Vẫn vẹn nguyên tinh thần Arena như ngày nào, về trường sau nhiều năm làm việc, các chàng trai Huy Nguyễn, Thiên Hòa và Terik Pham đã chia sẻ hết “ruột gan” về những trải nghiệm thuộc các lĩnh vực Street Style – Commercial – Fashion Photography trong chương trình alumniTALK #3 “Nhiếp ảnh và những hướng đi” vào 25/3/2017 vừa qua.
Chân dung các Nhiếp ảnh gia Terik Pham, Huy Nguyễn và Thiên Hòa (từ trái sang phải)
Nếu như Huy Nguyễn “lạc trôi” sang nghề Nhiếp ảnh sau 7 năm không tốt nghiệp nổi từ khoá học ĐH ngành Tài chính Ngân hàng, còn Terik Phạm định hướng nghề Nhiếp ảnh ngay từ hồi tuổi teen, thì Thiên Hòa lại là người được nghề nhiếp ảnh chọn sau bao nhiêu sự kiện tình cờ và may mắn trong quá trình học tập và va vấp nghề nghiệp.
Cả ba đến với Nhiếp ảnh như một cái duyên, nhưng câu chuyện sẽ không đơn giản như thế nếu cơ hội không gặp được đam mê, thì thành công đã không đến được trọn vẹn như bây giờ. Street Style, Fashion và Commercial Photography, các lĩnh vực ngách tuy nhỏ hẹp nhưng khi đào sâu thì sẽ thấy vô vàn những điều hay ho cần người chơi tỉnh táo trước những hào nhoáng và thực sự yêu thích để có thể kiên trì đến cùng.
Nói về Commercial Photography, Terik Pham cho rằng nó là cả một ngành công nghiệp sản xuất hình ảnh chứ không đơn thuần là những dự án nhỏ; là lĩnh vực kết hợp giữa làm kinh doanh và nghệ thuật. Công việc hằng ngày của người làm nhiếp ảnh thương mại chính là làm việc với khách hàng, sáng tạo theo nhu cầu của họ đề ra và hoàn thành buổi chụp. Vì chính hình ảnh là sản phẩm dùng để kinh doanh và sinh ra lợi nhuận.
Terik đã đưa ra bức tranh tổng quát khá cụ thể về Commercial Photography
Theo anh, nhiếp ảnh ngày xưa rất đơn giản, người thợ chỉ cần biết chụp là được. Về sau, cái nghề đòi hỏi ở họ kỹ năng nhiều hơn, nghĩa là chụp ảnh và biết luôn cả photoshop. Từ 2010 trở đi, người làm nhiếp ảnh cần phải biết về website, tư duy marketing và mua bán thương mại để dùng hình ảnh làm lợi thế thu hút khách hàng để tăng lợi nhuận.
Khác với các lĩnh vực nhiếp ảnh khác, Commercial Photographer cần phải kiểm soát khá nhiều thứ: độ sáng, độ sâu trường ảnh và bố cục. Ví dụ, hình ảnh thể hiện mọi người đang thảo luận cần nhấn mạnh người lãnh đạo để tạo nội dung chính cho bức hình. Ngoài ra, người cầm máy còn phải học cách giao tiếp, kết nối với người mẫu ngay tại buổi chụp. Còn ở khâu hậu kỳ, họ cần dùng ít nhất là phần mềm Lightroom cân bằng trắng đúng màu, nhấn độ tương phản để giao khách hàng, dù họ đòi hỏi ảnh gốc.
Terik Pham nhấn mạnh: “Visual express (nhìn trực quan) rất quan trọng để tạo nên câu chuyện hình ảnh. Và điều này cần sự trải nghiệm nhất định của người cầm máy”
“Thiết bị có phải yếu tố quan trọng tạo nên bức ảnh đẹp không?” – một câu hỏi từ một bạn khán giả tham dự đặt ra cho Terik Pham. Và có lẽ, đó cũng là những gì mà giới trẻ đang quan tâm trong việc đầu tư máy móc và phụ thuộc quá nhiều vào nó. Anh nói: “Theo mình thiết bị không đóng vai trò chính giúp bạn chụp đẹp hơn, có chăng chúng giúp bạn tác nghiệp nhanh chóng và chất lượng ảnh chụp tốt hơn. Đối với mình, ngân sách mà khách hàng đưa ra sẽ giúp mình quyết định chọn thiết bị nào để tác nghiệp”.
Về Street Style Photography, cũng giống như sự bụi bặm mà cái nghề này mang lại, Nhiếp ảnh gia Huy Nguyễn được mọi người gọi đùa rằng “có số bụi đời” khi học và làm đều gắn liền với đường phố. Nhưng đổi lại, anh khẳng định gần 2 năm theo nghề, anh chưa một ngày nào phải đi làm, chỉ toàn đi chơi. Bởi lẽ, ranh giới giữa công việc và trách nhiệm đã được xóa nhòa bằng những phút giây trải nghiệm thú vị cùng đam mê. Phần nữa, công việc này đòi hỏi bắt đúng khoảnh khắc tự nhiên và thần thái của mẫu. Cho nên anh xác định ngay từ đầu đó là những buổi đi chơi với những người bạn.
Các tác phẩm do Huy Nguyễn thực hiện
Đối với anh, nhiếp ảnh đường phố có 2 khía cạnh là bắt lại khoảnh khắc tự nhiên đời thường và cố gắng chụp lại một cách tự nhiên nhất có thể của mẫu tại các sự kiện thời trang. Phần thứ hai theo anh mang lại tính thương mại và truyền thông cao hơn tại những show diễn thời trang hoành tráng. Chính những “cuộc chơi” như thế đã tạo nguồn thu nhập ổn định, giúp anh tự nuôi sống bản thân và gia đình nhỏ của mình, cũng như mua các thiết bị mình thích.
Câu chuyện về Fashion Photography cũng thú vị không kém dưới góc nhìn của Nhiếp ảnh gia Thiên Hòa. Theo lời kể hài hước từ thầy Bùi Minh Sơn (giảng viên Arena Multimedia) về cậu học trò phá phách này: “Nghề chọn hắn chứ chưa hẳn hắn chọn nghề. Hòa như là cascadeur khi vô tình đóng thế cho tay máy khác nhưng lại làm rất tốt nên được đóng vai chính suốt 4 năm qua”. Theo quan sát trải dài từ trường học đến trường đời, thầy nhận định Hòa là cậu học trò tài năng và có suy nghĩ phá cách nên đã tạo nên phong cách riêng cho mình trong lĩnh vực đầy cạnh tranh này.
Phong cách của Hòa có sự phá cách rõ rệt trong từng tác phẩm
Thực sự là thế, Thiên Hòa nói: “Nhiệm vụ của người chụp ảnh thời trang là khoe được những đường nét đặc biệt của bộ đồ đang mặc và sự cuốn hút của gương mặt người mẫu”. Anh cũng thừa nhận, lĩnh vực này có thuận lợi bởi người mẫu và layout. Nếu 2 yếu tố đó tốt thì sẽ nắm chắc 80{b4d7861bc4ace284223a290b44341f7c57539798d7460e71679da0aaf3462b93} thành công. Nhưng nếu các yếu tố đó không tốt, thì người cầm máy phải cố gắng gấp nhiều lần hơn nữa. Tất nhiên, để đạt được 20{b4d7861bc4ace284223a290b44341f7c57539798d7460e71679da0aaf3462b93} cái còn lại, điều đó phụ thuộc vào tư duy, góc nhìn và thẩm mỹ của người cầm máy. Trong đó, phá cách rất cần trong sáng tạo. Đôi khi đó có thể không đúng với ý thích mọi người, nhưng đổi lại giúp thể hiện rõ tính cách cá nhân, khiến bản thân phải động não thay đổi hằng ngày.
Theo thầy Bùi Minh Sơn, người giành cả đời mình cho nghề nhiếp ảnh đã chia sẻ thêm về lộ trình phát triển của người theo nghiệp cầm máy: “Đời nhiếp ảnh thời nay ngắn lắm, 45 tuổi đã bắt đầu thoái trào. Nên các bạn cần hoạch định cho mình kế hoạch cụ thể. 20 tuổi nhìn đâu cũng phải biết. 25 tuổi chụp tương đối tốt. 30-35 tuổi định hình thương hiệu và tính cách bản thân. Nếu chọn nghề này phải rất quyết tâm, chịu học hỏi và nhẫn nhịn để thành công”.
Thầy Bùi Minh Sơn chia sẻ ký ức về 3 chàng trai
Quả thật vậy, trong việc làm nghệ thuật, đam mê và năng khiếu là một chuyện, điều quan trọng rất cần sự rèn luyện. Dưới những câu chuyện điển hình từ các cựu học viên Arena, những người đại diện cho các thế hệ trẻ đã bước ra đường đua khốc liệt đã khẳng định thêm sức mạnh của đam mê, sự cố gắng phá vỡ giới hạn bản thân, học hỏi những điều mới vẻ để đạt được cái cao nhất và vinh quang trong nghề như ngày hôm nay. Bởi lẽ, Street Style – Commercial – Fashion Photography, sân chơi đông người nhưng rất hiếm bậc thầy và rất cần sự hợp nhất, kế thừa từ nhiều thế hệ với nhau.
*Xem thêm các hình ảnh sự kiện alumniTALK #3 tại đây.
Quỳnh Như