Đam mê ư? Tôi cũng không biết đó có phải là con đường đúng đắn nhất tôi đã chọn không, nhưng tôi sẽ không hối hận và từ bỏ nó.
Từ nhỏ, đi đâu tôi cũng ôm theo tấm bảng vẽ, hộp phấn và giẻ lau. Tôi vẽ khắp nơi, cứ khi nào rảnh tôi lại vẽ, thậm chí, những thứ gì có thể vẽ lên được tôi cũng thử tất. Tất nhiên là điều đó làm khó chịu mọi người xung quanh. Lúc đó, tôi cũng không mảy may suy nghĩ nhiều đến người khác khen chê gì, tôi vẫn thích vẽ theo ý của mình, và người duy nhất luôn chia sẻ, ủng hộ tôi lúc đó chỉ có bà tôi. Tôi vẫn nhớ nhất một lần tôi vẽ một bức tranh về những người lính, chắc nét vẽ cũng non choẹt, cũng chẳng ấn tượng gì, tôi chạy đem khoe với bà. Lúc đó, bằng sự thích thú trên gương mặt, bà bảo “Tốt đó con, ý nghĩa nữa. Mốt con đem đi thi là đoạt giải chắc luôn!”. Nghe thì có vẻ tức cười, nhưng những lời nói đó như một sự thúc đẩy mãnh liệt với tôi. Lúc đó, tôi đã quyết định rằng sẽ trở thành hoạ sĩ.
Trong lớp, tôi cũng vẽ, và tất nhiên, nào có giáo viên nào chịu chấp nhận chuyện đó? Lúc đó, có vẻ như việc vẽ vời là một thứ rất xa xỉ, không ích lợi gì đối với mọi người. Tôi vẫn nhớ nhất một lần bị giáo viên ghi vào sổ đầu bài vì vẽ trong lớp, và về nhà thì mẹ tôi cứ mắng nhiết việc tôi chỉ vẽ mà không lo học. “Vẽ, vẽ suốt, rồi mày học được cái gì?” mẹ tôi mắng. Tôi cũng im lặng, ừ nhỉ, vẽ thì được cái gì, chỉ đơn giản là tôi muốn vẽ thôi mà…
Lên lớp 4, thật may mắn ba mẹ cho tôi đi học vẽ ở trường, và cũng từ đó, tôi mới có thể vẽ thỏa thích. Đây cũng là lúc tôi đi thi nhiều và đoạt giải nhiều nhất. Tuy nhiên, sau đó, tôi đã bắt đầu đọc truyện tranh, và nét vẽ cũng bị ảnh hưởng. Thế là từ giáo viên dạy vẽ cho tới gia đình tôi bắt đầu càu nhàu về nét vẽ của tôi “ không còn nét trong sáng, đầy đủ của trẻ con nữa”. Tôi cũng chẳng ý kiến, vì tôi nghĩ, tôi đủ hiểu biết để nhận ra cái nào là đẹp, cái nào là xấu, và không phải cứ phải nét vẽ trẻ con mới được gọi là vẽ. Tôi muốn được nét vẽ như họ, những tác giả truyện tranh, lý gì tôi lại không thể?
Lên cấp 2 và 3, tôi vẽ ít lại vì không còn thời gian. Nhưng cũng thật may mắn khi lúc đó, tôi tìm được những người bạn có cùng sở thích với mình. Tôi trao đổi tranh với họ, học tập cách tô màu, và cả những công cụ vẽ trên máy tính mà đối với tôi lúc đó là một thứ rất mới lạ. Tuy nhiên lúc đó tôi vẫn chưa định hình được sau này mình sẽ đi theo ngành gì, mọi thứ đều rất mơ hồ, tôi cũng không rõ liệu bây giờ quyết định bỏ vẽ và bắt đầu học một thứ khác có phải là quá trễ? Tôi sẽ chẳng còn đủ thời gian, vì sắp tới tôi sẽ phải quyết định để thi đại học.
Và thứ gì tới thì cũng phải tới, từ nhỏ cho đến lớp 12, tôi và gia đình không hề biết cũng nhưng không được ai tư vấn cho về việc ngành nghề sau này và những gì cần làm để đạt được nó. Thi đại học, tôi nhắm vào đại học Mỹ thuật và đại học Kiến trúc, và ngay sau đó mới vỡ ra là tôi chẳng thể thi vì họ yêu cầu thi khối H và V, mà tôi thì đâu có học vẽ luyện thi? Thậm chí đến cách phân bố cục cho tranh tôi còn chẳng biết, thì thi bằng cách nào. Thế là tôi từ bỏ. Tôi chọn đại ngành học là Ngôn ngữ Anh, và lại cũng chẳng biết mình học làm cái gì. Thế nhưng, ngay lúc đó anh tôi, gợi ý về ngành thiết kế đồ hoạ và có ý rằng nếu không học hệ đại học được thì có thể học nghề ở ngoài cũng chẳng sao. Ý kiến đó đã thay đổi tất cả toàn bộ kế hoạch và suy nghĩ của gia đình tôi. Tôi và mẹ ngay lập tức tìm trường dạy thiết kế đồ hoạ, chạy khắp nơi hỏi han, đăng ký, ba tôi tìm tất cả các trường đại học và cao đẳng có ngành thiết kế đồ hoạ và cuối cùng là quyết định đi học tại trường Arena Multimedia. Đó cũng chính là lúc, tôi cân nhắc và chắc chắn, quyết tâm rằng thứ mà tôi sẽ theo đuổi cả đời, sẽ là đây, thiết kế đồ hoạ.
Vừa học ở trường Đại học, vừa học nghề Arena, thời gian tôi rất eo hẹp, chưa kể đó là núi bài tập mà các giảng viên Arena giao. Khoảng thời gian lúc đó là khoảng thời gian khó khăn nhất của tôi. Tôi bị sốc với sự ma sát với những người cùng chung ngành nghề với mình. Tôi bị sốc khi nhìn thấy sản phẩm của mình xấu hơn của họ. Tôi bị sốc khi cách nhìn của tôi không sâu sắc, tinh tế bằng của họ. Lúc đó, tôi gần như muốn bỏ cuộc. Nhưng rồi tôi lại nghĩ, làm quái gì phải bỏ cuộc? Họ có cách nhìn của họ, tôi có cách nhìn của tôi. Nếu tôi bỏ cuộc bây giờ, gia đình, bạn bè sẽ nghĩ gì? Họ sẽ nói tôi là một đứa không chính kiến, không đủ bản lĩnh để đương đầu khó khăn. Đây chỉ mới là khởi đầu, nếu không vượt qua thì sau này làm được gì? Lúc này, con bạn thân tôi đã mắng :“Mày lựa chọn đi theo nó, chuyện sốc với mọi người xung quanh là chuyện đương nhiên. Mày là một đứa tay mơ, bước vào môi trường đó có dở tao cũng chẳng quan tâm. Nhưng nếu mày vì chuyện đó bỏ cuộc, thì thật sự quá chán, phí tiền ba mẹ mày quá!” Những lời nói đó thật sự tác động mạnh đến tôi, và tôi quyết tâm sẽ bám lấy cái ngành nghề này cho tới cùng.
Với suy nghĩ đó, tôi cố gắng lần nữa, tôi ngày đêm vẽ, miệt mài, quần quật, và khi mà tôi nhận được điểm gần tối đa 24/25 của môn, tôi nhận ra, hãy bỏ qua hết những ghen tỵ, tự ti đi mà hãy tập trung vào mục tiêu. Bắt đầu từ đó, tôi bỏ qua sự ghen tỵ của bản thân, tôi mượn bài tập của các bạn cùng lớp, xem và đánh giá, nhìn vào những mặt mạnh của họ. Tôi tự trang bị cho tôi một cách nhìn khác, mới và độc đáo hơn về mọi thứ xung quanh, để từ đó thả hồn vào những sản phẩm của tôi.
Tôi bắt đầu áp dụng những gì mình học vào cuộc sống dần dần. Tôi tham gia vào làm thiết kế của sự kiện trường, và cố gắng truyền tải tất cả những gì mình đã học vào thiết kế của mình. Có thể nó không đẹp, không nổi bật so với những thiết kế được làm chuyên nghiệp bởi người ngoài như của các sự kiện khác, nhưng bắt đầu từ đó, các bạn tôi vẫn luôn xem tôi là “đại đội trưởng thiết kế” của nhóm. Những khúc mắc về màu sắc, bố cục, hình dạng hay lý thuyết thiết kế họ đều trao đổi với tôi. Thỉnh thoảng trong quá trình học, một số bạn cùng khoá vẫn nhờ tôi thiết kế logo hay hình cho họ. Khởi đầu cũng không tệ, phải không?
Suy cho cùng, tôi nghĩ, đam mê là thứ xuất phát từ tâm hồn mỗi người, nó sẽ là động lực giúp mỗi người vượt qua khó khăn, và nó cũng là điểm nhấn đặc biệt cho mỗi người. Tuy nhiên, với tôi, có đam mê, có ước mơ, biết cách thực hiện và chạm lấy nó, cũng vẫn chưa đủ. Mà hãy nghĩ tới và cảm ơn những người, những sự kiện đã tác động, hỗ trợ bạn trên con đường đi đến ước mơ. Không có họ, không có những khó khăn vấp ngã ấy, bây giờ có lẽ tôi đã không đi theo con đường này. Cảm ơn tất cả, và hãy cũng vì sự giúp đỡ của họ, hãy lấy đó làm động lực vươn lên.
Một lần nữa, tôi không thể nói chắc chắn, con đương mà tôi đã chọn là đúng hay sai, nhưng tôi sẽ không bao giờ hối hận và từ bỏ nó. Vì tôi, vì mọi người đã đặt niềm tin lên tôi, vì những gì tôi trân trọng trong cuộc sống.
————————
Câu chuyện đam mê của bạn Nguyễn Hồng Ngọc Diện tham dự cuộc thi Chắp cánh Đam mêNgày sinh: 04/12/1994Học viên Arena Multimedia Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh