Chuyển động trên phim ảnh chính là điểm nhấn tạo nên sự khác biệt so với những loại hình nghệ thuật khác. Với văn học, bạn chỉ có thể đọc mà không thể nhìn thấy hình ảnh hay nghe được; với Âm nhạc bạn nghe thấy được nhưng không nhìn thấy; với hội họa bạn nhìn thấy được nhưng không nghe thấy,… nhưng Điện ảnh cho phép chúng ta có được tất cả những điều đó một cách trọn vẹn.
Trong khóa học LÀM PHIM NGẮN VỚI SMARTPHONE cùng với Đạo diễn Đỗ Quốc Trung do Arena Multimedia tổ chức vào tháng 03/2020 vừa qua, giúp các bạn trẻ phần nào hiểu hơn về nghề làm phim, đặc biệt là những kiến thức xen lẫn giữa lý thuyết và thực hành về cách làm phim ngắn trên điện thoại.
Cùng điểm lại những kiến thức bổ ích sau bốn buổi học với Đạo diễn Đỗ Quốc Trung về cách làm phim ngắn chỉ với một chiếc điện thoại thông minh có chức năng quay phim, chụp ảnh (Smartphone):
1. Khi bắt đầu quay phim bằng điện thoại, hãy ghi nhớ một điều luôn cầm điện thoại bằng hai tay theo chiều ngang để tạo sự chắc chắn cho khung hình khi quay.
2. Định dạng video luôn là ngang, tuyệt đối không dùng định dạng dọc vì những thước phim thu được sẽ không thể hiện hết tổng quan bố cục, bối cảnh.
3. Sử dụng Tripod hoặc Gimbal cho điện thoại để cố định khung hình, chống rung lắc.
4. Trước khi quay hãy kiểm tra dung lượng điện thoại, tránh trường hợp đang quay mà dung lượng máy đầy phải mất thời gian xóa.
5. Chuẩn bị thêm những thiết bị thu âm rời để thu tiếng nhân vật ngoài hiện trường, vì khoảng cách từ điện thoại đến nhân vật sẽ khá xa, cộng thêm tạp âm khác.
6. Nên sạc điện thoại và chuẩn bị pin dự phòng đầy đủ cho buổi quay tránh để gián đoạn khi quay.
7. Trước khi bắt đầu, hãy chuyển điện thoại sang chế độ máy bay để tránh bị làm phiền trong lúc quay phim.
8. Một số dòng điện thoại cao cấp cho phép bạn thiết lập độ phân giải điểm ảnh 4k, 2k, full HD, HD 720, SD,… tỷ lệ khuôn hình 16:9 hay 4:3; chế độ quay bao nhiêu khung hình/giây. Hoặc bạn có thể tải các ứng dụng quay phim có sẵn trên điện thoại về để quay trực tiếp, ưu điểm là chất lượng các clip đẹp, ấn tượng hơn, ngoài ra các tính năng điều chỉnh bằng tay cũng được thiết kế khoa học, bắt mắt dễ dùng, khiến người dùng có cảm hứng hơn khi quay.
9. Phải xác định kích thước mong muốn để cố định khung hình khi quay. Các kích thước video hiện nay HD-720, HD-1080, Video 2K, Ultra HD, Video 4K. Tỷ lệ khung hình 16:9 thường được dùng trong cái video trên internet và truyền hình, còn tỷ lệ khung hình phim chiếu rạp là 1,85:1 hoặc 2,39:1. Để làm video trở nên cinematic hơn, bạn có thể áp dụng việc thay đổi tỷ lệ khung hình bằng cách thêm 2 thanh black bar (thanh màu đen) vào phía trên và dưới video.
10. Điểm vàng trong quay phim trên điện thoại, trong quá trình sắp xếp bố cục một bức ảnh, nó đòi hỏi khung hình phải được chia làm chín hình chữ nhật bằng nhau bởi bốn đường thẳng cắt nhau, trong đó hai đường cắt khung ảnh thành ba phần theo hàng ngang, hai đường còn lại cắt thành ba phần theo hàng dọc. Bốn điểm giao nhau được gọi là bốn điểm vàng, theo phân tích tâm lý thì đây là điểm hút mắt khán giả, hút mắt người xem khi nhìn.
11. Khi quay hãy luôn chú ý khoảng hở phía trên và dưới khung hình, đừng để sát vào đầu và chân nhân vật. Lưu ý, bao giờ khoảng hở ở dưới cũng ít hơn bên trên trên.
12. Khi quay hãy canh khung hình thật kỹ, đừng lấy sát mép cơ thể, còn nếu muốn quay nửa nhân vật thì lấy từ đỉnh đầu đến tay.
13. Khi quay trên điện thoại, hạn chế sử dụng chế độ zoom tự động vì sẽ làm cho video của bạn không được sắc nét và mờ. Nếu muốn quay cận cảnh, hãy di chuyển điện thoại đến gần nhân vật hơn để quay lại thay vì sử dụng chế độ zoom.
14. Khi quay hãy nên nhớ có đủ 4 cỡ cảnh gồm: Toàn cảnh (giúp khán giả hình dung được bối cảnh nơi xảy ra sự việc); Trung cảnh (miêu tả sự việc đang diễn ra); Cận cảnh (mô tả chi tiết); Đặc tả (những chi tiết đặc biệt muốn nhấn mạnh).
15. Sau khi hoàn thành công đoạn quay sẽ chuyển sang phần dựng phim. Có rất nhiều ứng dụng chỉnh sửa, cắt ghép video miễn phí dành cho điện thoại bạn có thể tải về sử dụng. Cách thứ hai là dựng phim bằng Adobe Premiere trên máy tính, cách này sẽ giúp bạn tối ưu khâu hậu kỳ cho phim hơn vì có nhiều chức năng hơn.
Thông điệp cuối cùng mà Đạo diễn Đỗ Quốc Trung gửi đến 40 học viên của mình trước khi khép lại khóa học chính là: “Muốn làm phim hay thì việc đầu tiên là phải xem nhiều phim. Nếu yêu thích công việc làm phim hãy mạnh dạn hiện thực nó bằng các sản phẩm thực tế, đừng sợ làm ra phim dở. Vì qua những lần làm trực tiếp, bạn mới rút được nhiều bài học, tránh lặp lại sai lầm mà tiến bộ hơn. Tất cả những người làm phim chuyên nghiệp họ cũng bắt đầu sự nghiệp của mình như thế”.
Tống An