“Với tôi, hành trình tìm ra đam mê là một con đường dài chưa kết thúc. Nhưng tôi tin, trong hai năm qua, mình chưa lãng phí phút giây nào trong đời.”
Đây là câu chuyện về cách tôi vượt qua khủng hoảng tuổi 18 và tìm thấy niềm đam mê của mình. Mong rằng những bài học tôi học được sẽ truyền cảm hứng cho các bạn theo đuổi đam mê và tìm kiếm những điều tích cực trong cuộc sống của chính mình.
Tôi vốn là một đứa không thích đi học ở trường. Từ bé lúc nào tôi cũng có tên trong danh sách cá biệt. Nhưng sự thực là bây giờ tôi đã coi việc học như là một điều kiện đủ để đảm bảo sự tự tin trong cuộc sống. Người trẻ như tôi thích nghĩ là mình có khả năng. Tôi thì quá lười để làm một cái gì đó vĩ đại hơn, nên tôi chọn cách học. Chỉ cần tôi thi đỗ vào lớp này, trường này, thì tôi vẫn sẽ còn có thể tự tin nhìn thẳng, biết rằng cuộc đời mình ít nhất cũng đang đi đúng đường.
Khủng hoảng tuổi 18 của tôi xuất hiện khi tôi nhận ra rằng mình chuẩn bị… vô hướng. Đó là thời điểm tôi sắp tốt nghiệp THPT, không còn phải đi học nữa (không may có một thời gian tôi bị chuyển vào 1 trường dân lập. Trường dân lập thì các bạn biết phong trào học khá là kém, trừ một số trường chuyên có tiếng ở Hà Nội). Vậy tôi lấy cái gì ra làm điều kiện, động lực đủ để đảm bảo mình đang đi đúng hướng đây?
Đi học thì đơn giản. Thích học môn gì nhất thì chọn thi vào chuyên đó. Chọn đại thôi chứ học xong làm gì với nó thì đến lúc đó hẵng tính. Những môn khối A, B, C , D đều là 1 ác mộng với tôi. Chuyện thi Đại học không đơn giản như thế: Có quá nhiều trường để chọn. Sở thích của tôi từ bé thì chỉ thích chép tranh, vẽ lại những cái gì đã có sẵn. Nhưng tôi lại ghét mấy thằng cha râu ria tóc bù xù, chân tay lấm màu, gia đình tôi cũng đã có người theo nghệ thuật nhưng đến bây giờ tôi vẫn thấy anh ấy có vẻ mơ màng về tương lai của mình.
Có quá nhiều lựa chọn cũng là một vấn đề, và nhất là lựa chọn sai sẽ kéo theo những năm tháng tuổi trẻ quý giá của tôi đi vào phí hoài. Tôi quyết định chọn tạm trường để thi. Sau đó tôi may mắn đã tập trung ôn thi vào một tháng trước kì thi đại học, với quyết định chọn thi khối H, tôi đã có được một số điểm khá hài lòng. Lúc đó tôi vẫn chẳng có ý định là mình sẽ làm thiết kế. Chỉ là thi lấy kết quả về cho bố mẹ vui thôi. Từ bé tôi đã ghét việc bố mẹ kèm cặp, tôi thích tự do, thích mọi việc do mình quyết định và làm.
Phần lớn những ước muốn của chúng ta ít được người lớn quan tâm. Thậm chí trong nhiều trường hợp, chúng ta còn bị chê, phê bình vì những nhu cầu mong ước của tuổi mới lớn. Chúng ta không được quyền lựa chọn hoặc đề cập đến những nhu cầu hay sở thích mang tính cá nhân. Như 1 con rô-bốt được lập trình sẵn, chỉ được làm những gì người khác sai bảo và nói những gì được phép. Và chắc hẳn 95{2fbbcdce6fba7ceca857f06e76ee977e945822970f76c6e598e150c203d39bd9} các bạn trong độ tuổi dưới 18 đều thấy những câu nói dưới đây quen thuộc với mình: “Bố/mẹ không muốn nghe thêm bất cứ điều gì về vấn đề này nữa; Bố/mẹ không có thời gian cho việc này; Sao con chỉ biết nghĩ đến bản thân mình vậy?; Hãy làm theo cách của mẹ; Chừng nào còn sống ở nhà này thì con phải tuân theo những khuôn phép của bố mẹ; Bố/mẹ không quan tâm con thích gì và muốn gì, con chỉ được làm những điều bố/mẹ cho phép mà thôi…”
Bản thân tôi hiểu là những lời trên đều muốn tốt cho mình. Nhưng bố mẹ đâu hiểu được hết tâm lý của con cái trong cái thời buổi này. Tôi quyết định sẽ không làm theo bất cứ gì tôi cho là k hợp lý và bị áp đặt. Giống như ở trường học vậy, thật buồn cười. Tôi ngồi tại một chiếc bàn màu nâu, hình vuông giống như bàn của những bạn trẻ khác, chợt nghĩ: Tại sao chiếc bàn này không sơn màu hồng nhỉ? Phòng học của tôi cũng hình vuông và màu trầm giống như những phòng học khác. Không gian thật bó buộc và ngột ngạt. Tôi ghét phải ghì chặt cây bút chì hoặc viên phấn trong tay để viết nên những con số hoặc một chữ cái vô nghĩa nào đó. Tôi ghét phải viết những nét chữ thẳng, cứng cáp và theo mẫu có sẵn. Chỉ toàn là những yêu cầu. Và cũng như các bạn, tôi chỉ thích Máy bay và Tên lửa.
Khi tôi còn bé, như các bạn, nếu phải trải qua một tình huống trớ trêu khi đưa ra nhu cầu của bản thân thì hẳn khi lớn lên, bạn sẽ trở nên dè dặt trong những tình huống tương tự. Sở dĩ như vậy là bởi chúng ta sợ bị từ chối, mất thể diện và sợ bị người khác chế nhạo. Kết quả là chúng ta trở nên thụ động và tự tước đi cơ hội thành công của mình.
Con người ta cứ mãi đấu tranh với những kẻ thù vô hình do chính mình tạo ra mà quên đi cuộc đấu tranh bên ngoài để đạt được những gì hằng khao khát. Nếu hỏi một điều gì đó có vẻ ngớ ngẩn, rất có thể bạn sẽ trở nên yếu thế và bị người khác coi thường. Điều này cũng có nghĩa là bạn có thể bị tổn thương khi bị người khác khước từ những điều mình mong ước. Còn tôi, tất nhiên là tôi chẳng muốn cho ai cái quyền được làm điều đó với mình. Hãy học cách tận hưởng cuộc sống, bằng lòng với những gì mình đang có, thưởng thức các món ăn yêu thích. Và khi bạn biết quan tâm đến những vui buồn của người khác thì cũng chính là lúc bạn cảm nhận được mọi cung bậc của cuộc đời. Chính bạn đã làm cho cuộc sống trở nên tươi đẹp hơn.
Khi sinh ra tất cả chúng ta đều sở hữu một nội tâm mới mẻ và thuần khiết. Tuy nhiên, trong quá trình trưởng thành, không ít người đã bị những dòng tư tưởng hạn hẹp của truyền thống gia đình hay những thông tin sai lệch từ những người xung quanh chi phối, kết quả là tâm hồn bị thui chột và trở nên xơ cứng. Vậy nên tôi chẳng bao giờ 100{2fbbcdce6fba7ceca857f06e76ee977e945822970f76c6e598e150c203d39bd9} nghe theo bố hoặc mẹ. Vì vậy tư tưởng tôi luôn được thoải mái phát triển. Khi đi thi đại học, tâm lý tôi rất thoải mái, như đi chơi thôi vì lúc đó bản thân tôi vẫn chưa yêu thích nghành nghề đó. Vì thế khi có điểm báo và giấy gọi nhập học thì tôi cũng chẳng có gì bất ngờ cho lắm.
Quay lại về tuổi 18, nhiều lúc giấc mơ của tôi khi học lớp 12 bị mơ hồ, mải chơi, suy nghĩ cuộc đời rất đơn giản. Rồi tôi đi học thử Nấu ăn, Cắt tóc,… nhưng cuối cùng chẳng có gì khiến tôi hài lòng. Nhiều khi tôi muốn tìm một cô gái xinh đẹp để yêu, rồi cưới, rồi sinh vài đứa nhóc,… Chỉ suy nghĩ về việc này thôi đã làm cho tôi thấy mệt, nói gì đến hào hứng, phấn khởi…
Thời THPT, bạn bè kháo nhau sau này “phải làm trong những công ty xịn, gắn “mác” quốc tế, nhận lương tháng tính bằng đô thì mới gọi là thành đạt”. Tôi cũng chạy theo trào lưu, nhờ vào chị ruột và lao đầu vào kiếm tiền bỏ quên việc học. Khi 19 tuổi, tôi đắm mình trong niềm tự hào mãnh liệt tại môi trường làm việc tuyệt vời. Tôi lao vào làm việc hăng say, hòa nhập vào nhịp điệu chuyên nghiệp, lặn ngụp trong khối lượng công việc khổng lồ đó là quản lý 60 bạn PG bán hàng. Khi đó tôi chỉ nghĩ kiếm thật nhiều tiền nhiều tiền, lương 1 tháng đóng học được 2 năm cơ mà cứ làm đi học sau.
Quên ngày tháng, quên bạn bè, gia đình người thân. Tôi cứ chạy theo thứ mà xã hội vẫn thường hay nhắc đến đó là đồng tiền. Sau 3 tháng hăng say, tôi bắt đầu cảm thấy sức khỏe giảm sút. Tôi quyết định dừng công việc của mình lại và gửi số tiền kiếm được vào thẻ ATM của mình. Tôi có một người anh, tôi luôn coi đó là anh trai, thần tượng của mình. Người đã giúp đốt cháy thêm vào thứ đam mê chưa hoàn thiện của mình. Tôi hỏi anh: “Anh ơi, em định vào Arena Multimedia học. Em thấy quảng cáo khá hay, đứa em em đóng phim cho trường đó cũng nói trường đó được, mà em định tham khảo ý kiến của anh trước.” Anh trả lời tôi: “Riêng anh thì anh không thích môi trường học ở đó lắm. Nhưng anh vẫn ủng hộ em đi học. Học chẳng bao giờ là thừa cả”. Lúc đó tôi mới về hỏi ý kiến bố mẹ. Câu trả lời thì tôi biết trước là KHÔNG rồi. Nhưng mọi việc từ trước đến giờ vẫn là do mình quyết định mà, cứ hỏi không được thì lấy tiền đi làm ra đóng. Và cả nhà tôi sống và suy nghĩ theo thời kỳ cũ, chẳng ai tin rằng tôi thay đổi để đi học cả. Tôi tự nhiên ngoan đột xuất. Câu trả lời vẫn là Không.
Tôi quyết định đi đăng kí học bằng tiền lương lao động của chính mình. Mới đầu tôi thấy môi trường học tập khá ổn và phù hợp với mình. Yên tĩnh không quá xô bồ. Mọi vấn đề thắc mắc đều được giải quyết trong giây lát. Rồi cứ thế tình cờ tôi lại gặp được những người thầy thực sự. Với tôi họ vẫn còn trẻ nhưng đều có những hiểu biết khá rộng rãi. Nhiệt tình trong mọi vấn đề. Càng học càng thích tìm hiểu. Gần như đi học bên trường đại học kia chỉ gọi là cho có cho đủ buổi chứ chẳng có một tí hứng thú nào cả. Sau mỗi buổi học của thầy Lợi – trường Arena Multimedia tôi với thầy đều về cùng đường và đi ăn tối.
May mắn cứ thế đến với tôi. Thầy lại giúp tôi gỡ rối hàng nghìn câu hỏi đang thắc mắc trong cái không biết có phải là đam mê kia không. Càng ngày mọi thứ xung quanh đều ủng hộ đốt cháy đam mê ấp ủ của tôi sắp được lóe sáng. Có một tối tôi lang thang ở nhà sách, xem vu vơ qua một vài bức vẽ ký hoạ, lướt qua vài dòng bình luận về tác phẩm và tác giả và có một bình luận như thế này, tôi nhớ đại khái thôi vì lúc ấy tôi không mang theo điện thoại để chụp ảnh và cũng không có giấy bút bên cạnh để viết lại. Tác giả đã không ngừng lặp đi lặp lại nét vẽ nhẹ nhàng tìm đặc điểm trên gương mặt cô gái để tự làm cảm động chính mình. Kỳ quặc, lúc ấy tôi đã nghĩ như vậy, chỉ là một bức tranh, vẽ sao cho thật đẹp, thật giống là được rồi không phải hay sao? Một lời bình luận như thế này có vẻ quá khoa trương nhưng không thể phủ nhận rằng sâu bên trong tôi cảm thấy chấn động
Sau một lúc suy nghĩ về câu nói trên tôi lấy một cuốn sách khác, hướng dẫn vẽ ký hoạ dành cho người mới bắt đầu, giở từng trang xem người hướng dẫn kỹ thuật vẽ ký hoạ màu cần phải như thế nào, tôi thấy chân dung khuôn mặt người đàn ông rất bình thường được vẽ với nhiều loại màu sắc khác nhau trông vô cùng quái lạ, trừu tượng và cũng rất ấn tượng, bên dưới là lời khuyên dành cho tác giả đại loại là khi vẽ cần đơn giản hoá suy nghĩ của chính mình hoặc thậm chí không được suy nghĩ gì ngoài việc phải hoàn thành một mạch cho xong bức tranh, đôi khi nên dừng lại nếu không cảm thấy có hứng thú muốn vẽ tiếp v.v…
Thì ra bên dưới mỗi một bức vẽ đều có cái tôi của hoạ sĩ, mỗi một bức tranh đều được truyền thần, mỗi một loại màu mà tác giả sử dụng đều có khí chất và mục đích riêng, khắc hoạ hay nhấn mạnh những đặc điểm mà tác giả cảm thấy muốn truyền tải thái độ của mình.
Tự hỏi, thật sự không biết điều gì diễn ra bên trong bộ não của tuýp người nghệ sĩ này, những phát hiện mới hứa hẹn sẽ có nhiều cuộc đổ bộ vào nhà sách và viện bảo tàng thường xuyên. Trước đây tôi vẫn biết thế giới là một nơi vô cùng đa dạng và phong phú, là một nơi mà theo tôi con người không cần thiết phải có siêu năng lực như dị nhân, một nơi thường được miêu tả là sự chồng chéo hỗn độn của thiên đường và địa ngục, cùng lúc tồn tại cả thiên thần và ác quỷ. Là nơi mà con người có thể trải nghiệm cuộc sống của mình cùng lúc ở cả hai thế giới, thế giới thực và thế giới tưởng tượng.
Một buổi sáng, tôi cảm thấy mệt mỏi, không thể dậy được dù báo thức reo inh ỏi. Lăn qua lăn lại trong chăn, tôi hỏi mình: Tại sao tôi lại ở đây? Tôi thích niềm vui, mê sự sáng tạo, năng động, vậy mà công việc này cứ lặp đi lặp lại mỗi ngày, với quá nhiều hệ thống cùng hàng tá quy trình thủ tục. Thế giới nội tâm và thế giới bên ngoài, nghệ thuật chính là nơi hai thế giới gặp nhau nhưng tôi chưa bao giờ cảm thấy kinh ngạc vì điều đó, ý tôi muốn nói về sự khác nhau giữa cái biết và cái cảm nhận.
Trước đây tôi chỉ biết nhưng bây giờ tôi mới có khả năng cảm nhận. Trong một chốc tôi cảm thấy thế giới là một xứ sở kỳ diệu nếu mọi người dám tha thứ cho bản thân và tha thứ cho nhau để có thể sống thực với bản ngã của mình, một cá nhân riêng lẻ đều đặc biệt quái lạ không giống với những người còn lại, điều đó cũng có nghĩa là ai cũng đẹp và độc đáo, không có ganh tị, không có sợ hãi. Thế giới sẽ tràn ngập màu sắc và tôi nghĩ rằng thật là phi lý khi con người với 60 năm cuộc đời lại không chịu cởi mở để tiếp nhận mọi thứ do chính con người sáng tạo ra. Lúc đó con người không chỉ mới thực sự có khả năng thực hiện phép màu bởi họ biết cách lắng nghe trực giác. Con người có khả năng tiên đoán về tương lai của mình bằng cách thực hiện nó, ai đó đã nói câu này nhưng tôi muốn bổ sung thêm rằng, con người thực sự có thể tiên đoán tương lai của mình bằng cách lắng nghe trực giác, hiểu rõ chính mình muốn gì rồi thực hiện nó.
Rất mơ hồ nhưng nếu con người lắng nghe và làm theo thì dần dần nó sẽ dẫn ta đến với những mục tiêu ngày một cụ thể hơn, cảm giác sẽ ngày một mạnh mẽ hơn cho đến khi con người quay đầu nhìn lại quá khứ họ có thể hiểu được rằng mọi thứ diễn ra đều có lí do cả. “Nghệ thuật là phương thuốc cho những căn bệnh tinh thần”. Trước đây, một người bạn đã cười cợt trên lời dạy của một giảng viên rằng đã dạy tâm lý học thì không nên đem văn học vào để làm dẫn chứng, tôi có thôi thúc muốn đánh hắn một cái vì sự ngu dốt của hắn, hắn không hề biết nguồn gốc ra đời của phân tâm học là từ văn học, một nhà văn với trực giác của mình có thể thấy được nhiều hơn một nhà tâm lý học với cái tôi vô cảm kèm theo cái đầu tràn đầy lý thuyết sáo rỗng.
Có rất nhiều trường hợp sinh viên tâm lý đem bệnh nhân ra làm trò cười, sinh viên y khoa đem thi hài ra làm trò chơi là chuyện bình thường (vì chúng vô cảm), những loại như vậy tôi nghĩ không có tư cách mở miệng chứ đừng nói đến chuyện phê phán ai. Tôi đã từng trông thấy nhiều bức tranh do bệnh nhân vẽ, rất cầu kỳ, rất đẹp. Trong số họ không ít người là thạc sĩ, tiến sĩ, là tri thức bỗng dưng ngày nọ họ mất trí, vậy thôi. Không có thông báo gì cả. Chỉ đáng tiếc là nước mình còn nghèo, dân không đủ ăn còn nói gì đến nghệ thuật.
Hôm nọ tôi nghe lỏm được câu chuyện của những người bạn của bố nói với nhau về chuyện học hành của con cái họ, mấy chục ngàn đô chỉ để học ngoại ngữ rồi gì đó cũng lại về ngoại ngữ, không thấy nói gì đến nghệ thuật để tinh thần con trẻ phát triển lành mạnh. Thật đáng buồn vì những người nghệ sĩ được miêu tả như người mê mê tỉnh tỉnh, mơ mơ màng màng, đầu óc ở trên mây, chân không chạm đất v.v… Nếu không có họ, cuộc sống thực sự là vô nghĩa đấy. “Chúng ta đều biết nghệ thuật không phải là sự thật, nghệ thuật là sự giả dối giúp ta tìm ra sự thật hoặc ít nhất là sự thật mà ta cần phải hiểu. Người nghệ sĩ cần phải biết cách thuyết phục mọi người tin vào sự thật trong lời nói dối của mình”. Và tôi thích làm điều đó!
———————-Câu chuyện của bạn Nhân Ngọc Thắng tham dự cuộc thi www.arena-multimedia.vn/chapcanhdamme/– Ngày sinh: 2/20/1995 – Học viên lớp: D1411M, Arena Multimedia (Trúc Khê, Hà Nội) – Sở thích: Làm đẹp cho đời