Đó là một câu hỏi không phải ai cũng trả lời được. Tôi đã từng hỏi khá nhiều người câu hỏi ấy, và chính tôi cũng từng mất khá nhiều thời gian để trả lời. Với một số người khi tôi đặt câu hỏi, lúc đó họ mới loay hoay tự hỏi lại bản thân mình: “Đam mê của tôi là gì? “ và bỏ lửng câu trả lời với tôi, một số khác thì bật ra câu hỏi ngược lại với tôi: “Đam mê là gì, đam mê có kiếm ra tiền không ?” Một số thì nhanh chóng gửi trả tôi câu trả lời ngắn gọn: “Không có!”.
Đối với riêng tôi thì có lẽ đam mê bắt nguồn từ sở thích, càng thích nhiều càng đào sâu tìm hiểu, lâu dần sở thích ấy trở nên khác biệt, nổi trội và được yêu thích hơn tất cả các sở thích khác, tạo cho tôi cảm giác muốn phát triển và duy trì sở thích ấy, không thứ gì hay sở thích nào khác thay đổi được. Với tôi, đam mê ấy là Vẽ.
Tôi thích vẽ từ khi còn khá nhỏ, tôi luôn muốn vẽ, vẽ ở khắp mọi nơi, vẽ những người, những thứ mà tôi yêu quý hay tưởng tượng ra, vẽ trên vở tập vẽ, trên tường, trên sân, trên giấy nháp và cả trên sách toán, văn, tập viết hay bất kì thứ gì có thể vẽ lên. Ngay từ khi mới vào lớp 1, môn học mà tôi mong chờ nhất đã luôn là tiết mỹ thuật.
Thế nhưng, gia đình tôi lại không muốn tôi thích vẽ. Khi tôi mới bắt đầu vẽ, tôi luôn được khuyến khích, nhưng khi tôi bắt đầu yêu vẽ hơn tất cả những môn học còn lại, bố mẹ bắt đầu ngừng khuyến khích và ngăn cấm tôi. Bắt đầu học cấp 2, gần như tôi luôn phải vẽ trong tình trạng dấu diếm, tôi vẫn luôn thích vẽ, nhưng khi ấy, theo định hướng của người lớn, vẽ chỉ để giải trí, chỉ là một môn học phụ, không phải là thứ cần chú trọng như toán hay văn. Tôi thì vẫn luôn là một đứa trẻ ngoan ngoãn, chỉ dám vẽ khi bố mẹ vắng nhà và cố gắng chăm chỉ học những môn học mà người lớn cho rằng là sau này có ích. Cũng may, khi ấy, ngoài vẽ tôi còn một hứng thú đặc biệt với sinh học, vậy là chuyển qua định hướng vào lớp chuyên sinh trường chuyên của thành phố với mục tiêu cao nhất là thi đại học vào ngành dược. Có lẽ, tương lai cũng đã vẽ sẵn để tôi hướng tới.
Thế nhưng, mọi thứ thay đổi khi tôi trượt lớp chuyên cấp 3 với điểm số suýt soát. Thất vọng và căng thẳng vì thay đổi môi trường mới, không đạt được mục tiêu ban đầu, lại thêm tư duy toán lí hóa khá yếu nên vào lớp 10, điểm số, lực học dù tôi cố gắng bao nhiêu cũng vẫn tụt xuống không phanh. Sự chán nản, căng thẳng, thất vọng về bản thân khiến tôi tìm lại với những trang giấy và chiếc bút chì. Tôi lại vẽ. Không hiểu sao mỗi khi vẽ tôi lại cảm thấy thoải mái mà say mê vô cùng.
Sau khi học gần hết lớp 10, nhờ một hội trại tư vấn tuyển sinh cho các anh chị lớp 12 mà tôi chính thức định hướng lại cho bản thân mình. Tôi muốn thi mỹ thuật ! Tôi nói với bố mẹ tôi về định hướng ấy. Theo lẽ thường tình, như đa số những ông bố bà mẹ khác, bố mẹ tôi phản đối. Lý do của sự phản đối ấy tôi cũng hiểu, bố mẹ tôi chỉ là công nhân, đồng lương khá ít ỏi, nuôi hai chị em tôi ăn học cũng đã chật vật lắm rồi, bố mẹ luôn muốn hai chị em học thật giỏi để sau này không phải khổ như bố mẹ. Mà những môn học bố mẹ cho là có tương lai vẫn luôn là toán, lí, hóa, văn, anh, sinh… Luôn không có chỗ cho vẽ. Hơn nữa, học phí để ôn thi mỹ thuật là một khoản tiền không hề nhỏ và mọi người vẫn luôn nghĩ, học vẽ sau này chỉ có thể làm họa sĩ, sự hiểu biết về ngành này chỉ có vậy, gia đình cũng không có ai làm hay học bất kì thứ gì về nghệ thuật . Sự ngăn cấm của bố mẹ có lẽ là sự lo lắng cho tương lai của tôi thì đúng hơn.
Nhưng khi định hướng thi vào mỹ thuật, tôi thực sự quyết tâm hơn rất nhiều, tìm được một định hướng mà mình thực sự thích, thực sự muốn theo đuổi, không có cảm giác căng thẳng hay chán chường như khi học các môn học văn hóa khác làm tôi kiên quyết hơn rất nhiều. Tôi tìm thêm các thông tin để thuyết phục bố mẹ. sau một thời gian khá dài, kết thúc lớp 10 với kết quả học tập khá bi đát do không chịu học, chỉ toàn vẽ, nghỉ gần hết 2 tháng hè thì mẹ tôi cũng đồng ý cho tôi học vẽ. Bố thì vẫn không hài lòng khi tôi đòi thi mỹ thuật thay vì cố gắng theo đuổi định hướng ban đầu là trường dược. Nhưng cuối cùng thì tôi cũng được học vẽ. Như được đặt vào đúng chỗ, tôi bị cuốn vào những buổi học chiều và tối, dường như tôi chỉ thực sự sống khi đi học vẽ, còn thời gian học văn hóa trên lớp chỉ như là một điều bắt buộc.
Lớp 12, sau hơn 2 năm ôn thi, tôi thi vào Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Trong hai năm miệt mài ôn thi ấy, bố mẹ đã dần tin tưởng tôi rất nhiều, tôi thấy mẹ ủng hộ tôi nhiều hơn, bố bên ngoài tuy vẫn quát mắng và nói rằng không thích tôi học nghệ thuật nhưng đằng sau thì tôi biết bố vẫn luôn tự hào về những bức tranh tôi vẽ. Bố mẹ luôn nói rằng tôi kém cỏi, phải cố gắng tập vẽ thật nhiều cho bằng các bạn nhưng lại âm thầm mang những bức tranh tôi vẽ đi khoe. Nhưng kết quả tôi mang về cho bố mẹ trong kì thi đại học lại không được như mong muốn. Tôi thiếu 0.5 điểm để có thể bước chân vào cổng trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp!
Khi nhận kết quả, tôi đã sợ bố mẹ sẽ mắng nhiếc, tức giận với tôi nhiều lắm. Nhưng không hiểu sao, cả bố và mẹ đều không hề mắng tôi dù chỉ một câu, còn động viên tôi thật nhiều. Tôi ôm mộng thi lại vào năm sau, nhất định không chịu đăng kí nhập học bất kì một trường nào dù có tới 4, 5 trường dân lập gửi giấy mời nhập học về nhà. Tôi đã định có một gap year thay vì đi học như bạn bè.
Bắt đầu gap year của mình, tôi tìm được một công việc làm thêm khá thú vị : trang trí cho một quán cafe, sau đó là vẽ tường, rồi bán những sản phẩm handmade cho chính mình làm (ngoài vẽ tôi còn chơi khá nhiều loại handmade về đồ giấy như thiệp 3D, mô hình giấy… ) gần 5 tháng trời tôi bị cuốn vào những trải nghiệm mới trong mỗi công việc. Tự kiếm tiền tiêu vặt, tự lao động bằng khả năng ít ỏi của mình, vẽ để kiếm tiền. Thời gian đó tôi học được rất nhiều điều, bố mẹ cũng tin vào tôi nhiều hơn nữa. Cũng trong thời gian ấy, tôi tiếp tục tìm hiểu về ngành học của mình, nhưng vì rất nhiều lí do mà tôi không thể thi lại vào năm sau. Tôi lại tìm kiếm một hướng đi khác, để cuối cùng, tôi tìm đến Arena Multimedia.
Cuối tháng 12/2014, kết thúc chuỗi ngày trải nghiệm và rong chơi, tôi đăng kí và nhập học Arena Multimedia. tôi sẽ lại tiếp tục theo đuổi con đường mình đã chọn, theo đuổi đam mê của mình. Lúc đầu khi mới nhập học, tôi đã từng khá lo sợ, dù thế nào cũng vẫn muốn học tại Mỹ thuật Công nghiệp, vẫn luôn lo sợ vì “học đại học còn chẳng ăn ai huống chi trường này chính xác mới chỉ là một trường dạy nghề”, nhưng sau thời gian học vừa qua, thực sự tôi đã yêu nơi đây rất nhiều, nơi đây thực sự là một môi trường khơi niềm đam mê, khác hoàn toàn với những môi trường trước khi tôi từng tới. Có lẽ con đường phía trước còn rất dài, rất rất dài để tôi có thể đi đến được thành công, nhưng dù thế nào, tôi cũng sẽ cố gắng kiên trì đến cùng với đam mê của mình, tiếp tục duy trì ngọn lửa đam mê như suốt thời gian qua.
Qua bài viết này, tôi muốn chia sẻ câu chuyện của bản thân mình với mọi người, đồng thời nó cũng như một vài dòng nhật kí để nhắc cho chính tôi nhớ tôi đã theo đuổi niềm đam mê của mình như thế nào. Cố lên đi tôi ơi, dù con đường phía trước còn thật dài !
————–Câu chuyện của bạn Phạm Thị Thanh Thanh tham dự cuộc thi Chắp cánh Đam mê (https://www.arena-multimedia.vn/chapcanhdamme/)Sinh ngày 06/02/1996Học viên lớp D1501I Arena Multimedia (Trần Thái Tông, Hà Nội)