Cùng theo dõi buổi Workshop: 3D Typography với Arena Multimedia để hiểu được những kỹ thuật giúp con chữ trở nên sinh động và làm chủ xu hướng thiết kế tương lai.
Nhắc đến 3D, hầu hết chúng ta thường liên tưởng tới kỹ xảo phim bom tấn hay tạo hình nhân vật hoành tráng dành cho game online. Thế nhưng, khía cạnh này còn có nhiều ứng dụng đa dạng khác, mà một trong số đó chính là Typography.
Là nghệ thuật tạo hiệu ứng khiến con chữ trở nên trực quan chân thực, 3D Typography được đánh giá vượt trội hơn 2D Typography bởi khả năng khiến con chữ “nhảy ra khỏi trang giấy” chứ không nằm yên trên mặt phẳng. Cùng lợi thế về khả năng tạo hình khối, chuyển động, 3D Typography đang trở thành công cụ tuyệt vời giúp các Designer thỏa sức sáng tạo các ấn phẩm truyền thông bắt mắt.
Vì vậy, trong bài viết lần này, Arena Multimedia sẽ giúp các bạn tiếp cận gần hơn với 3D Typography thông qua những chia sẻ đến từ thầy Trần Anh Khoa – Vị giảng viên sở hữu hơn 10 năm kinh nghiệm chinh chiến trong lĩnh vực đồ họa 3D. Tập trung khai thác hai khía cạnh của nghệ thuật chữ 3D: Static và Motion, đây sẽ là cơ hội để bạn nâng cấp kỹ năng, và bắt kịp một trong những xu hướng thiết kế “hot” nhất thời điểm hiện tại.
*Lưu ý: Tất cả phần hướng dẫn của thầy Trần Anh Khoa được thực hiện trên phần mềm 3D Maya. Nội dung bài viết này sẽ phù hợp với những bạn đã có kiến thức nền tảng và hiểu rõ các thuật ngữ chuyên môn của 3D.
Phương pháp xây dựng Typography tĩnh (Static)
Quy trình thực hiện 3D Static Typography (Chữ 3D tĩnh) thường sẽ trải qua những giai đoạn sau:
– Creative Text (Sáng tạo chữ)
– Modify Text (Điều chỉnh chữ)
– Shading, Lighting, Rendering (Làm vật liệu, đặt đèn, kết xuất)
Giai đoạn Creative Text, Modify Text, Shading, Lighting cho phép Designer lựa chọn đa dạng font chữ, đồng thời điều chỉnh các thông số kỹ thuật về Font Size, Tracking, Kerning Scale, Leading Scale giúp chữ hiển thị hợp lý hơn. Ngoài ra, để các đường nét, góc cạnh của chữ đạt hiệu quả thị giác cao nhất, chúng ta cũng có thể sử dụng nhiều công cụ khác như: Extrusion (tăng độ dày), Bevels (tạo độ mềm mại)… Sau các công đoạn này, bạn cần phải Render để nhìn thấy toàn diện tác phẩm, bởi khi vật thể vẫn còn nằm trong không gian làm việc, bạn sẽ khó mà đánh giá được bố cục, vật liệu hay mức độ tương tác giữa màu sắc, ánh sáng. “Rất khó để thu được sản phẩm ưng ý ngay sau lần render đầu tiên, vì chẳng có bất kỳ đáp số chung cho câu hỏi bao nhiêu là đủ, bao nhiêu là đẹp. Việc bạn cần làm là phải liên tục phân tích, điều chỉnh đến khi nào cảm thấy hài lòng nhất với nó.” – Thầy Trần Anh Khoa chia sẻ.
Tại Workshop, thầy Trần Anh Khoa cũng hướng dẫn tạo hiệu ứng đổ bóng cho 3D Typography bằng cách sử dụng công cụ Lighting. Việc đặt nguồn sáng ở góc độ nào sẽ quyết định chiều bóng đổ, chỉ cần thay đổi một chút vị trí đặt đèn cũng có thể tạo ra sự khác biệt rất lớn cho con chữ. Từ phần “thị phạm” trực quan, thầy chia sẻ thêm: “Một trong những yếu tố tạo nên sự thú vị của 3D Typography chính là khả năng thể hiện tuyệt vời, nội dung chữ và hình thức chữ liên hệ rất chặt chẽ với nhau.”
Điều cốt lõi làm nên linh hồn của Typography động (Motion)
Trước khi bước vào khám phá Typography động, thầy Trần Anh Khoa dành lời khuyên đến các bạn trẻ đã từng hoặc chưa bao giờ tiếp xúc với Animation trong 3D: “Dù bạn có sử dụng phần mềm nào để thiết kế thì hãy luôn ghi nhớ rằng, cốt lõi của Animation không nằm ở phần mềm mà nằm ở các nguyên tắc chuyển động và con mắt thẩm định của bạn.”
Trước nhất, khi tạo 3D Typography động, chúng ta nên chọn deformable type để đảm bảo chất lượng bề mặt chữ không bị biến dạng trong quá trình gắn thêm hiệu ứng. Nhằm giúp các bạn có hình dung cụ thể hơn về quá trình tạo ra 3D Typography động, thầy Trần Anh Khoa tiến hành kích hoạt Animation và hướng dẫn cách làm chữ nhảy. Theo đó, hộp công cụ Animation Mode có ba loại chuyển động cơ bản:
– Translate (xê dịch)
– Rotate (xoay)
– Scale (Phong to, thu nhỏ)
Bạn có thể lựa chọn một trong ba loại chuyển động, mà cụ thể ở trường hợp này, chúng ta sẽ lựa chọn Translate để phù hợp với ý đồ làm chữ nhảy. Tại đây, khi điền các thông số kỹ thuật x, y, z (3 trục được quy định trên không gian 3D, luôn bất biến kể cả khi thay đổi đối tượng làm việc) và tiến hành set key, phần mềm sẽ ghi nhận trạng thái chữ chuyển động bằng các chuỗi frame kéo dài liên tiếp. Có một mẹo nhỏ để tự động hóa quá trình làm việc, đó là bạn có thể kích hoạt chế độ Auto Key. Khi đó, chúng ta chỉ cần set key lần đầu tiên, những lần tiếp theo hệ thống sẽ tự động ghi nhận sự thay đổi.
Vậy làm thế nào để tạo ra chuyển động đẹp cho chữ? Theo quan điểm của thầy Trần Anh Khoa, một chuyển động đẹp là phải có nhịp điệu. Vì vậy, chúng ta có thể dựa vào nguyên tắc trong Animation: Sự chuyển động được tạo thành thông qua mối tương quan giữa thời gian và quãng đường để điều chỉnh quãng đường đi cho đối tượng. Chính sự điều chỉnh này là tiền đề làm biến thiên tốc độ, giúp chuyển động chữ không bị buồn tẻ mà trở nên thú vị hơn rất nhiều.
Nếu muốn rèn luyện kỹ năng 3D, đây là 4 lời khuyên hữu ích dành cho bạn
Tại Workshop lần này, thầy Trần Anh Khoa không chỉ mang đến những kiến thức chuyên môn về 3D Typography mà còn giúp các bạn trẻ giải đáp nhiều vướng mắc thông qua các bài tập tương tác. Mỗi sự phân tích, đánh giá đều rút ra một lời khuyên quý giá giúp hoàn thiện và nâng cấp kỹ năng thiết kế.
1. Khi vẽ Concept Art, các bạn có thể ứng dụng 3D để đánh lighting, tạo dựng các hình khối có độ xa gần hợp lý. Bởi sau khi render, nó sẽ cho ra các hình khối với luật phối cảnh chính xác, và việc của chúng ta bây giờ là chỉ cần vẽ lại dựa trên các lighting ấy. Việc setup và render trong phần mềm Maya sẽ tiết kiệm rất nhiều thời gian thay vì tìm cách tự vẽ đúng phối cảnh, đúng lighting, shadow…
2. Khi các bạn muốn dựng bất kỳ vật thể nào theo concept, các bạn có thể đưa mẫu (reference) vào trong phần mềm Maya để tiện so sánh. Việc này rất quan trọng bởi nó đảm bảo cho sản phẩm của chúng ta làm theo đúng tỉ lệ và tinh thần mà concept đề ra. Tuy nhiên, cần lưu ý khi bạn muốn đưa bất kỳ ảnh mẫu nào vào không gian 3D thì không được sử dụng góc phối cảnh, bởi nó sẽ tạo thành một background khiến bạn rất khó đưa ra sự đối chiếu, so sánh. Thay vào đó, hãy sử dụng mặt front và mặt side để đưa ảnh mẫu vào.
3. Trong các phần mềm 3D luôn có 2 phương pháp tạo hình, đó là Nurse và Polygons. Phương pháp Nurse tuy ra đời trước nhưng có rất nhiều sự hạn chế vì tạo hình chi tiết kém, không có UV. Vì vậy, ta sẽ gặp rất nhiều vấn đề nếu sử dụng phương pháp này để vẽ bề mặt cho đối tượng. Polygons tuy ra đời sau nhưng lại tiến bộ hơn, nó giúp chúng ta đạt được độ tạo hình chi tiết lớn nên các bạn có thể ưu tiên để sử dụng nó.
4. Có ba bề mặt phổ biến trong dựng hình 3D: Triangles (Tam giác), Quads (Tứ giác), Engone (Những bề mặt có từ bốn cạnh trở lên). Trong ba loại này, chúng ta nên dùng Quads, vì nó sẽ giúp cho tạo hình sản phẩm đạt được chất lượng tốt nhất, không bị biến dạng lúc chúng ta smooth. Bạn cũng nên nhớ, không bao giờ chúng ta dựng hình mà để một bề mặt nhiều hơn bốn cạnh, chỉ nên giữ các bề mặt tối đa bốn cạnh.
Lời kết
Một trong những trở ngại lớn nhất mà các bạn trẻ thường gặp phải khi tiếp cận lĩnh vực 3D chính là quá chú trọng vào phần mềm và e ngại mỗi khi nhìn vào thanh công cụ chứa ti tỉ hình khối. Từ góc nhìn cá nhân kết hợp với kinh nghiệm nhiều năm đồng hành cùng những bạn trẻ khám phá lĩnh vực này, thầy Trần Anh Khoa chia sẻ: “Chúng ta không phải học thuộc lòng tất cả các thông số kỹ thuật, cũng không cần biết hết tất cả phần mềm mới học được 3D. Hãy luôn nhớ rằng, khám phá các công cụ để đạt được điều bạn muốn, chứ không phải biết tất cả các công cụ mới bắt đầu làm điều bạn muốn.”
Đó cũng là điều mà Arena Multimedia muốn gửi đến các bạn thông qua Workshop lần này, rằng 3D không chỉ hiện hữu trong các bộ phim phim bom tấn hay game online mà còn ứng dụng trong đa dạng lĩnh vực, đơn cử như Typography. Là những Designer thời đại mới, chúng ta cần cập nhật những xu hướng mới nhất của thị trường sáng tạo, vận dụng kỹ năng lẫn sự tiến bộ công nghệ để tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng hơn.
******
Để được tư vấn về chương trình đào tạo và các hình thức ưu đãi khuyến học tại Arena Multimedia, vui lòng liên hệ Ban tuyển sinh tại Arena gần bạn nhất:
TP.HCM
Email: [email protected]
* ARENA Nguyễn Đình Chiểu
212-214 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3
Tel: 1800 1525
* ARENA Nguyễn Kiệm
778/10 Nguyễn Kiệm, Q. Phú Nhuận
Tel: 1800 6325
* ARENA Tân Kỳ Tân Quý
06 Tân Kỳ Tân Quý, Q. Tân Bình
Tel: 1800 2074
HÀ NỘI
Email: [email protected]
* ARENA Trúc Khê
80 Trúc Khê, Q. Đống Đa
Tel: 1800 1542
* ARENA Phạm Văn Bạch
D29 Phạm Văn Bạch, Q. Cầu Giấy
Tel: 1800 1542
* ARENA Trần Phú
110 Trần Phú, Q. Hà Đông
Tel: 1800 1542