học vẽ là làm họa sĩ, mà họa sĩ thì chỉ có nghèo. Dù tôi giải thích thế nào, năn nỉ ra sao cũng chẳng thể thuyết phục được ba mẹ. Thế nhưng tôi vẫn vẽ, với hi vọng sự cố gắng của mình sẽ làm họ thay đổi suy nghĩ.
Suốt năm lớp 10 và 11, tôi vẫn vẽ những bức tranh cho riêng mình, dù ít hơn trước, thỉnh thoảng vẽ vài thứ để trang trí lớp hoặc quầy hàng của lớp mỗi khi có trại. Khao khát, mơ mộng, tôi nhìn những đứa bạn cùng lứa bắt đầu luyện vẽ để thi vào đại học Kiến Trúc, đại học Mỹ Thuật, Arena… mà ứa nước mắt. Cái cảm giác biết mình muốn gì, cần gì, biết mình phải làm gì để có được nó, nhưng rồi lại chẳng thể làm được, vô cùng khó chịu. Từ cuối năm 11 cho đến hết cấp 3, tôi hầu như chẳng vẽ gì nữa ngoài vài thứ để trang trí cho hội trại trường. Không phải đam mê của tôi nguội lạnh, chỉ là lúc ấy, tôi đã mất đi động lực để phấn đấu, và hơn hết cả, là tôi sợ. Sợ tiếp tục vẽ thì giấc mơ đó sẽ ngày một lớn, mạnh mẽ và quan trọng hơn trong tôi. Mà một thứ đã quá quan trọng của bản thân bị đạp đổ, chẳng phải sẽ rất đau sao ?!
Thi đại học, tôi làm hồ sơ thi vào đại học Luật. Và rớt. Tôi không ngạc nhiên, chỉ thấy chán nản bản thân kinh khủng. Không muốn ba mẹ thất vọng, tôi làm hồ sơ đăng kí vào PUF và trúng tuyển. Trở thành sinh viên của đại học Toulouse I Capitole, ngành Kinh Tế Quản Lí, là điều chưa bao giờ tôi tưởng tượng được. Học một ngành học mà mình không có một chút đam mê hay hứng thú quả thật là một cực hình. Không chỉ vậy, học phí là cả một gánh nặng, dự định vào đại học rồi học vẽ của tôi chẳng bao giờ thành. Lúc đó, tôi thật sự đã nghĩ rằng, mơ ước của tôi, cố gắng của tôi, dù nhiều như thế nào cũng chỉ dừng lại ở đây thôi, cũng chỉ có vậy thôi.
Khoảng thời gian đầu khi mới vào đại học, tôi chẳng buồn động tới bút vẽ, dù vẫn lên Instagram hay Youtube coi những video về hội họa. Một lần xuống thăm ngoại, tôi nói với ngoại “Ngoại ơi con nản quá, chắc cả đời con cũng chẳng thể vẽ được thứ gì ra hồn.” Tôi không chắc ngoại nghe được câu nói đó, vì tôi nói khá nhỏ trong khi ngoại đã có tuổi và thường khó nghe. Vậy mà mấy hôm sau, ngoại gửi mẹ đem về cho tôi hai bó bút chì, chì màu đủ loại, toàn đồ tốt. Tự dung tôi khóc, cảm giác lúc đó của tôi chính là “A đây rồi, thì ra vẫn có người nghe thấy mình, vẫn có người ủng hộ mình đây”. Thế là tôi bắt đầu vẽ lại. Bức vẽ đầu tiên của tôi ở đại học, là một phần gương mặt của thầy Xavier. Khi đưa bức vẽ lên Facebook, tôi đã rất lo lắng về nhận xét của mọi người. Để rồi khi nhận được một số lời khen từ những người bạn cùng trường, dù có thể chỉ là khen xã giao, nhưng trong tôi như có gì đó bùng cháy, đầy khao khát và mãnh liệt. Tôi quyết tâm tự luyện vẽ cho mình mà không cần trường lớp, chỉ dựa vào những video hướng dẫn và tham khảo tranh của nhiều người.
Bây giờ nhiều lúc, nhìn lại những bức vẽ từ rất lâu về trước mà may mắn tôi còn giữ được, rồi lại nhìn những bức vẽ bây giờ, tôi đột nhiên cảm thấy tự hào. Tôi vẽ chưa bằng ai, nhưng đã hơn tôi của ngày cũ. Nhìn những bức vẽ hoàn thiện hơn, thật hơn, nhiều cảm xúc hơn, tôi thật sự thấy hạnh phúc. Vì mình vẫn đi tiếp con đường mình chọn, vì mình vẫn giữ được đam mê từ thuở bé, vì vẫn là chính mình.
Tôi viết nhiều, vẽ nhiều, người khen tôi nhiều và người chê còn nhiều hơn. Nhưng họ đâu biết, tôi viết, tôi vẽ đâu phải để họ khen chê. Tôi vẽ cho tôi, cho khao khát của chính mình. Cho đứa trẻ đứng khóc trên hành lang cấp I khi bị xua ra khỏi lớp. Cho cô bé đứng nép vào một góc khuất sợ hãi những lời bàn tán, miệt thị về mình giữa sân trường cấp II. Cho cô gái im lặng nhìn đứa bạn bằng tuổi mình tạo nên những tuyệt tác với những màu sắc trong lớp học thêm văn cấp III. Và cho những giấc mơ được ươm mầm từ chiếc tủ gỗ và những viên phấn vụn ngày nào.
Trải qua nhiều đau thương vụn vỡ, trải qua những lần thất vọng với chính mình, tôi bây giờ đã tìm thấy điều mình thật sự muốn và phải làm, học được cách bỏ ngoài tai những lời dèm pha, những gì người ta nghĩ về mình. Và rồi, như những họa tiết đầu tiên tôi vẽ trên nền giấy cam với dòng kẻ ngang, tôi vẫn sẽ tiến lên phía trước, rồi vỡ tung ra thành những họa tiết đẹp đẽ nhất mà vẫn bám chặt lấy ước mơ của mình.
Chẳng phải con người chúng ta đẹp nhất là khi biết mơ ước đó sao ?
P/s : Tôi thật sự nhẹ nhõm khi có thể viết ra tất cả những dồn nén của mình suốt nhiều năm qua. Thật sự cảm ơn ban tổ chức cuộc thi và bất kì ai đã có kiên nhẫn đọc hết bài viết dài dòng, nhạt nhẽo này. Xin cảm ơn.
——————-
Câu chuyện của bạn Phạm Bảo Ngọc Trân tham gia cuộc thi www.arena-multimedia.vn/chapcanhdamme/ Sinh ngày : 4/10/1996 Nơi học tập/công tác : Trung tâm đại học Pháp PUF