Đi sâu vào cách xây dựng hình ảnh thương hiệu dưới góc nhìn Designer, chuyên đề “Brand Photography” do Arena Multimedia tổ chức đã mang đến những kiến thức cực bổ ích về lĩnh vực Nhiếp ảnh & Thương hiệu dưới sự dẫn dắt của 2 chuyên gia: Nhiếp ảnh gia Ben Karamen và Chuyên gia thực thi thương hiệu Đỗ Thanh Phương vào sáng 2/3/2017 vừa qua.
Khách mời là những chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong việc xây dựng thương hiệu bằng nghệ thuật hình ảnh
Đông đảo các bạn trẻ quan tâm về lĩnh vực Brand Photography đến tham dự chương trình
Brand Photography – hình thức “content” đóng vai trò quan trọng trong việc truyền tải tính cách thương hiệu và giúp doanh nghiệp kể chuyện đến khách hàng mục tiêu. Hay nói cách khác, với doanh nghiệp, hình ảnh chính là nguyên liệu marketing có khả năng thu hút người xem nhiều nhất. Với khách hàng, hình ảnh giúp họ tiếp cận thương hiệu dễ dàng hơn văn bản toàn chữ. Và với designer, hình ảnh là đất diễn để họ bay bổng với cảm xúc, phô diễn kỹ thuật và sức sáng tạo phù hợp với bài toán mà doanh nghiệp đặt ra.
Trong chuyên đề lần này, Arena Multimedia đã mời hai sứ giả truyền cảm hứng đến để truyền đạt và chia sẻ vài lát cắt về cách làm Brand Photography dưới góc nhìn của người làm thiết kế.
Nói một cách đơn giản, khái niệm truyền thông thương hiệu bằng hình ảnh là việc sử dụng hình ảnh để truyền tải câu chuyện, định vị, giá trị, tính cách khác biệt của thương hiệu đến công chúng mục tiêu. Hình thức nội dung này thể hiện rõ nhất qua các sự kiện, hành động vào những dịp quan trọng của doanh nghiệp. Nhưng đây cũng là hình thức dễ dàng bị bỏ lỡ nhất.
Đi trên con đường này khá lâu, Nhiếp ảnh gia Ben Karamen cho biết: “Không thiếu nhiếp ảnh gia chụp ảnh đẹp. Nhưng khi chụp ảnh Brand Photography, người cầm máy cần cảm nhận được bản sắc riêng của thương hiệu để có thể chọn được những góc máy hay khuôn hình lột tả được bản sắc riêng này”.
Ngoài việc xây dựng thương hiện bằng hình ảnh thì nhân hiệu cũng là khía cạnh còn bị bỏ ngõ ở thị trường Việt Nam
Để trở thành một chuyên gia Brand Photography, nhiếp ảnh gia cần hội đủ cả hai yếu tố: kỹ thuật chụp ảnh chuyên nghiệp và kiến thức hiểu biết về thương hiệu. Đặc biệt, có 8 điều mà anh Ben chia sẻ thêm sau những trải nghiệm của mình.
– PASSION: Làm vì đam mê chứ không phải vì tiền. Vì khi bạn làm những điều bạn thích, bạn sẽ tự nguyện dốc hết thời gian, sức lực vào để thực hiện chúng. Và khi đó, mọi người sẽ công nhận và tìm đến bạn nhiều hơn.
– WORK: Không có gì đến dễ dàng cả, tất cả là nhờ sự chăm chỉ. Đam mê thôi chưa đủ, phải có khả năng duy trì đam mê ấy hằng ngày, hằng giờ. Những kinh nghiệm trong công việc mà bạn có được sẽ là điều vô giá.
– FOCUS: Tập trung khi làm việc, luôn hướng bản thân vào công việc. Nếu bạn đam mê nhiếp ảnh, bạn chỉ quan tâm và dấn thân vào nó. Học hỏi, quan sát bên ngoài và trau dồi thường xuyên sẽ tốt hơn rất nhiều nếu chỉ biết mỗi việc một ít.
– PUSH: Hãy luôn động viên bản thân, thúc đẩy để bản thân nỗ lực làm tốt hơn. Vì nghề nhiếp ảnh rất dễ bị nhận chê bai do quan điểm thẩm mỹ của mọi người khác nhau. Hãy xem chuyện đó là bình thường, vì có thất bại thì mới phát triển được.
– BRAND CONCEPT: Ý tưởng sáng tạo theo chuẩn nhận diện thương hiệu. Điều này rất quan trọng, nếu thiếu thì không phải là Brand Photography. Người cầm máy phải hiểu được giá trị và thấu hiểu thương hiệu. Nếu không hãy kết nối những người giỏi, tạo nên sức mạnh tập thể.
– IMPROVE: Luôn luôn cố gắng hoàn thiện, nâng cao chất lượng. Một bức ảnh chụp ra không thể hoàn thiện ngay được. Hãy thực hành và trải nghiệm nhiều hơn.
– SERVE: Tận tâm, tận hiến và tận tình hết mình khi làm việc. Điều đó sẽ giúp bạn có được thành quả tốt.
– PERSIST: Kiên trì, bền bỉ sẽ dẫn đến thành công. Tuy câu này sáo rỗng nhưng theo anh Ben Karamen là hoàn toàn có thật. Vì người làm Brand Photography đồng hành dài lâu cùng thương hiệu thì mới có thể thấu hiểu và thể hiện tốt được.
Vì theo anh, nhiếp ảnh gia thương hiệu là người liên kết hình ảnh giữa thị giác và nhận thức. Hình ảnh của họ là một công cụ có sức mạnh, có thể giúp phát triển hoặc làm ảnh hưởng đến thương hiệu của doanh nghiệp. Bức hình của bạn có thể khiến khách hàng thốt lên “WOW!!!” vì nội dung truyền tải ấn tượng hoặc “lạc trôi” trong tâm trí họ nếu không có điểm khác biệt. Hay tệ hơn, chính hình ảnh đó sẽ làm mất giá trị thương hiệu nếu không phù hợp tính cách, màu sắc xấu, kém chất lượng…
Nhiếp ảnh gia Ben Karamen chia sẻ những trải nghiệm thú vị về nghề
Để đánh giá giá trị của một bức ảnh Brand Photography thì cần dựa trên 4 yếu tố: Kỹ thuật, Nghệ thuật, Cảm xúc và Thương hiệu. Trong đó yếu tố thứ 4 (Thương hiệu) là quan trọng nhất và tạo nên sự khác biệt của một Brand Photographer. Để đạt được kỹ năng này, đòi hỏi người cầm máy phải có một thời gian đồng hành cùng doanh nghiệp để thấu hiểu những gì doanh nghiệp muốn đạt được, mục tiêu kinh doanh của họ, giá trị thương hiệu, đối tượng mục tiêu,…
“Phải thật sự hiểu về giá trị thương hiệu thì mới có thể làm ra những hình ảnh chất lượng tạo lợi thế đi trước các đối thủ cạnh tranh. Tất nhiên, việc bắt trọn những khung hình chất lượng, lột tả tính cách thương hiệu không chỉ do may mắn, mà đó là một sự sắp đặt có chủ đích, tìm hiểu dài lâu và am hiểu tường tận định hướng của thương hiệu”– anh Ben chia sẻ thêm.
Tất nhiên, việc bắt trọn những khung hình chất lượng, lột tả tính cách thương hiệu không chỉ do may mắn, mà đó là một sự sắp đặt có chủ đích, tìm hiểu dài lâu và am hiểu tường tận định hướng của thương hiệu.
Chị Đỗ Thanh Phương – Chuyên gia thực thi thương hiệu với hơn 10 năm trong lĩnh vực
“Hành trình đi tìm ý tưởng sáng tạo hình ảnh cần đầu tư khá nhiều thời gian. Đi từ việc thấu hiểu mong muốn của khách hàng, doanh nghiệp và thị trường, người làm thương hiệu phải tìm ra chiến lược khác biệt hóa, hình mẫu, tính cách thương hiệu, các điểm bán hàng độc nhất (USP – Unique Selling Point)…, hình ảnh phải chuyển tải được các giá trị thương hiệu, gần gũi với khách hàng và tạo lợi thế cạnh tranh” – chị Phương cho biết thêm.
Như những gì đã chia sẻ, “A picture paints a thousand words” – hình ảnh có khả năng thu hút người xem nhiều hơn so với văn bản toàn chữ. Và việc của Brand Photographer là truyền tải giá trị thương hiệu, bắt đúng khoảnh khắc, đúng suy nghĩ, trí tưởng tượng của khách hàng.
Tuy nhiên, đừng nghĩ Brand Photography là một điều vĩ mô, quá xa vời, theo chị Thanh Phương, đây chỉ là những điều nhỏ nhặt tạo nên cốt lõi của người làm nhiếp ảnh. Vì có thể hằng ngày bạn đang tiếp cận với khái niệm này một cách chủ động hoặc vô tình như việc chụp hình sản phẩm, chụp hình sự kiện…
Hãy để tâm đến những kiến thức thương hiệu và áp dụng vào công việc hằng ngày. Điều ấy sẽ giúp Photographer có thêm giá trị và sự khác biệt như cách chị Phương từng nói: “Một bức ảnh có thể thay đổi cảm xúc, cuộc đời của mỗi con người”.
(Quỳnh Như)