Sáng tạo là điều được nhắc tới rất nhiều trong các lĩnh vực của cuộc sống, nhưng không phải ai cũng vận dụng được tối đa năng lực của nó. Để hiểu rõ hơn, anh Nguyễn Kim Đính – Giám đốc Công ty Cổ phần Dizen đã mang đến câu chuyện muôn màu về chủ đề ấy trong “Workshop: Sáng tạo” được tổ chức vào lúc 18h00 ngày 03/04/2018 tại Arena Multimedia.
Anh Nguyễn Kim Đính – Giám đốc Công ty Cổ phần Dizen, người đứng đằng sau thiết kế logo của các thương hiệu hàng đầu Việt Nam như FPT, TP Bank, DOJI Group,…
Phải làm thế nào để phát triển khả năng tiềm ẩn?
Chúng ta thường cho rằng sáng tạo là những điều cao siêu, là những gì xa vời nhưng thực ra bản thân đang bị sa lầy vào cái bẫy. Chúng ta sử dụng thuật ngữ này một cách vô thức mà không hề biết rằng nó xuất phát từ năng lực tiềm ẩn của mỗi chúng ta, nó không có nhiệm vụ phục vụ cho tất cả mọi người.
Để phát triển khả năng sáng tạo thì điều đầu tiên phải làm là dựa trên đầu bài cụ thể và phải giải quyết cái đầu bài đó, thuyết phục mọi người tin vào điều mình muốn, hài lòng với điều mình làm.
Thứ hai là phải luôn lắng nghe và quan sát. Chắp nhặt các thông tin sẵn có, đưa ra thật nhiều giải pháp, sau đó là thử nghiệm tất cả các giải pháp đó để tìm ra giải pháp phù hợp nhất. Nếu không thử nghiệm sẽ sai điểm rơi, kết quả thu được sẽ không làm hài lòng mọi người, gây ra rất nhiều tranh cãi, ngay cả với khách hàng.
Khi nào chúng ta cần sáng tạo?
Sáng tạo là “công cụ” mà designer sử dụng hằng ngày
Người ta thường cho rằng chỉ có ở thiết kế hay các môn nghệ thuật nhưng thực chất mọi lúc mọi nơi đều cần tới nó.
Trong thiết kế, sáng tạo luôn là áp lực của cả khách hàng và nhà thiết kế. Ví dụ trong thiết kế thương hiệu thì khách hàng luôn có những yêu cầu nhất định về màu sắc, chủ đề, thông điệp,… Rất có thể những yêu cầu này đươc các công ty sử dụng khá nhiều thì bài toán đặt ra lúc này với các nhà thiết kế chính là sáng tạo trên những nguyên liệu đã cũ. Theo đó cũng gây sức ép lên khách hàng: liệu rằng thiết kế này có tạo ra được sự chú ý không, có thể hiện hết tinh thần của sản phẩm không,… Lúc này phải đưa ra giải pháp phù hợp, tức là sáng tạo trong chính giải pháp. Làm sao để thông qua sản phẩm người ta có thể cảm nhận được cảm hứng, thông điệp mà nhà thiết kế muốn truyền tải. Hiểu đơn giản: “Sáng tạo là lột tả rõ nhất idea”
Nguyên tắc sáng tạo là gì?
Diễn giả bật mí nguyên tắc gồm 5 bước, đây chính là cách thức anh vận hành công ty của mình, giúp cho những ý tưởng luôn dồi dào.
Bước 1: Rõ đầu bài
Bạn muốn làm gì, muốn sáng tạo những điều to lớn như thế nào chăng nữa thì bạn cũng phải có đầu bài và phải hiểu thật rõ, thật kỹ nó. Hay nói cách khác chính là xác định đối tượng khách hàng hướng tới. Ví dụ: Khi bạn tạo ra một cái ghế thì mình phải xác định rõ đối tượng mua là gì để thiết kế kiểu dáng, màu sắc, chất liệu cho thích hợp.
Rõ đầu bài chính là chìa khoá để mở ra cánh cửa của sáng tạo.
Bước 2: Đưa ra thật nhiều giải pháp
Đặt ra thật nhiều giải pháp, đẩy mạnh tư duy, “ăn cũng nghĩ đến nó, ngủ cũng nghĩ đến nó” như anh Nguyễn Kim Đính đã nói.
Bước 1 và 2 là hai bước đi đến tận cùng của não bộ, khai khác tối đa tư duy. Muốn sáng tạo ta phải áp dụng hai bước này thật triệt để.
Với đề bài thực hiện TVC quảng cáo về nhãn hàng nước hoa, hãy xem cách học viên Arena giải quyết bài toán đó như thế nào nhé!
Bước 3: Đi tới từng giải pháp
Sau khi đưa ra nhật nhiều giải pháp thì đây là bước để chúng ta thử nghiệm giải pháp để tìm ra giải pháp tối ưu nhất.
Bước 4: Nghỉ ngơi
Khi những giải pháp đưa ra không đáp ứng được yêu cầu, khi chúng ta rơi vào tình trạng chán nản, hay nói cách khác là rơi bào thế bí thì chúng ta nên dành cho mình một khoảng thời gian tĩnh để nghỉ ngơi, thư giãn (relax). Thường thì trong khoảng thời gian ấy chúng ta sẽ cho ra rất nhiều ý tưởng thú vị. Có thể nói đây giai đoạn quan trọng nhất trong sáng tạo. Cách thức này được rất nhiều các tập đoàn lớn áp dụng để phát triển tối đa năng lực tối đa của nhân viên.
Bước 5: Quay lại làm việc
Khi đã có được những ý tưởng sau khoảng thời gian nghỉ ngơi thì đây là lúc chúng ta quay lại với công việc và thực hiện những ý tưởng sáng tạo của mình.
Phương pháp sáng tạo là gì?
Mỗi người sẽ có một phương pháp sáng tạo, riêng anh Nguyễn Kim Đính thì áp dụng: “Logic hình thái”.
Hiểu đơn giản là xâu chuỗi các hình ảnh không liên quan để đưa ra ý tưởng, đây là phương pháp giúp não bộ liên tưởng hình ảnh và đưa ra các thông điệp.
Ví dụ: Đề bài cho là thiết kế một cái đồng hồ. Chúng ta đưa ra: nước, gỗ, màu xanh, con cá,… Những thứ này không hề liên quan đến đồng hồ nhưng nếu xâu chuỗi các thông tin đó lại sẽ lên được ý tưởng: Đồng hồ màu xanh, nền chứa nước, có hình con cá ở dưới; hay đồng hồ bằng gỗ, nền màu xanh;…
Hay ví dụ đầu bài cho: “Thiết kế quảng cáo cho hãng trà lipton và cảm giác cần thật “relax”.
Lúc này chúng ta sẽ ngồi liệt kê ra quảng cáo có những hình thức: báo, truyền hình,… Trong trường hợp này chúng ta lựa chọn quảng cáo môi trường. Logic hình thái lúc này là đưa ra những hình ảnh: cái cây, màu xanh, ngoài đường, cái cốc,… Chúng ta sẽ xâu chuỗi thành ý tưởng: thiết kế cốc trà hình cái chậu cây có tem của hãng trà.
Có thể nói, không tồn tại sẵn trong mỗi người, sáng tạo là quá trình chắp nhặt, lựa chọn, thử nghiệm để đưa ra giải pháp tối ưu cho đối tượng. Trong sáng tạo không được đem cái cá nhân áp đặt lên người khác mà là thuyết phục người ta tin vào giải pháp mình đưa ra. Hãy học hỏi và trau dồi ngay từ ngày hôm nay để khai thác tối đa năng lực trong bản thân, đặc biệt đối với nghề thiết kế để tạo ra các sản phẩm mang dấu ấn riêng của chính mình được mọi người công nhận.
Thu Hường